Christian
Friedrich Heineken, cậu bé được mệnh danh là “giáo sư xứ Lubeck” từ lúc 4 tuổi.
Christian Friedrich Heineken sinh ngày 6/2/1721 tại thành phố
Lubeck, phía bắc Đức. Cậu bé chỉ sống đến hơn 4 tuổi nhưng được lịch sử ghi nhận
là một trong những đứa trẻ thông minh nhất thế giới được sinh ra. Giai thoại kể
lại Christian từng gặp nhà vua Đan Mạch và thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau,
theo Earth-chronicles.
Giống như một miếng bọt biển, Christian hấp thụ mọi kiến thức
từ tất cả các lĩnh vực khác nhau, không giới hạn bởi bất kỳ chủ đề hay lĩnh vực
nào.
10 tháng tuổi Christian được đồn là đã có thể nói trọn vẹn những
câu ngắn. Cậu bé lặp lại chính xác từng câu từng từ của cha mẹ mình. Cha
Christian, ông Paul Heineken, là nghệ sĩ, kiến trúc sư, chủ cửa hàng bán tác phẩm
nghệ thuật còn mẹ Christian là bà Katarina Elizabeth, giả thuật gia.
Đầu đời Christian tiếp cận với thế giới. Bà vú em Sophie
Hildebrant đưa đứa trẻ đi lại khắp nơi trong nhà, tới các bức tranh và giới thiệu:
“Đây là một con ngựa cảnh”, “Đây là một ngọn tháp thắp đèn mà người ta gọi nó
là hải đăng”, “Đây là một con thuyền có thể nổi trên biển. Giờ ta sẽ chỉ tay và
cháu nhắc lại chúng là gì nhé”.Bất ngờ, không chút do dự, Christian lặp lại
chính xác những gì cậu bé vừa được dạy.
Hai tuổi, Christian không những có khả năng kể lại trôi chảy
các chi tiết lịch sử trong Kinh Thánh mà còn trích dẫn chính xác từng phần nếu
chúng được nhắc tới. Ba tuổi, cậu bé thêm vào kho tri thức của mình những kiến
thức về lịch sử và địa lý, học thêm tiếng Latin và tiếng Pháp, tìm hiểu về toán
học và sinh học. Năm lên 4, Christian bắt đầu nghiên cứu lịch sử Giáo hội và
tôn giáo.
Dường như cậu bé biết mọi thứ trên đời. Tiếng lành về
Christian nhanh chóng lan rộng. Vậy nên, các học sinh ở Lubeck không mấy ngạc
nhiên khi đến một ngày, cậu bé đứng trên bục giảng và dạy họ.
Trong số những người ngồi nghe có Johann Heinrich von Seelen,
hiệu trưởng trường trung học Lubeck. Vào ngày 2/1/1724, Seelen đã có cơ hội chứng
kiến kho kiến thức giống như “bách khoa toàn thư” của cậu bé thần đồng.
Christian bắt đầu với việc phân tích tiểu sử các hoàng đế La
Mã và Đức từ Caesar, Augustus đến Constantine, Ptolemy và Charlemagne. Sau đó,
cậu chuyển sang các vua Israel rồi lại đến địa lý Đức. Cuối cùng, Christian kết
thúc bài diễn thuyết bằng câu chuyện về cấu trúc xương người. Tất cả những
thông tin trên đều liên kết với nhau bằng một sợi dây xích logic nào đó dù
chúng ở những lĩnh vực hoàn toàn khác biệt. “Khán giả như thể bị phù phép, tất
cả đều há hốc miệng”, Seelen viết trong nhật ký.
Ngoài bề dày kiến thức, Christian còn thể hiện cả năng khiếu
trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật. Nhà soạn nhạc từ Hamburg Georg Philipp
Telemann đã đến gặp và dành nhiều lời khen tặng cho “giáo sư nhí xứ Lubeck”.
“Thực sự, nếu tôi là một người ngoại đạo, tôi sẽ quỳ xuống và
cúi đầu trước cậu bé này”, Telemann lúc bấy giờ nói. “Cậu bé quả thật là báu vật
của chúng ta”.
Vào năm ba tuổi, Christian đã yêu cầu cha mẹ đưa mình đến gặp
nhà vua Frederick của Đan Mạch để truyền tải những bản đồ hàng hải chi tiết mà
cậu khăng khăng rằng mình có thể tự vẽ ra. Tuy nhiên, mẹ Christian khuyên cậu
không nên đi bởi cậu chưa thể cầm bút quá lâu. Christian đã trấn an mẹ rằng
“Nhà vua là người nhân từ, ông ấy sẽ cho con sức mạnh để vẽ nên những tấm bản đồ
băng qua biển”.
Biết tin về Christian, vua Frederick IV của Đan Mạch cảm thấy
rất hiếu kỳ và muốn gặp cậu bé thần đồng. Ông không tin một đứa trẻ hơn ba tuổi
lại có khả năng nói thông thạo 4 thứ tiếng. Christian được đưa tới Copenhagen.
Cậu bé trình bày trước nhà vua và hội đồng vài bài giảng tường tận về lịch sử
Đan Mạch và ngay lập tức nhận biệt danh Mirakulum, có nghĩa là “Điều kỳ diệu”
trong tiếng Latin.
Với trí tuệ và sự thông thái khó ai sánh kịp, Christian hứa hẹn
trở thành một vĩ nhân trong lịch sử. Song cuộc đời cậu bé lại kết thúc quá sớm.
Sau khi trở về từ Đan Mạch, tình trạng sức khỏe của Christian bắt đầu xấu đi
nhanh chóng. Các bác sĩ nhận thấy cơ thể cậu ngày càng suy nhược. Cậu liên tục
chịu những cơn đau đầu và đau khớp, chứng mất ngủ và biếng ăn. Khuôn mặt cậu
sưng phù vì dị ứng. Hệ thống tiêu hóa của Christian không thể tiêu thụ bất kỳ
thứ gì có chứa bột mỳ.
Một ngày, trong lúc đang điều trị bằng thảo dược, Christian
nói: “Cuộc đời con giống như mây khói”. Sau đó, cậu hát khoảng 200 bài Thánh ca.
Christian qua đời vào ngày 27/6/1725. Giới khoa học về sau
xác định Christian đã mặc hội chứng Celiac, một bệnh tự miễn dịch của đường
tiêu hóa, gây ra bởi tình trạng nhạy cảm quá mức với gluten hoặc không hấp thụ
gluten. Trước khi lìa cõi đời, câu cuối cùng cậu bé nói là: “Xin chúa, hãy mang
linh hồn con đi”.
ST
Christian Friedrich Heineken trong bức tranh do mẹ cậu vẽ. Ảnh:
Wikipedia.
Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020
Điểm mù tư duy và những hệ lụy
Lý trí giúp chúng ta nhận thức và đưa ra quyết định hành động
trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống có những điểm mù mà tôi gọi là điểm
mù tư duy. Chúng ta ai cũng có những điểm mù này ở những mức độ khác nhau.
Bạn có bao giờ để ý là trong cuộc sống minh thường lập đi lập
lại một số lầm lỗi khá giống nhau không?
Ví dụ: Nếu bạn từ bỏ công việc nhiều lần vì lý do khá giống
nhau. Bạn cãi vã với người yêu thì cũng thường trên vài vấn đề lập lại. Bạn nổi
giận mất kiểm soát khi gặp những vấn đề khá giống nhau...
Tại sao vậy?
Trong tâm lý học hành vi thì tất cả những gì về con người của
bạn (tính cách, hành vi, tư duy, …) có thể chia ra bốn góc với cái tên là
Johari Window.
1/ Những gì về con người của bạn mà bạn biết và những
người xung quanh cũng biết (Góc mở hay phần nổi).
2/ Những điều về bạn mà chỉ có bạn biết nhưng lại muốn che
giấu không cho ai khác biết (Góc khuất).
3/ Những điều về bạn mà những người chung quanh đều biết
nhưng bạn thì lại không có ý thức gì về nó (Góc mù).
4/ Những điều về bạn mà cả bạn và người xung quanh đều
không biết (góc ẩn và đây cũng là góc tiềm năng mà bạn chưa khám phá).
Trong cuộc sống bạn muốn hướng đến việc mở rộng góc mở và ngày
càng làm nhỏ đi góc khuất, góc mù và góc ẩn. Lúc ấy bạn có thể sống thật với
con người của mình và quan hệ với mọi người xung quanh được thân thiết hơn.
Góc khuất là những cảm xúc, suy nghĩ, thiên vị, khao khát và kể
cả những sự kiện xảy ra với bạn trong quá khứ mà bạn muốn dấu kín vì sợ nếu
người ngoài biết có thể sẽ có những đánh giá không đúng về bạn hay sẽ chối bỏ
bạn, v.v.
Nếu góc khuất lớn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng những mối quan
hệ thân thiết trong cuộc sống. Tuy thế nó không nguy hại đến phát triển sự
nghiệp bằng góc mù vì bạn ý thức được những gì trong góc khuất.
Góc mù bao gồm những gì về bạn mà bạn không ý thức được trong
khi ấy thì ai cũng thấy cả! Thế góc mù từ đâu ra?
Theo tâm lý học thì tâm thức (mind) của con người có hai phần: ý
thức và vô thức. Hai phần này như một tảng băng trôi trên đại Dương với phần ý
thức là phần nổi nhỏ và phần vô thức lớn hơn nhiều là phần chìm.
Đa số các điểm mù dựa vào những giả định tích lũy từ kinh nghiệm
và trải nghiệm trong quá khứ.
Con người 95% hoạt động một cách vô thức, và chỉ 5% có nhận
thức! Do đó tất cả chúng ta ai cũng có góc mù, lớn hay nhỏ tùy vào nhận thức
của từng người.
Những điểm mù này có thể phân loại như sau để bạn dễ nhận dạng.
1/ Mù kiến thức: Con người thường
đánh giá quá cao vào kiến thức và khả năng của mình (Dunning-Kruger effect). Kiến
thức hay khả năng càng cao thì điểm mù này càng lớn.
Nói một cách khác càng thành công thì nghĩ rằng “mình biết hết”
hay “làm được hết”. Nguy cơ có thể xảy ra khi người ấy đem kiến thức và kinh
nghiệm ở một khía cạnh này dùng vào khía cạnh khác.
2/ Mù tin tưởng: Con người thường
“nghe những gì muốn nghe, thấy những gì muốn thấy, và hiểu những gì muốn hiểu”.
Nói một cách khác não bộ chúng ta chọn lọc thông tin để xác minh những gì ta
muốn thấy, nghe, và tin tưởng.
Những thông tin đối chọi hay không phù hợp với suy nghĩ hay tin
tưởng của chúng ta sẽ bị loại bỏ. Do đó sự thật đối với một người có thể khác
với sự thật đối với người khác cho dù cùng một sự kiện.
Nếu cha mẹ trong đầu nghĩ rằng đứa con cứng đầu khó dạy thì
thường nhìn thấy các vấn đề ương ngạnh của con mà không thấy những khía cạnh
ngoan của trẻ.
3/ Mù cảm xúc: Cảm xúc làm mờ đi
nhận thức của bạn. Tuy chưa tiếp xúc trực tiếp nhưng qua cái cách của người sếp
mới bạn không thích người ấy. Thế là bạn sẽ tập trung đi tìm thông tin minh
chứng cho cảm xúc của bạn là đúng và từ đó mất đi cơ hội hiểu người ấy ở những
góc độ khác và chắc chắn bạn sẽ không học được gì từ người sếp mới!
Cũng như khi bạn đem bạn trai về giới thiệu với cha mẹ nhưng khi
thấy cái hình xâm trên tay cậu ta là cha mẹ đã không ưa rồi và từ đó không thèm
bỏ thời gian tìm hiểu hay muốn biết về cậu ấy.
Chính vì điểm mù cảm xúc này mà chúng ta thường chọn bạn có tính
cách và tư duy giống chúng ta. Nhưng nếu chọn người cộng sự thì điều này sẽ đem
lại nhiều nguy cơ cho tổ chức.
4/ Mù suy nghĩ: Suy nghĩ của bạn
không có vấn đề gì cả! Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn đánh giá hay nhìn nhận vấn đề
từ suy nghĩ của mình. Tâm lý chúng ta đều cho rằng suy nghĩ của mình là đúng và
do đó khi ai đó nêu lên ý kiến trái chiều thì chúng ta thường tìm cách biện hộ
cho suy nghĩ của mình và tìm cách chứng minh suy nghĩ kia là sai. Chính điều ấy
làm mờ đi khả năng suy nghĩ đa chiều.
Làm sao thu nhỏ góc mù tư duy và hạn chế các hệ lụy?
1/ Trước hết nhận thức rằng bản thân mình có điểm mù tư duy do
95% thời gian não bộ của mình hoạt động một cách vô thức. Hãy tập lấy một hoạt
động trong vô thức như là hơi thở của bạn và thỉnh thoảng làm nó trở thành hoạt
động ý thức. Để ý hơi thở của bạn: hít vào - thở ra - hít vào - thở ra.
2/ Tập bỏ dần quan niệm đúng - sai, thành công - thất bại, phải
- quấy, tốt - xấu. Đó chính là những sàng lọc hình thành các điểm mù tư duy.
Nhiều nơi ở Trung Đông có quan niệm đàn bà không nên lái xe hơi và bạn biết đấy
quan niệm ấy ở xã hội Việt Nam là không đúng. Và ở Việt Nam quan niệm dạy con
‘Thương cho roi cho vọt’ thì lại là phạm pháp ở 65 nước trên thế giới trong đó
có nước Mỹ.
3/ Tập kiểm soát cái “Tôi” và hỏi bạn bè/đồng nghiệp phản hồi
hay nhận xét về mình. Nếu bạn chiêm nghiệm trong cuộc sống của mình thì sẽ thấy
đa phần các hối tiếc đều từ cái “Tôi” của mình gây ra.
Do đó nếu bạn kiểm soát được cái “Tôi”, bạn sẽ kiểm soát được
cảm xúc của mình. Khi ấy bạn dễ dàng nhận được phản hồi hay nhận xét tích cực
giúp bạn nhìn thấy điểm mù của mình. Xã hội ngày nay trí tuệ cảm xúc ngày càng
quan trọng.
GS Trương Nguyện Thành - Giảng viên Đại học Utah (Hoa Kỳ)
Theo GS Thành, điểm mù tư duy sinh ra rất nhiều hệ lụy
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)