Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Hiệu lực và những nghi vấn khi cầu nguyện

HIỆU LỰC VÀ NHỮNG NGHI VẤN KHI CẦU NGUYỆN

Trong khóa tu mùa đông vừa qua (Năm ’95-’96 tại Làng Mai, Pháp) chúng ta có nói tới hiệu lực của cầu nguyện và chúng ta có thể cầu được gì?

Khi đối diện với việc cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không?

Câu hỏi đó đã được rất nhiều người đặt ra, trong Cơ-Đốc giáo cũng như trong các truyền thống tôn giáo khác. Tại sao vậy? Tại vì nếu có linh ứng thì mình mới cầu, còn nếu không thì tại sao mình lại cầu? Vì vậy mà mình phải trả lời câu hỏi này trước, rồi sau đó mới đi tìm câu trả lời cho các nghi vấn khác.

Sự thật là mình thấy sự cầu nguyện nhiều khi có hiệu lực, nhiều khi lại chẳng có hiệu lực gì cả! Cho nên nói có là sai mà nói không cũng không đúng.

Có một em bé người Mỹ hồi còn sáu tuổi, một hôm ra sân chơi với con chuột trắng của mình, con chuột mà em thích nhất. Không biết em chơi với con chuột ra sao mà con chuột chui vào một cái lỗ, rồi đi thẳng xuống đất mà không trở lên nữa!

Buồn quá trời đất, em bé quỳ xuống, khẩn cầu Chúa để Chúa đem con chuột lên cho em. Ngoài má em ra thì con chuột đó là kẻ thân với em nhất, là người bạn số một trong thiên đường tuổi thơ của em. Không có con chuột đó thì em buồn khổ vô cùng, em không muốn sống nữa.

Vì vậy nên em đã quỳ xuống, hai tay chắp lại với tất cả trái tim để cầu nguyện Chúa xin Chúa đem con chuột trở lên cho mình. Bắt chước mẹ, em lẩm nhẩm khấn cầu: Con tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa, nếu Chúa muốn thì Chúa có thể đem con chuột trở lên cho con!

Em bé quỳ suốt một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ, với tất cả sự chí thành của mình mà con chuột vẫn không chịu trở lên!  Rốt cuộc thì em phải vào nhà ăn cơm. Không có con chuột, em buồn khổ vô cùng!

Một vài câu chuyện như vậy đã xảy ra trong đời cậu bé, cho nên cậu không còn tin vào sự cầu nguyện nữa.

Lớn lên vào trung học, cậu chọn ngành âm nhạc. Hôm đầu tiên vào lớp, chàng thấy giáo sư nhạc của chàng là một ông già lớn tuổi, bệnh hoạn, giọng nói hơi run run. Đặc biệt là sáng nào vào lớp ông cũng cầu nguyện, cầu nguyện tới 15 phút, làm học trò trong lớp rầu lắm. Tại vì cái cách thức cầu nguyện của ông không hay ho và hấp dẫn gì cả!

Trước khi bắt đầu, ông thường hỏi: Anh có điều gì cầu nguyện không? Chị có điều gì cầu nguyện không? Ông ghi lại hết tất cả những điều mà các học trò của ông muốn cầu rồi bắt cả lớp cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện cho tất cả mọi người.

Những điều cầu xin có lúc rất buồn cười, ví dụ: Ngày mai là ngày chúng con đi picnic, xin trời nắng ráo, đừng mưa! Vì vậy mà đối với anh chàng học sinh đi học nhạc kia thì 15 phút cầu nguyện trước giờ học là 15 phút chán ngấy, anh chẳng tin gì hết! Vậy mà ông thầy vẫn tiếp tục làm một cách rất chí thành, rất tinh chuyên!

Một hôm có một nữ sinh vào lớp, khóc nức nở. Cô nói rằng bác sĩ vừa khám phá ra một cái bướu trong óc của má cô, và bác sĩ còn nói là sợ bà ta không sống nổi qua tuần này! Cô khóc sướt mướt rất là tội nghiệp, làm tất cả mọi người trong lớp xúc động! Lúc ấy ông giáo bèn đứng dậy, giương mắt nhìn cả lớp bằng một cái nhìn rất là mãnh liệt, rồi tuyên bố:

Trong lớp này có ai không tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế thì đi ra hành lang đứng, tại vì chúng tôi sẽ cầu nguyện cho má của cô nữ sinh này. Sau khi cầu nguyện xong thì tôi sẽ cho người ra đón các vị vào lại! Anh chàng của chúng ta định đứng dậy đi ra, tại vì anh không tin gì vào sự cầu nguyện cả. Nhưng không biết tại sao anh lại không đủ can đảm để đi ra, nên anh ngồi nán lại.

Ông giáo yêu cầu mọi người cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện tuy ngắn gọn nhưng giọng ông lại rất hùng tráng. Trong tư thế cúi đầu, chắp tay, và khép mắt, ông nói rằng: Chúng con xin cám ơn Thượng đế chữa lành cho má cô Nancy ngay trong giờ phút này. Nhân danh Chúa Ki-tô, Amen! (Lord! We thank you for healing Nancy’s mother right now. In the name of Jesus Christ, Amen!)

Ông chỉ nói có chừng đó!

Hai tuần sau người ta báo tin rằng bà má của Nancy đã lành bệnh. Bác sĩ rọi kiếng, làm scanner và thấy không còn một dấu tích tối thiểu nào của cái bướu ngày xưa nữa. Đúng là một phép lạ! Bà lành lập tức chứ không trải qua một thời gian trị liệu nào hết!

Lúc đó anh chàng sinh viên của chúng ta mới bắt đầu tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế. Anh tin vào sự linh ứng của việc cầu nguyện, và anh bắt đầu cầu nguyện cho ông thầy dạy nhạc của mình. Anh đã cầu nguyện với tất cả tâm thành, tại vì chuyện chữa lành cho bà mẹ của Nancy là một phép lạ mà anh đã chứng kiến. Anh cầu nguyện với tất cả trái tim anh cho sức khỏe của ông thầy dạy nhạc. Nhưng một năm sau thì ông giáo qua đời!

Như vậy có nghĩa là, để trả lời cho nghi vấn thứ nhất, ta có thể nói rằng cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công.

Vì vậy câu hỏi thứ hai được đặt ra là tại sao cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công?

Như đã nói ở trên, khi đối diện với việc cầu nguyện, ta thường gặp rất nhiều nghi vấn. Vì vậy mà khi đang tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ hai, thì một thắc mắc khác lại hiện đến.

Đó là câu hỏi thứ ba: Nếu Trời đã quyết định như vậy, nếu Thượng đế đã an bài như vậy rồi, thì cầu nguyện làm gì nữa? Các nhà thần học nói rằng nếu Thượng đế đã muốn như vậy thì cái ý nguyện của Thượng đế sẽ thành tựu (Que ta volonté soit faite) vậy thì ta cầu làm gì nữa? Nếu tất cả đều đã được Thượng đế sắp đặt rồi, thì tại sao ta lại còn cầu nguyện cho mất công? Ngài đã quyết định rồi mà!

Cũng như đứng về phương diện nhân quả và nghiệp báo, vì người kia đã làm những điều ác, cho nên tới giờ phút đó thì phải bị bệnh này, thì làm sao cầu nguyện mà có thể thay đổi được?

Một bên là cái ý chí của Thượng đế, một bên là cái nghiệp báo của chúng sanh. Nghiệp đã như vậy rồi thì làm sao có thể thay đổi được quả?

Cái gọi là ý chí (volonté) của Thượng đế ở trong đạo Ki-tô cũng tương đương với cái nghiệp báo ở trong đạo Bụt.

Nghi vấn thứ tư từ từ lộ diện: Nếu cầu nguyện không có kết quả, có phải là tại đức tin của mình đang yếu kém hay không? Thánh kinh có nói rằng “Nếu đức tin của anh vững chãi thì anh có thể dời một ngọn núi từ chỗ này sang chỗ kia”!

Vậy thì đức tin của mình lúc nào mới thực sự gọi là đầy đủ, là vững chãi? Đối với câu chuyện chuột chui vào hố sâu của cậu bé trên đây, thì một cậu bé sáu tuổi, quỳ xuống cầu nguyện như vậy, là cậu có một đức tin rất lớn.

Nhưng lần này cậu lại không thành công trong việc cầu nguyện?

Hay là tại trong khi cầu nguyện cậu chỉ có ý muốn được thoả mãn cái ham muốn của mình, cái ưa thích có con chuột để làm bạn với mình, mà cậu không thật sự thương con chuột đó đang bị hoạn nạn ở trong hố sâu? Vì vậy nếu cầu nguyện mà không có kết quả, thì có phải là do mình không có tình thương hay không?

Nhiều khi mình tin rằng mình đã cầu nguyện hết lòng, cầu nguyện với tất cả mọi tế bào trong cơ thể của mình, với tất cả mọi giọt máu trong con người của mình, vậy mà cầu nguyện cũng không thành công! Mình thương người đó quá chừng, người đó đang hấp hối, vậy mà nói là mình không có tình thương sao được? Mình thật sự có thương mà!

Tuy vậy, nếu nhìn sâu vào thì ta sẽ thấy tình thương này đôi khi không hẳn là tình thương mình hướng về cho người đó, mà chỉ là vì mình sợ bị bơ vơ, mình lo bị thiếu vắng! Nếu mình lầm lẫn tình thương với sự sợ hãi về cái bơ vơ của mình, thì đó có phải là tình thương, hay đó chỉ là một cái ước muốn, ước muốn người đó được sống để cho mình khỏi bơ vơ? Cho nên đó không phải thật sự là tình thương mình dành cho người đó, mà chỉ là tình thương hướng về cho chính mình.

Đó là những câu hỏi được đặt ra trong khi mình thực tập nhìn sâu vào vấn đề. Tất cả những câu hỏi này cũng cần phải được trả lời.

Trong vấn đề cầu nguyện ta còn câu hỏi thứ năm: Người mình cầu nguyện là ai? Thượng đế là ai? Bụt là ai? Bồ tát Quan Thế Âm là ai? Đức mẹ Maria là ai?

Nói rõ ra, câu hỏi cuối cùng trong vấn đề cầu nguyện: Khi cầu, ta cầu ai?

Trích Sách Hiệu lực cầu nguyện của Thích Nhất Hạnh

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Suy nghĩ của chàng trai tuổi 25


SUY NGHĨ CỦA CHÀNG TRAI TUỔI 25

 

1. Tâm lý con trai tuổi 25, sự nghiệp luôn là ưu tiên số 1

Bất kì chàng trai 25 tuổi nào, nếu được hỏi về ưu tiên số 1, cũng sẽ không ngần ngại trả lời là sự nghiệp. Tâm lý con trai tuổi 25 chỉ tập trung vào phát triển giá trị bản thân, từ đó phát triển công việc và sự nghiệp của mình.

 

Đối với tâm lý con trai tuổi 25, sự nghiệp đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng. Có sự nghiệp vững vàng, họ mới có thể lo cho gia đình, có thể nghĩ đến việc tìm 1 người thương và lo cho cô gái ấy. Họ cảm giác như không có sự nghiệp, sẽ không thể mang đến hạnh phúc cho người mình yêu.

 

Bởi vậy, có những khi chàng không quan tâm ân cần đến bạn, có những lần chàng lỡ cuộc hẹn với bạn vì có 1 cuộc họp quan trọng với đối tác hay phải làm thêm giờ cho 1 dự án khẩn cấp, thì hãy thông cảm cho chàng nhé. Trên con đường tạo dựng giá trị bản thân, sự nghiệp, chàng rất cần 1 cô gái có thể thấu hiểu hoài bão cho chàng.

2. Tuổi 25 với rất nhiều âu lo

Như đã nói ở trên, tuổi 25 không phải là độ tuổi quá trẻ để đàn ông có thể lạc quan tích cực nếu như mình vẫn trắng tay. Tâm lý con trai tuổi 25 là họ sẽ ráo riết tìm kiếm công việc và phát triển sự nghiệp.

Ở độ tuổi này, đã có không ít người thành công, nếu như chàng vẫn đang là 1 anh nhân viên bình thường, chắc chắn chàng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực: áp lực từ công việc, gia đình, cuộc sống, bạn bè,…

 

Đối với tâm lý con trai tuổi 25, chàng bắt đầu nghĩ về việc báo đáp công lao của bố mẹ để bố mẹ bớt vất vả. Họ gánh chịu áp lực lớn nếu như bản thân chưa thể làm gì để giúp đỡ cho gia đình mình.

 

3. Bận tâm chuyện tình cảm

Chuyện tình cảm cũng có thể là áp lực đối với chàng, nếu như lúc nào chàng cũng phải cô đơn lẻ bóng. Tâm lý con trai tuổi 25 chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi chạnh lòng nếu như bạn bè đã bắt đầu rục rịch lập gia đình, còn chàng mới vừa chia tay người yêu và chẳng biết đến bao giờ mới có thể yêu ai đó 1 lần nữa.

 

Đàn ông tuổi 25 có thể an ủi bản thân rằng mình đang cố gắng phấn đấu vì tương lai, và ở độ tuổi này thì sự nghiệp mới là ưu tiên số 1, nhưng những khi buồn, khi đi ngoài đường thấy các cặp đôi tay trong tay, chắc hẳn chàng cũng mong muốn có 1 người để cùng mình sẻ chia những âu lo của những ngày tháng chênh vênh này.

 

Nếu người ấy của bạn là 1 chàng trai 25 tuổi và chàng yêu bạn thật lòng, thì hãy luôn luôn trân trọng người đàn ông ấy. 25 tuổi, không phải là độ tuổi chàng muốn rong chơi nữa, có thể chàng bận rộn sự nghiệp, và kế hoạch tương lai của chàng có bạn.

Hãy đồng hành cùng với chàng bạn nhé!

 

Hiệu ứng hào quang, trông mặt mà bắt hình dong


HIỆU ỨNG HÀO QUANG, 

TRÔNG MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG

 

Hiệu ứng hào quang hay còn có tên tiếng Anh khác là Halo Effect.

Thuật ngữ này lần đầu tiên được nhắc đến bởi nhà tâm lý học Edward Thorndike vào năm 1920. Ông đã tiến hành một thí nghiệm để kiểm chứng về định nghĩa này:

 

Các cán bộ chỉ huy trong một quân đội nọ sẽ đánh giá phẩm chất của lính cấp dưới. Các tiêu chí được lựa chọn bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và sự tin cậy.

 

Qua cuộc thí nghiệm, ông phát hiện ra một điều khá đặc biệt. Những đặc điểm được xếp hạng cao sẽ kéo theo nhiều đặc điểm khác cũng tăng hạng theo. Ngược lại, đặc điểm được xếp hạng thấp cũng kéo nhiều đặc điểm thấp hơn.

 

Hiệu ứng hào quang được xem là một loại thiên vị về mặt nhận thức. Chúng ta sẽ đưa ra những nhận định tổng quan về một người, một vật chỉ dựa trên một mặt của vấn đề.

Cuộc sống quanh ta có quá nhiều những trường hợp về hiệu ứng hào quang. Bạn có thể đã từng gặp như:

Ấn tượng về người nổi tiếng.

Bạn sẽ thấy những người nghệ sĩ thường có hình ảnh đẹp, ưa nhìn. Từ đó, chúng ta cũng mặc định họ là người thông minh, xuất chúng.

Sự thiên vị trong đánh giá của giáo viên. 

Ở các trường học, đánh giá của giáo viên rất quan trọng. Họ thường có suy nghĩ những người học giỏi, điểm cao thì cách cư xử cũng vô cùng tinh tế, khôn khéo. Mặc dù họ chưa hề biết hay quan sát cách sống ngoài đời của học trò.

Đánh giá nhân viên trong một công ty, văn phòng. 

Cấp trên thường đánh giá cao nhân viên ở sự nhiệt tình, năng nổ làm việc. Và rồi, dù bạn có thiếu đi một chút kiến thức hay kỹ năng thì cũng chẳng sao cả. Đánh giá hiệu suất làm việc của bạn vẫn luôn tốt.

Trong lĩnh vực kinh tế.

Trong lĩnh vực marketing để nâng cao giá trị thương hiệu., các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận thế mạnh của mình, tập trung khai thác nó. Từ đó, dẫn dắt khách hàng tìm kiếm về thương hiệu của mình qua các kênh tiếp thị. Một thương hiệu đã được định vị sẵn, cùng với cách tiếp cận mục tiêu cụ thể giúp giá trị thương hiệu nâng cao rõ rệt.

 

Tuy nhiên, bạn cũng cần nhận thức rằng, vấn đề gì cũng sẽ có hai mặt của nó. Và hiệu ứng hào quang cũng không phải ngoại lệ. Nếu ứng dụng tốt, chúng giúp thương hiệu bạn phát triển, tăng lượt tiếp cận khách hàng. Nhưng nếu lạm dụng quá mức, vô hình chung, những đánh giá sẽ không còn khách quan. Doanh nghiệp khó có thể níu kéo khách hàng thân thiết tiếp tục mua hàng.

 

Hiệu ứng hào quang nếu được vận dụng một cách thích hợp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững. Tuy nhiên, tất cả nên được thực hiện một cách minh bạch và rõ ràng. Đừng biến chúng trở thành lớp vỏ hoàn hảo cho những sản phẩm bẩn.

Hơn ai hết, người tiêu dùng giờ đây đã thông thái và cảnh giác hơn khi mua hàng. Đừng vì một chút lợi ích nhỏ mà đánh mất giá trị thương hiệu tốn công gây dựng bất lâu.