Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Ông bà giáo già, gieo chữ cho những trẻ gần 30 năm

 

ÔNG BÀ GIÁO GIÀ, GIEO CHỮ CHO NHỮNG TRẺ GẦN 30 NĂM

Ở cái tuổi xế chiều, hàng ngày ông bà Tư vẫn cần mẫn dạy chữ cho trẻ em nghèo. Nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, biết học điều hay, lẽ phải…, cặp vợ chồng già thêm phần hạnh phúc.

Nhắc đến lớp học tình thương của ông bà Tư, người dân ở ấp Tân Lập (phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, Bình Dương) ai cũng biết đến cặp vợ chồng già lọm khọm, mỗi ngày đều đặn bước lên bục giảng gieo con chữ tình thương cho trẻ em nghèo.

 

 
Ông bà Tư là cái tên thân thương được những đứa trẻ và người dân nơi đây yêu mến đặt cho. Ông Tư tên thật là Huỳnh Văn Phê (83 tuổi), còn bà Tư là Huỳnh Thị Lành, năm nay cũng đã ngót nghét 85.

Lớp học tình thương là tâm huyết suốt gần 30 năm của ông bà Tư vơi mong muốn giúp những đứa trẻ thiếu điều kiện đến trường có cơ hội làm quen với con chữ.

 

"Thấy mấy đứa nhỏ không được đến trường, suốt ngày ở nhà chơi đùa nên ông bà Tư 'nổi máu anh hùng' mở lớp dạy. Ban đầu tận 130 đứa, mà phòng học xập xệ lắm chứ không được như bây giờ", bà Tư hồ hởi kể lại việc mở lớp vào năm 1994.

Đến năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, lớp học được xây mới lại một cách khang trang hơn.

 

Ông Tư phụ trách dạy các em nhỏ, bà Tư dạy những em lớn hơn, thoắt một cái gần 30 năm, lớp học vẫn duy trì trong tình yêu thương của ông bà Tư dành cho lũ trẻ.

Bà Tư cho biết để dạy tụi nhỏ biết chữ, biết phép tắc, nghe lời rất khó khăn khi tụi nhỏ vào đời sớm, thường nghịch ngợm, bướng bỉnh.

 

"Khi dạy được tụi nó biết chữ, bà Tư vui lắm con. Thấy mấy đứa trẻ ngoan hơn, biết lượm được của rơi trả lại cho người mất, kính trọng người lớn…, ông bà hạnh phúc lắm", bà Tư cười vui vẻ.


Dù sức khỏe của ông bà Tư không còn như trước nhưng lớp học vẫn đều đặn mở cửa mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6

Vì những đứa trẻ ở lớp học tình thương có độ tuổi khác nhau, đa số chúng đều bước ra đời sớm để bươm chải phụ giúp gia đình nên việc dạy bảo, uốn nắn tụi nhỏ không hề đơn giản. Dù rất thương tụi nhỏ nhưng khi lên bục giảng, ông bà Tư vô cùng nghiêm khắc để răn dạy chúng trở thành người tốt.

 

"Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…"

"Mấy đứa này có đứa có cha mà không có mẹ, có đứa thì cha mẹ bỏ nhau, sống nương nhờ nội ngoại. Tụi nó có tiền đâu mà đi học trường chính quy nên vô đây để ông bà dạy chữ. Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…", bà Tư nghẹn giọng, nhìn những đứa trẻ đang cặm cụi viết bài, đánh vần rồi trầm ngâm.

Gần 30 năm mở lớp dạy học, bà Tư thấu hiểu hết những bất hạnh mà tụi nhỏ đã và đang trải qua. Không giống như những đứa trẻ đồng trang lứa khi được gia đình chăm bẵm, yêu thương, được đến trường học chữ, những đứa trẻ của lớp học ông bà Tư hầu hết phải phụ giúp gia đình mưu sinh.

 

Tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn đi tình yêu thương, chăm sóc của những người thân, ông bà Tư hiểu hết bên ngoài sự gai góc, nghịch ngợm của tụi nhỏ là một tâm hồn yếu mềm cần những vòng tay yêu thương. Lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là mái nhà để tụi nhỏ cảm thấy vẫn được yêu thương, ít nhất là tình yêu mà ông bà Tư dành cho chúng.

Cặm cụi đánh vần từng chữ, Phạm Văn Trường (12 tuổi) đưa đôi mắt long lanh nhìn bà Tư. Từ ngày vào lớp học, Trường đã trở nên dạn dĩ hơn, mỗi ngày đến lớp, con lại biết thêm được nhiều bạn bè, chữ nghĩa.

"Lúc đầu con đi học thì con không cảm thấy thích, nhưng mà học xong con lại thấy rất vui. Ông bà Tư thương tụi con nữa, ông bà dạy cho tụi con thành người tốt, dạy cho con những thứ hay ho", Trường hồn nhiên nói.

Cô bé 7 tuổi Phạm Huỳnh Thảo Ngân sau khi đến lớp ông bà Tư đã biết khi thấy ai làm rớt đồ thì phải lượm trả, không được ăn cắp, phải thật thà. "Con muốn sau này con làm giáo viên, giống ông bà Tư vậy", Thảo Ngân cười nói.

….

Để có thể quản lý và duy trì lớp học tình thương, ngoài việc đứng lớp của ông bà Tư, rất nhiều sinh viên ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến để phụ giúp ông bà dạy chữ.

Tham gia lớp học được một thời gian, Nguyễn Hoàng Minh Tâm (sinh viên năm 1) chia sẻ: "Em thấy ông bà lớn tuổi, dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn mở lớp dạy cho các bé em rất nể. Bản thân em cũng đam mê về dạy học nên em cũng muốn góp sức cùng ông bà để giảng dạy cho các em".

Có lẽ với ông bà Tư, trong hành trình gần 30 năm qua, việc nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, trở thành người tốt là điều mà ông bà cảm thấy hạnh phúc nhất.

"Bà Tư chỉ mong tụi nhỏ biết chữ, thành người tốt, ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn là được rồi, bà chỉ biết mong vậy thôi", bà Tư cười hiền hậu.

 

Tính đến nay, số lượng học sinh của lớp học tình thương ấp Tân Lập cũng hơn cả nghìn em. Thế nhưng, vợ chồng ông Tư vẫn có thể nhận ra đứa học trò nhỏ ngày nào dù đã qua nhiều năm xa cách.

 

Theo giaoducvathoidai.vn

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Sở thích âm nhạc của mỗi người thường bộc lộ tính cách của họ

 

SỞ THÍCH ÂM NHẠC CỦA MỖI NGƯỜI THƯỜNG BỘC LỘ TÍNH CÁCH VÀ NHỮNG NGƯỜI THÍCH NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN CÓ THỂ SỞ HỮU CHỈ SỐ IQ CAO HƠN.

Sở thích âm nhạc của một người có thể nói lên nhiều điều về tính cách của họ. Vì âm nhạc gắn liền với cảm xúc, trải nghiệm cá nhân và giá trị. Âm nhạc là cách thể hiện cảm xúc và các thể loại âm nhạc khác nhau có thể truyền tải những cảm xúc và trải nghiệm khác nhau.

 

Người thích những bản nhạc có nhịp độ nhanh thường là người thích phiêu lưu, tràn đầy năng lượng. Trong khi đó, những người thích nghe nhạc êm ái, trữ tình là người sống nội tâm, chu đáo. Và âm nhạc thường gắn liền với trải nghiệm và ký ức cá nhân.

 

Mọi người nghe những bài hát có âm hưởng cảm xúc có thể họ đang suy nghĩ về đường đời, tình yêu hoặc các sự kiện quan trọng của họ. Thông qua việc lựa chọn âm nhạc, mọi người có thể bộc lộ sở thích, ký ức và giá trị cá nhân.

Thêm vào đó, âm nhạc thường gắn liền với nền tảng văn hoá và bản sắc. Thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau giữa các vùng miền tạo nên sở thích âm nhạc khác nhau ở mỗi người.

 

Chẳng hạn, một người thích nhạc cổ điển có thể chú ý đến chi tiết, chiều sâu và độ phức tạp. Họ có xu hướng đánh giá cao cấu trúc, sự hoà âm và kỹ thuật của âm nhạc. Họ thích âm nhạc êm dịu, tao nhã, và có thể tìm kiếm sự bình yên, chiêm nghiệm nội tâm thông qua âm nhạc.

 

Những người thích nhạc rock thường cởi mở và năng động hơn, thích chạy theo thời gian và các xu hướng thịnh hành. Họ có thể thích những bài hát có tiết tấu sôi động, dễ hát và mang lại cảm giác vui vẻ, thư giãn.

Họ có thể thiên về các hoạt động xã hội và niềm vui chia sẻ âm nhạc với người khác. Ngoài ra, những người thích nhạc rock thường có tính cách độc lập, quyết đoán, ưa mạo hiểm. Họ cũng có mức độ lo lắng nhiều hơn so với người khác, thích thể hiện bản thân.

 

Tất nhiên, sở thích âm nhạc không thể quyết định hoàn toàn tính cách của một người. Nó bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, môi trường và kinh nghiệm cá nhân. Vì vậy, chúng ta không thể đưa ra đánh giá chính xác về một người chỉ dựa vào sở thích âm nhạc.

Sự khác biệt và trải nghiệm cá nhân của mỗi người có thể ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc và đặc điểm tính cách. Chỉ thông qua sự hiểu biết và giao tiếp sâu sắc, chúng ta mới có thể hiểu được những đặc điểm, tính cách của một người toàn diện hơn.

 

Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan nhất định giữa sở thích âm nhạc và chỉ số IQ.

Âm nhạc cổ điển thường có mức độ phức tạp về độ hài hòa, nhịp điệu và kỹ thuật. Do đó, những người thưởng thức âm nhạc cổ điển có thể đánh giá cao hơn về độ chi tiết và phức tạp của nghệ thuật.

Điều này cho thấy họ có thể có mức độ thông minh cao hơn. Thứ hai, âm nhạc cổ điển thường mang giá trị truyền thống văn hóa.

 

Những người được giáo dục âm nhạc và văn hóa chất lượng cao có thể thưởng thức âm nhạc cổ điển. Nền tảng giáo dục và văn hóa như vậy thường liên quan đến sự phát triển trí tuệ.

 

Tuy nhiên, việc thích nhạc cổ điển không quyết định trực tiếp đến chỉ số IQ của một người. IQ là một khái niệm phức tạp không chỉ liên quan đến sở thích âm nhạc mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Vì vậy, chúng ta không thể đánh giá chỉ số IQ chỉ dựa vào sở thích âm nhạc mà nên xác định thông qua đánh giá toàn diện nhiều mặt.

 

Đầu tiên, âm nhạc có thể thúc đẩy sự thư giãn về thể chất và tinh thần, đồng thời giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Mọi người có thể cảm thấy thư thái và bình tĩnh hơn bằng cách nghe bản nhạc yêu thích.

Thứ hai, âm nhạc có khả năng cộng hưởng cảm xúc và có thể truyền cảm hứng, khơi gợi nhiều cảm xúc khác nhau.

 

Mỗi người có thể lựa chọn âm nhạc phù hợp với tâm trạng hiện tại để cải thiện. Ngoài ra, nghe nhạc có thể giúp mọi người cải thiện khả năng tập trung và sáng tạo.

Một số loại nhạc, chẳng hạn như nhạc cổ điển nhẹ nhàng hoặc âm thanh tự nhiên có thể kích thích não bộ và tăng mức độ tập trung, sự sáng tạo của con người.

 

Ngoài ra, âm nhạc có thể kích thích hoạt động của não, người nghe nhạc phù hợp có thể thúc đẩy trí nhớ và khả năng lưu trữ thông tin. Và sự kết hợp giữa âm nhạc và thể thao có thể cải thiện hiệu suất và tăng động lực.

Nghe nhạc trong khi tập thể dục có thể làm giảm mệt mỏi, tăng cường sức bền và cải thiện hiệu quả tập luyện.

 

Nhìn chung, sở thích âm nhạc của mỗi người thường bộc lộ tính cách của họ và những người thích nghe nhạc cổ điển có thể sở hữu chỉ số IQ cao hơn.

 

Ngoài ra, điều đáng chú ý là âm nhạc tác động tích cực đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mọi người nên lựa chọn âm nhạc phù hợp với sở thích, nhu cầu của mình và thu được nhiều lợi ích từ nó.

Theo Phụ nữ số