CÁC BẠN TRẺ SẼ HỌC THEO KIỂU NÀO?
Có một nghịch lý mà chúng ta thường hay mắc phải, đó là chúng ta muốn giỏi giang, chuyên nghiệp nhưng lại không muốn rèn luyện hay động não. Chúng ta đi học ở trường để lấy bằng, chúng ta đi học ở các trung tâm bên ngoài để cố lấy các thủ thuật sao cho dễ dàng nhanh chóng trở nên chuyên nghiệp. Lối học này biến chúng ta hoặc thành những kẻ ảo tưởng rằng chúng ta đã trở nên chuyên nghiệp, hoặc chúng ta chẳng cải thiện gì về kiến thức hay kỹ năng mà chỉ giết thời gian vào việc nghe giảng.
.
Sự khác biệt mấu chốt giữa người chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp không phải là người chuyên nghiệp có nhiều kỹ năng hơn mà là người chuyên nghiệp có nền tảng tốt hơn, và do đó có thể đi xa hơn trong việc trở thành một chuyên gia của lĩnh vực nào đó.
.
Có một thời, các lớp dạy kỹ năng mọc lên như nấm: dậy làm giàu, dậy giao tiếp, dậy phân tích bản thân, dậy thiền, dậy học tiếng Anh…v…v… Những lớp kỹ năng này không cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng hay gợi mở cho các bạn rằng việc biết nền tảng là điều cần thiết. Các lớp kỹ năng này đều hướng tới các thủ thuật được đúc rút từ kinh nghiệm của những người nổi tiếng. Ở các nước có hệ thống giáo dục đủ tốt để cung cấp nền tảng thì những lớp kỹ năng này là cần thiết. Thế nhưng ở nước ta, chúng ta dễ dàng bị rơi vào tình trạng mất nền tảng hay còn gọi là học mất gốc khi ở cấp phổ thông và cấp đại học, thì những lớp kỹ năng này chỉ khiến các bạn tiếp nhận thông tin theo lối “monkey see, monkey do” (thành ngữ chỉ thấy sao làm vậy) mà thôi.
.
Khi bạn thiếu nền tảng, bạn sẽ mất khả năng tự học, mà sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào giảng viên. Tức là khi bạn học một kỹ năng và bạn cảm thấy áp dụng được trên thực tế, thế nhưng khi thực tế thay đổi, bạn sẽ không thể ứng biến được, và tiếp tục lại tham gia vào rất nhiều các khóa kỹ năng khác. Như vậy, cả cuộc đời của bạn sẽ đeo đuổi theo việc học, mà cái học này không thực chất, không ngấm sâu vào tâm trí của bạn. Cái học dạng này rất khác với cái học sâu sắc để khám phá thế giới và cuộc sống. Chúng ta rất dễ nhầm lẫn hai lối học vừa kể trên khi cho rằng “có học vẫn hơn” hay “học ấm vào thân”, “có học có hơn”.
Một kiểu học giúp chúng ta hiểu sâu biết rộng, còn lối học mà chúng ta vẫn chạy theo là lối học tinh ranh mang tính ứng phó với tình trạng nhất thời.
.
Xét riêng về mảng kỹ năng, kỹ năng cũng phân ra nhiều loại. Có loại kỹ năng được xây dựng từ cải thiện cách tư duy, khuyến khích tìm hiểu bản chất của vấn đề; cũng có loại kỹ năng là luyện các thủ thuật lặp đi lặp lại. Những kỹ năng giúp cải thiện tư duy giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện vấn đề, dễ dàng tự tìm tòi, học hỏi. Còn những kỹ năng mang tính thủ thuật, dễ học, nhưng thứ học đó chỉ biết ta thành một cái máy trong một hệ thống lớn chứ không giúp ta làm chủ được tay nghề của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét