Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Roosevelt người khuyết tật đầu tiên, duy nhất trở thành Tổng thống Mỹ 4 nhiệm kỳ

 

ROOSEVELT NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐẦU TIÊN, DUY NHẤT TRỞ THÀNH TỔNG THỐNG MỸ 4 NHIỆM KỲ

 

Bị bại liệt ở tuổi 39 và mất khả năng đi lại, cho đến nay Franklin Delano Roosevelt là người khuyết tật đầu tiên và duy nhất trở thành Tổng thống Mỹ. Hơn thế, ông chèo lái đất nước qua bao khó khăn, là Tổng thống đã đưa Mỹ vượt qua hai cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế kỷ 20, gồm Đại suy thoái và Thế chiến II. Ông đắc cử tới 4 nhiệm kỳ và cũng là người khai sinh ra lực lượng FBI của Mỹ.

 

Roosevelt phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cá nhân là cuộc đấu tranh với căn bệnh bại liệt. Khi xuất hiện trước công chúng, Roosevelt thường vịn một tay vào cố vấn hoặc con trai, tay kia cầm một cây gậy. Khi đứng phát biểu, ông thường đeo nẹp vào chân và tay nắm chặt bục phát biểu để giữ thăng bằng. Ông quyết tâm không để công chúng chứng kiến hình ảnh ngồi xe lăn của mình, lo ngại nó tác động tới dư luận. Nhân viên mật vụ thường chặn tầm nhìn khi Tổng thống sử dụng xe lăn và yêu cầu phóng viên không chụp ảnh. Hầu hết phóng viên đều tôn trọng yêu cầu của Nhà Trắng...

 

Sáng 11/8/1921, Roosevelt tỉnh dậy và bắt đầu cảm thấy cơ thể không khỏe. Sau nhiều giờ chèo thuyền và bơi lội tại khu nghỉ dưỡng ở đảo Campobello ở Canada, đôi chân ông bắt đầu đau nhức. Cơ thể run rẩy không kiểm soát, nên ông quyết định đi ngủ sớm.

Nhưng sáng hôm sau, tình hình còn tệ hơn. Roosevelt bị sốt gần 39 độ C. Đó là khởi đầu cho cuộc chiến của Roosevelt với căn bệnh bại liệt, khiến ông bị liệt gần như hoàn toàn nửa thân dưới. Ông không thể tự đứng hoặc đi lại nếu không có hỗ trợ.

 

Mẹ của ông đã khuyên con trai từ bỏ sự nghiệp chính trị để trở về Hyde Park, New York. Nhưng vợ của Roosevelt tin rằng ông cần tiếp tục sự nghiệp. Trong quá trình phục hồi, Roosevelt phải phụ thuộc vào vợ để giữ tên tuổi của ông trong đảng Dân chủ. Từ một người nhút nhát, bà Eleanor Roosevelt trở thành một diễn giả và nhà phân tích chính trị giỏi. Những bài diễn thuyết trên khắp bang New York của bà đã giúp cái tên Roosevelt không bị phai nhạt trên chính trường Mỹ.

 

Roosevelt cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng có thể đi lại trên đôi chân của mình. Tháng 12/1921, sau khi bình phục được vài tháng, một nhà vật lý trị liệu bắt đầu làm việc với ông để xác định mức độ tổn thương của cơ thể. Trong những tuần đầu tiên của năm 1922, ông bắt đầu tập luyện một mình. Đây là một giai đoạn khó khăn, khi ông thậm chí không thể đứng dậy trong nhiều tháng. Do đó, ông phải bắt đầu với các các bài tập nhỏ, cố gắng vận động các cơ. Roosevelt phải sử dụng một chiếc nẹp bằng thép ở chân để có thể đứng bằng nạng. Sau đó, ông tiếp tục nỗ lực luyện tập đi lại khắp phòng.

 

Tháng 10/1922, Roosevelt đến thăm văn phòng luật của ông tại tòa nhà Equitable, nơi một bữa tiệc chào mừng ông đã được chuẩn bị. Người tài xế hỗ trợ không kịp gài miếng cao su ở nạng trái khiến Roosevelt bị trượt ngã xuống sàn. Ông bật cười và nhờ hai thanh niên trong đám đông giúp đứng dậy. Ông đã không trở lại văn phòng hai tháng sau đó. 

 

Ông thiết kế một hệ thống ròng rọc, giúp đưa cơ thể xuống nước để tập bơi. Tháng 5/1923, bác sĩ trị liệu nói rằng cơ thể của ông không cải thiện nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, Roosevelt không chấp nhận kết quả này.

Ông tiếp tục thử hàng loạt liệu pháp điều trị khác. Roosevelt lần đầu tiên tới thành phố Warm Springs ở Georgia vào tháng 10/1924. Trong nhiều năm sau đó, đây trở thành nơi lưu trú thường xuyên của ông để nỗ lực hồi phục bằng phương pháp thủy trị liệu.

 

“Từ năm 1925 tới 1928, Franklin đã dành khoảng 116 trong 208 tuần, sống xa nhà và nỗ lực tìm cách khôi phục khả năng đi lại”, nhà sử học Geoffrey Ward, người viết tiểu sử của Roosevelt, chia sẻ. Roosevelt không thể phục hồi được đôi chân nhưng việc tập luyện thường xuyên khiến ông duy trì sức khỏe tuyệt vời. 

 

Sau vài năm, Roosevelt trở lại chính trường Mỹ, trở thành thống đốc New York vào năm 1928. Năm 1932, ông trở thành người khuyết tật đầu tiên và duy nhất đắc cử tổng thống Mỹ. Người dân Mỹ đã chấp thuận và ủng hộ một chính trị gia bị khuyết tật nhiều hơn Roosevelt mong đợi, khi nhiều người bày tỏ sự cảm thông với tình trạng của ông hơn là chê trách, theo Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Franklin Delano Roosevelt.

 

“Hàng trăm nghìn người, nếu không muốn nói là hàng triệu người, đã thấy tổng thống ở cự ly rất gần trong những năm ông ở Nhà Trắng, nhưng hầu hết không ai nhận ra ông bị khuyết tật”, nhà sử học Hugh Gregory Gallagher cho hay. Nhiều sử gia cho rằng căn bệnh bại liệt đã giúp Roosevelt trở thành một người mạnh mẽ.

“Ông ấy chỉ thực sự nhận ra mình là ai khi trải qua căn bệnh bại liệt. Nó mang tới cho ông sự tự tin vào sức mạnh của chính mình, điều mà có lẽ không ai có thể có nếu chưa ở trong hoàn cảnh đó”, nhà văn James Tobin nói.

 

Roosevelt qua đời năm 1945 khi đang là tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Năm 2001, một bức tượng Roosevelt ngồi xe lăn được khánh thành ở thủ đô Washington, hình ảnh mà trước đây ông từng cố che giấu. Bức tường phía sau có khắc những câu nói của cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt về tình trạng khuyết tật của chồng bà.

 

“Căn bệnh của Franklin đã cho ông ấy sức mạnh mà lòng dũng cảm mà trước đây không có. Ông đã phải tìm hiểu những điều cơ bản của cuộc sống và học được bài học lớn nhất trong tất cả các bài học, đó là lòng kiên nhẫn vô hạn và bền bỉ không ngừng”,

Eleanor cho biết. Một người khuyết tật, không đi lại được mà vẫn làm được những việc vĩ đại như thế. Còn chúng ta, những người khoẻ mạnh, đi lại bình thường, có làm được điều gì không?

 

Ảnh: Từ trái Winston Churchill, Franklin Roosevelt, và Joseph Stalin tại hội nghị Yalta, 9-2-1945.

Họ thành tài bởi..."đôi mắt thần" GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu

 

HỌ THÀNH TÀI BỞI..."ĐÔI MẮT THẦN" GS VIỆN SĨ NGUYỄN VĂN HIỆU

Đang tồn tại một thực tế là trong lúc các ngành học tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…rất “hot” thì các ngành khoa học cơ bản lâm vào tình trạng “chợ chiều”. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là nhiều bạn trẻ dù yêu thích khoa học nhưng lại e rằng học xong không biết làm gì và tương lai sẽ mờ mịt. Có đúng là học các ngành khoa học cơ bản thì chẳng có gì để làm và tương lai sẽ mờ mịt?

 
Hy vọng câu chuyện về những “người hiền” của giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sẽ cho các bạn trẻ một góc nhìn lạc quan hơn, để các bạn hiểu rằng khi người ta được đào tạo và làm đúng ngành nghề mình yêu thích thì vẫn có nhiều “cơ duyên” để thành đạt. Hơn thế nữa, cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều vì có được những cống hiến to lớn cho đất nước, cho xã hội.


Từ thày giáo tiếng Nga đến người khai sinh ra labo đất hiếm

 

 

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Viện Khoa học Vật liệu mà tiền thân là Viện ật lý, giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – người “anh cả” của Viện Vật lý ngày trước đã kể cho các đồng nghiệp trẻ của mình câu chuyện ông đã bắt tay vào việc “chiêu hiền” ra sao trong những ngày đầu thành lập Viện vào năm 1966. Và “người hiền” đầu tiên mà viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhắc đến chính là giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh.


Đặng Vũ Minh tốt nghiệp chuyên ngành lý hóa phóng xạ, nhưng do được đào tạo tại Liên Xô nên thời điểm đó về nước anh được trưng dụng để dạy… tiếng Nga tại Đại học Sư phạm. Biết chuyện, anh Nguyễn Văn Hiệu liền lóc cóc đạp xe sang Đại học Sư phạm để xin bằng được anh Đặng Vũ Minh về cho Viện Vật lý vừa mới phôi thai.


Về công tác tại phòng hóa phân tích của Viện Vật lý, Đặng Vũ Minh chẳng khác nào cá gặp nước. Sau đó, anh được cử đi đào tạo phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ ở Nga. Năm 1985, trở về nước, tiến sĩ Đặng Vũ Minh trở thành con chim đầu đàn ở một lĩnh vực nghiên cứu rất mới mẻ tại Việt Nam là hóa lý phóng xạ. Và đây chính là nền tảng cơ bản để sau này anh thực hiện được hoài bão của mình - xây dựng lên một labo về đất hiếm tại Việt Nam.

 

GS.TSKH, Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Còn nhớ vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi thành lập, phân viện Vật lý Nha Trang đang rất lúng túng trong việc tìm các hướng nghiên cứu thì được tiến sĩ Đặng Vũ Minh ghé thăm. Sau một tuần lang thang trên các bãi biển, trước khi lên máy bay ra Hà Nội, anh đã nói với anh em ở đây một câu đáng giá: “Các bạn nên đi vào nghiên cứu về cát”. Từ lời gợi mở của anh, hơn một năm sau dây truyền sản xuất Dioxit Titan ra đời tại Nha Trang, mở ra bước đột phá cho việc khai thác nguồn cát sa khoáng có thành phần Zicon – nguồn quặng chứa nhiều các nguyên tố hiếm - rất giá trị ở miền Trung ngày nay.


Nhân viên chụp X quang trở thành nhà khoa học

 

 

Một “người hiền” nữa cũng được giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu “rủ rê” về Viện Vật ý từ những ngày đầu tiên là phó giáo sư tiến sĩ khoa học Ngô Quốc Bưu. Anh Bưu cũng theo học ngành hóa tại Liên Xô. Khi về nước anh được phân công làm… nhân viên chụp X quang tại bệnh viện K Hà Nội. Khi về Viện Vật lý, anh cũng được đào tạo để trở thành phó tiến sĩ, rồi sang Nga làm tiến sĩ. Sau khi về nước tiến sĩ Ngô Quốc Bưu được giao làm Viện phó Viện Khoa học Vật liệu kiêm Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Vật liệu tại Nha Trang. Tại đây, anh đã có công trình nghiên cứu rất có giá trị là chiết tách hoạt chất có tác dụng ngăn cản sự phát triển của ung thư từ rong biển.


Hiện nay, tuy ở tuổi “cổ lai hy” và đã được Nhà nước cho nghỉ hưu nhưng ngày ngày anh vẫn miệt mài đến Viện Công nghệ Môi trường để tiếp tục với các công trình nghiên cứu mới của mình.


Lỡ một chuyến tàu để điều khiển những thí nghiệm trong vũ trụ


Một “người hiền” nữa cũng do viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu “chiêu mộ” về Viện Vật Lý là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt - nhà điện tử hạt nhân hàng đầu của Việt Nam, người đã được Tổng thống Vladimir Putin trao tặng Huân chương Hữu Nghị "vì những đóng góp to lớn vào việc phát triển và củng cố sự hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa Việt Nam và LB Nga". Hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt đang là trưởng đoàn cộng tác viên khoa học Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna ở LB Nga.


Anh Nguyễn Mạnh Sắt kể lại rằng đầu những năm 70 sau khi tốt nghiệp bằng ưu chuyên ngành điện tử anh đã lọt vào “mắt xanh” của tùy viên quân sự của ta tại Liên Xô và bên quân đội chỉ chờ anh về nước là phong hàm sĩ quan để đưa vào phục vụ trong quân đội.

Để “níu chân” nhà nghiên cứu điện tử hạt nhân tương lai này lại, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã sang Liên Xô và lập tức đưa anh Nguyễn Mạnh Sắt vào làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Chuyến trở về Việt Nam của anh Sắt phút chót đã bất ngờ bị hủy bỏ khiến cả gia đình anh háo hức đi đón người thân mà chỉ đón được… một ít đồ đạc do anh gửi bạn học cầm hộ về.


Nhưng chính nhờ chuyến “lỡ tàu” năm đó mà sau này anh Sắt đã có cơ hội trở thành người tham gia lắp đặt hai chiếc máy gia tốc đầu tiên (do các nước xã hội chủ nghĩa tặng) tại Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước để phục vụ cho nghiên cứu khoa học và kinh tế của đất nước.


Đặc biệt, vào năm 1980, trong chương trình Intercosmost, khi Phạm Tuân cùng các nhà du hành vũ trụ Liên Xô đang tiến hành một loạt các thí nghiệm trên trạm Hòa Bình, thì ở dưới mặt đất, tại thành phố Ngôi Sao ở Liên Xô, chính tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt đã túc trực cùng hai nhà khoa học Việt Nam khác để “điều khiển từ xa” giúp Phạm Tuân thực hiện thành công các thí nghiệm đó.


Thày giáo tiếng Nga Đặng Vũ Minh sẽ chẳng có cơ hội trở thành người tiên phong nghiên cứu đất hiếm ở Việt Nam, nhân viên chụp X quang Ngô Quốc Bưu sẽ không có điều kiện để tìm ra hoạt chất chống ung thư trong rong biển cũng như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt sẽ bỏ lỡ một cơ hội hy hữu được điều khiển những thí nghiệm trên vũ trụ nếu như họ không có sự bứt phá để về đúng vị trí dành cho mình, làm đúng công việc mà mình có khả năng nhất. Nhưng trên hết là GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu người đầu tiên tạo bệ phóng vững vàng cho họ.

 
Nguồn
: www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/bee.net.vn/Ho-thanh-tai-boidoi-mat-than-Nguyen-Van-Hieu/6347899.epi