Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Trị bệnh đau răng


Y học cổ truyền Trung Hoa lý giải về bệnh đau răng

Trung Y tin rằng đau răng là có nguyên nhân. Nếu xác định đúng nguyên nhân và đường kinh lạc thì chúng ta có thể trị được căn bệnh này.
Đau răng vốn là một vấn đề khá phổ biến, Trung Y có một vài phương pháp hiệu quả để đối phó với đau răng.

Đau răng được phân thành hai loại chính: một loại liên quan đến răng, còn một loại kia có liên quan đến nướu.
Trung Y cho rằng thận chủ cốt (xương), răng là phần dư của xương, nên thận cũng chủ răng. Và khi thận có vấn đề thì răng cũng sẽ có vấn đề.

Trong trường hợp đau răng do có vấn đề về nướu: bởi vì Thủ Kinh Dương Minh Đại Tràng đi qua phần nướu dưới, nên các vấn đề của nướu dưới sẽ liên quan đến đại tràng. Tương tự, Túc Kinh Dương Minh Vị đi qua phần nướu trên do đó các vấn đề về nướu trên sẽ có liên quan đến dạ dày.

Cường thận để bảo vệ răng
Khi răng bị lung lay và chân răng bị lộ thì đó là dấu hiệu cho thấy thận bị suy và đang bị quá tải.
Bạn có thể ngâm Bạch Tật Lê (còn gọi là gai ma vương) trong nước và dùng làm nước súc miệng.
Muối sẽ đi vào thận. Súc miệng bằng thanh diêm giúp điều trị đau răng. Dùng thanh diêm để đánh răng giúp răng mạnh mẽ và cứng cáp. Rất nhiều bột đánh răng trên thị trường có chứa thanh diêm.
Tiêu có thể đóng vai trò như một thuốc gây tê. Giữ một hạt tiêu trong miệng nơi chiếc răng đang đau sẽ giúp làm tê liệt cơn đau.
Hành tăm giúp cường thận. Ăn hành tăm trong trường hợp đau răng hoặc có bệnh về thận sẽ có thể có ích.
- Đau răng do phong, tức là khi một chiếc răng nhạy cảm với nóng lạnh, nên dùng thuốc trừ phong, ta có thể dùng bài thuốc Ôn Phong Tán.

- Đau răng do phong lãnh, nướu răng không sưng nhưng đau. Uống nước nóng có thể giúp làm dịu cơn đau. đồng thời có thể cho thêm khương hoạt, ma hoàng và xuyên phu tử vào bài thuốc Ôn Phong Tán: một nửa để súc miệng, một nửa để uống.

- Nhiệt vị là nguyên nhân gây đau răng do phong nhiệt. Nướu sẽ sưng và cơn đau trở nên dữ dội khi cơ thể tiêu hóa những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Khi nhiệt giảm thì cơn đau cũng giảm nhẹ được đôi chút.
Để trị chứng đau răng do phong nhiệt có thể dùng thuốc hạ nhiệt thanh lọc cơ thể, ngoài ra cũng nên sử dụng chiết xuất lô hội làm nước súc miệng.

Có cần thiết phải nhổ răng?
Khi răng bị đau có nên nhổ bỏ nó đi? Mỗi bác sĩ khác nhau lại có quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Với kinh nghiệm sau khi bị nhổ một vài chiếc răng, bác sĩ Hồ nhận thấy rằng nếu không nhổ răng lần đầu thì có thể tránh được việc nhổ những răng tiếp theo.
Ông đã đưa ra một ví dụ. Nếu một răng cối lớn hàm trên bên trái bị nhổ đi sẽ có tác động đến răng cối lớn hàm trên bên phải tương ứng, dẫn đến sai lệch khớp cắn và gây sâu răng, vì thức ăn sẽ vướng vào khoảng kẽ do mất răng. Và nếu chiếc răng này bị nhổ đi thì răng tương ứng ở hàm dưới có thể trở nên dài hơn, gây áp lực lên các răng khác.

Cơn đau còn khiến bệnh nhân muốn nhổ nhiều răng hơn. Vì vậy bác sĩ Hồ đề nghị rằng hãy bảo tồn răng bằng cách trám răng khi có răng sâu càng sớm càng tốt.

Ghi chú:
Thành phần của phương thuốc Ôn phong tán: dùng đương quy 6g, tế tân 4.5g, xuyên khung 6g, tất bạt 6g, cảo bản 6g, bạch chỉ 6g, tổ ong 18g đun sôi với nước.
............
Mấy năm trước mổi khi đau răng tôi đến bs Nha khoa nhổ cái răng đau, bs có khuyên thay hàm giả, trồng răng implant .. may mắn có người rỉ tai chải răng bằng muối ăn, ngậm và súc nước vo gạo ủ qua đêm ngày vài lần là ổn, chẳng còn phải lo gì nữa. Tôi áp dụng ngay đã vài năm nay, kết quả thật ngoài sự mong đợi. 


Kỷ sư Lê Tâm hào hứng với ECONOMETRIE


Xin kể về một môn học mà thời đó chúng tôi ai cũng thích, đó là Econometrie – “Kinh tế lượng” như sau này người ta dịch ra. Tuy là trường Cầu Đường nhưng đội ngũ giảng viên về môn này của trường chúng tôi khá nổi tiếng so với Paris nói chung, có mấy vị giáo sư là “học trò của học trò của Roy” – Roy ở đây là tên thánh của Adam Smith thì phải (?!), “tổ sư” của kinh tế chính trị mà môn khoa học này liên quan rất mật thiết. Đến những năm 30 Econometrie mới manh nha trở thành một môn học riêng biệt, và chúng tôi là những lớp đầu tiên được thừa hưởng thành quả của môn học mới này. Xin bàn vài lời về môn học này, mà sau này các khoa kinh tế có lẽ nghiên cứu sâu hơn, nhưng tôi muốn mô tả cái “hồn” của môn học thú vị này mà chúng tôi được truyền thụ cho thời đó:

Econometrie hiểu nôm na là “đo đếm được kinh tế”- chính vì sự “đo đếm” được này mà phải nói rằng ở châu Âu thời đó rất nhiều chính phủ nửa muốn cấm môn học này, nửa lại muốn khuyến khích nó phát triển. Nó khá “đáng ngại” cho cả các nước theo khối quốc tế cộng sản, cả các nước tư bản phát triển, cả những nước bị thuộc địa! Môn này có từ thời Marx, nhưng phải sang đầu thế kỷ 20 nó mới phát triển mạnh, các công cụ toán học, thống kê, mô hình... mới được áp dụng nhiều! Marx khi đứng tuổi cũng bắt đầu quan tâm tới kinh tế lượng, nhưng có vẻ đã muộn rồi, ông đã viết xong “Tư bản luận”. Lenin viết rất nhiều sách về đủ các chủ đề, từ đấu tranh giai cấp cho đến kinh tế, chính trị... nhưng trong tác phẩm của ông rất ít các con số - rõ ràng ông không rành và điều kiện chưa cho phép econometrie phát triển thời thế chiến lần thứ nhất.
Nhưng sau đó là thời bùng nổ của econometrie – người ta nhờ nó mà hiểu kỹ về giai cấp, tài sản, nhà băng, cổ phần, GDP... và có thể đánh giá được hết về từng cá nhân, doanh nghiệp, xã hội!

Nếu cứ “đo đếm” thì rõ ràng qua các con số và công cụ toán học người ta tính được nước Pháp bóc lột các thuộc địa về kinh tế ở mức độ nào, hay công nhân ở một nhà máy của Pháp, của Đức có thể tính ra giới chủ đang kiếm lời thông qua việc họ làm thuê ở mức bao nhiêu. Giới chủ lại càng cần biết econometrie để tính toán được mức độ lời lãi đến đâu là hợp lý mà không đẩy công nhân đến đường cùng. Còn giới thợ thuyền nếu được biết econometrie sẽ hiểu một điều cực kỳ “nguy hại”: muốn xóa bỏ nghèo đói chỉ có thể bằng cách mạng – Pháp hay Đức rất ngại rằng econometrie sẽ dẫn họ đến với chủ nghĩa Marx! Thế nên sức hấp dẫn của môn học này càng tăng! Vì nó đang trong quá trình hình thành nên chúng tôi càng thích học, nhưng học thế nào rất tùy thuộc vào ông thầy! Có những ông thầy giảng ngược hẳn ý của nhau, có những kết luận nhiều khi đối lập (cũng là dễ hiểu thôi, tùy thuộc vào số liệu đầu vào...). Tất cả chúng tôi đều hiểu một điều: phải giỏi econometrie thì sau này về làm gì cũng sẽ cần đến nó, mặc dù nó chỉ là môn học không theo chuyên ngành.
Trần Đức Thảo hay qua trường chúng tôi, về triết học thì không thể tranh cãi được với anh nhưng về econometrie thì chúng tôi sẵn sàng – vì bản chất nó vẫn là toán thôi. Quan tâm đến econometrie nên triết gia Thảo khá biết về đời sống công nhân, nhất là thợ thuyền Việt ở Pháp chứ không chỉ hàn lâm không đâu... (Môn này đòi hỏi dùng nhiều đến toán, nên được dạy kỹ nhất ở những trường như Bách khoa Paris hay Hành chính công...) Theo cá nhân tôi thì dù kinh tế học ngày nay phát triển đến đâu chăng nữa thì ở nước ta những vị trí chủ chốt như chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh, ban giám đốc tổng công ty nhà nước hay tập đoàn bắt buộc phải học rất kỹ, phải thi kiểm tra rất kỹ về kinh tế lượng, nếu không sẽ chẳng thể làm nổi chức vụ của mình và không thể có tiếng nói chung đối với thế giới!

  
Trích Hồi ký của Lê Tâm

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Kỷ sư Lê Tâm tên thật là Nguyễn Hy Hiền


Kỷ sư Lê Tâm* (tên thật là Nguyễn Hy Hiền) sinh năm 1921 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, trong một dòng họ đại nho.

Người xưa từng nói: "Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên". Nghĩa là: Kẻ sĩ học tập với niềm mong ước trở thành người hiền; người hiền mong ước trở thành bậc thánh; còn bậc thánh thì mong ước trở nên anh minh, khoan thứ như trời cao cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại chọn đặt tên Hy Hiền cho con trai là nhằm gửi gắm ở anh chút kỳ vọng.

Hy Hiền học xuất sắc, năm 1939 đỗ đầu tú tài toàn Đông Dương. Lúc bấy giờ, Hội Như Tây du học (một tổ chức khuyến học của Nam triều) mỗi năm chỉ cấp một suất học bổng cho học sinh nào xuất sắc nhất trong cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam, giúp người ấy có thể sang Pháp học lên đại học. Hy Hiền được nhận suất học bổng duy nhất đó.

Thế là Nguyễn Hy Hiền rời Sài Gòn, lênh đênh mấy tháng trời trên cùng một chuyến tàu thuỷ với Lê Văn Thiêm sang Pháp, hằng ngày hai anh gặp gỡ, chuyện trò. Từ đấy hai người trở thành đôi bạn chí thân. Tháng 9-1939, phát-xít Đức tiến vào Paris. Việc du học từ Đông Dương sang Pháp chấm dứt hẳn nhiều năm.

Sau khi học xong dự bị đại học tại Trường Saint-Louis, Nguyễn Hy Hiền thi đỗ vào Trường Quốc gia Cầu - Đường, một "trường lớn" của nước Pháp. Trước đó mấy năm, Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) cũng theo học trường này. Căng-tin của trường nằm trong khu Latin, cách Trường Đại học Sư phạm Paris (nơi Lê Văn Thiêm và Trần Đức Thảo học) chỉ vài trăm mét. Hằng ngày, mấy người này và Nguyễn Hy Hiền cùng ăn cơm căng-tin. Tại Paris, hình thành một nhóm trí thức người Việt nhiệt thành hướng về cách mạng.

Năm 1946, Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Bộ trưởng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, gần Paris. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo, nhưng không trực tiếp tham gia Phái đoàn ta.

Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hy Hiền tình nguyện giúp việc không lương cho Phái đoàn, bằng cách thu thập tài liệu trong các cơ quan lưu trữ và thư viện ở Pháp, để cung cấp luận cứ cho Phái đoàn ta đấu tranh với phía Pháp.

Theo lời kể của chính KS Nguyễn Hy Hiền về một câu chuyện khá lạ lùng, xẩy ra năm 1946, một câu chuyện mà nếu không kịp thời ghi lại thì sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng...
.
"Tháng 6/1946 - lời KS Nguyễn Hy Hiền - anh Phạm Huy Thông, trưởng nhóm Việt kiều ở Pháp đang giúp Phái đoàn ta tại Hội nghị Fontainebleau, nói với tôi:

- Do phía Pháp ngoan cố, Hội nghị đang giẫm chân tại chỗ, khó mà thành công. Nhóm chúng ta chẳng còn việc gì để làm nữa! Cho nên, anh Đồng muốn giao cho anh một nhiệm vụ đặc biệt là tranh thủ thời gian sang Ý học về đê điều. Theo anh ấy, Ý hiện là nước có nhiều kinh nghiệm trị thuỷ sông Pô. Con sông này rất giống sông Hồng bên ta. Kinh nghiệm anh học được sau này sẽ rất có ích cho Chính phủ ta...

Lúc bấy giờ, Ý và Pháp đang "găng nhau" trong vấn đề biên giới. Sự giành giật gần như sắp dẫn tới một cuộc chiến tranh cục bộ, tiếp sau Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc.

- Tôi xin vâng lệnh. Nhưng học trong bao lâu? - Tôi hỏi.

- Ý anh Đồng là vào khoảng bốn, năm tháng - anh Thông trả lời. Bởi vì, đến cuối năm, chắc là Phái đoàn ta phải trở về nước, với một bản Tạm ước không làm cho ta thoả mãn. Lúc đó, anh sẽ phải có mặt tại Paris, để cùng về với Phái đoàn.

- Thế còn chi phí cho chuyến đi? - Tôi lại hỏi.

Anh Phạm Huy Thông đưa cho tôi một chiếc nhẫn vàng nạm kim cương, rồi nói:

- Anh Đồng có nói với anh phụ trách tài chính của Phái đoàn ta, xem xem nếu còn tiền, thì đưa cho anh đủ tiêu. Nhưng, anh ấy bảo hiện rất thiếu tiền mặt, chỉ còn một ít vàng và chiếc nhẫn kim cương này thôi (quyên góp được trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội). Chắc anh biết cách biến chiếc nhẫn thành tiền Ý để chi tiêu; khi nào hết, thì trở về Paris.

Tôi hết sức ngạc nhiên trước hình thức cấp "công vụ phí" của Chính quyền Cách mạng. Nhưng vẫn cầm lấy chiếc nhẫn. Vừa tốt nghiệp kỹ sư cầu - đường, chưa có công ăn việc làm chính thức, ổn định, tôi chỉ mới kiếm được dăm bảy đồng tiền "còm" do kèm cặp vài ba cô, cậu tú tài Tây luyện thi vào đại học. Hơn nữa, tôi lại vừa bị bắt, nhốt vào một nhà tù gần Paris khi đang rải truyền đơn phản đối vụ Tướng Leclerc xua quân đổ bộ lên cảng Sài Gòn. Anh Trần Đức Thảo bị bắt trước tôi hai tuần, cũng vì phản đối cuộc đổ bộ đó. Nhờ những người cộng sản và phái tả ở Pháp đấu tranh quyết liệt, nên sau mấy tháng, anh Thảo và tôi mới được trả lại tự do. "Tự do" rồi, nhưng nghèo xơ nghèo xác!

Trước khi rời Paris, tôi còn được anh Tạ Quang Bửu, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cũng là thành viên Phái đoàn, căn dặn:

- Nhiệm vụ đặc biệt thứ hai tôi giao cho anh là: Qua bên đó, cố tiếp xúc với các nhóm du kích cũ chống phát-xít, hỏi xem họ có thể để lại cho ta những thứ vũ khí nào mà họ không còn dùng nữa.

Chỉ giao nhiệm vụ thôi. Chứ không đả động tý gì đến chuyện tiền nong để mua vũ khí!

Túi rỗng không, lưu lạc chốn phồn hoa

Đeo chiếc nhẫn vào ngón tay, trong túi còn vài trăm franc tiền riêng dành dụm được, tôi mua vé xe lửa đi thẳng từ Paris sang Rome. Tàu chạy xuyên qua hai cái hầm dài nhất thế giới thời ấy, đào dưới chân dãy núi Alps. Trong chiếc cặp, còn có mấy bức thư của anh Bửu Hội, cũng là thành viên Phái đoàn, giới thiệu tôi với mấy người bạn bác học của anh ấy ở Rome, để họ giúp đưa tôi đến yết kiến Thủ tướng Ý.

Khi tôi đến Rome, thì một người bạn của anh Bửu Hội, một vị giáo sư có tiếng tại Đại học Rome, đèo tôi bằng xe đạp đến Phủ Thủ tướng. Năm 1946, Chiến tranh thế giới vừa kết thúc, đời sống còn khó khăn, việc các giáo sư đạp xe đi làm là chuyện thường.

- Ông đèo tôi nặng lắm, phải không? - Tôi hỏi.
- Có gì mà nặng? Ông nhẹ hơn bà vợ tôi nhiều!

- Thế bà xã nhà ông nặng bao nhiêu ký?
- Chín mươi hai!

Đang chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nhưng khi nghe nói có người mang thư giới thiệu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau tới, ông Thủ tướng Ý liền cho tạm ngừng cuộc họp để bước ra tiền sảnh tiếp tôi. Ông nói vắn tắt: Nước Ý đang tranh chấp biên giới với Pháp, còn Việt Nam thì đang đòi quyền độc lập với Pháp, do đó, Ý và Việt Nam là bạn, đứng cùng chiến tuyến. Ông coi tôi như vị "đặc sứ" đầu tiên của Việt Nam đến Ý.

Ông Thủ tướng Ý hứa sẽ giới thiệu tôi với các nhà chức trách lo việc trị thuỷ sông Pô, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

Nhận được lời hứa của Thủ tướng Ý, tôi sung sướng lui ra. Nhưng còn việc ăn, ở sau đó, cho đến khi nào gặp được các nhà trị thuỷ sông Pô thì, chao ôi, tôi phải tự xoay!

Tất cả đều trông cậy vào chiếc nhẫn bé xíu đeo trên ngón tay...".

--------
* Nguyễn Hy Hiền tự đổi tên là Lê Tâm để tránh liên lụy đến mấy trăm con người thuộc dòng họ Nguyễn Hy đang sống trong vùng địch.

 Ảnh : kỷ sư Lê Tâm