Suy nghĩ về 4 giai
đoạn của cuộc đời.
Giai đoạn 1: Bắt chước
người khác
Từ khi sinh ra ta đã cần phụ thuộc vào người khác. Chúng ta
không thể đi, không thể nói, không thể tự kiếm ăn, và v.v.
Khi còn nhỏ, cách học tập bẩm sinh của chúng là quan sát và bắt
chước người khác. Trong những năm tháng cuối cùng của thời thơ ấu, chúng ta học
cách thích nghi với văn hóa xã hội bằng cách quan sát các luật lệ và phong tục
xung quanh môi trường sống của mình và cố gắng cư xử theo cách mà thường được
xã hội chấp nhận.
Mục tiêu của giai đoạn 1 là dạy chúng ta cách tồn tại trong xã
hội này để ta có thể tự chủ và tự chăm sóc được bản thân mình. Những người lớn
khác trong cộng đồng sẽ dìu dắt ta đạt tới giai đoạn này thông qua sự trợ giúp
để ta có thể tự ra quyết định và thực hiện chúng về sau.
Trong một cá nhân lành mạnh "bình thường", Giai đoạn 1
sẽ kéo dài đến cuối tuổi vị thành niên và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành.
Đối với một số người, nó có thể kéo dài đến cả khi họ đã là người lớn.
Giai đoạn bắt chước. Luôn luôn tìm kiếm sự chấp thuận và sự xác
tín. Thiếu vắng tư duy độc lập và các giá trị của bản thân.
Giai đoạn 2: Tự khám
phá bản thân
Trong Giai đoạn 1, chúng ta học cách hòa nhập với con người và
văn hóa xung quanh. Giai đoạn 2 sẽ là lúc học hỏi điều gì làm chúng ta khác
biệt với đám đông. Điều này đòi hỏi chúng ta bắt đầu tự ra quyết định cho mình,
tự thử thách mình, tự hiểu mình và khám phá ra điều gì khiến mình độc đáo.
Giai đoạn 2 bao gồm rất nhiều cuộc thử sai. Chúng ta thử nghiệm
bằng cách sống ở những nơi mới lạ, giao lưu với những người mới, uống bia rượu,
hút thuốc lá và thử "quan hệ" với người lạ xem sao, có người rời quê
hương và thăm thú các nơi xa lạ, có người đâm thẳng đầu vào hệ thống chính trị
ở thủ đô Washington.v.v... Giai đoạn 2
của mỗi người sẽ khác nhau đôi chút bởi vì mỗi chúng ta đều có sự khác biệt.
Giai đoạn 2 là quá trình khám phá ra bản thân. Chúng ta thử
nhiều thứ. Một số có thể thành công, 1 số có thể thất bại. Mục đích là để ta
chọn lấy cái nào đúng đắn và tiếp tục hành động.
Giai đoạn 2 kéo dài cho tới khi chúng ta bắt đầu chạm đến những
giới hạn của mình. Điều này có thể làm nhiều người khó chịu. Nhưng bất
kể mấy diễn giả thành công có nói gì với bạn, khám phá ra được những giới hạn
của mình là một điều hoàn toàn tốt và lành mạnh.
Chúng ta đều cần phải học được rằng mình dốt thứ gì. Và biết
được điều này càng sớm trong cuộc đời càng tốt.
Phải nhận ra chân lý rằng thời gian của bạn trên Trái Đất này không
có nhiều và vì vậy bạn nên đầu tư nó vào những thứ có ý nghĩa nhất. Điều
này có nghĩa là cho dù bạn có khả năng làm được điều gì đó, không có nghĩa là
bạn nên làm nó. Nhận ra rằng bởi vì bạn thích kiểu người này không có
nghĩa là bạn nên ở mãi với họ. Và nhận ra rằng mọi thứ đều có chi phí cơ hội và
bạn không thể có tất cả.
Một vài người không bao giờ cho phép mình cảm thấy giới hạn -
hoặc là bởi vì họ từ chối thừa nhận lỗi lầm của mình hoặc bởi vì họ tự huyễn
hoặc rằng mình không có giới hạn. Những người này sẽ bị kẹt lại trong Giai đoạn
2.
Có những người "cứ mãi khởi nghiệp" khi đã 38 tuổi,
vẫn sống với mẹ và vẫn không kiếm ra được đồng nào sau 15 năm cố gắng. có những
người không thể an vị vào một mối quan hệ lâu dài bởi vì họ luôn luôn có cảm giác
rằng sẽ luôn có một ai đó tốt hơn xuất hiện.v.v. Họ là những người cố "lau
chùi" những sai lầm như thể "giải phóng" sự tiêu cực vào vũ trụ,
hoặc "thanh trừng" tất cả những sai lầm khỏi cuộc đời mình.
Đến một lúc nào đó, chúng ta đều phải thừa nhận chân lý: cuộc
đời này rất ngắn ngủi, vì vậy chúng ta nên cẩn thận lựa và chọn thứ gì chúng ta
làm tốt nhất và toàn tâm toàn ý với nó.
Nhưng những người mắc kẹt trong giai đoạn 2 dành phần lớn thời
gian để tự thuyết phục mình điều ngược lại. Rằng họ như một siêu nhân. Rằng họ
có thể vượt qua tất cả. Rằng cuộc đời họ là sự phát triển và đi lên không bao
giờ ngừng, trong khi ai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng họ chỉ đang chạy tại chỗ.
Với những cá nhân lành mạnh, Giai đoạn 2 bắt đầu từ giữa - cuối
tuổi vị thành niên và kéo dài cho đến giữa 20 hoặc giữa 30. Những ai vẫn mãi
kẹt trong giai đoạn 2 thường được mọi người gọi là mắc "Hội chứng Peter
Pan" - những kẻ lông bông cả đời, luôn luôn đi tìm bản thân mình, nhưng
không tìm thấy thứ gì.
Giai đoạn 3: Toàn tâm toàn
ý
Giai đoạn 3 là thời điểm đẹp nhất cho bạn xây dựng lâu đài
cuộc đời. Bạn đã chia tay những người bạn chỉ biết kìm kẹp mình. Bạn đã tạm
biệt những trò chơi vô bổ, lãng phí thời gian. Bạn đã giã từ những giấc mơ ngày
xưa mà chắc chắc khó thành hiện thực.
Bạn phải chọn cho mình
một cái gì mang tính hiện thực, dù nó là gì đi chăng nữa, đây là lúc bạn hoàn
thành thứ tốt nhất của mình.
Giai đoạn thứ 3 là lúc bạn tối đa hóa khả năng của mình trong
cuộc đời này. Nó là lúc xây dựng di sản của bạn. Bạn sẽ để lại gì
cho cuộc đời khi bạn ra đi? Mọi người sẽ nhớ về bạn như nào? Dù đó là một
nghiên cứu đột phá hoặc một phát kiến mới tuyệt vời hay một gia đình đáng yêu,
Giai đoạn 3 là lúc bạn thay đổi thế giới này khác đi một chút nhờ sự tồn tại
của bạn trên đời.
Giai đoạn 3 sẽ kết thúc khi có sự hợp nhất của 2 thứ: 1) Bạn cảm
thấy như thế mình không còn gì có thể phấn đấu được nữa, 2) Bạn đã già và
đã mệt và thấy rằng mình nên uống martini và chơi trò giải ô chữ cả cuộc đời
còn lại.
Đối với những người "bình thường", Giai đoạn 3 thường
kéo dài từ khoảng 30 tuổi tới tuổi nghỉ hưu.
Những người bị mắt kẹt ở Giai đoạn thứ 3 thường là do không biết
buông bỏ đam mê của mình và luôn ham muốn nhiều hơn. Chính vì vậy họ sẽ luôn
khao khát phấn đấu đến tận 70 hay 80 tuổi.
Giai đoạn 4: Di sản
Khi đến giai đoạn này, mọi người đã dành khoảng 50 năm để đầu tư
vào những thứ họ tin rằng là có ý nghĩa và quan trọng. Họ đã làm được những
điều tuyệt vời, làm việc chăm chỉ, đạt được mọi thứ mình có, có thể đã có một
gia đình hay một quỹ từ thiện hay tạo ra 1 sự đổi thay to lớn trong chính trị
hay văn hóa, và giờ họ đã toại nguyện. Họ đã đạt đến độ tuổi mà năng lượng và
hoàn cảnh của họ không cho phép họ theo đuổi đam mê của mình xa hơn nữa.
Mục tiêu của giai đoạn này trở thành không chỉ tạo ra 1 di sản
mà làm sao để đảm bảo nó vẫn tồn tại kể cả khi bạn đã ra đi.
Việc này có thể đơn
giản là việc bạn hỗ trợ và răn dạy con cháu của mình và ngắm nhìn chúng tận
hưởng cuộc sống. Bạn cũng có thể giao phó lại các dự án hay công việc của
mình cho các học trò. Bạn cũng có thể là tham gia vào hoạt động chính trị
nhiều hơn để khẳng định các giá trị của mình trong một xã hội đã đi qua
quá nhiều xáo trộn.
Giai đoạn 4 rất quan trọng về mặt tâm lý bởi vì nó khiến chúng
ta dễ chấp nhận sự thật rằng ta rồi sẽ phải chết. Bởi vì là con
người, chúng ta có một nhu cầu sâu thẳm muốn cảm thấy rằng cuộc đời của mình có
một ý nghĩa gì đấy. Thứ ý nghĩa chúng ta luôn luôn tìm kiếm về bản chất chính
là cơ chế tâm lý phòng vệ chống lại sự khó hiểu của cuộc sống này và sự tuyệt
đối cái chết. Đánh mất ý nghĩa đó, hoặc nhìn nó tuột khỏi tầm tay, hoặc từ từ
cảm thấy như thể thế giới này đã rời bỏ bạn lại phía sau, không khác nào phải
đối diện với sự lãng quên và để nó nuốt chửng bạn.
Bài học rút ra
Đi qua mỗi giai đoạn cuộc đời giúp chúng ta có thể kiểm soát
hạnh phúc và sự thịnh vượng của mình tốt hơn.
Trong mỗi giai đoạn,
hạnh phúc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các giá trị nội tại, có thể kiểm soát
và bớt dựa vào các yếu tố bên ngoài của thế giới không ngừng xoay chuyển này.