Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Bài học không bỏ cuộc của Abraham Lincoln trước khi trở thành Tổng thống Mỹ


Cuộc đời nhiều biến cố
Abraham Lincoln sinh năm 1809 trong trong một gia đình thuần nông. Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng Lincoln may mắn có một người mẹ kế luôn quan tâm và khuyến khích ông đọc sách. Trong cả cuộc đời niên thiếu ông chỉ được đến trường tổng cộng không hơn một năm. Những người láng giềng ông cho biết, họ từng thấy ông lặn lội nhiều dặm đường để mượn sách về tự học.


Sinh thời, Abraham Lincoln đã trải qua rất nhiều nghề nhưng phần lớn đều thất bại. Với vốn kiến thức tối thiểu, 21 tuổi, Lincoln đã bắt đầu cuộc đời tự lập cho chính mình bằng những công việc chân tay. Ông tự học văn phạm và toán học, sau đó phát hiện ra niềm đam mê cho luật học khi đọc một cuốn sách luật cũ ông tình cờ có được.

Vào năm 1836, ông đậu kỳ thi trở thành luật sư và bắt đầu hành nghề. Sau 20 hành nghề, ông trở thành một luật sư tên tuổi và thành công nhất ở tiểu bang Illinois mặc dù không sở hữu bằng cấp chính quy nào.
Trong thời gian đầu làm chính trị, Lincoln không đạt được nhiều thành công, thậm chí thất bại nhiều lần. Nhưng ông luôn kiên định, nỗ lực với con đường đã chọn và trở thành một trong những tổng thống vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ.

10 lần thất bại không làm Lincoln nản chí
Tìm hiểu về cuộc đời của Lincoln, người ta không khỏi ngạc nhiên trước những thăng trầm mà ông đã trải qua. Kể từ khi trưởng thành, trong 30 năm, ông đã trải qua 11 lần thất bại cả trong sự nghiệp kinh doanh và chính trị:

22 tuổi - Lincoln bắt đầu tự kinh doanh một cửa hàng tạp hóa nhỏ cùng bạn, nhưng thất bại không lâu sau đó.
23 tuổi - Ông nếm trải thất bại đầu tiên trong sự nghiệp chính trị khi tham gia tranh cử vào nghị viện bang Illinois.
24 tuổi - Thất bại lần nữa trong kinh doanh. Ông đã phải trả món nợ do thất bại này trong 17 năm tiếp theo.
25 tuổi - Tiếp tục chạy đua vào chức nghị sĩ bang và THÀNH CÔNG

29 tuổi - Thất bại khi tham gia bầu cử thống đốc bang
31 tuổi - Thất bại khi tham gia bầu cử thống đốc bang lần 2
34 tuổi - Thất bại bầu cử nghị sĩ quốc hội
37 tuổi - TRÚNG CỬ nghị sĩ quốc hội
39 tuổi - Thất bại khi tranh cử nghị sĩ quốc hội khoá tiếp theo
46 tuổi - Thất bại khi tranh cử vào thượng nghị viện
47 tuổi - Thất bại khi tranh cử phó Tổng thống
49 tuổi - Thất bại trong cuộc bầu cử thượng nghị viện lần 2
51 tuổi - TRÚNG CỬ TỔNG THỐNG MỸ!

Cuộc đời Abraham Lincoln trải qua một chuỗi những thất bại liên tiếp. Có thể nói, Tổng thống Mỹ Lincoln là một bậc thầy về trải nghiệm thất bại và sự kiên trì, nỗ lực. Trải qua quá nhiều nốt trầm trong cuộc đời, nhưng ông không cho phép mình nản chí, buông xuôi.

Năm 1860, Abraham Lincoln đắc cử Tổng thống Mỹ sau 8 lần thất bại liên tiếp, bên cạnh sự hân hoan, nhiều người nghi ngại về tài năng của ông. Tuy nhiên, những thành tựu ông để lại cho nước Mỹ đã khẳng định tài trí và năng lực lãnh đạo tuyệt vời của Lincoln. Quyết đoán và nghị lực, ông lèo lái đất nước, vừa giữ được sự thống nhất của quốc gia, giải quyết được nội chiến, vừa giải phóng được nô lệ.

Trong thời gian điều hành nước Mỹ, Lincoln đã bổ nhiệm William Seward, từng là kẻ thù không đội trời chung trước kia, làm Tổng thư ký và Edwin Stanton làm Bộ trưởng chiến tranh. Hai người này ban đầu đều tỏ vẻ xem thường "anh nông dân" Lincoln. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ đều thay đổi quan điểm và công nhận tài lãnh đạo xuất chúng của ông.

Sự vĩ đại của Tổng thống Abraham Lincoln bộc lộ ở mức cao nhất khi ông nỗ lực vượt qua những lần thảm bại của cuộc đời. Nó giúp ông đạt được đỉnh vinh quang, trở thành vị Tổng thống huyền thoại, một trong những vị anh hùng của nước Mỹ được tạc tượng tại núi Rushmore.

Theo Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Vì sao người Do Thái thường không thích khoe con giỏi, dù chúng có là thiên tài?


Hầu hết các bậc cha mẹ Việt thường có thói quen khoe khoang con tài giỏi, thì người Do Thái lại giấu điều đó, họ cho rằng kiến thức là vô tận, không thể để con cái vì sự tự mãn mà đánh mất tương lai.
Người Do Thái cho con thử điều mới và hiểu rằng không phải mọi việc đều thành công. (Ảnh: Taringa)  
Chuyện giấu con thần đồng của một gia đình Do Thái
Sinh năm 1881, Theodore von Kármán là nhà khoa học chuyên ngành khí động lực trong một gia đình Do Thái ở Hungary. Từ hồi nhỏ, Kármán đã sớm bộc lộ trí thông minh. Khi lên 6 tuổi, cậu bé Kármán có thể tính nhẩm những phép nhân phức tạp nhanh hơn cả người anh trai mình làm tính trên giấy
Người anh trai phát hiện ra tài năng của cậu, liền chạy đến nói với cha:

“Cha ơi, Kármán có thể lập tức nói ra kết quả phép nhân ba số với nhau. Chúng ta hãy đưa em đến chỗ đông người biểu diễn, sau đó thu phí xem biểu diễn của họ”.
“Không, cha không thể làm vậy với em con” – Người cha từ chối.
“Tại sao? Tài năng này của em chắc chắn sẽ khiến nhiều người kinh ngạc, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền” – Người anh tiếp tục thuyết phục cha.
Cha nói với cậu con trai cả: “Em con chỉ thông minh một chút thôi, nếu em con cứ sống trong sự ca tụng, sẽ không bao giờ học được cái mới nữa, cuối cùng chỉ có thể biến thành kẻ hiểu biết nửa vời, không có được thành công gì cả”.
Ngày hôm sau, cha dẫn Kármán đến nhà một tiến sĩ nọ theo học địa lí, lịch sử, văn học, đồng thời nói với Kármán, không được chơi trò chơi toán học nữa. Khi Kármán hơn 20 tuổi, cha mới cho phép cậu học lại toán học.
Nhiều năm sau, Kármán trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc trong ngành hàng không. Điều đáng quý là ông có một tinh thần nhân văn sâu sắc, mà sự giáo dục này đều được lĩnh hội từ cha ông.
 
Theodore von Kármán. (Ảnh: Wikipedia)
Người Do Thái có cách giáo dục đặc biệt với con cái. Từ nhỏ họ đã dạy con rèn luyện tính độc lập, tự suy nghĩ, không ngừng học hỏi, để chuẩn bị cho sự phát triển tương lai sau này.
Giống như cha của Kármán, ông đã mời rất nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đến dạy cho con, điều này rất thường gặp ở gia đình Do Thái. Họ luôn coi trọng giáo dục, thông qua giáo dục bồi dưỡng tài năng cho trẻ, giúp trẻ có một tương lai thành công.
Cách dạy con đặc biệt
Sự coi trọng giáo dục và cách thức giáo dục con cái của cha mẹ Do Thái giúp cho trẻ từ nhỏ đã có kiến thức phong phú, vốn hiểu biết sâu rộng.
Những điều này đều giúp ích cho trẻ, trẻ sẽ đạt được những thành công trong tương lai. Sigmund Freud, Albert Einstein, Pablo Ruiz Picasso… đều là những vĩ nhân có cống hiến lớn cho thế giới, tất cả họ đều xuất thân trong gia đình Do Thái.
Dạy trẻ học cách độc lập
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt coi trọng khả năng độc lập của trẻ. Họ không chỉ giao cho con làm việc nhà để nâng cao tính tự lập cho con, mà còn tận dụng cơ hội dạy con ý thức độc lập. Ví dụ, khi trẻ thử tự mặc quần áo, cha mẹ Do Thái sẽ hướng dẫn và cổ vũ trẻ.
Mục đích là để trẻ qua sự cố gắng của mình, hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, từ đó không dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ.
Đặc biệt, người Do Thái cho rằng, để trẻ thực sự học được cách độc lập, trước tiên cần tôn trọng trẻ. Vì thế, thông thường, cha mẹ sẽ để ý đến suy nghĩ của trẻ trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó. Cha mẹ thường tôn trọng lựa chọn của trẻ, tích cực cổ vũ trẻ dựa vào khả năng của bản thân. 

hương pháp giáo dục Do Thái coi trọng sự tự lập của trẻ. (Ảnh: Ungdomar)
 
Coi trọng suy nghĩ và tài năng của trẻ
Mọi người đều biết, người Do Thái không chỉ chú trọng đến kiến thức đã học, mà còn chú trọng đến tài năng thiên bẩm.
Cha mẹ đã dạy trẻ từ nhỏ cần kết hợp kiến thức với tài năng, như vậy trẻ mới có thể đạt được thành công. Nếu chỉ có kiến thức mà không có tài năng thì chỉ là kiến thức rỗng, khó phát huy được giá trị đích thực.
Ngoài ra, họ còn coi trọng sự sáng tạo. Cha mẹ luôn cổ vũ trẻ khi học tập, cần học cách suy nghĩ, dũng cảm nghi ngờ và đặt câu hỏi, đưa ra quan điểm của bản thân.
Cha mẹ Do Thái cho rằng suy nghĩ là chìa khóa của trí tuệ, dũng cảm suy nghĩ và đặt câu hỏi mới biết được chân lí, còn việc học tập mà không suy nghĩ chỉ là sự bắt chước máy móc.
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đặc biệt chú ý đến việc trò chuyện với trẻ, trả lời những thắc mắc, băn khoăn của trẻ, để từ nhỏ trẻ đã được cha mẹ hướng dẫn.
Trong quá trình nói chuyện, cha mẹ sẽ rèn luyện khả năng biểu đạt và khả năng logic cho trẻ. Đây là nguyên nhân giúp người Do Thái có tư duy biểu đạt và giao tiếp ấn tượng.

Phương pháp dạy dỗ đặc biệt của người Do Thái là chuẩn bị tâm lí và rèn luyện phẩm chất cho con đối mặt với những khó khăn trong tương lai.
Từ nhỏ trẻ đã được dạy rằng, cho dù xã hội có thay đổi thế nào, cuộc sống có tàn khốc ra sao, thì nơi đáng tin cậy nhất chính là bản thân mình.
Chỉ có không ngừng nỗ lực và rèn luyện, con mới có thể vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm tiến lên. Vì sự thành công trong tương lai của trẻ.

Sưu tầm

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020


Đi chân đất tốt cho tim mạch, hệ nội tiết và thần kinh

Hãy quay ngược dòng thời gian và quay lại thời kỳ đầu của nhân loại thời mà con người khi di chuyển chỉ từ đôi chân trần. Những đôi chân của tổ tiên chúng ta giẫm trực tiếp lên đá sỏi, vùi mình trong đất cát, cọ xát với cỏ cây và ngụp lặn trong những dòng suối.
Đôi bàn chân của họ rất khỏe và nhanh nhẹn, nhưng vẫn có thể cảm nhận và phản ứng với bất kỳ bề mặt nào mà chúng gặp phải. Nhiều dân tộc thiểu số còn tồn tại cho đến hiện nay vẫn giữ nếp đi bộ trong tự nhiên mà chẳng mang theo giày dép da hoặc tương tự thế.
 “Đi chân trần” là đặc điểm chung thường thấy ở những cộng đồng người tiền sử và điều này cần được nghiên cứu thêm, nhất là trong các nền văn hóa mà chân trần không đơn giản là thiếu thốn, nó trở thành sự lựa chọn. Khoa học hiện đại ngày nay cũng khám phá được rất nhiều điều thú vị ở trong đề tài này.

Nghiên cứu về nối đất
Các nghiên cứu gần đây cho thấy: cảm giác của xúc giác không chỉ là thứ duy nhất chúng ta nhận được khi bàn chân mình tiếp xúc với cát ẩm. Đây là còn là một cảm giác mang tính trị liệu từ Trái đất, nó mang đầy lợi ích đáng chú ý cho sức khỏe - bao gồm giảm viêm, làm tăng độ chống oxy hóa, cải thiện giấc ngủ và khiến lưu lượng máu khỏe mạnh hơn.

Tập tục nguyên thủy của việc đi chân trần này trong thập kỷ này được gọi là “nối đất”, và một trong những phát hiện lớn nhất và mang tính đột phá của việc tiếp xúc trực tiếp giữa da với Trái đất là sức khỏe tim mạch. Năm 2013, theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung*, thì nếu hội chứng độ nhớt của máu* tăng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch, đi bộ bằng chân trần giúp làm giảm độ nhớt của máu.

Thí nghiệm này nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của điện tích tự nhiên của Trái đất đối với “nối đất”. Để kiểm tra ảnh hưởng của việc nối đất đối với độ nhớt của máu, các tình nguyện viên được kiểm tra các tế bào hồng cầu (RBCs) dưới kính hiển vi để xác định số lượng hồng cầu bị vón cục trong từng mẫu. Và kết quả của nghiên cứu cho thấy: đi chân trần làm giảm đáng kể tỷ lệ đông máu không mong muốn ở người thử nghiệm, từ đó giúp máu lưu thông tốt hơn.
Không dừng lại ở đó, kết quả của một nghiên cứu khác sau đó cũng đăng trên Tạp chí Y học Thay thế và Bổ sung còn phát hiện thêm cả tác dụng điều chỉnh hệ thống nội tiết và hệ thần kinh của “nối đất”.

Ngày nay, con người chúng ta sống trong một biển sóng điện từ được phát ra bởi điện thoại di động, Wi-Fi, các thiết bị tự động, v.v ... Chúng được gọi là điện từ bẩn, hay ô nhiễm điện từ. May mắn thay cho chúng ta, bề mặt Trái đất rất phong phú các điện tử có thể vô hiệu hóa dòng điện bẩn này, giống như cách các ngôi nhà thường có một dây cáp đồng - một đầu đấu dòng điện trong nhà và đầu còn lại thì nối xuống đất. Nối đất cho phép dòng điện trong chúng ta trở lại trạng thái trung tính khỏe mạnh.

Điều này có thể tăng cường năng lượng của cơ thể, cân bằng tâm trạng của con người, giúp ta có thể suy nghĩ và thậm chí có thể cứu sống chúng ta. Vì vậy, lần tới khi bạn đứng trước một bãi đất tươi đẹp, hãy tháo giày và vớ ra để cảm nhận cảm giác “nối đất” chạy khắp cơ thể.
Bạn nên làm điều này ít nhất vài lần mỗi tuần để có sức khỏe tốt hơn và một hạnh phúc sung mãn.
* Journal of Alternative And Complementary Medicine
* Độ nhớt của máu được quyết định bởi mật độ hồng cầu và thành phần protein có trong huyết tương. Độ nhớt này hiện nay được đo lường theo chỉ số, với giá trị bình thường vào khoảng 2,3 - 4,1 centipoise ở 37 độ C. Độ nhớt càng gần giá trị này, máu càng lưu thông, độ nhớt máu càng cao, máu di chuyển càng chậm.
Thanh Long