Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Tiền bạc và trí tuệ cái nào quan trọng hơn

Cuộc tranh luận thú vị Tiền bạc và trí tuệ cái nào quan trọng hơn giữa người thợ rèn và vị thương nhân dưới đây thực sự rất đáng ngẫm.
Một hôm, có một thợ rèn sắt và một thương nhân tranh luận với nhau: Trí tuệ và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn?
Vị thương nhân đáp: "Nếu nghèo đói như chuột chạy ngoài đồng thì có trí tuệ để làm gì?"
Nghe vậy, người thợ rèn liền phản bác: "Nhưng tiền bạc cũng chẳng giúp được một gã ngốc!"
"Hừ, ông đừng tự mãn", vị thương nhân khẳng định, "Tiền có thể giải thoát một người khỏi bất kì hoàn cảnh khó khăn nào."
 Người thợ rèn không đồng tình bèn nói: "Không có trí tuệ thì tiền bạc chẳng đáng một đồng, còn khi đã có trí tuệ thì dù không có tiền vẫn có thể giúp được người khác."
"Vớ vẩn!", vị thương nhân tức giận phản bác: "Điều này là không thể. Nếu ông chứng minh được trí tuệ của ông có ích hơn tiền của tôi, tôi sẽ đưa ông 1000 Rupi. Còn nếu tiền của tôi hữu dụng hơn trí tuệ của ông, ông phải làm thuê cho tôi. Ông dám cược với tôi không?"
"Được thôi." Người thợ rèn đồng ý.
"Vậy thì chúng ta đi tìm đức vua nhờ đức vua phân bua chuyện này, hai ta không ai được phép nuốt lời." Vị thương nhân nói.
Rắc rối xuất hiện
Sau đó, họ gặp được nhà vua, trình bày nội dung cuộc tranh luận. Vị vua này nổi tiếng tàn bạo, một ngày không giết người là bứt rứt.
Hôm ấy, ông ta đã giết 3 người vô tội. Lúc này, khi nhìn thấy vị thương gia và người thợ rèn, nhà vua đã định bụng sai đao phủ đến chém đầu họ.
Nhưng ông ta nhớ đến lời căn dặn của cha: "Một ngày con không được giết quá 3 mạng người, nếu không sẽ không còn ai săn bắt voi giúp con, chăn đàn ngựa của con, trồng bông và gạo cho con."
Nhà vua không dám làm trái ý nguyện của người cha bèn nghĩ ra một kế. Ông ta đưa cho vị thương gia một bức thư được viết bằng lá cọ, phía trên thêm ba vạch sơn niêm phong, nói với vị thương nhân: "Ngươi hãy cùng người thợ rèn này đem bức thư này gửi cho nhà vua của nước láng giềng. Khi trở lại, trẫm sẽ ban thưởng cho các ngươi."
Sau khi vị thương nhân và thợ rèn chuyển bức thư cho nhà vua nước láng giềng, họ đứng chờ đợi câu trả lời của nhà vua.
Nhà vua xé lớp phong thư, mở bức thư ra rồi cao giọng đọc: "Hỡi người láng giềng hùng mạnh của trẫm, nếu ông muốn trải qua những ngày tháng bình yên thì hãy giết hai người này!"
Vị thương nhân nghe xong nội dung bức thư, sợ hãi quỳ rạp trước mặt nhà vua cầu xin: "Đức vua tha mạng, tôi sẽ giao toàn bộ của cải của mình cho ngài chỉ cần ngài tha cho tôi một con đường sống!"
Nhà vua mỉm cười nói: "Tiền bạc ta có quá đủ rồi. Người đâu, bắt nhốt hai tên này lại, một giờ sau, truyền đao phủ chém đầu hai tên ngoại quốc này cho trẫm!"
Binh sĩ bao vây vị thương nhân và người thợ rèn, giám sát nhất cử nhất động của hai người họ. Vị thương nhân van xin nói: "Xin hãy thả tôi đi, tôi nhất định sẽ đền đáp các anh thật hậu hĩnh, mỗi người 1000 Rupi."
"Nếu bọn tôi thả ông đi, nhà vua sẽ chém đầu bọn tôi. Mạng không còn, có tiền cũng chẳng mua được hạnh phúc." – trưởng nhóm lính trả lời.
Cách ứng xử khôn ngoan của người thợ rèn
Chưa đến 1 giờ sau, đao phủ đã đến, theo sau là nhà vua và quan triều đình. Đao phủ vừa nâng đao lên, người thợ rèn đã phá lên cười.
"Người cười cái gì, kẻ mất trí kia!" Nhà vua cảm thấy rất kỳ lạ.
"Thưa ngài, để tôi nói cho ngài biết lý do tôi cười: vào 5 ngày trước, có một vị tiên tri nức tiếng xuất hiện trong cung của nhà vua chúng tôi.
Vị tiên tri này nhìn thấy chúng tôi bèn nói với nhà vua rằng: Chỉ cần người thợ rèn và vị thương gia này còn sống trên đất nước của ngài, giang sơn này của ngài sẽ phải gánh chịu tai ương khủng khiếp như dịch hạch, hạn hán, bão lũ, nạn đói.
Vì thế nhất định phải diệt trừ hai người họ, nhưng ngài phải nhớ, nếu chính tay ngài giết bọn họ, mọi tai ương sẽ đồng loạt ập tới đất nước của ngài. Vì thế, ngài phải nghĩ cách để vua nước khác giết bọn họ, đến lúc ấy mọi thảm họa sẽ đổ xuống lãnh thổ đất nước khác."
Nhà vua nghe xong giận tím mặt, ông nghiến răng nói: "Nói vậy nghĩa là vua của các ngươi muốn hủy hoại giang sơn của trẫm! Các ngươi trở về đi, báo cho kẻ không giữ chữ tín kia rằng 3 ngày sau binh sĩ của trẫm sẽ xuất quân, giẫm nát mảnh đất của hắn, trẫm muốn bắt hắn làm tù binh, sai hắn đến canh tác ở nơi này!"
Người thợ rèn và vị thương nhân hành lễ với nhà vua, vội vội vàng vàng quay về. Trên đường đi người thợ rèn nói với người thương nhân: "Giờ thì ông đã hiểu trí tuệ có tác dụng hơn tiền bạc chưa? Nếu không có tôi, giờ đầu ông cũng chẳng còn! Mau đưa tôi 1000 Rupi của ông đi!"
"Chúng ta trở về rồi nói tiếp." Vị thương nhân đáp, "Quay về xem tình tình thế nào." Vị thương nhân không cam lòng mất 1000 Rupi, ông quyết tâm phải hãm hại bằng được người thợ rèn.
Chưa đến mấy ngày sau, họ đã đứng trước mặt nhà vua, báo: "Vua nước láng giềng muốn tuyên chiến với ngài, ông ta nói sau 3 ngày sẽ xuất quân san phẳng vùng đất hoa màu của chúng ta."
Nhà vua nghe vậy sợ run người bèn hỏi: "Tại sao ông ta lại giận dữ với trẫm như vậy?"
Lúc này vị thương nhân cướp lời nói: "Đều là do tên thợ rèn này hãm hại nên ông ta mới phẫn nộ với ngài."
Rồi vị thương nhân kể lại toàn bộ sự việc với nhà vua, nhà vua nghe xong liền bật dậy khỏi ghế, ra lệnh: "Trẫm muốn chém đầu cả hai ngươi, người đâu, mau kêu đao phủ đến đây."
Khi đao phủ đến, vị thương nhân liền van nài đao phủ : "Xin hãy tha cho tôi, tôi sẽ  tặng anh một con voi và một túi tiền."
Nhà vua nghe thấy liền quát: "Hai người các người dẫn quân địch đến tấn công lãnh địa của trẫm, trẫm không giết các ngươi không được!"
Đao phủ vừa vung đao lên, người thợ rèn liền phá lên cười, cười đến nước mắt tuôn không ngừng. Đao phủ thấy kì lạ bèn hạ đao xuống, nhìn nhà vua.
"Tên ngốc kia, ngươi cười cái gì?" Nhà vua hỏi.
"Tôi cười vì ngài sắp xử tử tôi. Nhưng ngài lại không biết, chỉ có tôi mới có thể ép quân địch thoái lui. Ngài giết tôi rồi thì chính ngài sẽ phải hứng chịu tai ương, vì thế nên tôi cười"
"Trẫm muốn xem lời ngươi nói có đúng không!" Nhà vua nói, "Ngươi nghe đây, nếu ngươi không thể khiến quân địch thối lui, trẫm sẽ ra lệnh thiêu sống nhà ngươi."
Người thợ rèn đáp: "Ngài chỉ cần cho tôi một con ngựa, quân địch sẽ không dám tấn công vào lãnh địa của ngài nữa."
"Cấp cho hắn một con ngựa!" Nhà vua ra lệnh.
Người thợ rèn cưỡi ngựa phi thẳng về phía quân địch. Đến ranh giới đất nước, ông thấy quân đội của địch cùng nhà vua mặt đầy phẫn nộ cưỡi ngựa đứng phía trước.
Người thợ rèn liền phi ngựa đến trước mặt nhà vua, cản đường nhà vua lại rồi nói: "Ngài hãy giết chết tôi trước rồi hãy phá hủy hoa màu nước tôi. Chỉ cần tôi còn sống, binh sĩ của ngài một người cũng đừng hòng bước qua đường ranh giới này."
Nhà vua nghĩ: Nếu mình giết hắn thì lời tiên đoán đáng sợ kia sẽ xảy ra. Dịch hạch, nạn đói, hạn hán sẽ đổ ập xuống vùng đất của mình.
"Không được giết hắn!" Nhà vua nói, "Để vua nước hắn giết hắn đi, trẫm không phải kẻ địch của ngươi!" Vì thế nhà vua lập tức hạ lệnh cho quân lính rút lui.
Người thợ rèn quay về gặp nhà vua, nói: "Tôi đã thực hiện lời hứa của mình, hiện giờ, chẳng có ai có thể uy hiếp đất nước của chúng ta nữa."
Nhà vua vô cùng hài lòng, hạ lệnh ban thưởng 1000 Rupi cho người thợ rèn. Người thợ rèn cất tiền vào túi, quay sang nói với vị thương nhân: "Giờ thì ông hãy trả tôi số tiền ông đã thua!"
Người thương nhân lúc này không thể không bỏ ra 1000 Rupi. Người thợ rèn vác túi tiền đi, lúc tạm biệt không quên nhắc nhở người thương nhân: "Ông phải nhớ rằng tiền không giúp được kẻ ngốc, người thông minh không có tiền vẫn có thể loại bỏ được tai ương!"
Trí thức trẻ

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Câu chuyện của phó chủ tịch Microsoft : Lòng biết ơn đem lại phúc báo


Jack Canfield, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về thành công cá nhân cho rằng thái độ mạnh mẽ nhất trong tất cả các thái độ tích cực chính là Lòng Biết Ơn. Ông từng nhận định: “Để nâng cao năng lực của bản thân, chúng ta cần xem trọng lòng biết ơn. Lòng biết ơn là thành phần quan trọng nhất cho một cuộc sống hạnh phúc và tròn đầy”.
.
Nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Hoa – Chu Tử Trị (1617-1688) từng giảng: “Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người nông dân trồng nên chúng. Đối với từng mảnh vải ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của những người dệt nên chúng.” Ẩn ý của Chu Tử Trị chính là muốn khuyên bảo con người phải hiểu được biết ơn và tiết kiệm.
.
Chuyện kể rằng ông Stevens sống ở một thành phố của nước Mỹ đột nhiên bị thất nghiệp. Ông Stevens đã làm lập trình viên cho một công ty phần mềm được 8 năm. Ông tưởng rằng mình sẽ làm ở công ty này cho đến khi về hưu và kết thúc sự nghiệp của mình. Nhưng bỗng nhiên công ty phá sản. Đứa con thứ ba của ông Stevens lại vừa mới chào đời, cho nên ông phải tìm việc khác ngay lập tức. Nhưng sau một tháng tìm kiếm, ông vẫn chưa thể tìm được một công việc nào cả. Ông không còn kỹ năng nào khác ngoài công việc lập trình.
.
Cuối cùng, ông đọc trên báo thấy một công ty phần mềm đang tuyển dụng lập trình viên, chế độ đãi ngộ không tồi. Nhiều người đã ứng tuyển vào cùng vị trí đó và mức độ cạnh tranh rất gay gắt.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên, một tuần sau công ty yêu cầu ông làm một bài kiểm tra viết. Bằng kiến thức chuyên môn uyên bác của mình, ông đã vượt qua kỳ thi viết một cách dễ dàng. Hai ngày sau, ông được hẹn đến một cuộc phỏng vấn nữa. Ông rất tự tin khi bước vào buổi phỏng vấn và nghĩ rằng mình sẽ vượt qua vì ông là một lập trình viên rất xuất sắc.
.
Thế nhưng trong suốt buổi phỏng vấn hôm ấy, người phỏng vấn không hề hỏi ông một câu hỏi về kỹ thuật nào. Thay vào đó, họ hỏi xem ông nghĩ rằng nền công nghiệp phần mềm sẽ phát triển theo hướng nào. Ông chưa từng nghĩ về vấn đề đó trước đây và đã không có câu trả lời thỏa đáng. Vài ngày sau, ông nhận được tin rằng mình không được tuyển dụng.
.
Mặc dù không được tuyển dụng, nhưng Stevens cho rằng mình đã học được nhiều điều mới mẻ từ buổi phỏng vấn này. Ông đã quyết định viết thư đến công ty để cám ơn. Ông dành khá nhiều thời gian để viết bức thư, trong đó ông viết: “Tôi xin cảm ơn quý công ty đã tiêu phí nhân lực, vật lực và những tài nguyên khác để cho tôi có cơ hội được tham gia kỳ thi viết và phỏng vấn vừa rồi. Dù rằng tôi không được tuyển dụng, nhưng thông qua quá trình tuyển dụng này tôi đã học được nhiều kiến thức mới mẻ và nhận được lợi ích không nhỏ. Xin cám ơn mọi nỗ lực mà quý công ty đã dành cho đơn ứng tuyển của tôi. Xin cám ơn một lần nữa!”
.
Công ty này chưa từng nhận được một lá thư kiểu như vậy bao giờ từ một ứng cử viên bị loại. Bức thư không hề có sự bất mãn, oán thán mà đều là những lời cảm ơn chân thành. Ngay sau đó, Bức thư đã được truyền từ thấp lên cao, cuối cùng đến tay của vị chủ tịch. Sau khi đọc xong, ông không nói gì cả mà chỉ cất bức thư vào ngăn kéo bàn.
.
Ba tháng sau, vào dịp Giáng Sinh đến, ông Stevens nhận được một tấm thiệp mừng năm mới rất đẹp. Trên tấm thiệp viết: “Ngài Stevens đáng kính! Nếu ngài nguyện ý, chúng tôi thỉnh mời ngài cùng tham gia với chúng tôi trong kỳ nghỉ năm mới”. Nguyên lai là công ty này đang có một đợt tuyển dụng mới và vị chủ tịch của công ty đã nghĩ ngay đến ông Stevens nhờ phẩm đức cao thượng của ông.
Công ty phần mềm đó chính là tập đoàn Microsoft nổi tiếng thế giới hiện nay. Sau hơn 12 năm làm việc, dựa vào công lao của mình, ông Stevens đã được thăng chức làm phó chủ tịch tập đoàn.

Tuy rằng mọi người đều biết lòng biết ơn đối với người khác là một đức tính tốt đẹp, nhưng trong một xã hội thực dụng, trong một môi trường mà đồng tiền được xem là vạn năng ngày nay, thì chúng ta đang lãng quên sự biết ơn của mình, ngay cả khi chúng ta gặp thất bại, cuộc sống vẫn rất sôi động và muôn màu muôn vẻ.
.
Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng. Nó có thể làm cho tính cách của con người mạnh mẽ hơn. Lòng biết ơn là khởi điểm của hạnh phúc, và cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ. Cũng nhờ lòng biết ơn mà chúng ta trân quý các mối quan hệ tiền duyên và tích được phúc phận. Thường xuyên duy trì một lòng biết ơn sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho người khác, mà còn cho chính bản thân mình.
.
An Hòa (dịch theo sự cho phép của tác giả)