Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Trẻ bướng bỉnh có xu hướng thành công hơn trẻ ngoan ngoãn

 

Trẻ bướng bỉnh có xu hướng thành công hơn trẻ ngoan ngoãn

Con cái bướng bỉnh là cơn ác mộng với mọi ông bố, bà mẹ. Tuy nhiên, nghiên cứu lại chỉ ra, chính những đứa trẻ này lại có khả năng thành công trong tương lai hơn so với những trẻ ngoan ngoãn.

Không phải đứa trẻ nào cũng là những thiên thần nhỏ, luôn ngoan ngoãn và vâng lời. Có những đứa trẻ ngang ngạnh và bướng bỉnh vô cùng, khiến bố mẹ đau đầu không biết phải giáo dục, dạy dỗ ra sao.

Tuy nhiên, bố mẹ không cần quá lo lắng về điều đó. Bởi theo một nghiên cứu được thực hiện bởi trang ResearchGate, đôi khi chính những đứa trẻ bướng bỉnh và nổi loạn lại thành công hơn nhiều trong tương lai so với những trẻ ngoan ngoãn, an phận.

Khoa học nói gì về những đứa trẻ bướng bỉnh?

Khi con bắt đầu đi học, bố mẹ thường có ít nhiều kỳ vọng về chúng. Chẳng hạn như việc mong con được điểm cao, ngoan ngoãn với thầy cô, hòa đồng, thân thiện với bạn bè... Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy!

Theo kết quả của một nghiên cứu tổng hợp thông tin từ năm 1968 - 2018, dựa theo phân tích hành vi của khoảng 3.000 trẻ em từ 8-12 tuổi trên các khía cạnh: trí thông minh, các biện pháp giáo dục, nguyện vọng, tình trạng kinh tế xã hội, nền tảng gia đình, các hoạt động, cảm xúc, thói quen thường ngày thì thấy được, những trẻ bướng bỉnh thường có xu hướng đặt câu hỏi về những điều xảy ra xung quanh và suy nghĩ vượt quá giới hạn được thiết lập cho chúng.

Điều này khiến những đứa trẻ bướng bỉnh có suy nghĩ sáng tạo hơn khi nghĩ về những ý tưởng mới hoặc khi thành lập doanh nghiệp. 

Những trẻ được coi là nổi loạn, không vâng lời hay hung hăng có thể đặt mình vào những vị trí quan trọng trong công việc, kiếm được nhiều tiền hơn những trẻ có điểm số tốt và sống kỷ luật khi trưởng thành.

Trẻ nổi loạn có xu hướng thông minh, trách nhiệm và thành công

Theo phân tích từ các cuộc nghiên cứu thì thành công của những đứa trẻ nổi loạn ở tuổi trưởng thành có thể là kết quả của sự ích kỷ và xu hướng đặt lợi ích của chính mình lên hàng đầu.

Vì những kẻ nổi loạn không tuân thủ các quy tắc áp đặt nên có thể trở thành một chuyên gia khi đàm phán và bảo vệ mức lương mong muốn. Cũng chính bởi cảm giác không phù hợp, muốn vùng vẫy mà họ luôn tìm kiếm những lựa chọn hấp dẫn và có lợi ích nhất cho mình.

Tất nhiên, bố mẹ cũng cần biết rằng, những hành vi được coi là không vâng lời của 50 năm trước không liên quan gì đến ngày nay và thành công của những đứa trẻ nổi loạn có thể vì một số nguyên nhân khác. 

Lối sống của nhiều năm trước không giống với lối sống của hiện tại. Và bố mẹ không nên áp đặt các quan điểm cũ để khép đứa trẻ vào tội không vâng lời. Điều này có thể làm sai lệch nhận thức của chính bố mẹ và con cái.

Nếu trẻ bướng bỉnh, nổi loạn, chắc hẳn bố mẹ sẽ rất đau đầu. Nhưng bố mẹ cũng không cần quá lo lắng về điều đó, bởi biết đâu khi lớn lên, con bạn lại thành công nhờ chính cá tính khác biệt đó. Điều cần nhất bố mẹ có thể làm bây giờ là bình tĩnh để đương đầu với sự bướng bỉnh của con và hướng chúng đi đến con đường đúng đắn.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Nguy Hiểm Tiềm Ẩn Của Những Đứa Trẻ Ngoan

 

Nguy Hiểm Tiềm Ẩn Của Những Đứa Trẻ Ngoan (Hay Cả 'Người Lớn Ngoan')

Những đứa trẻ ngoan làm bài tập về nhà đúng giờ; chữ viết của chúng ngay hàng thẳng lối; chúng giữ phòng ngủ gọn gàng; chúng thường hơi nhút nhát; chúng muốn giúp đỡ cha mẹ của mình; chúng sử dụng phanh khi đạp xe xuống đồi.

Bởi chúng không gây ra những vấn đề ngay trước mắt, chúng ta có xu hướng ngầm cho rằng mọi thứ đều ổn với những đứa trẻ ngoan. Chúng không phải là tâm điểm của những mối quan tâm; mà là thuộc về những đứa trẻ đang vẽ hình graffiti trên tường của đường hầm. Mọi người mang một tư tưởng rằng những đứa trẻ ngoan thì rất tốt, bởi chúng làm mọi thứ đúng với những kỳ vọng của mọi người.

Và dĩ nhiên, đó mới chính là vấn đề. Những nỗi buồn ẩn giấu - và những khó khăn trong tương lai - của một cậu bé hay cô bé ngoan bắt đầu với nhu cầu bên trong của chúng về sự tuân thủ quá mức. Một đứa trẻ ngoan ngoãn không bởi vì đó là bản chất tự nhiên của chúng mà bởi chúng không có thiên hướng nào khác. Chúng ngoan bởi vì chúng không có lựa chọn nào khác. Sự ngoan ngoãn của chúng là một điều cần thiết chứ không phải là một lựa chọn.

Nhiều đứa trẻ ngoan ngoãn tỏ ra biết vâng lời bởi vì tình yêu thương với bậc cha mẹ bận rộn đến kiệt sức và thể hiện rõ ràng ra mặt rằng họ không thể nào chịu đựng thêm một chút phiền phức hay khó khăn nào nữa. Hoặc có thể chúng rất giỏi trong việc làm dịu đi sự giận dữ của bố mẹ, nhưng sự kìm nén những cảm xúc đầy tính thách thức này, mặc dù nó tạo ra sự vâng lời ngoan ngoãn ngắn hạn, sẽ tích trữ một lượng lớn khó khăn trong cuộc sống sau này. Các nhà giáo dục và phụ huynh trong khi giao tiếp với trẻ nên phát hiện ra các dấu hiệu của sự lịch sự thái quá - và hãy coi chính dấu hiệu đó là mối nguy hiểm.

Đứa trẻ ngoan trở thành người chất chứa quá nhiều bí mật và nó là “hình mẫu” đáng thương thay gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về những hậu quả tuy cá biệt nhưng thật nghiêm trọng. Chúng nói những lời đáng yêu, chúng là những chuyên gia trong việc thỏa mãn sự mong đợi của khán giả, nhưng những suy nghĩ và cảm xúc thực sự của chúng bị chôn vùi và sau đó tạo ra các triệu chứng tâm lý, những cơn co giật, bùng phát đột ngột và nỗi cay đắng xót xa.

“Căn bệnh” của đứa trẻ ngoan là chúng không có kinh nghiệm về việc người khác có thể chịu đựng tha thứ cho tính xấu của chúng. Chúng đã bỏ lỡ một đặc quyền quan trọng dành cho đứa trẻ khỏe mạnh; rằng nó được phép thể hiện những mặt thèm muốn, ghen tị, tham lam, tự cao tự đại nhưng vẫn được dung thứ và yêu thương.

Trong công việc, người lớn “ngoan” cũng có vấn đề. Khi còn là một đứa trẻ, chúng tuân theo các quy tắc, không bao giờ gây rắc rối và cẩn trọng không làm phiền nhiễu bất kỳ ai. Nhưng tuân thủ theo các quy tắc sẽ không giúp chúng tiến xa trong cuộc sống khi trưởng thành. Hầu hết mọi thứ mà thú vị, đáng làm hoặc quan trọng sẽ gặp phải một mức độ đối lập. Một ý tưởng tuyệt vời sẽ luôn làm thất vọng một số người - và tuy nhiên rất đáng để nắm giữ nó. Đứa trẻ ngoan bị chỉ trích vì làm nghề nghiệp tầm thường và luôn muốn làm hài lòng mọi người.

Trưởng thành hoàn toàn là khi ta có một mối quan hệ thẳng thắn, không sợ hãi phần tối lẫn sự phức tạp và tham vọng trong chính bản thân mình. Nó liên quan đến việc chấp nhận rằng không phải tất cả mọi thứ khiến chúng ta hạnh phúc sẽ làm hài lòng người khác hoặc được xã hội tôn vinh đặc biệt là “lòng tử tế” - nhưng dù sao đi nữa, điều quan trọng là phải khám phá và giữ lấy điều đó.

Mong muốn trở thành người tốt là một trong những điều đáng quý nhất trên thế giới, nhưng để có một cuộc sống thực sự tốt đẹp, đôi khi chúng ta có thể cần phải (theo tiêu chuẩn của đứa trẻ tốt) “xấu tính” một cách hiệu quả và dũng cảm.

Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/the-dangers-of-the-good-child/

Để Ngủ Ngon Chúng Ta Cần Nghĩ Sâu

 

Chứng Mất Ngủ Và Triết Học - Để Ngủ Ngon Chúng Ta Cần Nghĩ Sâu

Việc không thể đi vào giấc ngủ thật ra rất đáng sợ. Chúng ta đánh mất khả năng kiểm soát các nhu cầu để chuẩn bị cho hoạt động của ngày hôm sau. Chúng ta hoảng loạn vì chính sự đang hoảng loạn của mình. Khả năng đi vào giấc ngủ càng trở nên khó khăn hơn khi kim đồng hồ tích tắc đếm ngược về một buổi rạng đông đầy vật vã và bứt rứt vào sáng hôm sau. Xã hội của chúng ta đã học được cách điều trị chứng mất ngủ với phương cách khắc nghiệt nhất: dùng thuốc. Phải chú ý rằng, là phải dùng những viên thuốc đủ mạnh để đánh vật buộc cho ý thức phải phục tùng.

Nhưng thay vì ngay lập tức tìm cách điều trị cho sự mất ngủ, chúng ta có lẽ nên cố gắng hiểu nó bắt nguồn từ đâu trong bản chất con người – và cho dù bằng cách gây bối rối nhất, cơn mất ngủ đang cố nói gì với chúng ta.

Và trong nhiều trường hợp, cần ghi chú là không phải tất cả, nó có thể là thế này: chứng mất ngủ là sự trả thù của tâm trí cho một thứ gì đó cực kỳ quan trọng mà chúng ta đã quên làm trong ngày, nói thẳng ra đó là, suy nghĩ.

Điều dĩ nhiên hầu hết chúng ta có một lượng lớn những suy nghĩ giữ trong tâm trí suốt một ngày dài, nhưng những điều này mang tính thực hành, mang tính thủ tục, những vấn đề cấp thiết – những thứ làm chúng ta tránh xa khỏi những câu hỏi lớn, và sâu sắc về định hướng, mục đích và giá trị của mình.

Một số câu hỏi đặc biệt quan trọng cần được giải quyết, thứ gì đó tồn tại ở bên trong chúng ta – bạn có thể gọi là người bảo vệ nội tâm hay lương tâm - khuyến cáo chúng ta nên ngừng tìm kiếm tất cả những lợi ích hữu hình của giấc ngủ, và rồi để cho một đống vấn đề đang tồn đọng không được giải quyết lâu hơn nữa.

Điều này dẫn dắt chúng ta tới con đường của giải pháp quan trọng cho chứng mất ngủ: không cần quá nhiều những viên thuốc, hay một loại trà đặc biệt, hay một bể nước ấm, mà chủ yếu là, dành nhiều thời gian hơn – trong những thời khắc phù hợp trong ngày – để suy nghĩ, nhiều thời gian hơn trong đó không có yêu cầu nào đối với chúng ta và cuối cùng chúng ta có thể suy ngẫm về mặt triết học: đó là kiểm tra một cách có hệ thống mọi thứ chúng ta quan tâm, sàng lọc thông qua sự hối tiếc, thảo luận về công việc của ta với “nhà phê bình nội tâm”, giải tỏa những căng thẳng về mối quan hệ của chúng ta với con người thật của chính mình. Nói tóm lại, hãy để bản thân ta làm quen lại với chính mình.

Mất ngủ hiếm khi là một căn bệnh: nó là một lời khẩn cầu không rõ ràng, điên rồ, nhưng lại vô cùng lành mạnh được phát ra từ cốt lõi con người của chúng ta, đó là ta đã có những vấn đề đã bỏ ngỏ quá lâu rồi. Mất ngủ không hẳn là ta đối phó với việc không thể chìm vào giấc ngủ; mà nó là về việc ta đã không cho phép chính mình có cơ hội để suy tư ngẫm nghĩ.

Nguồn bài dịch: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/philosophy-and-insomnia/