Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

‘Nỗi sợ thành công’

 

Nỗi sợ thành công cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta trượt dài trong thất bại?

Cấp trên của cô L. thông báo rằng công ty vừa trúng thầu một dự án xây dựng lớn mang tầm quốc gia, và ông ngỏ ý muốn cô L. đảm đương vị trí quản lý dự án. Tất cả những gì cô L. cần làm là trả lời chính thức cho sếp về việc chính thức tham gia dự án vào ngày thứ hai tới.

Là một nhân viên mẫn cán của công ty, từ lâu cô L. đã mong ước được trao một cơ hội như thế. đây còn có thể là bệ phóng sự nghiệp. Bản thân cô L. biết mình có đủ kinh nghiệm và năng lực dẫn dắt dự án này. Ấy vậy mà đến ngày thứ hai, cấp trên bất ngờ khi cô L. viện đủ lý do để không phải tham gia dự án, thậm chí cô còn đề xuất sếp giao dự án cho người khác quản lý.
Bản chất của nỗi sợ thành công

Nỗi sợ thành công được chẩn đoán và phát hiện lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Matina Horner vào những năm 1970. Những kết quả nghiên cứu của bà liên quan đến nỗi sợ thành công ở phụ nữ là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh cãi về nữ quyền lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, người ta đã và đang nghiên cứu nhiều hơn về nỗi sợ này, và cả giới khoa học lẫn tâm lý học ngày nay đều khẳng định rằng nỗi sợ thành công tồn tại như nhau ở cả nam và nữ.

Nỗi sợ thành công có nhiều điểm tương đồng với nỗi sợ thất bại. Chúng có nhiều triệu chứng tương tự nhau, và cả hai nỗi sợ đều kìm hãm chúng ta trên đường đời, khiến chúng ta trì hoãn hoặc mãi mãi không hiện thực hóa được những ước mơ và mục tiêu cuộc đời.

Thay vì vui mừng hay tự hào, bạn lại có cảm giác tội lỗi khi mình làm thành công một việc gì đó, hoặc khi mình vừa chiến thắng một cuộc thi hay thử thách. Vì bạn e ngại rằng khi mình đang đứng trên đỉnh vinh quang như thế, thì những bạn bè, người thân hay đồng nghiệp của bạn sẽ buồn hoặc khó chịu vì họ không được như thế.

Bạn thường xuyên thỏa hiệp, thậm chí hy sinh những ước muốn hoặc mục tiêu của bản thân để không phải bị người khác căm ghét hay tị nạnh, để giữ hòa khí trong nhóm làm việc hoặc trong gia đình.

Bạn cho rằng nếu mình có đạt được thành công đi chăng nữa, mình cũng sẽ không biết làm sao để duy trì thành công. Kết cuộc, sự tự ti đó khiến bạn thất bại thật, thậm chí càng lúc càng tụt hậu so với trước kia. Khi điều này xảy ra, bạn lại tự đắc rằng: “Thấy chưa, mình đã nghĩ đúng!”.

Vượt qua nỗi sợ thành công
Nỗi sợ thành công có thể được khắc phục và vượt qua bằng nhiều chiến lược đa dạng. Miễn là bạn dũng cảm thừa nhận và đối mặt với nỗi sợ của mình, phân tích và thấu hiểu nó, bạn sẽ biết cách làm cho nó suy yếu, từ đó giành lại được dũng khí để hành động và có được cuộc sống như mơ ước.

 

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Giai thoại về Nguyễn Công Trứ

 

Giai thoại về Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, sinh ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19 tháng 12 năm 1778; người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 

Một hôm, thầy học đến thăm nhà trò Củng, cùng với thân phụ của cậu ngồi đàm đạo, lâu lâu hai người lại kéo thuốc lào, thả khói thơm lừng từng đám bay ra như mây. Củng được phép đúng bên hầu thầy và cha để hóng chuyện. Chợt thấy cha đưa tay vê vê điếu thuốc nạp vào nõ, cậu vội đốt đóm đưa lên. Cụ Đức Ngạn Hầu rít một hơi dài khoan khoái, rồi nhả khói bay ra thành luồng như một con rồng uốn khúc. Cúi mình đón cái điếu cày từ tay cha, bất ngờ cậu bé Củng ứng khẩu đọc luôn hai câu:

Nín hơi, biển động ba tầng sóng,

Há miệng, rồng bay chín khúc mây.

Thầy học không nín được, vỗ đùi khen hay. Cha của Củng cũng tròn mắt nhìn, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Như được động viên, Củng sung sướng đọc tiếp:

Ba tầng sóng dội vang trời bể

Năm sắc mây bay thấp thoáng trời.

Thấy trò Củng đọc bốn câu thơ xuất thần đó, thầy học đắc ý lắm, gọi cậu đến gần, xoa đầu khen ngợi rồi nói với cụ thân sinh của cậu:

- Trò Củng sẽ có một tương lai phong vân đắc lộ, sự nghiệp kinh nhân, tôi rất hãnh diện có một môn sinh như Củng. Nhưng ở đây trường t­ư nhỏ bé, trình độ các học sinh còn thấp kém nhiều so với Củng. Nếu Củng còn lư­u học ở đây, tôi e sẽ làm uổng phí thì giờ của Củng. Vậy tôi khuyên ngài nên cho Củng xin lên trường quan Đốc trên tỉnh theo đòi bút nghiên để chóng thành tài...

Nghe theo lời khuyên của thầy, Củng từ đó được lên tỉnh thành Hà Tĩnh học.

Trước ngày lên đường đi học với thầy khác, Củng đến dâng thầy học cũ của mình đôi câu đối để tạ ơn:

Tuy tôn sư chi giáo trạch vô cùng, hà cảm xá cận nhi cầu viễn;

Nhi quốc gia chi học quy hữu định, tương sử tự hạ tiệm thăng cao.

Nghĩa là:

Tuy ơn giáo dục của tôn sư vô cùng, đâu dám bỏ nơi gần mà đi tìm nơi xa;

Nhưng phép học hành của quốc gia có định, nên phải từ chỗ thấp mà bước lên chỗ cao.

Thế là “túi đàn, cặp sách đề huề”, trò Củng rời đất Nghi Xuân lên đường vào thành Hà Tĩnh học.

Lúc này cậu đã 15 tuổi, trở thành Nho sinh trường Đốc học của tỉnh.

KHẢ ÚY ĐOAN ĐOAN ĐÍCH HẬU SINH

Vừa mới lên tỉnh học được ít lâu, một chiều nọ đẹp trời, Nho sinh Củng lang thang dạo phố thì bỗng gặp một đoàn xe ngựa của quan Tuần phủ đi hành hạt, dù lọng nghênh ngang, tiền hô hậu hoán. Đang lớ ngớ không biết đường tránh, cậu vô tình cản đường đoàn người ngựa và bị toán lính hầu bắt tới trình quan về tội vô lễ. Cậu trò vừa bị giải đến nơi, đã nghe quan quát hỏi:

- Sao cậu dám thất lễ với bản quan?

- Bẩm quan lớn, tiểu sinh nguyên học ở trường làng, vừa mới lên tỉnh chưa biết rõ các nghi lễ nên mới vô tình vô lễ, xin quan lớn dung thứ.

- À, nếu cậu đúng là sĩ tử trường Đốc học, bản quan sẽ ra một vế đối, cậu đối hay thì được tha, bằng không sẽ bị giam về tội “phạm thượng”!

Rồi quan đọc:

- Khách khoa bảng, khách văn ch­ương, giữa quan khách, khách lại gặp khách.

Không nghĩ ngợi lâu, Nho Củng ứng khẩu đối ngay:

- Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai!

Củng lại tung ra một câu thơ khẩu khí! Quan Tuần phủ nghe xong hết lời khen cậu là kẻ thiếu niên mà chí khí lớn lao, nên chẳng những tha lỗi cho mà còn thưởng thêm một quan tiền đồng (trị giá bằng sáu quan tiền kẽm).

Rồi quan quay sang nói với các vị đồng hành:

- Quả là Khả úy đoan đoan đích hậu sinh.

Đây vốn là một câu cổ thi, nghĩa là: “Kẻ hậu sinh nầy rất đáng sợ”.

Văn hóa Nghệ An

-----

Năm 1819, ông thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Bấy giờ ông đã bốn mươi mốt tuổi. Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ đã làm hai việc đáng chú ý hơn cả là khai hoang và giúp triều đình “an dân”.
Nguyễn Công Trứ hết sức chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của nông dân. Ông đề nghị “đặt nhà học” cho con em nhân dân được học hành..

Nguyễn Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm, chính trực. Thuở bé nghèo xác, lớn lên thi đỗ, làm quan, về già Nguyễn Công Trứ vẫn sống đạm bạc. Năm 1858, khi nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng, ông đã tám mươi tuổi, nhà thơ vẫn dâng sớ lên vua, tha thiết xin được tòng quân đánh giặc: “ Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản chí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”. Nguyễn Công Trứ mất ngày 14 tháng 11 năm Tự Đức thứ 12. Ông thọ 81 tuổi.

Câu chuyện vui : Nguyễn công Trứ gặp cô gái địch thủ cao tay

 

Gần làng Uy Viễn có bến Giang Đình trên bờ sông Lam, là một trong “Nghi Xuân bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Nghi Xuân), trên bến có khu chợ nổi tiếng với những đặc sản miền quê và cũng là nơi thường lượn lờ, gặp gỡ của trai thanh gái tú. Và một điều thú vị là trên con đường dẫn vào chợ, nơi ngã ba, có một mảnh đất nhỏ không hiểu sao mọi bàn chân đều không dẫm lên, đi vòng qua, nên chỗ đó cỏ xanh bốn mùa, những bụi cây nở hoa đẹp tươi và duyên dáng.

Một chiều xuân nọ, Nguyễn Công Trứ vừa thơ thẩn đến ngã ba đó thì thấy từ đằng xa một cô gái cũng đang đi lại. Chàng trai làm ra vẻ đang mê mải ngắm hoa, nhưng thực ra là câu giờ để đợi giai nhân đến. Biết tỏng chàng Nho sinh kia là ai và vốn không lạ gì những mẹo vặt kiểu đó, khi đến gần cô gái mỉm cười đọc, như bâng quơ:

Có ai vô lí như thi sĩ,

Hoa nở giữa đường cũng vấn vương.

Cô gái ấy vốn là một nghệ sĩ dân gian làng nghệ thuật Ca Trù Cổ Đạm, tài sắc có thừa. Biết đã gặp “đối thủ” cao tay, chàng thi sĩ dù vô lí vẫn không hề bối rối, mà lại buông giọng ỡm ờ như nói với bông hoa ven đường:

Trời đà cho sắc cho hương,

Hoa kia nỡ để gió sương đãi đằng.

Chuyện đến đây, có người nói cô gái tự biết mình không phải là “kì phùng địch thủ” của chàng “thi sĩ vô lí” kia nên e thẹn bước đi, kéo theo cái nhìn xao xuyến của kẻ đa tình; nhưng cũng có người kể, sau một phút lúng túng, nàng đã trả đòn ngoạn mục:

Sắc hương là của đất trời,

Phận ai ai giữ, ai người phải lo!

Rồi không đợi chàng thi sĩ kịp đáp lời, sắc hương đã nhẹ gót xa dần với tiếng cười khúc khích…

ST