Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Đâu là giới hạn của thị trường?

 

ĐÂU LÀ GIỚI HẠN CỦA THỊ TRƯỜNG? 

Với “Niềm lạc quan vô tận” các nhà kinh tế học cổ súy bằng thuật ngữ thời thượng “thị trường thương mại tự do”, và bạn thật bảo thủ khi lo lắng về những vấn đề đạo đức phát sinh, “thị trường” sẽ tự động điều chỉnh được để làm vừa lòng tất cả.

Michael Sandel tác giả cuốn sách “Tiền không mua được gì” đã cho chúng ta một phản tư khác. Rằng “sự mù lòa của kinh tế học” đang đẩy con người đến bờ vực của sự quên lãng những giá trị đạo đức cơ bản. Với những sự kiện đương đại nhức nhối nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường, và trong cơn lốc xoáy ấy, càng cần chúng ta cẩn trọng hơn với câu hỏi “Đâu là giới hạn của thị trường?”

Sức mạnh thần kì của nền kinh tế thị trường là điều không cần bàn cãi, nhưng một xã hội thị trường, nơi mọi người không chỉ trao đổi các hàng hóa vật chất, như một mớ rau, một chiếc áo, một chiếc TV, mà sự ham mê đọc sách, tình bạn bè, sự hối lỗi, giải thưởng, trách nhiệm sức khỏe với bản thân... cũng được đem lên mua và bán thì sao?

Nhà triết học trứ danh của đại học Harvard, Michael Sandel, tác giả đưa ra 2 luận điểm chính trong cuốn sách Tiền không mua được gì như sau:

Thứ nhất là sự bình đẳng. Khi mà tiền ngày càng mua được nhiều thứ, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nhân rộng. Trước đây, trong nền kinh tế thị trường, người nghèo, dù không thể sánh được với người giàu về nhà cửa, xe cộ, điện thoại, quần áo nhưng ít nhất họ vẫn đang được bình đẳng với người giàu ở một số phương diện ít ỏi, nhưng ngày nay số đó lại càng ít ỏi hơn nửa:

Dù giàu hay nghèo, tất cả mọi người đều phải xếp hàng ở sân bay để đến lượt (tuy nhiên, tại một số sân bay ở Mỹ, bạn có thể trả một số tiền “cắt hàng” để được giải quyết thủ tục bay luôn mà không phải xếp hàng chờ đợi).

Tất cả đều phải chịu cảnh tắc đường như nhau (tuy nhiên, tại một số bang ở Mỹ, bạn đã có thể trả tiền để đi vào làn xe ưu tiên trong giờ ùn tắc)…

Trước đây, người nghèo và người giàu còn có thể bắt gặp nhau vài lần trong ngày. Nhưng khi mọi thứ ngày càng bị thị trường hóa, lằn ranh giữa giới giàu và nghèo ngày càng hiện rõ. Đây là một bất lợi lớn cho nền dân chủ và sự ổn định của xã hội. Một nền dân chủ khỏe mạnh cần mọi người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể hiểu, thông cảm và thảo luận với nhau, chứ không phải mỗi tầng lớp sống trong một ốc đảo của riêng mình. Sandel kể hồi 12 tuổi, khi đi xem bóng chày, ghế đắt nhất chỉ có giá $3 và rẻ nhất $1.5, còn ngày nay khoảng cách đã tăng lên 6 lần đã là $72 và $11. Bạn giàu hay bạn nghèo sẽ được thể hiện rõ trên sân bóng. Trước đây, nếu trời mưa thì tất cả cùng ướt, nhưng bây giờ chỉ những người ít tiền mới phải mang ô, vì những “VIP” đã có một khu riêng, có mái che và góc nhìn đẹp nhất sân vân động.

Vấn đề thứ hai về xã hội thị trường đã làm tha hóa các giá trị mà bấy lâu nay chúng ta vẫn coi trọng. Các nhà kinh tế cho rằng thị trường là trơ, nghĩa là nó không thay đổi giá trị của vật được đem trao đổi. Điều đó, đúng cho các mặt hàng bạn mua được ở siêu thị, nhưng nó không đúng với các mặt hàng phi vật chất.

Khi bố mẹ trao đổi với con 100 nghìn lấy một điểm 10 trong bài kiểm tra, động lực của đứa con đã bị thay thế (crowd out). Nếu trước đây, đứa trẻ có thể đi học vì lòng yêu thích kiến thức, vì sự ham mê tìm tòi thì bây giờ học chỉ để kiếm được tiền thưởng. Mục đích cao quý của việc học đã bị tha hóa.  

Việc dùng kích thích tài chính để “đút lót” các giáo viên và học sinh chăm chỉ dạy và học xảy ra nhan nhãn làm cho đạo đức trong giáo dục ngày càng xuống cấp…

Để kiểm chứng tác động tha hóa của đồng tiền trong thực tế, 2 nhà kinh tế học người Mỹ là Uri Gneezy và Aldo Rustichini có làm một cuộc thí nghiệm nổi tiếng tại một trường mần non tại Israel. Bực tức vì việc các phụ huynh đến đón con quá muộn, nhà trường đã ra chính sách phạt những cha mẹ đến trễ giờ. Kết quả là số phụ huynh đến muộn không những giảm đi mà còn tăng lên đáng kể. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Nghĩa vụ tài chính đã thay thế nghĩa vụ đạo đức. Nếu trước đây, các ông bố, bà mẹ đến đón con muộn sẽ cảm thấy mặc cảm đạo đức vô cùng: có lỗi với con vì để nó đợi, và xấu hổ với nhà trường vì để họ phải làm ngoài giờ. Nhưng khi áp dụng chính sách phạt, thái độ của họ đã thay đổi thành: "Ok, mình có thể đến muộn 15', nộp tiền phạt là được." Cảm giác tội lỗi đã hoàn toàn biến mất, mà thay vào đó là cơ chế mua sự đến muộn bằng một khoản tiền như các giao dịch hàng hóa bình thường khác trên thị trường.

***

Rõ ráng thị trường không trung lập về mặt đạo đức như một số nhà kinh tế học vẫn nói. Ngoài việc gia tăng sự bất bình đẳng, nó còn làm đánh giá sai, làm tha hóa những thứ mà hàng hóa phi vật chất mà chúng ta đem ra trao đổi. Sandel kêu gọi chúng ta phải có những cuộc tranh luận công chúng rõ ràng để định xem thị trường nên thuộc về đâu và không nên đi tới đâu. Có những thứ tiền có thể mua được, nhưng vẫn không nên mua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét