Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Lời nói của người văn minh


 LỜI NÓI CỦA NGƯỜI VĂN MINH

Ngày nay, trên mạng xã hội hoặc ở những quán cafe trên phố, chúng ta tùy tiện bình luận cái này cái nọ, hớn hở với những câu chuyện rẻ tiền cùng những ngôn từ sáo rỗng. Con người chẳng hề biết rằng mình đang tiêu tốn tài nguyên lời nói.

Trong truyện “Nhà Giả Kim” có một câu nói: “Những thứ vào miệng con người không độc hại, xấu xa. Xấu xa, độc hại là những gì từ miệng họ tuôn ra”.

Bạn có nghĩ rằng mỗi ngày mình đã nói nhiều từ vô nghĩa không? Xã hội ngày xưa coi trọng lời nói, bởi lời hay ý đẹp xuất phát từ miệng của một người thường thể hiện trí huệ của người ấy.

Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta dường như đã buông lơi giá trị của ngôn từ. Người lớn hay trẻ em đều tự do nói những lời tục tĩu mà chẳng ai cản. Ngay cả trong trường học, nơi các em được giáo dục để trở thành những người tốt cho xã hội nhưng các em vẫn được tự do nói những từ thô tục ấy.

Có bạn sẽ nghĩ, mỗi thời đại mỗi khác. Cứ nghĩ con người càng văn minh thì càng sống hiện đại, có mực thước, có tiêu chuẩn. Nhưng càng phát triển, lời nói con người càng không có trọng lượng.

Hầu như chúng ta đang theo lối sống bầy đàn, cứ một từ ngữ nào hay ho, nghe lạ tai và “chất” “phát minh” ra, sẽ được mọi người học theo và lan truyền chúng thành quy mô rộng lớn. Như vậy là tốt hay xấu?

Căn bệnh này chỉ mới phát triển mấy năm gần đây nhưng có lẽ đã làm cho xã hội biến dị. Mỗi lời nói được thốt ra không có quy phạm đạo đức để câu thúc thế nên không ai biết nó tốt hay xấu. Anh kia cũng nói từ đó, chị kia cũng nói từ đó, mọi người xung quanh đều nói từ đó, thế nên tôi sợ gì mà không dám nói. Liệu có được chăng?

Lời nói của một người ảnh hưởng đến phúc đức của họ

Cổ nhân cho rằng, vận mệnh của một người tốt hay không tốt chỉ cần xem người ấy có khẩu đức hay không là có thể biết được. Cho nên, tu dưỡng ở phương diện lời nói đối với mỗi người là việc rất quan trọng.

Kỳ thực, lời của một người là từ tâm, từ trong suy nghĩ mà phát ra. Nếu miệng luôn nói những lời không tốt, nói lời thị phi, lời nguyền rủa thì thực sự sẽ làm tổn hại đến phúc đức của bản thân mình.

Do vậy, người xưa vô cùng coi trọng lời nói. Mỗi lời nói ra, cần phải cẩn trọng suy nghĩ.

Có nhà văn đã từng nói rằng: “Chúng ta được sinh ra với đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn lại những điều đã qua. Chúng ta được sinh ra với đôi tai – một bên trái và một bên phải – để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng – sai.

Chúng ta được sinh ra với một bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có vì chẳng ai có thể lấy cắp được, bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo.

Chúng ta được sinh ra với đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ, trọng trách. Hơn nữa, một để giúp đỡ bản thân, một để giúp người khác. Chúng ta được sinh ra với một đôi chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để não được mở rộng.

Nhưng chúng ta chỉ được sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn thương, làm đau lòng hay giết chết kẻ khác. Hãy ghi nhớ câu nói: “Nói ít, nhìn xem và lắng nghe nhiều”.

Chuyện kể rằng, thời trẻ, có một lần, một người bạn của Socrates vội vàng chạy tới tìm ông. Người bạn này vừa thở vừa cao hứng nói: “Mình nói với cậu chuyện này, đảm bảo là ngoài sức tưởng tượng của cậu.”

“Chờ chút!” Socrates vội vã ngăn anh ta lại và nói: “Những lời mà cậu định nói với tôi, cậu đã dùng ba “cái sàng’ để lọc qua chưa?’

Người bạn của Socrates với vẻ mặt không hiểu, lặng im và lắc đầu.

Socrates nói: “Lúc mà cậu muốn nói cho người khác một việc gì đó, ít nhất cũng nên dùng ba “cái sàng” lọc qua một lượt. Cái thứ nhất gọi là chân thật, cậu phải xem xem chuyện mà cậu muốn nói cho người khác có đúng sự thật không?”

Anh bạn tiếp lời: “Tôi là nghe được trên đường đi tới đây, mọi người đều nói như vậy chứ tôi cũng không biết là có đúng sự thật không.”

Socrates lại nói tiếp: “Vậy thì nên dùng “cái sàng” thứ hai của cậu để kiểm tra đi. Nếu như nó không phải là sự thật, thì ít nhất cũng là có thiện ý chứ? Chuyện mà cậu muốn kể với tôi có phải là có thiện ý không?”

Người bạn kia nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Không có, thậm chí còn ngược lại nữa”, người bạn này nói xong dường như cảm thấy có chút xấu hổ, liền cúi mặt xuống đất.

Socrates không ngần ngại mà nói tiếp: “Vậy thì chúng ta lại dùng cái sàng thứ ba xem thử xem, việc mà cậu vội vã để nói cho mình biết có phải là việc quan trọng không?’

- “Cũng không phải là việc quan trọng!”

-“Một việc không quan trọng mà lại không xuất ra từ thiện ý, hơn nữa cậu còn không biết có phải là sự thật không, thế thì cậu cần gì phải nói ra? Nói ra cũng chỉ tạo thành phức tạp cho hai người chúng ta mà thôi.”

Socrates cũng từng nói: “Đừng nghe và tin vào lời nói của những người bàn luận thị phi hay là người gièm pha, phỉ báng. Bởi vì lời mà họ nói cho bạn không phải là xuất từ thiện ý, họ đã vạch trần việc riêng tư của người khác thì đương nhiên cũng sẽ làm như vậy với bạn.”

Quả thực lời đồn đại còn đáng sợ hơn dao kiếm, nó có thể làm sát thương người khác một cách vô hình. Người đồn đại những tin đồn không có thật chẳng khác nào đang vui vẻ trên nỗi thống khổ của người khác.

Lời nói ra không chỉ phản ánh trí tuệ mà còn tích phúc báo hay làm tổn hại phúc báo của một người, cho nên trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cần thận trọng từ lời nói đến việc làm.

Tiết kiệm ngôn từ để trở thành người văn minh

Kỳ thực, ngôn ngữ là cây cầu kết nối giữa người với người, cũng là phương tiện quan trọng để chúng ta nhận thức thế giới bên ngoài. Vậy nên, nếu muốn nói rõ ràng, nói thú vị, làm người nghe vui vẻ hài lòng, dễ nghe lọt tai, thì tâm phải luôn từ bi, nói lời thiện. Như thế chúng ta mới có thể tạo phúc cho mọi người và kết được nhiều thiện duyên.

Miệng người lợi hại tựa như đao kiếm sắc bén. Dùng nó vừa có thể tu hành lại vừa có thể tích đức. Nhưng miệng thông thường lại chính là thứ dễ tạo nghiệp nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ gặp không ít người có tài ăn nói, biết cách chuyện trò. Nhưng tiếc là khả năng nếu bị đặt nhầm chỗ, họ lại nói lời chanh chua cay nghiệt, không cho người khác có chút cơ hội để biểu đạt ý kiến.

Ngôn từ là có trọng lượng, không phải là lời nói gió bay, vì nó có thể làm tổn thương người khác, chúng ta cần biết cân nhắc và lựa chọn điều gì nên nói, điều gì không.

Sức hút của một con người thật ra là nằm ở tinh thần, khí chất toát ra từ bên trong, vẻ đẹp này sẽ lâu dài hơn, lôi cuốn hơn mà điều đó phụ thuộc vào ý nghĩ và lời nói của bạn.

Suy nghĩ đẹp – nói điều hay- nhất định bạn sẽ là một người rất đẹp đó.

Đào Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét