Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Mối nguy từ những đôi tay trong môi trường bệnh viện

 

MỐI NGUY TỪ NHỮNG ĐÔI TAY TRONG MÔI TRƯỜNG BỆNH VIỆN

Đa phần mọi người đều có niềm tin rằng sức khỏe có vấn đề thì đến bệnh viện để chữa, mà ít ngờ rằng đây lại chính là môi trường lý tưởng cho truyền nhiễm, lây thêm bệnh. Điều này gây nên bởi tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Nhiễm khuẩn bệnh viện càng ngày càng là vấn đề nổi cộm, chi phí hàng tỷ đô la mỗi năm mà vẫn không giải quyết triệt để.

Đây là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra do hậu quả của nằm viện, nghĩa là: Bệnh nhân không có tình trạng ủ bệnh lúc nhập viện và tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra tối thiểu 48 giờ sau nhập viện.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa kỳ, ước tính hằng năm trên thế giới trung bình có 2 triệu người NKBV, trong đó có hơn 90.000 ca tử vong.

Điều này đã làm cho ngân sách chi cho dịch vụ chăm sóc y tế tăng thêm từ 4,5 – 5,7 tỷ đô mỗi năm và thời gian nằm viện tăng trung bình từ 4-7 ngày.

Tại Việt Nam, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, qua nghiên cứu trên 9.345 bệnh nhân của 10 BV thuộc bộ cho thấy tỉ lệ NKBV là 5,8%. Còn theo nghiên cứu của Sở Y tế TP HCM trên tất cả các BV công lập trực thuộc, tỉ lệ NKBV cao hơn, đến 6,4%.

Trong số các bệnh dễ bị NKBV phải kể đến hàng đầu là viêm phổi (54,3%), kế tiếp là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%). Đối với bệnh nhân phải mổ thì 10% bị nhiễm trùng vết mổ.

Nghiên cứu của BV Chợ Rẫy (TP HCM) chỉ rõ tình trạng nhiễm trùng vết mổ có nguyên nhân do NKBV thường gặp nhất ở bệnh nhân có kèm viêm phổi (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%).

Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa.

Theo BS Nguyễn Văn Tuân, đại diện WHO tại Việt Nam, cứ 100 bệnh nhân nằm viện thì ít nhất 10 người bị NKBV.

Thủ phạm chính là “Bàn tay”

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bàn tay là nơi gây ra tới 80% các căn bệnh thường gặp.

Với đặc thù của bệnh viện là nơi hội tụ của vi khuẩn thì đôi tay lại càng “phát huy tác dụng”.

Đôi tay được nói đây bao gồm đôi tay của các nhân viên y tế và cả người nhà chăm sóc bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 100 triệu bàn tay nhân viên chạm vào bệnh nhân mỗi ngày và có hơn 1,4 triệu người nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.

Các thăm dò ở nhiều quốc gia cho thấy 5-10% các bệnh nhân bị một nhiễm khuẩn nào đó trong khi họ ở trong bệnh viện.

Các khảo sát nhỏ ở Việt Nam gần đây cho thấy khoảng 1/3 nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh.

Trong số nhân viên tuân thủ yêu cầu rửa tay, bác sĩ lại là nhóm ít tuân thủ nhất. Điều này đã vô tình đưa vi khuẩn từ người này sang người khác, làm lây lan bệnh.

Để hạn chế tối đa mức lây nhiễm qua con đường bàn tay, nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc rửa tay trước và sau khi khám bệnh.

Tuy nhiên với môi trường làm việc căng thẳng khắc nghiệt do số bệnh nhân quá tải thì tuân thủ các nguyên tắc rửa tay là điều rất khó.

Thời điểm rửa tay

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, người nhà và cả nhân viên y tế bắt buộc tuân thủ 5 thời điểm rửa tay để hạn chế lây nhiễm:

• Trước và sau mọi tiếp xúc trực tiếp với mỗi người bệnh

• Trước và sau khi thực hiện mỗi thủ thuật xâm lấn

• Trước khi vào và ra khỏi buồng bệnh

• Trước khi đi găng và sau khi tháo găng

• Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với dịch cơ thể

• Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh

 

 

Ảnh: Vi khuẩn nuôi cấy từ bàn tay người. (Ảnh: mulpix.com)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét