Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Không nghĩ đến cái xấu của người khác


Con người sống trong xã hội không tránh khỏi mâu thuẫn, bất đồng với những người xung quanh, thậm chí vì lợi ích cá nhân mà làm hại người khác, hành hung, thậm chí sát hại lẫn nhau. Thế là họ oán hận, thù ghét nhau, thậm chí có những mối thâm thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác khiến tội ác chất chồng. Đời người trăm năm thoáng qua đi mà mối thù vẫn thiêu đốt tâm can, cả đời sống trong thù hận vẫn chưa dứt lại còn trao mối căm hờn này cho con cháu đời sau. Thử xem nhà nào, dòng họ nào sống trong thù hận thì có thể vui vẻ hạnh phúc không, sự nghiệp, gia tộc có thể phát đạt thịnh vượng được hay không?

Lịch sử là tấm gương, người trí tuệ là người biết lấy những tấm gương trong lịch sử để soi mình, từ đó lựa chọn thái độ đối nhân xử thế, thái độ với cuộc sống để cuộc đời có ý nghĩa nhất có thể.


Chuyện cũ kể rằng: Sở Trang Vương mở đại tiệc thết đãi quần thần, mọi người đang cao hứng thì bỗng nhiên có một cơn gió lớn thổi tới khiến đèn đuốc tắt hết. Lúc đó có người lợi dụng kéo y phục ái phi của vua Sở. Ái phi kinh sợ giật đứt dây mũ của người đó, và nói cho vua Sở biết chuyện, muốn vua mau chóng thắp đuốc tra xét xem ai không còn dây mũ.

Trang Vương không những không nghe theo mà còn cho người truyền lệnh: “Hôm nay các khanh và ta uống rượu, không giật dây mũ xuống thì có nghĩa là uống chưa thỏa thích”.
Khi đó quần thần tham gia yến tiệc hơn trăm người, ai nấy đều giật đứt dây mũ của mình, uống rượu thỏa thích.

Sau này nước Sở và nước Tấn nổ ra cuộc chiến tranh ngôi bá chủ, chiến sự vô cùng ác liệt. Mỗi lần giao chiến, phía trận tuyến của vua Sở luôn luôn có một võ tướng hăng hái quên mình xung phong hãm trận, đánh quân giặc tơi bời, khiến chúng hốt hoảng, tan tác tháo chạy.

Sau khi thắng trận, Trang Vương triệu kiến võ tướng đó hỏi: “Ta có đức gì có tài gì mà khiến khanh vào sinh ra tử vì ta như vậy? Hơn nữa ta cũng chưa có chiếu cố biệt đãi gì đối với khanh, vậy nguyên nhân là gì?
Vị võ tướng đó trả lời rằng: “Thần chính là người bị giật đứt dây mũ trong đêm yến tiệc năm xưa, luận về tội thì đáng chết, nhưng đại vương lại nhẫn nhịn, đã bảo toàn thể diện và sinh mệnh của hạ thần. Từ thời khắc đó, thần đã thời thời khắc khắc có lòng quyết tâm tưới máu trên chiến trường, nguyện tan xương nát thịt vì đại vương, để báo đáp ân đức của ngài”.

Không nghĩ đến cái xấu, đến lỗi của người khác là thể hiện của tấm lòng bao dung, là biểu hiện của chữ Thiện, lấy thiện đối xử với người khác. Sức mạnh của Thiện khiến người ta cảm động, tự biết hối cải, sửa sai mà không cần một biện pháp cưỡng ép, không cần hình phạt nào. Bởi vì hình phạt nghiêm khắc cũng chỉ trừng trị cái tâm người ta, chứ không chỉnh sửa được cái tâm họ, trái lại còn gây oan kết oán, sớm muộn cũng tự rước họa vào thân.

Trong xã hội nhân loại từ cá nhân, gia tộc đến quốc gia, người ta thường có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, và ít người thoát được vòng xoáy ấy. Đó có lẽ là nguyên nhân lý giải việc xã hội càng phát triển thì càng thấy cuộc sống căng thẳng, càng nhiều mâu thuẫn, tranh giành, đấu đá, lừa dối. Bạo lực ngày càng phổ biến từ trong gia đình đến nơi công sở, chốn học đường, cho đến ngõ ngách, hè phố; từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thị thành,  từ nước nghèo đói đến nước phát triển... đâu đâu cũng thấy con người xử lý nhau bằng bạo lực. Xung đột giữa các sắc tộc, giữa các quốc gia cũng không ngừng tăng lên.

ST

Vua Nghiêu chọn Thuấn bởi lòng hiếu thuận và đức hạnh


Vua Nghiêu, vua Thuấn là hai bậc thánh quân thời thượng cổ của Trung Hoa. Vua Nghiêu gọi là Đào Đường Thị, vua Thuấn gọi là Hữu Ngu Thị. Vua Thuấn họ Diêu, tên là Trọng Hoa là người Ký Châu thời thượng cổ của đất Sơn Tây. Vua sinh ra đã có tướng mạo đặc biệt, mỗi con mắt có hai con ngươi (đồng tử); Thuấn rất hiếu thảo với cha mẹ, lòng hiếu thảo ấy làm cảm động đến trời xanh, khi Thuấn cày ruộng ở Lịch Sơn, từng cảm hóa được loài voi đến xới đất dùm, chim chóc bay về giúp nhổ cỏ.

Hoàn cảnh gia đình của Ngu Thuấn thật phức tạp. Cha tên là Cổ Tẩu, tuy có mắt mà không biết chuyện, không biết phân biệt trắng đen phải quấy, xử lý công việc thì ương ngạnh tự tung tự tác, ngoan cố không chịu nghe điều lẽ phải. Mẹ kế của Thuấn là một người điêu ngoa. chỉ thích dối gạt, thường ưa nói dối, gây chuyện thị phi.

Người mẹ kế này có đứa con trai tên là Tượng. Đứa em trai này không phải em cùng cha với Thuấn, là đứa con riêng của mẹ kế mang về. Do đó, Tượng không có mối liên hệ tình thân gì với Thuấn. Nhưng Thuấn vẫn nhận Tượng xem như em trai, đứa em trai này tính tình rất ngạo mạn.

Lúc Thuấn chưa làm vua, từng chịu nhiều khổ cực. Những nỗi khổ này do ai mang lại cho Thuấn? Đó chính là người cha. Cha của Thuấn đem đến cho con mình nhiều nỗi khổ. Bởi vì Cổ Tẩu thương Tượng, đứa con của người vợ kế. Vì thế mà bọn họ ba người, thường rắt tâm làm hại Thuấn. Thế nhưng, lần nào gặp nạn Thuấn cũng đều được bình an, tránh được ách nạn. Cũng như Thuấn có chút lỗi lầm nho nhỏ nào, thì cả ba cùng hành hạ Thuấn; thế nhưng Thuấn vẫn một lòng rất hiếu thuận với cha và người mẹ kế, yêu thương em trai. Hằng ngày Thuấn đều siêng năng cần mẫn làm việc, không dám biếng lười, không hề có chút sai trái trong đạo làm con và tình cảm anh em, nên đến năm hai mươi tuổi, khắp nơi đều nghe danh lòng hiếu thảo của Thuấn.

Năm Thuấn ba mươi tuổi, vua Nghiêu bấy giờ tuổi cũng đã già, nghe được tiếng đồn về đức hạnh của Thuấn, lại thêm được chư hầu khắp nơi tiến cử, vua Nghiêu bèn đồng ý cho Thuấn giúp vua xử lý việc triều chính. Vua Nghiêu đem hai con gái của mình (Nga Hoàng và Nữ Anh) gã cho Thuấn làm vợ, cũng là để tiện theo dõi đức độ trong gia đình của Thuấn. Kinh Dịch có câu “Nhị nữ đồng cư nhi kỳ chí bất đồng” (Hai người phụ nữ ở cùng một nhà nhưng không cùng một chí hướng). Ở đây ý nói, hai người vợ cùng ở một nhà nhưng khó mà hòa hợp với nhau. Vua Nghiêu sở dĩ cố tình làm thế, không ngoài việc muốn thử xem Thuấn có tài ‘Tề gia’ hay không, để xử lý tốt đẹp mối quan hệ giữa hai người vợ. Kết quả là cả hai đều biết tỏ ra cung kính và chăm chỉ lo lắng việc nhà, không dám lấy danh phận là con gái vua mà khinh rẻ họ hàng của Thuấn, cả hai đều rất có đức của một người nữ. Vua Nghiêu còn sai chín người con trai đến bái Thuấn làm thầy để học những đạo đức và tư tưởng của Thuấn, kết quả là chín người con này ngày càng nhân hậu lễ phép.

Vua Nghiêu từng ban cho Thuấn một tấm Hy Y (loại áo được may từ vải dệt bằng cây Cát) và cây đàn Ngũ huyền (Ngũ huyền cầm: một loại đàn năm dây), rồi còn xây cho một kho thóc, ban thêm cả trâu dê. Thế nhưng, ba người của Cổ Tẩu vẫn muốn giết Thuấn. Có một dịp họ kêu Thuấn đi sửa kho thóc, đợi Thuấn leo lên đỉnh kho, Tượng liền len lén đem dấu cái thang, Cổ Tẩu thì ở dưới đốt lửa thiêu hủy kho thóc. Họ cứ nghĩ sẽ đốt sống được Thuấn. Nhưng nhờ Thuấn giữ trọn lòng hiếu đạo, nên có căn lành lớn, dù không có thần thông, nhưng cũng rất thông minh. Lúc leo lên đỉnh nhà kho để sửa, Thuấn mang theo bên mình hai cái nón lá (Loại nón lá có chóp thời xưa của Trung Hoa ), lẽ ra đội một cái trên đầu cũng đủ rồi. Nhưng Thuấn định là nếu rớt cái này, thì còn cái kia để đội. Lúc Thuấn thấy lửa bốc cháy từ bên dưới kho thóc, lập tức hai tay cầm hai cái nón, giống như dang hai cánh, từ trên đỉnh kho thóc nhảy vọt xuống đất giống như nhảy dù, an toàn không hề bị thương tích gì cả. Rồi Thuấn chạy về nhà gõ cửa, làm cho người cha, mẹ kế và Tượng đứng nhìn chết trân, họ ngạc nhiên: “Không phải hắn bị lửa thiêu rồi sao? Đây có phải hồn nó về không!” Thuấn trả lời: “Con không phải là ma đâu, cả nhà đừng sợ.” Thế rồi họ đành phải mở của cho Thuấn vào nhà.

Cho vào nhà rồi nhưng vẫn mang tâm giết hại Thuấn. Giết thế nào đây? Bọn họ lại bàn với nhau, dùng lửa thiêu không chết, thì dùng nước dìm nó chết! Bấy giờ, do trong nhà không có đủ nước dùng, liền gọi Thuấn xuống vét giếng. Nghe theo lời cha, Thuấn leo xuống vét giếng, dưới giếng có nhiều bùn, phải móc bùn lên thì mới có nước. Thuấn vừa leo xuống giếng, người cha đứng trên liền thả xuống một tảng đá lớn, cứ nghĩ tảng đá to này nhất định sẽ đè Thuấn chết.

Ai ngờ được rằng, Thuấn là người có thiên tướng, phúc mạng lớn, nên cũng có chư thần theo hộ vệ. Trong giếng đó có một con rồng, con rồng này khi thấy tảng đá lớn từ trên rơi xuống liền lấy vuốt rồng chụp lại, rồi dùng đuôi của nó khoét một cái hang bên cạnh đáy giếng. Thuấn thấy được cái hang này liền theo đường hang đó mà thoát ra ngoài, thế là Thuấn không bị đá đè chết.

Sau khi ba người bọn họ quẳng đá xuống giếng, lại dùng một tảng đá đậy kín bên trên miệng giếng, cho rằng lần này thì Thuấn nhất định sẽ chết không thể thoát được. Thế là họ mở ngay cuộc họp gia đình để phân chia tài sản của Thuấn. Tượng nói với bố mẹ rằng: “Lần này lập mưu sát hại Thuấn đều là công lao của con, bây giờ trâu dê, kho đụn đều dành cho bố mẹ, mọi thứ tài sản của Thuấn đều dành cho bố mẹ, con không cần những thứ ấy. Thứ con cần là gì? Con chỉ cần mấy thứ binh khí, cây đàn Ngũ huyền, cây cung có điêu khắc và cả hai người vợ của Thuấn đều thuộc về con”. Cổ Tẩu nói: “Được, được! Con muốn gì thì cho thứ ấy.”

Đang khi Tượng đang hí hững chạy đến nhà của người anh để tiếp nhận hai người chị dâu, hắn vừa bước vào nhà thì thấy Thuấn vẫn bình yên ngồi trên giường gảy đàn! Ông Đại Thuấn lúc này, chẳng hề có chút giận hờn, chẳng có chút gì sân hận, Thuấn không hề nóng giận lên mà nói: “Mấy người trước lấy lửa đốt tôi, rồi đợi tôi xuống giếng còn ném đá lấp giếng lại. A! Muốn hại chết tôi sao.” Thuấn vẫn thế, với vẽ mặt đầy hoan hỷ, thấy em trai đến, còn rất nồng hậu đón tiếp em và ôn tồn hỏi:
“Em tìm anh có việc gì không?” Tượng rất lúng túng, tiến thoái lưỡng nan, nói: “Em cảm thấy buồn và bức rức, vì nghĩ đến chuyện đã xãy ra đối với anh.” Thực sự thì trong lòng hắn đang muốn chiếm hữu hai người chị dâu về làm vợ của hắn.

Thuấn có tính rất nhân từ và hiếu thảo, cảm động trời đất; thuở nhỏ thân phận thấp hèn, Thuấn từng phải làm qua nhiều công việc. Khi Thuấn đến làm ruộng ở Lịch Sơn, dân chúng ở Lịch Sơn đều nhường đất cho Thuấn, khi Thuấn bắt cá ở Lôi Trạch, dân chúng ở Lôi Trạch đều nhường Thuấn chỗ bắt cá; lúc Thuấn nắn đồ gốm bên sông Hà Tân, gốm Hà Tân rất đẹp. Trước thời Khổng Tử, Thuấn được xem là người uyên bác, nhiều tài năng nhất, nơi nào Thuấn đến, người dân đều nhờ nghe tiếng tốt của Thuấn mà được cảm hóa, lủ lượt kéo nhau về cùng ở cùng một chỗ, nên trong vòng một năm nơi ấy đã thành một tụ lạc, sau hai năm trở thành một thị trấn, sau ba năm thì biến thành một khu đô thị đông đúc. Lắm lần vua Nghiêu giao cho Thuấn nhiều trọng trách để thử tài năng của Thuấn, Thuấn đều hoàn thành tốt công việc không chút sai sót, đủ thấy rằng Thuấn là một người uyên bác có nhiều năng lực.

Vua Nghiêu lại sai Thuấn đến một vùng hiểm địa sông núi hoang sơ, kết quả Thuấn không hề bị lạc lối trong trận mưa sa gió táp ở núi sâu rừng hiểm, mà còn trở về trong sự bình an. Vua Nghiêu nhận ra được rằng, đức hạnh và tài năng của Thuấn đã đủ để vua truyền giao ngôi vị, nên sau 30 năm Thuấn giúp vua lo việc nước, vua Nghiêu đã đem ngôi vị Thiên tử nhường lại cho Thuấn. ‘Thiện’ là một nghi lễ tế cáo trời đất, trong buổi lễ này vua Nghiêu đã công cáo đề bạt với trời, thần rằng Thuấn sẽ là người kế vị, có quyền nắm giữ sắc lịnh của thiên tử. Tấm lòng chí công vô tư của vua Nghiêu, truyền ngôi cho người hiền mà không truyền cho con, đã khai sáng nên một nền chính trị “Nhường vị” của Trung Hoa từng được xưng tụng trong mấy ngàn năm qua.

Vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, chính sách trị nước của vua Thuấn rất rõ ràng, chưa từng làm khó cho dân, người nam làm ruộng rẫy người nữ dệt vải, muôn dân sống trong cảnh thái bình an cư lạc nghiệp, Thời ấy, con người không hề tham lam, biết lễ phép và nhường nhịn nhau. Nên cảm ứng “Năm ngày một cơn gió đến, mười ngày một trận mưa rào; gió nhẹ không lay cây, mưa rào không phá đất.” Nhân gian mưa thuận gió hòa, sông xanh biển lặng, không gió táp mưa sa phá hoại đất đai mùa màng. Bốn biển một lòng, phượng hoàng bay lượn, thiên hạ sống có đạo đức, đều bắt đầu từ thời vua Thuấn.

Vua Thuấn qua đời tại Thương Ngô, làm vua được 49 năm, thọ 110 tuổi. Những năm cuối đời, vua Thuấn vì cảm kích công lao trị thủy của Đại Vũ, tuy là có đứa con trai là Thương Quân nhưng Thương Quân bất tài vô dụng, nên vua Thuấn đã tiến cử Vũ cùng trời thần, theo phép nhượng vị như vua Nghiêu mà nhường ngôi lại cho Vũ. Từ đây chính sách ‘Nhượng vị’ của Trung Hoa lại thêm một trang mới. Vua Thuấn là một vị hoàng đế hiếu thảo nhất của Trung Hoa, cho dù phụ thân, mẹ kế, đối với vua tệ bạc bao nhiêu, em trai kiêu ngạo đến thế nào, vua cũng không để trong lòng, vẫn giữ trọn lòng hiếu thuận.

ST