Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Chuyện học hành của con cái người Việt


Khi bàn về chuyện học hành của con cái, nhiều người Việt sẽ hướng mối quan tâm tới điểm số, thành tích. Liệu đó có phải mục tiêu của tất cả các nền giáo dục trên thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – Viện nghiên cứu phát triển giáo dục IRED :
Nếu ở Việt Nam coi điểm số, thành tích như là điều chính yếu của giáo dục thì Phần Lan lại tránh xa yếu tố này.
Giáo dục Phần Lan áp dụng 3 hình thức đánh giá cơ bản đó là đánh giá trong lớp học, đánh giá quá trình và đánh giá tổng thể. Khâu đánh giá học sinh là công việc của người giáo viên và giáo viên có toàn quyền trong việc này.
Nếu ở Việt Nam, đánh giá là hành động của giáo viên nhằm xếp loại học sinh qua việc học giỏi, học kém hay bao nhiêu điểm.
Phần Lan, ngoài việc nắm tình hình học tập của học sinh thì đánh giá còn là cơ sở để giáo viên biết được công việc giảng dạy của mình đã thực sự tốt, hiệu quả hay chưa. 
Nếu ở Việt Nam, cuối kỳ, cuối năm học các bậc phụ huynh sẽ biết con cái mình học thế nào, xếp loại gì thông qua buổi họp phụ huynh thì ở Phần Lan mọi thông tin đó sẽ được giáo viên lập thành một báo cáo gửi về từng gia đình và chắc chắn kết quả ấy chỉ giáo viên, phụ huynh và học sinh đó nắm được, chứ không công khai trước lớp.
Cũng bàn về vấn đề kiểm tra đánh giá học sinh trong trường học, qua nghiên cứu và quá trình thực tiễn tại Nhật Bản, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương giảng viên khoa lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, giáo viên ở Nhật không tiến hành đánh giá, xếp loại hạnh kiểm (đạo đức) học sinh.
Bởi lẽ, đối với người Nhật, chuyện đánh giá đạo đức người khác là nhạy cảm và trong trường học, nơi học sinh được học tập để trở thành công dân dân chủ thì chuyện giáo viên đánh giá đạo đức học sinh là điều khó có thể tưởng tượng.
Thay vào đó, giáo viên sẽ thường xuyên có những nhận xét và trao đổi với gia đình học sinh về sự trưởng thành tâm sinh lý và các hoạt động của học sinh trong trường học.
Nếu học sinh có những điểm bất thường cần chú ý, giáo viên sẽ gặp riêng học sinh hoặc phụ huynh để đưa ra chỉ đạo và lời khuyên.
Hơn nữa, ở Nhật Bản cũng không công bố công khai thành tích học tập của học sinh trước toàn bộ lớp và xếp thứ tự học sinh theo điểm số trung bình.
Thành tích học tập được coi là một dạng thông tin cá nhân và được tôn trọng.
Ngoài ra, giáo viên Nhật Bản đánh giá sự tiến bộ của học sinh không chỉ dựa vào điểm số thu được từ các bài kiểm tra, bài tập mà cần phải chú ý tới cả thái độ, mối quan tâm hứng thú và các kỹ năng của học sinh.
Nói không với điểm số và thứ hạng có thể sẽ là điểm khởi đầu cho một môi trường giáo dục Trung Thực, mà ở đó cả thầy lẫn trò được dạy thật, học thật và thi thật; để kết quả phản ánh thực chất, từ đó người học, người dạy có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh thành tích ảo.
Bởi tiêu cực dối trá ở một số ngành khác có thể chỉ gây hậu quả trước mắt nhưng dối trá hay tiêu cực trong ngành giáo dục thì không chỉ gây hậu quả lớn trong giai đoạn trước mắt mà còn là mầm mống nảy sinh những tiêu cực ở các lĩnh vực khác trong tương lai.
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo nghiên cứu điều chỉnh nhiều vấn đề bất cập trong giáo dục hiện nay…trong đó, đáng chú ý là đề nghị nên bỏ xếp hạng trong lớp, để tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh cũng như giảm áp lực thi đua cho giáo viên.
Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em còn lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.

Tranh luận về thơ ca giữa Chế Lan Viên và Xuân Diệu.


Trong tập ghi chép "Chế Lan Viên - người trồng hoa trên đá" (NXB Văn học, 2010) của GS Hà Minh Đức, có câu chuyện kể lại cuộc tranh luận khá căng thẳng về thơ ca giữa Chế Lan Viên và Xuân Diệu,

"Anh Xuân Diệu có mấy ưu điểm: Đề tài nhiều mặt, kết hợp được trữ tình và trào phúng. Xuân Diệu có con mắt của nhà tiểu thuyết nên bài thơ có cái xác cụ thể, có cái hay của văn xuôi hỗ trợ, lửa phải có củi. Có khi Xuân Diệu chết vì củi của mình. Trong thơ hiện thực phải phục vụ cho trữ tình".

Chưa dừng ở đó, Chế Lan Viên còn cho rằng, về khả năng khái quát, Xuân Diệu "vẫn thua Huy Cận" và thơ Xuân Diệu "nặng tả cảnh", "không thiên về chiều dọc mà tỏa ngang nên chất tán nhiều". Cũng theo Chế Lan Viên, bài "Ngói mới" có ý hay, nhưng "nếu cứ thế thì thêm hàng trăm câu cũng không khác".

Mặc dù Xuân Diệu là người có khả năng lý luận không phải không sắc bén, song trước những nhận xét trên của Chế Lan Viên, ông cũng tỏ ra lúng túng, đành phải buông một câu: "Có một thực tế là trong văn chương không dễ chấp nhận nhau. Lên cao ở điểm này không sực được lên cao ở cao điểm kia... Lev Tolstoy không sực được Shakespeare".

Phải nói, đây là cách lập luận có phần... núng thế. Thì Xuân Diệu chẳng đã "than phiền" với Hà Minh Đức: "Bây giờ cậu ấy ghê quá, chứ trước kia hồi còn trẻ khi xuất bản Điêu tàn xử sự khiêm tốn". Cũng theo Xuân Diệu: "Tranh luận với Chế Lan Viên rất khó. Rõ ràng mình có lý mà cuối cùng lại hóa ra đuối lý với Chế Lan Viên".

Nhà văn Anh Đức cũng rất nể phục tài ứng đối của nhà thơ đàn anh. Trong bài hồi ức về Chế Lan Viên, ông viết: "Tài ứng đối của Chế Lan Viên thể hiện rất rõ trong các cuộc họp. Anh nói có lý lẽ, có hình ảnh, giàu sức thuyết phục. Có lần tôi nói vui với anh: Nếu ở thời vua chúa, thì thể nào anh cũng phải đi sứ. Anh Chế Lan Viên nói: Đối đáp với vua quan có khi lại không khó bằng đối đáp với số đông, mình không đoán trước được lý lẽ của đại chúng"

Nguồn: ANTG