Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Câu chuyện giáo dục thời nay

CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC THỜI NAY

Trong khi cha mẹ Việt “nai lưng” kiếm tiền để con học trường quốc tế tốt nhất thì bà mẹ Do Thái này không nghĩ vậy.

Sara Imas là một bà mẹ Do Thái gốc Hoa đơn thân, một mình nuôi dạy 3 con thành đạt. Bà cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương.

 

Ngày nay, câu nói vốn là ‘khẩu hiệu’ của một số cơ sở kinh doanh giáo dục: “Đừng để con cái thua ngay từ vạch xuất phát” đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều bậc phụ huynh châu Á. Họ vô tình bị cuốn vào cuộc đua giáo dục con cái ngay từ khi chúng còn chưa chào đời, mới 1-2 tuổi đã bắt đầu dạy học chữ; 3-4 tuổi cho đi học đàn, học vẽ, học tiếng Anh.

 

Rồi lại nghĩ trăm phương ngàn kế để con được vào học trong những trường mầm non tốt nhất, trường tiểu học tốt nhất; không tiếc tiền bạc cho con tham gia vào các lớp bồi dưỡng tài năng. Họ cho rằng nếu con thua thiệt ngay từ vạch xuất phát thì cả cuộc đời này chắc chắn sẽ thua cuộc.

 

Nếu coi cuộc đời là một cuộc đua thì vạch xuất phát đúng là có tồn tại. Nhưng thực tế cuộc đời là một hành trình chứ không phải một cuộc đua. Hơn nữa, nếu tranh thủ từng giây từng phút ngay ở vạch xuất phát chỉ có ý nghĩa đối với chạy cự ly 100 mét, còn đối với chạy cự ly dài thì thắng thua quyết định ở sự dẻo dai chứ không phải ở việc xuất phát nhanh hay chậm.

 

Và cuộc đời, nếu coi nó như một cuộc đua thì đó cũng phải là cuộc đua đường dài hoặc marathon, chứ không thể là một cuộc đua chạy ngắn.

Xuất phát chậm không có nghĩa bạn sẽ thua cả chặng đua. Người Do Thái từng nói thế này: “Dù bạn có là ốc sên đi chăng nữa, nếu có thể bò lên được đỉnh núi thì phong cảnh bạn nhìn thấy cũng giống như thứ mà một con chim ưng nhìn thấy.”

 

Yếu tố cốt lõi của chạy đường dài nằm ở khả năng duy trì sự dẻo dai về thể lực. Nó cũng giống như việc học kiến thức của trẻ. Khi khả năng đọc của trẻ vẫn chưa phát triển tương xứng, các vị phụ huynh đã vội nhồi nhét những kiến thức không phù hợp với lứa tuổi thì chẳng những trẻ sẽ khó tiếp thu mà thậm chí còn cảm thấy chán ghét.

 

Thước đo sự thành công của giáo dục không nằm ở điểm số, mà nằm ở việc đánh giá xem trẻ có hứng thú với việc học tập hay không. Nếu trẻ ngày càng hứng thú với những kiến thức được học thì tức là việc giáo dục đã thành công, ngược lại nghĩa là thất bại.

 

Và mức độ hứng thú của trẻ với kiến thức được học không chỉ được quyết định bởi phương pháp truyền thụ của thầy cô giáo, mà còn ở khả năng tiếp thu của trẻ, vì vậy bắt trẻ học quá nhiều thứ khi còn quá sớm rõ ràng là lợi bất cập hại.

 

Mỗi một đứa trẻ có quy luật trưởng thành riêng của mình. Các chuyên gia cho rằng, 3 tuổi là thời kỳ trẻ tư duy bằng trực giác, 5 tuổi bắt đầu tư duy hình tượng, và 8-12 tuổi là thời kỳ trẻ có trí nhớ tốt nhất.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bé được học chữ trước khi vào lớp một sẽ có thành tích nổi trội hơn các bé khác về môn ngữ văn, nhưng đến năm lớp hai, trình độ giữa chúng và những bé chưa được học chữ trước là ngang nhau, và thậm chí những bé chưa được học trước còn có xu hướng vượt trội hơn.

 

Vì vậy, thay vì việc đưa con đến những lớp học vẽ, các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị sẵn bút màu và cho chúng ngồi ở nhà để tự do phát huy trí tưởng tượng của mình.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Khi…. đôi đũa lệch

Đám cưới của Thảo với Đô không nhận được sự ủng hộ của bất kì ai.

 KHI…. ĐÔI ĐŨA LỆCH

 

Khi yêu, có ai mà không mong muốn tìm được một người xứng đôi vừa lứa, để nghe người khác tấm tắc và… ganh tị “đúng là một cặp thanh mai trúc mã”, “một cặp trời sinh”. Yếu tố xứng đôi vừa lứa có thể đươc xem xét theo nhiều khía cạnh: trình độ học vấn, địa vị xã hội, nhan sắc, hoàn cảnh gia đình, tuổi tác, hoặc chỉ đơn giản như có chung mục đích sống, giống nhau về tính cách, bản lĩnh,…

 

Thế nhưng, trong cuộc sống vốn dĩ nhiều màu sắc này, có những tình yêu không hoàn hảo, không xứng đôi cũng chẳng vừa lứa mà còn rất…. đũa lệch. Không chỉ trong tình yêu mà trong tình bạn vẫn tồn tại những đôi đũa lệch như thế này. Vậy một tình yêu như vậy có lãng mạn không? Một tình bạn như thế có lâu bền không? Tại sao người ta lại đến với nhau khi người ngoài, thậm chí bạn bè hoặc các bậc cha mẹ nhìn vào cũng cho là quá lệch đôi?

 

Dù là trong tình bạn hay tình yêu, người ta luôn tìm kiếm một sự tương đồng nhất định, có thể về tinh thần, về những hoàn cảnh bên ngoài. Một cậu bé 15 tuổi vẫn có thể kết bạn và thân tình với một người trung niên có độ tuổi cỡ…cha mẹ mình, khi họ sinh hoạt chung trong một câu lạc bộ những người sưu tầm tem. Đó là vì người ta có chung với nhau một sở thích, người ta bàn luận tâm đầu ý hợp với nhau nên người ta trở thành bạn. Nói chung, đó là sự đồng điệu trong tâm hồn.

 

Tình yêu là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn

Còn trong tình yêu, nói đúng ra, người ta không thể lý giải chính xác vì sao mình lại yêu người đó. Càng khó lý giải với mọi người, thậm chí với chính bản thân mình hơn, tại sao mình lại yêu một người có nhiều khác biệt với mình như vậy. Khác biệt quá lớn về tuổi tác, khác biệt quá lớn về gia cảnh, khác biệt quá lớn về trình độ,…

 

Thực ra, vẫn có thể lý giải rằng, đó là sự rung động của con tim, đó là “sự không lý giải” của tình yêu, hay đơn giản rằng, tình yêu thì làm gì có sự phân biệt trong đó? Điều này hoàn toàn đúng, và rất đúng với những người coi tình yêu là nghiêm túc.

Nhưng ngược lại, trong rất nhiều trường hợp, những cặp “đũa lệch” đến với nhau chỉ vì những lý do mà họ… hiểu rất rõ nhưng không muốn nói ra, hoặc không cần nói ra vì ai cũng biết.

 

Sự tương đồng trong quan hệ yêu đương không phải là sự “cào bằng” tất cả trên moị phương diện giữa hai người mà phải là sự tương đồng tương đối. Ở đây đó chính là sự đồng cảm và sự thông hiểu để làm cơ sở chấp nhận nhau. Vấn đề căn bản nhất để hướng đến sự tương đồng vẫn là sự đồng điệu về tâm hồn, suy nghĩ.

 

Nói chung, sự lệch đôi này không phải là điều quan trọng trong tình yêu, nó cũng không phải là một vật cản trong tình yêu. Hoàn toàn có thể khắc phục những sự lệch nhau đó bằng nhiều cách, nhưng chắc chắn phải dựa trên một tình cảm thực sự và lồng ghép trong đó là bản lĩnh dám đối mặt với dư luận. Quan trọng nhất mình vẫn là mình, không vì những điều hơn, điều kém mà bị lệ thuộc vào người khác. Làm được điều naỳ thì dù đôi đũa lệch cách mấy thì vẫn có thể so cho vừa.

 

Trong đời thực có những cặp đũa lệch thật thú vị:  

Anh Kiều Quang Đô (1994) trú tại xã Nhật Tựu, Kim Bảng, Hà Nam từ nhỏ đã bị căn bệnh bẩm sinh quái ác. Từ lúc sinh ra đôi chân anh đã không thành hình khiến nó cứ teo tóp dần. Anh lớn lên trong nỗi mặc cảm mình là người tàn tật. Cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của anh gắn liền với chiếc xe lăn.

 

Chị Nguyễn Thị Thảo (1996): "Mình quen anh Đô qua người chị họ. Lúc đầu cũng xin số điện thoại của nhau rồi nói chuyện vu vơ như những người bạn thôi, nhưng ai dè lại yêu thật".

Tình yêu của Thảo với Đô không nhận được sự ủng hộ của bất kì ai. Bạn bè, người thân, anh chị, hàng xóm của Thảo luôn xì xào bàn tán rằng "con Thảo nó dại quá".

 

Đám cưới diễn ra, ngoài những lời chúc tụng vui vẻ của mọi người thì cũng có những lời chê bai, giễu cợt từ những người không hiểu chuyện. Có người bảo cô vợ không khôn ngoan khi đi kiếm cái khổ vào thân. Cũng có những người ác miệng hơn khi bảo Thảo vì tiền mà chịu lấy một người tàn tật.

 

Thảo chia sẻ: "Mình sống cho mình chứ mình không sống cho người ta. Vì vậy mình không quá bận tâm tới những gì mà họ nói. Còn việc mình lấy anh vì tiền là hoàn toàn sai. Vì nhà mình làm nông rất khó khăn, vất vả nhưng nhà anh Đô cũng đâu có khấm khá gì mà lấy nhau vì vật chất. Bọn mình yêu nhau thật lòng rồi tiến tới hôn nhân thôi".

  

Hiện nay, Đô mở một cửa tiệm sửa chữa điện thoại tại nhà. Thảo thì đã nghỉ làm, ở nhà phụ giúp chồng trong những công việc hằng ngày.

 

Nơi nương tựa vững chãi


NƠI NƯƠNG TỰA VỮNG CHÃI

 

Trích sách “Con đã có đường đi” của Sư Ông Làng Mai

 

Đạo Bụt nói tới hai loại tâm thức: một phần tâm thức lớn gọi là tàng thức; một cái thức nhỏ hơn gọi là ý thức, đây là cánh cửa mở ra đón nhận thế giới bên ngoài.

 

Trong đời sống hàng ngày, những âm thanh, những hình ảnh, những bận rộn, lo toan, những ồn ào cụ thể ở bên ngoài sẽ đi vào trong ý thức để rồi rơi vào tàng thức. Nếu những ngọn gió đó mang nhiều ô nhiễm mà cứ ồ ạt thổi vào những cánh cửa giác quan của ta thì sẽ làm cho ta mệt mỏi. Những lúc ấy ta nên đóng cửa lại, ở yên trong “ngôi nhà của mình”.

Duy trì hơi thở vào ra có ý thức trong khoảng vài phút thì tâm sẽ bình an trở lại. Đối với người biết thực tập thì chỉ cần một, hai phút là lấy lại được trạng thái cân bằng.

 

Mỗi khi lên giường tắt đèn đi ngủ, ta nằm nghiêng trong tư thế “Sư tử toạ” đó là thế nằm nghiêng về phía bên phải, trở về với ngôi nhà chân thật của mình và thở. Ta không còn nghe gì nữa, không nói gì nữa. Ta hoàn toàn trở về với chính mình và thở thật bình an. Sau vài ba hơi thở, tự nhiên căn phòng đó trở nên êm dịu, ấm áp, rất thoải mái.

Nếu đã quen với phương pháp thở có ý thức, thì chỉ nội trong vài phút là tâm ta có sự lắng dịu và bình an. Và sự lắng dịu, bình an ấy sẽ thấm nhuần giúp nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong thân tâm ta.

 

Có những người không bao giờ cưỡng lại được sự rong ruổi. Họ không biết cách trở về hải đảo tự thân để được nuôi dưỡng. Chúng ta là những người có rất nhiều phước đức nên đã may mắn biết tới phương pháp theo dõi hơi thở để trở về nơi hải đảo tự thân. Và phải biết thêm rằng, nếu thực tập cho giỏi thì trong cái hải đảo tự thân đó vốn có sẵn chim muông, cỏ cây, hoa lá; có suối, bướm, hoa, trời xanh, mây trắng ở trong.

 

Ban đầu ta nghĩ, chỉ có thế giới bên ngoài mới có mặt trời, mới có hoa lá cỏ cây. Nhưng kỳ thực, ở trong này cũng có. Và có khi nó còn đẹp hơn cả ở bên ngoài. Chúng ta từng đi qua những giấc mơ, trong đó có những hình ảnh, những âm thanh còn đẹp hơn bên ngoài.

Vì vậy, ở trong thế giới này cũng có thể có trời xanh, mây trắng. Và tất cả những cái đó đều là những hạt giống ta đã gieo, nay nó trở về và biểu hiện lên bề mặt ý thức. Mây và nắng không hẳn chỉ ở ngoài, mây và nắng nằm cả ở bên trong. Mỗi người phải biết tự chế ra mây, gầy ra nắng, để tới khi bên ngoài không còn mây, không còn nắng thì trong lòng mình vẫn đầy ắp mây trắng nắng vàng.

 

Nhà thơ Mai Thảo đã viết: 

“Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng.
Chế lấy đừng vay mượn đất trời.
Để khi nhật nguyệt còn xa vắng,
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”

 

Ánh trăng này là từ trong tâm chiếu ra. Hàng ngày, mỗi khi thực tập thiền hành, thiền toạ ; mỗi khi tiếp xúc được với những mầu nhiệm như nụ hoa, đám mây, giọt nắng, bầu trời xanh, thì tất cả những cái đó đều đi vào tàng thức của ta và trở thành “của để dành” của ta. Thay vì để dành tiền bạc thì ta để dành nắng, để dành mây, để dành niềm hạnh phúc, để dành sự bình an. Đó chính là tu tập.