Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Nước hầm xương gà tăng sức đề kháng


Nước hầm xương gà giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch COVID-19
Chủ động tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân là điểm then chốt để chống lại virus. Nước hầm xương gà là một thứ nước dùng quen thuộc hàng ngày - không chỉ với người Việt mà còn với nhiều dân tộc khác trên thế giới - lại có thể giúp cơ thể nâng cao miễn dịch để chống lại virus trong dịch COVID-19.

Nước hầm xương gà trong các nền văn hóa khác nhau
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng nước hầm xương gà để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau phù hợp với điều kiện sinh sống và hoàn cảnh của dân tộc mình. Ví dụ như, người Đan Mạch và Đức thường thích dùng gà mái lớn để nấu; người Hy Lạp thường cho thêm trứng, chanh vào nước hầm xương gà; người Hungary thường có thêm gan và tim gà trong nước hầm; người Mỹ ưu ái gà mái già trong chế biến; đối với người Việt Nam và Trung Quốc, nước hầm xương gà thường được chế biến với rất nhiều món như: cháo, lẩu, súp, miến...

Còn nhắc đến nước hầm xương gà như một phương thuốc điều trị thì phải bắt đầu từ các thầy thuốc Trung Y. Vào khoảng 2.500 năm trước, họ sử dụng nước dùng này để hỗ trợ tiêu hóa, giúp tạo máu và bổ thận cho bệnh nhân. Sau đó, bắt đầu từ thế kỷ 12 tại Ai Cập, bác sĩ Moses Maimonides, là một giáo sĩ và cũng là nhà triết học người Do Thái, đã kê đơn súp gà như một phương thuốc chữa cảm lạnh và hen suyễn. Để rồi sau đó súp gà được biết tới với cái tên “penicillin của người Do Thái”, giúp chống viêm và làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Tương tự, ở Hy Lạp, nước xương gà hầm cũng được coi là một bài thuốc để chữa trị cảm lạnh, lạnh bụng.

Vậy hiệu quả nước hầm xương gà đến từ đâu?
Ngày nay, các nhà khoa học tìm thấy trong nước hầm xương gà chứa rất nhiều chất cần thiết cho cơ thể gồm: 17 axit amin khác nhau, collagen, glycosaminoglycans (GAGs), gelatin và các khoáng chất. Những chất này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Món nước hầm này chứa rất nhiều collagen và GAGs, là những trợ thủ đắc lực giúp da nhanh chóng trở nên khỏe mạnh do cải thiện độ đàn hồi và độ ẩm của da, nghĩa là giúp da gia tăng khả năng phòng vệ trước các mầm bệnh. Đồng thời, collagen còn giúp các vết thương nhanh lành.

Chất nhầy gelatin trong nước hầm xương gà, khi đến ruột sẽ hấp thu nước trong ruột giúp duy trì lớp nhầy phủ trên bề mặt niêm mạc ruột; đồng thời kết hợp với glycine (một acid amin trong nước hầm này) giúp chống loét và duy trì sự toàn vẹn cho niêm mạc ruột và hàng rào bảo vệ ruột. Từ đó, giúp phát huy tác dụng của lợi khuẩn ruột trong việc ngăn chặn các mầm bệnh nguy hiểm tại đường tiêu hóa.

Điều lý thú được chứng minh trong phòng thí nghiệm, theo một nghiên cứu trên tạp chí Chest vào năm 2000, nước hầm xương gà còn có thể có khả năng ức chế những hóa chất có hại do bạch cầu tiết ra, là những chất gây viêm, gây tổn thương phổi, thường gây ra các triệu chứng của đường hô hấp trên như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Điều này phần nào chứng minh được tại sao người xưa thường dùng nước hầm này để điều trị cúm hoặc cảm lạnh thông thường. 

Với những lợi ích tuyệt vời của nước hầm xương gà, các bạn nên thử vào bếp tạo ra món ăn ngon này cho gia đình của bạn. Nó là món ăn phổ biến hằng ngày của người Việt, có tác dụng bổ dưỡng mà lại còn tăng sức đề kháng hỗ trợ bạn cùng người thân bước qua mùa dịch.

Lưu ý :
1. Dùng vài muỗng nước dấm táo hoặc nước cốt chanh nhằm phá vỡ các cấu trúc collagen trong xương gà và hòa tan vào nước hầm.
2. thời gian hầm 10-12 giờ nước hầm càng cô đặc ( 1/2 - 1/3 so với thể tích ban đầu) càng ngon và chất lượng bổ dưỡng càng cao.

Tham khảo cách chế biến theo Video :


 


Hiệu ứng Dunning-Kruger


Hiệu ứng Dunning-Kruger: Người ngu quá ngu để nhận ra là mình ngu



Máy đo mức độ ngu ngốc - Nhét $100 để bắt đầu

Không phải quá khó để chúng ta có thể gặp những người tự đánh giá cao năng lực của bản thân. Đặc biệt là với sự phổ biến của internet, diễn đàn và mạng xã hội, mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, thể hiện quan điểm cá nhân và sự hiểu biết của mình cho cả thế giới biết. Do đó, nhiều người tự cho mình là tài năng trong khi không biết được năng lực thực sự của mình.

Chính điều đó đặt ra một câu hỏi cho các nhà tâm lý học, liệu rằng những người không thông minh có thể tự nhận thức được điều đó? Đó là một dạng tâm lý tồn tại trong nhiều cá nhân, được các nhà khoa học gọi là hiệu ứng Dunning - Kruger. Đây là tên hai thầy trò giáo sư tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, những người đã đưa ra báo cáo chính thức về hiệu ứng tâm lý này vào năm 1999.

Theo đó, định nghĩa về hiệu ứng này như sau: "Hiệu ứng Dunning - Kruger là một sự lệch lạc nhận thức trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó."

Dunning và Kruger đã tiến hành nhiều thử nghiệm liên quan đến sự tự nhận thức, trong đó có sự tự nhận thức logic, diễn đạt và tính hài hước. Họ phát hiện ra có sự chênh lệch thú vị đối với một số nhóm người khác nhau.

Trong bài thử nghiệm tự đánh giá chỉ số IQ, kết quả cho thấy nhưng người có chỉ số IQ dưới trung bình tự đánh giá điểm số của họ cao hơn thực tế, trong khi đó những người có chỉ số IQ trên trung bình tự đánh giá điểm số của mình thấp hơn thực tế.

Theo Dunning - Kruger thì nguyên nhân gây ra hiệu ứng tâm lý này là vì chúng ta thiếu kinh nghiệm và chưa từng trải qua những công việc đó để đánh giá, nên dẫn đến nhận định sai lầm. Ví dụ như việc lần đầu tiên bạn nấu một món ăn đơn giản, bạn nghĩ rằng điều đó không quá khó và mình có thể làm tốt và tốt hơn nhiều người khác.

Nhưng khi bắt tay vào làm thì kết quả thực sự tồi tệ, việc đánh giá sai năng lực của bản thân trong một công việc liên quan rất nhiều đến kinh nghiệm và sự từng trải trong các công việc đó. Cũng chính vì vậy mà những người nằm trong đối tượng này đa số là người trẻ tuổi.

Bên cạnh kinh nghiệm thì thiếu kiến thức cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng Dunning - Kruger. Kiến thức hạn hẹp khiến cho khả năng nhận thức kém hơn, họ cho rằng mình biết một số kiến thức cơ bản là đã đủ để thành chuyên gia, mà không biết rằng còn có những kiến thức cao hơn nữa mà người khác đã biết.

Vậy để không rơi vào tình trạng này, điều đầu tiên cần đó chính là tránh xa khỏi cái bẫy tâm lý. Bạn nghĩ rằng mình đủ thông minh để không rơi vào hiệu ứng Dunning - Kruger, bạn đã nhầm và suy nghĩ ấy lại chính là hiệu ứng Dunning - Kruger. Bạn nghĩ bạn đủ thông minh để biết lúc nào mình ngu ngốc, thực chất là bạn đang tự đánh giá bản thân mình theo hiệu ứng Dunning - Kruger.

Do đó, hãy luôn tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh. Sự đánh giá của người khác không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó khách quan và từ nhiều ý kiến sẽ giúp bạn có kết quả với xác suất chính xác cao hơn.

Bên cạnh đó, tự nâng cao nhận thức của mình bằng kiến thức và kinh nghiệm. Hãy luôn nghĩ rằng bạn là kẻ không biết gì, để luôn luôn phải tiếp tục học tập những điều mới mẻ. Và tất nhiên nếu sai lầm, hãy chấp nhận điều đó vì chúng ta còn trẻ. Nhớ rằng để tránh khỏi hiệu ứng Dunning - Kruger bạn cần có kiến thức và cả kinh nghiệm.

Stevs Jobs đã từng nói: "Stay hungry. Stay foolish" (Hãy cứ khao khát. Hãy cứ dại khờ).

TVD GenK