Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Cuộc gặp gỡ của triệu phú với cậu bé, và câu chuyện xúc động lòng người

 

CUỘC GẶP GỠ CỦA TRIỆU PHÚ VỚI CẬU BÉ, VÀ CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG LÒNG NGƯỜI


Một ngày nọ, khi triệu phú Daniel đang đi dạo, ông thấy một cậu bé ngồi xổm bên vệ đường, trên tay cầm một cọng cỏ, đang đung đưa trên mặt đất.

Ông Daniel tò mò cúi xuống, xoa đầu cậu bé và hỏi: “Anh bạn, cháu đang làm gì vậy?”

 

Cậu bé đáp mà không ngước nhìn lên: “Cháu đang dẫn đường cho một con kiến”.

Nghe đến đây, ông Daniel không nhịn được cười nói: “Con kiến ​​nào lại cần đến cháu dẫn đường?”

Cậu bé nghiêm túc trả lời rằng con kiến bị ​​đi tách khỏi đàn, nó đang hoảng sợ tìm kiếm những người bạn của nó. Cậu nói cậu muốn dẫn con kiến vào đàn, như vậy nó mới có cơ hội sống sót.

Sau đó, Daniel nhìn kỹ mới thấy cậu bé đang dùng một cọng cỏ để từ từ dẫn chú kiến ​​đi lạc đi trở lại vào đàn. Với nỗ lực của cậu bé, cuối cùng chú kiến  ​​chạy lạc đã được dẫn về với đàn. Khi nhìn thấy đàn của nó, chú kiến ​​đi lạc ngay lập tức vui mừng chạm râu vào đồng bọn, trông rất thân thiết và hưng phấn.

 

Daniel không khỏi khâm phục hành động tốt bụng của cậu bé. Ông đã nói cảm ơn cậu bé vì đã giúp chú kiến đi lạc tìm được đàn, và có được cơ hội sống sót.

Cậu bé lúc này mới ngẩng đầu lên nhìn Daniel, cậu chớp chớp đôi mắt thông minh và nở một nụ cười ngọt ngào. Nhìn thấy nụ cười ngây thơ trong sáng đó, trong lòng Daniel cảm thấy rung động…

 

Tạm biệt cậu bé, Daniel không ngừng vừa đi vừa tự nhủ: “Việc dẫn đường cho một con kiến, điều này thực sự rất thú vị và sáng tạo”.

 

Ông Daniel là ông chủ của một chuỗi siêu thị lớn ở Texas, Mỹ. Ông là người hay làm từ thiện, bác ái, thường hào phóng giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn. Ông được mệnh danh là “ông chủ tốt bụng”. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cậu bé giúp chú kiến lạc tìm về đàn, đã khiến Daniel vô cùng xúc động. Ông nghĩ rằng, chỉ dẫn đường cho con kiến ​​bị lạc mất phương hướng, khiến cho con kiến ​​lạc không còn phải hoang mang, hoảng sợ nữa; đó thực sự là một cách làm thông minh.

Làm điều tốt, theo một ý nghĩa nào đó, cũng có đạo lý giống như vậy.

 

Một ngày nọ, Daniel vừa bước đến cửa công ty thì bất ngờ bị một người phụ nữ trung niên chặn lại. Người phụ nữ dắt theo một bé gái khoảng 7-8 tuổi, khóc lóc kể lể với Daniel: “Ngài thương hại mẹ con chúng tôi với, chồng tôi chết vì bệnh hiểm nghèo, tôi mất việc làm, cuộc sống của mẹ con chúng tôi lâm vào cảnh khốn cùng”.

 

Nghe người phụ nữ giãi bày, trong lòng Daniel ngập tràn niềm thương cảm. Trước đây, nếu chuyện này xảy ra, ông sẽ lập tức bỏ tiền ra hoặc yêu cầu bộ phận tài chính trích một số tiền để giúp đỡ hai mẹ con.

Nhưng hôm nay ông không làm như thế, thay vào đó ông ân cần hỏi người phụ nữ đã từng làm công việc gì?

Người phụ nữ rưng rưng trả lời rằng cô từng làm trong lĩnh vực tài chính.

 

Daniel nghe xong, ánh mắt sáng lên, ông nói với người phụ nữ: “Tôi sẽ sắp xếp bộ phận nhân sự lập tức tiến hành kiểm tra đánh giá cô một chút, nếu không có vấn đề gì cô sẽ làm ở bộ phận tài chính của siêu thị này và được tạm ứng trước 3 tháng lương”.

Khuôn mặt người phụ nữ sáng lên với niềm vui sướng, cô liên tục cảm ơn Daniel.

 

Một năm sau, giám đốc tài chính của siêu thị này là cô Susan. Năng lực nghiệp vụ cũng như hiểu biết sáng tạo của cô rất được ông chủ Daniel đánh giá cao và trọng dụng.

Tại bữa tiệc Giáng sinh được tổ chức ở siêu thị, ông Daniel đã có mặt từ sớm, cô Susan đã vô cùng cảm kích bày tỏ với ông: “Rất cảm ơn ông, nhờ ông đã dẫn dắt để tôi có thể bước đi trên con đường tự lực, đồng thời cũng mang lại cho tôi sự tự trọng”.

Daniel mỉm cười và nói: “Cô Susan thân mến, đừng cảm ơn tôi, đó là tài năng và sự chăm chỉ của cô đã được đền đáp”. Cô Susan cười rạng rỡ.

 

Một ngày nọ, ông Daniel nhận được một lá thư từ một thanh niên tên là Jacob. Nội dung lá thư cho biết, Jacob năm nay vừa trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Massachusetts, do bố mẹ mất sớm nên cuộc sống rất khó khăn, không đủ lo liệu chi phí học đại học, cậu bày tỏ mong muốn ông Daniel có thể giúp đỡ mình.

 

Daniel đọc thư rồi gửi hồi đáp. Lá thư trả lời của Daniel nói: “Sau khi vào đại học, anh có thể làm việc trong chi nhánh chuỗi siêu thị của công ty chúng tôi bên ngoài khuôn viên trường đại học Massachusetts, tôi sẽ trả trước cho anh một năm tiền lương. Tôi sẽ giải thích tình hình của anh với siêu thị, sau đó anh có thể làm các thủ tục liên quan”.

 

Vài năm sau, Jacob đã là chủ của một công ty phát triển phần mềm. Trong buổi lễ khánh thành công ty, anh cho biết: “Lúc đầu, tôi là một sinh viên nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của Daniel. Ông đã có một cách làm mới, là dẫn dắt tôi bước trên con đường tự lực. 

Nếu lúc đầu ông ấy chỉ đưa cho tôi một ít tiền thì chỉ có thể giải quyết được vấn đề cấp bách nhất thời, thậm chí còn nuôi dưỡng sự lười biếng trong tôi và tư tưởng không làm mà hưởng.

 

Có thể nói, nếu không có tầm nhìn xa của Daniel ngay từ ban đầu, tôi đã không thể khởi nghiệp thành công như ngày hôm nay. Việc hành thiện của ông ấy là đầy trí tuệ và tầm nhìn xa, vì vậy mà những người được giúp đỡ đã có được nhân cách tự tôn và được tiếp thêm sức mạnh”.

 

Khi tham dự một sự kiện từ thiện quy mô lớn được tổ chức tại Texas, Daniel đã nói với các khách mời rằng, mục đích căn bản của tình yêu là tìm ra con đường tươi sáng và huy hoàng cho người được yêu, đồng thời cũng mang lại cho họ phẩm giá con người. Đây là điểm mấu chốt về mặt đạo đức, nhưng cũng là sự thăng hoa của sức mạnh phẩm cách.

 

Lời bộc bạch của Daniel khiến mọi người có mặt tại buổi lễ vô cùng xúc động và cảm thấy ấm áp. Một tờ báo có lượng phát hành lớn ở Texas đã chỉ ra trong phần bình luận của họ rằng: Dẫn đường cho chú kiến ​​là một loại cảnh giới cao nhất của tình yêu.

 

Xuất phát điểm của tình yêu là dẫn đường.

Từ cậu bé bán thuốc lá dạo trở thành Giáo sư Đại học Mỹ

 

HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC TRI THỨC XỨ NGƯỜI: TỪ CẬU BÉ BÁN THUỐC LÁ DẠO TRỞ THÀNH GIÁO SƯ ĐẠI HỌC MỸ

 

Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Quy Nhơn, Bình Định, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em. Thuở nhỏ, ông sống cùng ông bà Nội ở Bình Định, còn cha mẹ sống ở Sài Gòn để mưu sinh.

Năm Nguyện Thành lên 11 tuổi, cha bị đột quỵ liệt nửa người, cuộc sống gia đình càng trở nên thiếu thốn. Ông được mẹ đưa vào Sài Gòn để phụ giúp mẹ lo toan gia đình.

 

Thế là cậu bé 11 tuổi ấy bắt đầu cuộc sống mưu sinh tại nơi phồn hoa đô thị. Việc học của ông lúc ấy chỉ xem như chuyện phụ. Sau giờ học, ông vội đi bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, để có tiền chữa bệnh cho cha và lo cho các em.

 

Bốn năm sau, gia đình ông chuyển về quê Ngoại ở Lái Thiêu, Bình Dương. Ông đã cùng mẹ trở thành lao động chính trong nhà; chấp nhận làm bất cứ nghề gì lương thiện để kiếm sống, từ cày bừa, chăn trâu đến trồng khoai, cuốc mướn.

Cuộc sống vất vả cùng kinh tế khó khăn khiến ông cũng không có nhiều thời gian và tâm trí dành cho việc học. Thành tích học tập vì thế mà khá thấp.

 

Nguyện Thành là cậu học sinh “biếng học” trong lớp. Tuy nhiên, có người đã nhìn ra khả năng của cậu. Đó là thầy Đỗ – giáo viên dạy Toán của Thành ở Trường Trung học Lái Thiêu.

Năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các bạn giỏi trong lớp không ai giải được. Lúc ấy, cậu học sinh Trương Nguyện Thành rụt rè xin phát biểu: 

“Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?”. Và cậu “trò dở” ấy đã làm thầy phải ngạc nhiên vì óc tư duy logic và khả năng Toán học của mình.

 

Sau đó, thầy gặp riêng Thành và hỏi: “Em thông minh, nhưng sao không cố gắng học?”.

“Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm, em cũng không có tiền mua sách vở”cậu học sinh nghèo đáp.

Nghe vậy, thầy không nói gì. Nhưng hôm sau, thầy mang sách vở đến cho Thành mượn và bảo: “Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi”.

 

Câu nói của thầy khiến ông bất ngờ, vì chưa bao giờ ông nghĩ sẽ nằm trong đội tuyển học sinh Giỏi. Nhưng sự tin tưởng, khích lệ ấy như đã tiếp cho ông động lực học tập. Để rồi đêm đêm, khi xong hết các công việc đồng án, mưu sinh, ông lại châm đèn đọc sách.

Trong sự bất ngờ của mọi người, ông nằm trong Top 5 học sinh giỏi cấp Tỉnh. Từ đó, ông tự tin hơn và bắt đầu ham học hơn.

 

Cuộc đời ông rẽ sang một con đường mới – Con đường của sự chinh phục tri thức.

Năm 1980, ông thi đậu vào Đại học Bách Khoa. Nhưng mới học được vài tháng, theo sự sắp xếp của gia đình, ông cùng em trai rời Việt Nam sang Mỹ. Ông ôm trong lòng lời dặn của cha trong lúc tiễn biệt: “Bay càng cao thì con sẽ thấy được càng xa!”.

 

Sau bao vất vả, họ cũng đến được đất Mỹ, nhưng… trở thành hai kẻ lang thang, “ăn bờ ngủ bụi”. Những đêm phải ngủ ngoài sương giá rét, ông tự hỏi: “Sang đây để chết hay sống”.

May mắn thay, hai anh em được một gia đình nông dân người Mỹ nhận làm con nuôi và lo cho ăn học.

 

“Học để thoát nghèo” đã trở thành một trong những động lực mạnh mẽ giúp ông Trương Nguyện Thành kiên trì theo đuổi việc học nơi xứ người. Dù có lúc, con đường ấy tưởng đã bít lối. Đó là khi các trường đại học ở Mỹ từ chối nhận ông, với lý do ông không đạt về khả năng ngoại ngữ.

Ngay thầy hiệu trưởng ở trường trung học Mỹ cũng khuyên ông nên đi làm công cho hãng thịt gà tây, hơn là ước ao vào đại học.

 

Nhưng ông không nản chí, mà còn cố gắng gấp bội. Cảm động trước thái độ của ông, các thầy cô đã viết thư thỉnh nguyện, và Trường Đại học North Dakota State đã đồng ý nhận ông. Cầm lá thư chấp nhận của trường, ông mừng rơi nước mắt và hiểu rằng, đứng trước thất bại, thái độ quan trọng hơn trình độ.

Ngoài giờ học, ông tranh thủ đi làm kiếm tiền trang trải việc học. Nhưng thay vì chọn những công việc dễ và không đòi hỏi suy nghĩ nhiều như: bồi bàn, phụ bán cafe… ông gõ cửa hết phòng giáo sư này đến giáo sư khác để xin được phụ việc trong phòng thí nghiệm của họ, khi mới chỉ là sinh viên năm nhất – điều mà ngay cả sinh viên Mỹ cũng hiếm làm.

Sau mấy tháng kiên trì, nhận bao lời từ chối, cuối cùng, ông được một vị giáo sư đồng ý nhận làm, với mức lương rất thấp. Các bạn bảo ông “dại”, nhưng ông quyết định bỏ qua lợi ích trước mắt, chấp nhận làm công việc ấy để có cơ hội học hỏi nhiều hơn.

Và ông đã đúng. Ngày cầm tấm bằng Cử nhân Hóa học loại Giỏi trên tay, ông cũng đã có 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Nhờ vậy, cơ hội học tiếp lên bậc cao hơn được mở ra cho ông.

 

Sau 10 năm kể từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, ông Trương Nguyện Thành đã có bằng Tiến sĩ Hóa học (năm 1990), và nhận học bổng từ Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) dành cho những giáo sư trẻ có nhiều tiềm năng nhất nước Mỹ. Năm 1992, ông được mời làm Giảng viên Đại học Utah.

Sau đó, năm 2002 ông được phong lên bậc giáo sư cao nhất nước Mỹ (Full Professor). Từ năm 1992 đến nay, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có hơn 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

 

Vậy là, từ một cậu bé nghèo khổ lam lũ, với xuất phát điểm tiếng Anh yếu, ông Trương Nguyện Thành đã làm được điều tưởng chừng như không thể, và đã chạm tới giấc mơ cuộc đời.

 

Thực hiện tâm nguyện ‘thành công sẽ về giúp người khác’

Liên tục gặt hái những thành công trên đất Mỹ, người con đất Việt ấy vẫn luôn trăn trở về việc những sinh viên tài năng nước nhà chưa có nhiều cơ hội nghiên cứu lên cao hơn.

Năm 2009, Giáo sư Trương Nguyện Thành quyết định nhận lời mời của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, trở về nước thành lập “Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh”. Ông đã giúp đưa nhiều sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình. Từ đó đến nay, ông vẫn thường xuyên về nước để giảng dạy cho các sinh viên, tham gia ở vai trò Phó Hiệu trưởng và điều hành tại hai trường đại học lớn.

 

Với phong cách độc đáo, ông còn nổi tiếng với cái tên “Giáo sư quần đùi” khi đôi khi ông không chọn mặc áo vest và quần dài lên giảng đường.

Ông muốn truyền tải thông điệp rằng: “Hãy bước qua những định kiến, nỗi sợ hãi, sự tự ti và những rào cản hữu hình lẫn vô hình, để khám phá tiềm năng vô tận của bản thân, phát triển tư duy sáng tạo và phá bỏ lối mòn”.

 

Bài diễn văn tốt nghiệp năm 2020 của ông gửi sinh viên cũng chứa đựng nhiều thông điệp quý giá.

 

Theo NTDVN