AI RỒI CŨNG SẼ CƯỚI NHẦM NGƯỜI
Từ xa xưa đến tận ngày nay, trên các bàn trà tính chuyện
hôn nhân của đôi bên đều là những người dốc sức để thể hiện chúng tôi rất tuyệt
vời,
Không ai bận tâm rằng vấn đề quan trọng nhất thực ra lại
là: Khi chung sống dưới một mái nhà, anh hay em, có thể khó chịu đến mức nào?
Bản chất của một cuộc chung sống vốn dĩ là ván bài lật
ngửa, trong đó cả hai buộc phải phơi bày những thứ khó chịu nhất của mình. Ta
cứ tưởng dăm ba năm tháng hẹn hò, vài mươi lần về chơi nhà, gặp gỡ hết đám
bạn đồng môn năm nào lẫn đồng nghiệp hiện tại, lật hết album từ thuở còn tắm
thau tắm mưa, thì đã là hiểu người ta lắm rồi.
Nhưng kì thực, bạn sẽ không bao giờ ngờ được những gì có
thể phát hiện ra bên dưới những tầng sâu của một con người, cho đến khi thực sự
về chung nhà.
Nay người ta đã bỏ quên mất một "nền văn hóa đương
đại", cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phụ nữ ngày nay, gắn bó cùng họ từ
thuở dậy thì cho đến khi trở thành bà mẹ bỉm sữa: "Nền văn hóa TẠP CHÍ PHỤ
NỮ".
Rất nhiều cô gái đã lớn lên với suy nghĩ được tạc hình bởi
những tạp chí sặc mùi nữ quyền và những page ngôn tình đầy rẫy trên mạng xã
hội. Họ khiến ta ảo tưởng rằng bản thân xứng đáng hơn nhiều lần so với thực tế,
và rằng chúng ta có quyền năng "cải huấn" người còn lại.
Lần giở lại những điều mà "kinh thánh" tạp chí và
page ngôn tình đã truyền dạy cho phụ nữ, nguy hiểm nhất chính là: Bạn rất đẹp,
hãy tin rằng mình đẹp!
Đương nhiên, biết rằng mình có nét đẹp riêng là cần
thiết, nhưng một cuộc "nhồi sọ" quy mô lớn qua nhiều năm tháng lại
mang đến kết quả vượt xa sự mong muốn ban đầu, chúng ta có hằng hà sa số phụ nữ
đang không nhận ra mình xấu ở chỗ nào, mình chưa tốt ra làm sao.
Chưa hết, thế giới tạp chí còn gieo rắc vào đầu phụ nữ ý
tưởng vĩ cuồng: Chúng ta có quyền năng thay đổi người còn lại. Bạn hãy trở
thành người phụ nữ thông minh, hãy trở thành con cáo già nắm thóp người bạn
đời, hãy biến anh ấy thành người đàn ông bạn muốn, hãy dùng bấy nhiêu chiêu trò
này để đạt được cái bạn thích.
Kết quả là rất nhiều phụ nữ ngày nay tin rằng mình mới là
người điều khiển cuộc chơi hôn nhân. Phụ nữ nào cũng muốn cầm cương trong mối
quan hệ, cũng thấy đàn ông như lũ trẻ con cần được dạy dỗ, cũng muốn cho chồng
bài học đích đáng nếu phạm sai lầm. Và vì thế mà hôn nhân giống như một bài thi
mà chúng ta cứ liên tục đậu hoặc rớt khỏi sự mong đợi của người kia.
Các bộ não vốn bị tạo hình méo mó ấy lại được nhồi thêm
hàng đống ngôn tình, thêu dệt nên hàng đống câu chuyện hoang đường rằng đàn ông
lí tưởng là phải thế này, thế nọ.
Rốt cuộc, sự chênh lệch giữa ảo tưởng với thực tế về chính
bản thân và người còn lại luôn dẫn cả hai đến kết luận đau lòng: Tôi đã lấy
nhầm người!
Chúng ta nhận ra mình đã cưới nhầm người nhưng không phải.
Chúng ta đã sai ở đâu đó trên đường đi, không phải sai ở điểm bắt đầu. Chúng ta
quên bắt kịp nhau trong những điều vô hình như sự nghiệp, tâm tư, tình cảm, góc
nhìn, chuyện nuôi con…, mải chủ quan vì tin tưởng vào các thứ hữu hình như mái
nhà chung, chiếc giường đôi.
Điều đáng buồn tiếp theo là tình yêu sẽ thường bị bỏ quên ở
đâu đó trên con đường hôn nhân, mà chỉ khi đứng trước tòa chúng ta mới nhận ra
mất mát này.
Người Nhật có một từ gọi là "Ikigai", tức là
"ý nghĩa của cuộc đời". Đây không đơn giản chỉ là từ ngữ, mà còn là
một triết lí sống: Mỗi sớm mai thức dậy, ta dành một ít thời gian để suy nghĩ
về ý nghĩa cuộc sống này, về người bên cạnh, về yêu thương, bao dung, tha thứ.
Nhưng chúng ta đâu phải người Nhật, và thực tế là không
phải người Nhật nào cũng có thể sống như vậy. Hầu hết đều thức dậy và lao đầu
vào một ngày mới mà chẳng hề nghĩ suy xem rốt cuộc mình sống ngày hôm nay là để
làm gì?
Chúng ta cố gắng vì mọi thứ, nhưng thực ra lại ít khi nào
vì tình yêu với người còn lại, nuôi dưỡng nó bằng những lời ngọt ngào, chăm sóc
nó bằng sự quan tâm, gìn giữ nó bằng sự thấu hiểu và hòa hợp.
Nếu như bạn đang đọc bài viết này, hẳn bạn đã nhận ra mấu
chốt không phải là đã chọn nhầm người, mà là chúng ta đã sai ở đâu đó trên
đường đi rồi. Chỉ có điều, nhận mình sai luôn là chuyện vô cùng khó khăn của
con người.
Những lúc một mình đối diện với bản thân trong đêm tối,
chắc chắn bạn luôn có câu trả lời trọn vẹn nhất: Mình có lỗi gì hay không?
Tin vui là: Cuộc đời có mấy ai không sai lầm?
Chúng ta sai lầm rồi sửa chữa, bước nhầm rồi tự điều hướng
lại bản thân. Đó chính là cách mọi thứ vận hành. Nên cứ bình tĩnh nhận lỗi. Và
từ giờ mình sẽ chọn cách sống ra sao, đó mới là điều quan trọng.
Nguồn: The New York Times