Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Câu chuyện xây cầu Brooklyn

 

Ảnh: Dù không thể đi lại và nói chuyện, Washington đã không từ bỏ để hoàn thành Cầu Brooklyn

CÂU CHUYỆN XÂY CẦU BROOKLYN

 

Cầu Brooklyn ở Mỹ bắc ngang con sông nằm giữa hai thành phố Manhattan và Brooklyn phải nói là phép lạ của ngành xây dựng.

 

Vào năm 1883, một kỹ sư giàu óc sáng tạo tên là John Roebling, lòng đầy hứng khởi khi nảy ra ý kiến xây một cây cầu thật ngoạn mục bắc ngang hai thành phố này.

Tuy nhiên, khi nghe ông trình bày ý tưởng táo bạo đó không một chuyên gia về cầu đường nào chịu hợp tác với ông. Họ cho rằng ông điên và bảo ông hãy quên điều đó đi vì không thể nào làm được cây cầu như vậy.

 

Không nản lòng, ông về nhà thuyết phục con trai mình là Washington cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng, rằng có thể xây được cây cầu như vậy. Cả hai cha con cùng ấp ủ ý muốn hoàn thành cây cầu và bàn luận về cách vượt qua mọi trở ngại.

 

Dẫu sao, các ngân hàng cũng tin họ và đồng ý bỏ tiền ra cho dự án xây cầu. Hết sức phấn khích và nhiệt thành, họ tuyển nhân công và bắt đầu xây cây cầu trong mơ của mình.

 

Dự án tiến hành được vài tháng thì tai họa ập đến. Một tai nạn ngay tại công trường đã cướp đi chính sinh mạng ông John Roebling và con trai ông bị thương nặng ở đầu.

 

Washington sau tai nạn ấy đã không thể đi đứng và nói được. Ai cũng nghĩ là dự án cuối cùng sẽ tàn thành mây khói vì chỉ có cha con Roebling là những người duy nhất hiểu được cách xây chiếc cầu này.


Mặc dầu không thể đi lại và nói chuyện, đầu óc Washington Roebling vẫn còn rất tinh anh. Một hôm, đang nằm trong bệnh viện, trong đầu ông chợt nghĩ ra cách “nói chuyện” với người khác.

Vận động duy nhất của cơ thể ông hiện thời là nhúc nhích một ngón tay và ông nghĩ ra một bộ mã truyền tin. Với bộ mã này, ông dùng ngón tay còn chuyển động được gõ ra ý nghĩ của mình vào tay vợ mình để thông tin với vợ những gì cần nói với các kỹ sư vẫn đang tiếp tục xây dựng cây cầu.

 

Trong suốt 13 năm, Washington đã ra lệnh bằng ngón tay duy nhất còn chuyển động của mình cho đến khi hoàn thành cây cầu Brooklyn kỳ vĩ mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay.

 

Ảnh: Dù không thể đi lại và nói chuyện, Washington đã không từ bỏ để hoàn thành Cầu Brooklyn

Tu thân bắt đầu từ cái miệng

 

TU THÂN BẮT ĐẦU TỪ CÁI MIỆNG

Tu được cái miệng là tu hơn nửa đời người, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ dễ khiến bạn mang hoạ vào thân.

Khẩu đức của một người tốt mới có có thể gặp thời vận tốt. Nói mà không biết suy nghĩ, lời nói độc địa thốt ra, vừa hại mình lại hại người, chắc chắn vận khí sẽ ngày càng xấu đi, điều không may sẽ ập tới. "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", vì thế đừng bao giờ nói ra miệng những lời hại người, tổn hại cả vận mệnh của chính mình.

1. Nói nhiều

Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng chỉ nên nói vừa đủ những điều cần thiết. Nói nhiều sẽ dễ lỡ lời. Mặc Tử từng nói với học trò rằng: "Cóc và ếch kêu cả ngày không dừng, kêu nhiều tới mức khô cổ rát họng nhưng nào có ai nghe chúng. Một chú gà trống cất tiếng gáy đúng 3 lần lúc bình minh, mọi người đều tỉnh giấc. Ngươi xem, nhiều lời nào có ích gì đâu? Lời nói chỉ vừa đủ, đúng lúc mới có tác dụng".

2. Nói thẳng

Nhiều người cho rằng nói thẳng là nói thật nên cứ vô tư nói hết những gì xuất hiện trong suy nghĩ mà không màng đến hậu quả. Những lời nói thiếu cân nhắc như vậy đem lại nhiều rắc rối không đáng có.

Lời thẳng phải nói một cách khéo léo, cân nhắc tới sự cảm nhận của người khác, thể hiện sự chân thành.

3. Nói năng tùy tiện

Lời nói là thứ không thể tùy tiện, vì đã nói ra thì không thể sửa đổi. Làm người không thể tùy tiện nuốt lời. Lời hứa có thể thay đổi thì chi bằng đừng hứa. Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, điều đó dễ mang đến cho bạn những phiền phức.

4. Nói lời ngông cuồng

Lời nói ngông cuồng lúc phấn khích hay tức giận thường khiến người ta phải hối hận. Sự bốc đồng hay khiêm nhường ảnh hưởng trực tiếp đến phúc - họa của mỗi người. Trước mặt người khác, hành vi, lời nói sẽ quyết định cách họ đối xử với bạn. Những kẻ lộng ngôn dễ khiến người khác khó chịu, dễ tự chuốc lấy rắc rối, tai họa cho bản thân.

5. Nói những lời cạn tình cạn nghĩa

Trong lời ăn tiếng nói, đừng lấy được là trọng. Dẫu có nhìn thấu người khác cũng không cần nói hết những gì mình biết, hãy chừa lại cho đối phương một đường lùi, coi như tích chút khẩu đức cho bản thân.
Trách mắng người khác không nên quá cạn tình, hà khắc, chừa lại vài phần cho người, giữ lại sự khoan dung độ lượng cho mình.

6. Tiết lộ bí mật

Người thông minh hiểu được điều gì nên nói ra, điều gì nên mãi mãi giữ lại. ĐỐi với chuyện bí mật của người khác, cơ mật trong công việc, nhất thiết đừng tùy tiện kể cho ai. Đó không chỉ là vấn đề đánh giá phẩm chất con người mà còn để tránh những hậu quả nghiêm trọng khó lường trước.

Khi sự thật chưa được xác nhận, đừng nói bóng gió để gây hiểu lầm, khiến người khác cảm thấy bạn không nghiêm túc hay quá hà khắc.

7. Nói lời ác khẩu

Cổ nhân có câu, vết dao dễ lành, lời ác khó quên. Người hay nói xấu sau lưng người khác, bới móc gây ly gián hoặc phỉ báng, hạ thấp và nhục mạ người khác một cách ác ý, nói càn đều là kẻ tiểu nhân. Những lời ác ý gây ra tổn thương về tâm lý còn vượt xa so với vết thương trên thân thể. Đừng để những lời nói của mình vô tình trở thành vết dao đâm với người khác.

8. Nói lời kiêu căng

Có câu rằng: "Khiêm nhường thì người càng phục, ngạo mạn người tất ngờ vực". Cao ngạo, tự đại là biểu hiện một người không đủ tu dưỡng. Những người tự cho rằng bản thân đúng đắn hơn người, huênh hoang, khoác lác thường bị tiêu giảm công lao, không thể tiến xa, bước dài. Những lời tự đại không phải vì kiêu ngạo thì là vô tri, dễ dàng khiến người khác nhận ra sơ hở, bất lợi cho sự phát triển của bản thân, khiến người khác chán ghét.

9. Nói lời tức giận

Không ai giăng buồm trong cơn bão, người khôn ngoan hiểu rằng khi tức giận càng phải giữ mồm giữ miệng. Một lời nói ra không thể rút lại, lời khi tức giận như hòn đá nặng quăng vào người khác vừa khiến người khác tổn thương, vừa làm hại chính bản thân mình nên càng cần phải suy xét cẩn thận.

Những gì bạn không muốn nghe thì cũng đừng dành để nói cho người khác. Tu dưỡng đạo đức bắt nguồn từ tu khẩu. Tâm sáng ắt sẽ biết nghĩ tới cảm nhận của người khác mà lựa lời hay.

Người có sự tu dưỡng may mắn ắt sẽ tự tìm đến.

Nguồn: theo Lưu Ly | Nhịp sống kinh tế

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Pushkin và những người phụ nữ đã đi qua đời thơ

PUSHKIN VÀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI THƠ

Nhà văn Nga N.Gogol, người cùng thời với Pushkin, đã từng nói: “Với Pushkin, thơ là thần thánh. Ông coi đó là điều rất đỗi thiêng liêng. Ông không bao giờ đưa đời tư của mình vào thơ một cách thiếu thận trọng. Nhưng những gì được nói lên trong thơ Pushkin lại đóng góp vào những câu chuyện đời của chính ông.

Những bài thơ Pushkin viết về những người phụ nữ mà ông yêu mến, cảm phục, về những người bạn cùng ông chia sẻ buồn vui, sau này đều trở thành những kiệt tác của nền thơ ca thế giới.

Trong tất cả những bài thơ lấy cảm hứng từ người phụ nữ, có những bài thơ được mở đầu bằng tên của người phụ nữ là nhân vật chính trong thơ, nhưng có những bài thơ mà người đọc khó có thể nhận ra được những cái tên như thế khi chúng xuất hiện trong thơ ông. Vậy họ là ai? Phải chăng họ là những nàng thơ của Pushkin?

Những bài thơ về tình yêu nổi tiếng được viết dành cho Anna Kern. Nhạc sĩ Nga Mikhail Glinka đã sáng tác một bản romance dựa trên chính những lời thơ đó. Một bài thơ nổi tiếng khác được lấy cảm hứng từ Anna Olenia – người con gái Pushkin muốn lấy làm vợ. Lớn lên trong gia đình có bố là Viện trưởng Viện hàn lâm nghệ thuật thành Peterbua,

Đầu năm 1829, Pushkin ngỏ lời với Anna nhưng bị cô từ chối. Pushkin viết một bài thơ thay lời chia tay với cô. Lấy cảm hứng từ bài thơ ấy, nhà soạn nhạc người Nga Dargomyzhsky đã sáng tác bản romance vẫn còn được khán giả yêu mến cho đến ngày nay.

Ngày nay, độc giả vẫn hướng sự chú ý đến những bản tư liệu viết về sự kiện xảy ra khi Pushkin ngỏ lời với Anna Olenia.

Nadezhda Kondakova – nhà thơ, nhà nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của Pushkin đã tìm và tiếp cận được một bản tư liệu được viết dựa trên cuốn nhật kí của Anna, mới được xuất bản ở Nga thời gian gần đây.

Cuốn nhật kí viết rằng: Lời cầu hôn của Pushkin đúng ra đã được Anna đón nhận. Mọi tin tức xung quanh sự kiện này sẽ được làm rõ tại buổi họp mặt giữa Pushkin và gia đình Anna. Nhưng Pushkin đã đến muộn và không kịp dự buổi gặp gỡ ấy.

Alexei Wolf, một người bạn của Pushkin, đã nói: “Pushkin không phải tốn nhiều thời gian để hiểu tính cách những người mà ông gặp”. Trong số những người phụ nữ đứng đằng sau sự nghiệp thơ ca của ông, không chỉ có những thiên thần vừa đáng yêu, vừa tốt bụng.

Anna Akhmatova – một nhà thơ nữ nổi tiếng đầu thể kỷ XX – từng nói: “Trong năm 1828 bên cạnh Pushkin không chỉ có một thiên thần là Olenia, mà còn có cả những bóng ma, đó là hai người phụ nữ Zakrevskaya và Sobanskaya. Sobanskaya chính là Karolina Sobanskaya, người có vẻ đẹp tuyệt mĩ từ miền Nam nước Nga – người đón nhận những tác phẩm đầy nhiệt huyết của ông.

Trong suốt thập kỷ ấy, cô liên tục xuất hiện trong cuộc đời của Pushkin và mỗi lần cô xuất hiện là một lần khuấy động trong ông những cảm xúc mới mẻ.

Pushkin viết cho Sobanskaya: “Hôm nay là ngày kỉ niệm 9 năm anh gặp em. Ngày đó là ngày quyết định của đời anh. Càng nghĩ nhiều về điều ấy, anh càng cảm thấy mình đã bị thuyết phục bởi một ý nghĩa rằng: anh sinh ra là để yêu em và đi cùng em”.

Nhưng éo le thay, người phụ nữ ấy đã tố cáo thơ của Pushkin cho cảnh sát. Điều đó khiến cho Pushkin phải sống trong sự nghi ngờ và mỗi bước đi của ông đều bị người ta để ý. Độc giả thường liên tưởng cái tên Sobanskaya với một điều gì đó huyền bí trong tiểu sử của Pushkin.

Họ ví đó là một tình yêu thầm kín – đó là những từ được mượn từ sự toàn tâm, toàn ý của Pushkin với bài thơ Poltava.

Mỗi người đều được vinh dự nhắc đến trong những vần thơ thiên bẩm của Pushkin. Nhưng không ai trong số họ có thể dành cho nhà thơ một tình yêu không vị kỷ và bằng cả tấm lòng như Anna Wolf.

Năm 1824, Anna Wolf đã chứng kiến tình yêu mãnh liệt của Pushkin Dù bản thân ông chưa từng trải qua cảm giác đam mê mạnh mẽ trong đời nhưng ông đã đem lại cho cô những giây phút hạnh phúc. Còn đối với Anna, tình yêu của cô giành cho nhà thơ còn mãi đến tận cuộc đời.

Trong một bức thư đề ngày 16/10/1829, ngày mà Pushkin quyết định đến sống tại khu dinh thự Malinniki, cách thủ đô Matxcơva khoảng 200 km, ông viết: “Chỉ có ở Malinniki, tôi mới tìm được Anna Wolf”. Nhà thơ đã sống ở đó một tháng rưỡi. Làm việc ở Malinniki trong cảm giác hạnh phúc, Pushkin đã viết chương đầu của cuốn tiểu thuyết bằng thơ mang tên Evgheni Oneghin và rất nhiều những bài thơ khác.

Một trong những bài thơ ấy có dòng viết rằng: Pushkin có mối quan hệ mật thiết với Anna Wolf. Nadezhda Kondakova kết luận: hơn một tháng sống trong khu vực tách biệt, dưới cùng một mái nhà với người phụ nữ yêu ông tha thiết. Có cần phải nói thêm điều gì? Những người yêu thơ Pushkin tin rằng: Pushkin đã liệt kê Anna Wolf vào “danh sách những người phụ nữ của Don Juan” – một câu chuyện hài do một người bạn của ông đề xuất.

Danh sách bao gồm 37 cái tên của 37 người phụ nữ chiếm được tình yêu của Pushkin và mang đến cho ông cảm hứng sáng tác. Danh sách được mở đầu và kết thúc với cái tên Natalia của hai người phụ nữ. Người ta cho rằng người thứ nhất là Countess Natalia, và người kia là Natalia Goncharova – vợ của ông.

“Chết là về với cát bụi. Tôi sẽ kết hôn”. Đó là những lời đầu tiên trong mạch thơ được Pushkin sáng tác trong lúc xuất thần sau khi Natalia Goncharova xinh đẹp nhận lời cầu hôn của ông.

Cuộc gặp gỡ Natalia Goncharova giống như trong tiểu thuyết. “Con đang yêu đến điên cuồng” là những lời Pushkin viết cho mẹ vợ của ông. Pushkin coi Natalia như một vị thánh và trong thơ ông, cô được sánh với Madona (hình tượng Đức mẹ đồng trinh).

Trong những tác phẩm sau này của Pushkin không thấy xuất hiện những người phụ nữ tỏa sáng. Vậy ai là người phụ nữ lý tưởng của nhà thơ? Nadezhda Kondakova đưa ra câu trả lời: “Đó chỉ là những hình ảnh trong tâm tưởng. Nhưng sự thật là Pushkin chưa bao giờ tự tạo ra tình yêu trong thơ của mình. Ông đã viết bằng chính niềm đam mê thúc giục. Và đây mới là điều làm độc giả đam mê thơ ông”

Nguồn: Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội