EM HỒN NHIÊN THÌ EM BÌNH YÊN
Em hồn nhiên thì em bình yên: Chính sự ngây thơ làm cho ta được yêu mến, giảm nhẹ những rối ren và đen tối của cuộc đời.
Lão Tử trong Đạo đức kinh đã dùng câu "Hàm đức chi hậu, bỉ vu xích tử" (người đức dày sống như một đứa trẻ) để miêu tả trạng thái cuộc sống của một đứa trẻ - không ham muốn, không đấu tranh, thuần khiết và hạnh phúc. Trong thế giới trẻ thơ, cuộc sống là hạnh phúc, điều gì cũng khiến chúng hạnh phúc.
Lương thiện nhất, chân thành nhất, thuần khiết nhất trong nhân tính chính là tâm hồn trẻ thơ. Trẻ con thường hỏi những câu hỏi ngây thơ khiến người lớn bối rối khi trả lời, chúng luôn nghĩ ra những trò đặc biệt để chơi.
Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, sau khi tiếp nhận giáo dục lí tính quá nhiều, và được truyền thụ tư duy quán tính, rất khó giữ được sự thuần khiết và niềm vui trẻ thơ ấy.
Trong thế giới người lớn, chín chắn mới được coi là tốt, sâu sắc mới đáng để tự hào, lí trí mạnh mẽ mới đáng để kiêu ngạo.
Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chính sự ngây thơ mới làm cho chúng ta được yêu mến; chính sự ngây thơ mới làm cho chúng ta giảm nhẹ những rối ren và đen tối của cuộc đời; chính trái tim cảm tính và hồn nhiên mới cho chúng ta sống một cách chân thực nhất.
Chúng ta sống trong thành phố đầy bê tông cốt thép nên dễ quên đi vẻ đẹp của cây cỏ thiên nhiên. Nhưng trẻ con thì sao? Đa số trẻ nhỏ đều thích cuộc sống thiên nhiên bên ngoài.
Hãy nhớ lại khi mình còn nhỏ, có phải bạn sẽ rất phấn khích khi được người lớn đưa đi chơi? Khi còn chưa biết đi, có phải bạn thường cố gắng trèo lên cửa sổ để ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài?
Khi chúng ta lớn lên lại quên mất thế giới thiên nhiên, thu mình trong căn phòng nhỏ hẹp, giấu đi những niềm vui và nỗi buồn của bạn thân, như vậy chỉ có làm cho trái tim mình ngày càng nhỏ bé, niềm vui càng ngày càng ít đi.
Khi bạn vẫn còn là một đứa trẻ, bạn cũng từng thích chạy nhảy, đánh lộn, hờn dỗi, hoàn toàn không giống với bạn trong hiện tại suốt ngày mệt mỏi với lương bổng, giá cà, nhà cửa và những khó khăn của tương lai.
Lúc đó cho dù vẫn có áp lực của bài tập và học hành, cho dù vẫn lo lắng thầy cô và bố mẹ quản giáo, nhưng bạn không hề bị những tâm sự buồn chán của tương lai hành hạ, không hề mất đi phương châm "sống cho hiện tại".
Nhưng khi bước vào giai đoạn trưởng thành, bạn sẽ phát hiện ra bạn mất đi phương châm đơn giản đó, luôn luôn lo lắng cho tương lai, luôn luôn vì những điều không vui có thể xảy ra ngày mai làm ảnh hưởng đến tâm tình hiện tại.
Càng lớn lên, trái tim càng nặng nề, càng không thể vô tư chơi đùa như một đứa trẻ nữa..
Có một lần, một cô giáo mầm non hỏi một bạn nhỏ: "Vì sao hoa lại nở"?
Bạn nhỏ đó trả lời: "Đó là hoa thức dậy, nó muốn nhìn mặt trời".
Một đứa trẻ khác nói: "Thân hoa duỗi lưng cho đỡ mỏi nên đâm vỡ đóa hoa."
Đứa trẻ thứ ba nói: "Hoa muốn đưa tai để nghe xem các bạn nhỏ hát gì…"
Cô giáo đã cảm động sâu sắc. Đáp án mà cô chuẩn bị vốn dĩ vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức khô khan: "Bởi vì thời tiết trở nên ấm áp".
Vì sao chúng ta không nghĩ đến những lí do mà lũ trẻ đưa ra? Có lẽ, bởi vì cuộc sống lí tính, vì cái nhìn của người lớn.
Kì thực, cuộc sống làm cho chúng ta trở nên ích kỉ, chỉ mãi lo nghĩ bản thân như thế nào, không hề nhìn ra xung quanh ra sao; hoặc là chúng ta căn bản càng ngày càng ít vui vẻ.
Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, vẫn khao khát có thể thoát được tất cả những buồn chán và áp lực. Trong thế giới bề bộn này, xin hãy giữ lấy trái tim thuần khiết như trẻ thơ, khi bờ vai của bạn không nặng nề nữa, bạn sẽ có được nụ cười tươi sáng rạng ngời.
ST