Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

13 sự thật thú vị về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới


13 SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ QUỐC GIA HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI: BỐ CHĂM CON NHIỀU HƠN MẸ

 

Phần Lan là một quốc gia nhỏ ở phía Bắc, đứng đầu trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Tại đất nước này, người dân mang trong mình tính kỷ luật, chăm chỉ trong mọi công việc, đề cao lòng yêu nước và 99% dân số đến phòng tắm hơi ít nhất một lần một tuần, đây cũng là quốc gia có những con nai được nhìn thấy lang thang tự do dọc trên những cung đường của các thành phố nhỏ.

 

Dưới đây là 13 điều thú vị về đất nước này.

 

1. Người Phần Lan dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời

Tại Phần Lan, 70% diện tích lãnh thổ là rừng. Đây là lí do tại sao người Phần Lan luôn cảm thấy thoải mái khi ở trong rừng. Họ cảm thấy như được che chở bởi thiên nhiên và thấy thư thái, yên bình khi ở đây. Người Phần Lan dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời, họ còn thường đi bộ đường dài và xe đạp.

 

2. Nước uống miễn phí

Phần Lan thường được gọi là vùng đất của hàng ngàn con hồ. Những hồ này xuất hiện như là hệ quả của thời kỳ băng hà cuối cùng, vào khoảng 10.000 năm trước. Nguồn nước nơi đây sạch đến mức bạn có thể uống trực tiếp từ vòi mà không cần thông qua bất kỳ một quy trình xử lý nước nào.

Thậm chí hầu như mọi nhà hàng sẽ cung cấp cho bạn một bình hoặc một chai nước miễn phí, ngay cả khi bạn không yêu cầu được phục vụ.

 

3. Được nhận trợ cấp nuôi trẻ đến khi chúng 17 tuổi

Cha mẹ tại Phần Lan luôn nhận được một khoản trợ cấp nuôi trẻ dao động khoảng 2 triệu 600 nghìn VNĐ mỗi tháng. Khoản tiền này sẽ tăng thêm một chút nếu gia đình sinh đứa con thứ hai và sẽ được chu cấp cho đến khi đứa trẻ tròn 17 tuổi.

 

Các bậc phụ huynh có thể tiêu số tiền này cho nhiều mục đích, nhưng phần lớn họ không thích sử dụng nó mà thay vào đó sẽ tích góp dần để có thể chu cấp một khoản kha khá cho con cái của họ trong cuộc sống về sau.

 

Ngoài ra, ngay sau khi có em bé, cha mẹ sẽ nhận được những chiếc thùng các-tông được chu cấp từ phía nhà nước. Những chiếc hộp này chứa tất cả những thứ cần thiết cho việc nuôi trẻ, gồm 64 vật dụng khác nhau, bao gồm quần áo, tã lót, đồ chơi, cũng như tất cả các thông tin cần thiết về việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

 

4. Pizza ngon nhất thế giới

Mọi thứ bắt đầu khi Silvio Berlusconi, Thủ tướng Ý tuyên bố rằng ông không thích những món ăn của Phần Lan. Ông còn đặc biệt nhấn mạnh về món nai hun khói rất nhạt nhẽo, nói rằng nó không thể so sánh với món thịt giăm bông Parma ham của Ý.

Và 3 năm sau, Phần Lan đã giành chiến thắng trong một cuộc thi pizza quốc tế, vượt qua Ý để chiếm vị trí dẫn đầu với món pizza nổi tiếng “Pizza Berlusconi” được làm từ thịt nai.

 

5. Quốc gia dẫn đầu trong việc tái chế rác thải

Phần Lan áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Điều này khiến cho quốc gia của họ có thể sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên có sẵn, đồng thời hạn chế lượng rác thải ra đạt ở mức thấp nhất.

Có đến 99% chất thải đô thị sẽ được tái chế hoặc gửi đến các lò đốt, sau đó chuyển hóa thành năng lượng. Cứ 10 chai nhựa thì có 9 chai được tái chế, và điều này tương tự với những món đồ thủy tinh.

Thậm chí, lượng đồ dùng thủy tinh được tái chế còn chiếm tỉ trọng nhiều hơn cả lượng đồ thủy tinh sản xuất mới.

 

6. Quốc gia nơi người dân có niềm tin gần như tuyệt đối vào lực lượng cảnh sát

Điểm đặc biệt của cảnh sát Phần Lan là về mặt tổ chức, họ làm việc theo một đội hình chứ không chia ra thành nhiều bộ phận riêng biệt như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Điều này giúp ngăn chặn những hành vi lạm quyền của giới chức trách gây ảnh hưởng đến cảnh sát. Và thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của nó.

Đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất của chính phủ Phần Lan, bởi sau khi chính sách này được ban hành, đã có đến gần 90% người dân tin tưởng vào lực lượng cảnh sát.

 

7. Đa dạng các cuộc thi ‘thể thao’ kỳ lạ

Thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Phần Lan. Ngoài các môn thể thao nổi tiếng, đất nước này còn có các cuộc thi như cõng vợ, quăng điện thoại di động, săn muỗi, giả vờ chơi guitar và ném giày boot…

 

8. Quốc gia đầu tiên cho phép tất cả người dân được quyền sử dụng Internet

Kể từ năm 2010, Phần Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thêm quyền được truy cập Internet vào danh sách các quyền dân sự.

Chính phủ bắt buộc các nhà cung cấp mạng Internet phải cung cấp cho người dân internet tốc độ cao (băng thông rộng) và đảm bảo rằng những người dân không có kết nối Internet tại thời điểm chính sách được áp dụng đều sẽ được trải nghiệm điều này.

Trong khi chính phủ của nhiều quốc gia khác không chính thức đảm bảo kết nối Internet tốc độ cao cho người dân, do lo sợ vấn nạn vi phạm bản quyền thì Phần Lan nhận ra rằng Internet là yếu tố chính cần thiết để hỗ trợ người dân trong công việc.

 

9. Các ông bố dành nhiều thời gian với con cái hơn các bà mẹ

Một số điều luật về khen thưởng cho ‘những ông bố dành nhiều thời gian bên con mình’ đã được quốc gia này thông qua. Chẳng hạn, người cha sẽ được nghỉ làm lên tới 9 tuần mà vẫn nhận được 70% mức lương trong khoảng thời gian nghỉ này. Điều này đã khiến Phần Lan thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nơi mà những người cha giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc con cái.

 

10. Phần Lan đứng thứ hai về lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, trung bình một người Phần Lan tiêu thụ khoảng 12kg cà phê mỗi năm. Phút giải lao uống cà phê (còn gọi là ‘kahvitauko’) tại nơi làm việc hoặc ở trường là một điều thiêng liêng đối với người Phần Lan và họ luôn phải có đủ thời gian để dành cho việc đó.

 

11. Khu làng của ông già Nô-en

Một ngôi làng nhỏ ở vùng Lapland, Phần Lan có tên là Joulupukki luôn mở cửa để người dân đến thăm ông già Nô-en trong suốt năm. Cụm từ Joulupukki cũng chính là tên gọi khác của ông già Nô-en ở Phần Lan.

Thậm chí ông già Noel Phần Lan còn được cấp cho cả một cuốn hộ chiếu thực, trong hộ chiếu này phần ngày sinh có ghi là “rất lâu trước đây” và được phê duyệt “đã kết hôn”. Vợ của ông tên là Joulumuori (Bà già Nô-en).

 

12. Không phải đóng tiền học

Giáo dục Phần Lan đòi hỏi phải có lượng kiến thức nền tảng tốt về cả tiếng Anh và tiếng Phần Lan do học sinh thường được cho làm những bài kiểm tra quốc tế.

Những công dân thuộc khối Liên minh châu Âu sẽ không phải đóng học phí cho giáo dục công tại các trường học và đại học trên khắp cả nước. Đây được coi là một trong những chính sách tuyệt nhất trên thế giới.

 

13. Triết lí về hạnh phúc: Sisu và kalsarikännit

Từ ‘Sisu’ không có nghĩa chuẩn trong tiếng Anh, nhưng nó thường được hiểu là quyết tâm khắc kỷ, bản lĩnh và sự bền bỉ về ý chí và lòng dũng cảm. Sisu chỉ sự bình tĩnh toàn diện, năng lượng sống tích cực, sức mạnh và sự tự chủ về mặt cảm xúc.

Khái niệm này phát triển thành một triết lý và trở thành một lối sống kỳ lạ ăn sâu vào cư dân của đất nước này trong thế kỷ 20.

Việc ‘Sisu’ trong quá trình nuôi dạy trẻ em còn mang một ý nghĩa rằng đứa trẻ đó có thể làm được mọi thứ.

 

Theo tinhhoa.net

Tản văn kỳ lạ: Hơn 200 chữ viết rõ bản chất của “tiền”


TẢN VĂN KỲ LẠ: HƠN 200 CHỮ VIẾT RÕ BẢN CHẤT CỦA “TIỀN”

 

Có người thần thánh hóa đồng tiền, ca tụng về nó rằng:

“không cánh mà bay, không chân mà chạy. Không nơi xa nào là không đến, không nơi tăm tối nào mà không tới.

Người vô đức tôn thờ, người không quyền thế thích. Nguy có thể hóa thành an, chết có thể khiến cho sống, sang có thể làm cho hèn, sống có thể làm cho chết”…

 

Trương Duyệt – nhà văn đời Đường, đã từng làm quan 30 năm trải qua 4 triều vua, 3 lần nắm đại quyền, cai quản văn học. Ông từng trước tác rất nhiều, văn bút sắc bén mạnh mẽ, tư duy mẫn tiệp, xứng đáng là anh hào hô mây gọi gió một đời.

 

Bài tản văn Tiền bản thảo của ông không dài, thông tục dễ hiểu nhưng gây khắc khoải, thấm thía lòng người:

 

“Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc.

Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải khốn khó có hiệu nghiệm ngay. Tiền có thể lợi cho quốc gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm.

 

Người tham uống thuốc “tiền”, thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn. Thuốc tiền thu hái không theo thời vụ. Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần.

 

Tiền rất thịnh hành, có thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ. Nếu tích lũy mà không phân tán thì sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh bệnh đói rét khốn khó.

 

Vừa tích lũy vừa phân tán thì gọi là đạo.

Không coi nó là trân quý thì gọi là đức.

Nhận và cho hợp lễ nghi thì gọi là nghĩa.

Không cầu tiền không phải của mình gọi là lễ.

Thí xả rộng rãi cứu tế dân chúng thì gọi là nhân.

Chi trả không sai hẹn gọi là tín.

Người không vì thuốc “tiền” làm tổn hại đến mình thì gọi là trí.

 

Tinh luyện 7 thuật này thì mới có thể uống thuốc “tiền” lâu dài, khiến người trường thọ. Nếu uống thuốc “tiền” mà không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải kiêng kỵ”.

 

Đã có rất nhiều người nói, đủ kiểu đa dạng về tiền bạc, nhưng chỉ có một người ví nó với thuốc, ví thuốc với nó, cảnh tỉnh thâm thúy, xứng danh là kỳ văn thiên cổ.

Bài tản văn này là tổng kết kinh nghiệm 70 năm cuộc đời của tác giả, khổ tâm đúc rút mà thành, vỏn vẹn trên 200 chữ mà miêu tả tường tận rõ ràng tính chất, lợi hại, đạo tích tán của tiền.

Lấy tiền ví với thuốc, chẩn trị tệ nạn thời thế, luận lợi hại, giàu triết lý, có tính giáo dục sâu sắc, quả xứng danh là kiệt tác kỳ văn.

 

Theo NTDVN