Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Thân thích không chung tiền tài, chung tiền tài đoạn vãng lai.


THÂN THÍCH KHÔNG CHUNG TIỀN TÀI, CHUNG TIỀN TÀI ĐOẠN VÃNG LAI.

Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Khi đối mặt với tiền bạc, con người rất dễ đánh mất mình, cho dù là mối quan hệ tốt đẹp cũng có thể đổ vỡ.

Nếu bạn thực sự trân trọng một mối quan hệ, đừng để mối quan hệ đó liên quan đến tiền bạc. Người ta nói rằng, nói chuyện tiền bạc thì phương hại đến tình cảm, quả thực cũng có đạo lý.

 

Khi giao lưu với người lạ, chúng ta luôn sòng phẳng và đặt rõ vấn đề trước, chuyện về sau lại chiểu theo quy ước mà phân xử.

Khi xảy ra bất cứ vấn đề gì, chúng ta đều có thể tìm được người chịu trách nhiệm tương ứng, cũng không cần bận tâm đến chuyện tình cảm, chúng ta có thể nói ra trước mặt và giải quyết ngay lúc đó.

 

Đối với người thân và bạn bè, khi không liên quan đến tiền bạc, về cơ bản chúng ta vẫn giữ được sự bình hoà và tôn trọng lẫn nhau.

Một khi mối quan hệ có liên quan đến tiền bạc và lợi ích, bạn phải xử lý hết sức thận trọng, bởi vì con người ít nhiều đều có tư tâm.

 

Mọi người đều vì tình cảm mà ngại nói về tiền bạc, khi xảy ra vấn đề lại không có ai có thể chịu trách nhiệm, rất phiền phức.

Cảm thông và Thiện tâm trong kinh doanh giúp doanh nghiệp đạt thành công lớn


CẢM THÔNG VÀ THIỆN TÂM TRONG KINH DOANH GIÚP DOANH NGHIỆP ĐẠT THÀNH CÔNG LỚN

 

Trong thời đại công nghệ số, việc kiểm soát danh tiếng của hầu hết các công ty thêm bội phần khó khăn. Càng ngày, các lãnh đạo công ty càng nhận ra việc xử lý các vụ khủng hoảng hữu hiệu nhất chính là thông qua lòng chân thành và sự cảm thông.

 

Tuy nhiên trong thập kỉ vừa qua, các công ty đã có nhận thức rõ hơn từ những phát hiện của các nhà nghiên cứu về các mối quan hệ trong công sở. 

Một loạt các nghiên cứu tiết lộ nếu nơi làm việc nào đề cao được chữ Thiện, thì sẽ tạo ra một văn hóa công sở vô cùng tích cực, làm lợi cho cả người chủ và nhân viên. Thậm chí hiệu quả công việc cũng sẽ được cải thiện từ những cấp thấp nhất nơi công sở.

 

Christina Boedker, phó giáo sư trường Đại học New South Wales ở Úc, tiến hành nghiên cứu về mối quan hệ giữa khả năng lãnh đạo và hiệu quả của tổ chức. Dựa trên kết quả thu được từ khảo sát 5.600 người từ 77 tổ chức, Boedker rút ra kết luận khả năng lãnh đạo dựa trên thiện tâm và đồng cảm sẽ làm tăng lợi nhuận và hiệu suất công việc của công ty hay tổ chức.

Bộ chỉ số Đồng cảm Toàn cầu cũng cho thấy sự đồng cảm có khả năng ảnh hưởng lên tình hình tài chính của công ty. 10 công ty đề cao sự cảm thông thì tạo ra lợi nhuận cao hơn một nửa so với 10 công ty ở nhóm dưới trong chỉ số này, theo số liệu năm 2016.

 

Một công ty đề cao tính Thiện trong hoạt động của mình sẽ nâng cao hiệu quả công việc và sự trung thành của nhân viên.

 

Chuyên gia McKee cho rằng: “Sự đồng cảm, chính là hành động thiện, nó là một dạng năng lực cho phép các nhà lãnh đạo ảnh hưởng một cách hiệu quả đến những người xung quanh”.

“Các nhà lãnh đạo có năng lực này có khả năng xây dựng nên một đội ngũ nhân viên mạnh và trung thành” – Bà nói thêm.

 

Hiếu chiến và độc đoán là cách khiến kinh doanh dễ thất bại nhất

Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tiếp tục ủng hộ phương thức tiếp cận hiếu chiến và độc đoán khi làm việc với nhân viên và xem nó là rất “hiệu quả”.

Họ cho rằng: Những tính cách thân thiện hơn như đồng cảm và tử tế thường có mối quan hệ với tính dễ bị tổn thương.

Nhưng theo McKee, trên thực tế, hiếu chiến và độc đoán lại là một trong những năng lực huỷ hoại người dưới quyền mạnh nhất.

 

Theo số liệu khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu về vấn đề bắt nạt nơi công sở: 27% số người lao động Mỹ – vào khoảng 37 triệu người – bị bắt nạt tại công sở.. Hành động này làm giảm tính sáng tạo và nhuệ khí của nhân viên, dẫn tới tình trạng nhân viên bỏ việc rất cao.

 

Theo Annie Mckee, đại học Pennsylvania: “Sự cảm thông và thiện tâm là một trải nghiệm cảm xúc có ảnh hưởng tới bộ não chúng ta một cách tích cực” –Nó làm giảm căng thẳng và kích thích hệ thần kinh giao cảm. Từ đó giúp mọi người có một trạng thái tinh thần thoải mái, giúp họ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, dẫn tới tư duy tốt hơn.

 

Học cách cảm thông và thiện tâm với người khác

Cảm thông không phải là một tính cách bẩm sinh – nó có thể được học hỏi và phát triển qua cọ xát. Các nhà lãnh đạo có thể học cách cảm thông thông qua các khóa học và đào tạo.

Roberta Matuson, chủ tịch công ty tư vấn Matuson Consulting và là tác giả của cuốn sách “Nhà lãnh đạo nam châm” đã đào tạo cho rất nhiều các nhà lãnh đạo muốn trở nên cảm thông hơn ở nơi công sở. Từ kinh nghiệm của mình, bà nói: “Có rất nhiều khó khăn để xây dựng được khả năng biết cảm thông nhưng hầu như mọi người đều làm được khả năng này”.

 

Văn hóa công sở thường bắt đầu với các cá nhân lãnh đạo hàng đầu. Như vậy theo Mckee, một sự thay đổi trong văn hóa công ty chỉ xảy đến nếu các nhà lãnh đạo hàng đầu chấp nhận các giá trị họ mong muốn nhìn thấy được ở người khác.

 

CEO của Linkedin Jeff Weiner là người ủng hộ phong cách quản lý dựa trên cảm thông và thiện tâm đã viết trong một bài báo đăng trên LinkedIn rằng sự cảm thông có thể và nên được dạy, không chỉ trong giáo trình 12 năm phổ thông, mà còn nên ở các bậc giáo dục đào tạo cao hơn, cũng như trong các chương trình đào tạo và phát triển của công ty. Ông còn nhấn mạnh bản thân ông thấy rằng điều này đáng được dạy hơn bất kỳ thứ nào khác.

 

Minh Tâm

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Nhân vô thập toàn


NHÂN VÔ THẬP TOÀN

Câu tục ngữ “Nhân vô thập toàn” rất quen thuộc với người Việt. Thông thường người ta thường lý giải về câu này là: con người không ai hoàn hảo cả mười phần, ý nói người ta ai cũng có ưu điểm và nhược điểm. Nhưng không chỉ vậy, nội hàm thật sự của câu này vô cùng thâm sâu, có thể khiến con người đề cao cảnh giới của bản thân.

Một số người hay dựa vào câu tục ngữ này để tự tha thứ cho lỗi lầm, những khuyết điểm mình mắc phải. Nhưng từ một hướng nhìn khác thì ý nghĩa của nó hoàn toàn trái lại. “Nhân vô thập toàn” có ý chỉ rằng, dù con người thông minh tài trí đến mức nào thì cũng chưa thể hoàn hảo được.

Vậy nên cần phải sửa chữa những lỗi lầm, những khuyết điểm của bản thân, vẫn cần phải nghe những lời phê bình hay răn bảo của người khác. 

Cổ nhân nêu câu này là nhằm mục đích sửa chữa cho người ta đến chỗ hoàn hảo, chớ không phải để cho người ta ngày một xấu thêm, mỗi ngày một thêm khuyết điểm. Vậy nên cùng một câu nói, nếu mang tư tưởng cố chấp, không muốn thay đổi thì dễ dàng hiểu sai ý nghĩa, từ đó có cái cớ để bám víu mà nuôi dưỡng những khiếm khuyết của bản thân, như thế đối với người ấy chỉ có hại mà không có điểm lợi nào.

Ngoài ra, “Nhân vô thập toàn” còn có một nội hàm tốt đẹp khác đó là: sống trên đời, để làm vừa lòng tất cả mọi người là một việc dường như không thể. Thế gian này có lý tương sinh tương khắc, vậy nên nếu có người yêu mến, thì cũng có người chán ghét; có người khen ngợi, thì ắt cũng có người chê bai.

Bởi vậy, thay vì cứ chầm chầm nhìn ra bên ngoài xem khen chê thì ta hãy tự nhìn vào nội tâm, tu dưỡng bản thân; liên tục rèn giũa tài năng và đức hạnh thì sẽ sớm đạt được niềm hạnh phúc tự tại.

Nói về hàm nghĩa này, có câu chuyện về vị tướng tài ba Hứa Kính Tôn vào thời vua Đường Thái Tông như sau:

Một ngày nọ, vua Đường Thái Tông hỏi Hứa Kính Tôn: “Trẫm thấy khanh không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều điều tiếng về khanh?”

Hứa Kính Tôn cung kính đáp: “Thưa bệ hạ! Mùa xuân mưa tầm tã như dầu, khiến nông dân vui mừng vì mùa màng tươi tốt, nhưng những kẻ bộ hành lại vì đường đi trơn trượt mà khó chịu.

Trăng mùa thu sáng tỏ vằng vặc như gương treo trên trời, thi nhân nâng chén thưởng nguyệt, thích thú ngâm thơ, nhưng kẻ đạo chích (ăn trộm) lại vì ánh Trăng quá sáng mà căm ghét.

Thiên địa vốn vô tư không thiên vị, nhưng chuyện nắng mưa vẫn bị thế nhân oán trách. Hạ thần vốn không phải người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi điều tiếng chỉ trích chê bai?

“Cho nên hạ thần nghĩ, với lời thị phi thì nên bình tâm suy xét. Thiên tử tin lời thị phi thì quan thần bị hại; cha mẹ tin lời thị phi khiến con cái bị ruồng bỏ; vợ chồng tin lời thị phi ắt gia đình ly tán. Điều tiếng của thế gian độc hơn rắn rết, bén hơn lưỡi giáo gươm đao, giết người không thấy máu”. 

Vậy nên, miệng là của người khác, thị phi là chuyện trong thiên hạ. Sống ngay thẳng thì không có gì phải hổ thẹn, càng không phải bận lòng bởi những điều tiếng chê bai.

Chúng ta không thể thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người; nhưng có thể thay đổi vận mệnh của chính mình.

Đối với lời nói là của người khác, không nên quá đặt nặng, đừng để chuyện thị phi quyết định cuộc sống của mình có hạnh phúc hay không. Việc quan trọng và cần làm hơn chính là thường xuyên nhìn lại bản thân, thay đổi chính mình, trau dồi rèn giũa bản thân ngày một tốt hơn!

Theo tinhhoa.net