Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Câu chuyện Diogenes và Alexander Đại đế

Tranh sơn dầu: “Alexander Đại Đế và Diogenes”, tại Bảo tàng Cung điện Yusupov tại Saint Petersburg.

DIOGENES KẺ ĂN XIN MÀ ALEXANDER ĐẠI ĐẾ PHẢI GANH TỊ

Từ đông tây kim cổ đã có biết bao vị tướng lãnh đại tài, chinh phạt hết quốc gia này sang vùng đất khác. Ví như Alexander Đại đế dũng mãnh chinh chiến mấy chục năm trời, đến một thời điểm nhất định nào đó cũng chỉ muốn làm một người ăn mày tự do, vô lo vô nghĩ. 

Chuyện rằng:

Diogenes là người ăn xin, ông ta chẳng có gì kể cả một cái bình bát. Đức Phật ít ra còn có được chiếc bình và ba cái áo choàng còn Diogenes hoàn toàn không có gì. Trước kia ông cũng có một cái bình và một ngày ông đến bờ sông với chiếc bình ăn xin ấy. Khát nước giữa lúc trời nóng bức, ông đi tìm nước uống.

Trên đường, ông nhìn thấy dòng sông nhỏ và một con chó chạy qua trước mắt ông. Nó vừa chạy, vừa thở và nhảy ùm xuống nước, tắm mát, vùng vẫy thỏa thích.

Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Diogenes: “Con chó này tự do hơn ta. Nó còn không có cả cái bình bát ăn xin. Nó sống được như vậy, sao ta không làm được?

Cái bình này là vật sở hữu duy nhất của ta, lúc nào ta cũng lo nó bị đánh cắp. Thậm chí, đêm đêm ta cũng phải thức dậy đến vài lần để xem cái bình còn đó không”.

Nghĩ vậy, ông ném chiếc bình bát xuống sông, cúi chào con chó và cám ơn nó đã mang đến cho ông một thông điệp lớn lao. 

Con người hoàn toàn trắng tay đó lại khiến Alexander ganh tị. Ngài Đại đế thú nhận: “Nếu Thượng Đế cho ta được sống lại một lần nữa, ta sẽ bảo Người: ‘Xin đừng cho con làm Alexander mà hãy biến con thành Diogenes’”. 

Diogenes cười nhạo và nói với con chó – lúc này họ đã là một đôi bạn thân và sống quấn quýt bên nhau:

“Nghe thử xem, Ngài Đại Đế đang nói ngớ ngẩn cái gì vậy chứ? Kiếp sau Ngài muốn làm Diogenes! Tại sao lại là kiếp sau? Tại sao phải trì hoãn? Ai có thể biết được kiếp sau, thậm chí ngày mai còn không chắc chắn, phút sau còn không chắc chắn”.

“Nếu Ngài thực sự muốn làm Diogenes, hãy trở thành Diogenes ngay tại đây, lúc này. Hãy vứt bỏ quần áo xuống dòng sông và quên mọi chuyện thống lĩnh thế giới đi. Đó là một sự ngớ ngẩn khủng khiếp và Ngài biết rõ điều đó.

Và Ngài phải thú nhận rằng Ngài đã đau khổ, rằng Diogenes đang thực sự an lạc hơn. Vậy tại sao không trở thành Diogenes ngay đi? Hãy nằm xuống dòng sông nơi ta tắm mát. Dòng sông này đủ lớn cho tất cả chúng ta”.

Dĩ nhiên Alexander không thể nhận lời Diogenes. Ông nói: “Cám ơn ngươi đã có lời mời ta. Bây giờ ta không thể làm điều đó, nhưng kiếp sau thì có thể…”. 

Diogenes hỏi Alexander: “Ngài đang đi đâu vậy? Ngài sẽ làm gì sau khi thống trị toàn thế giới?”. Alexander trả lời: “Sau đó ta sẽ nghỉ ngơi”. Diogenes nói: “Nghe có vẻ vô lý nhỉ. Còn ta lại đang nghỉ ngơi chính ngay lúc này”.

Kết: Hạnh phúc không gắn với thành công, tiền bạc, quyền lực, danh vọng hay địa vị. Hạnh phúc cũng không bao giờ đi đôi với mong muốn sở hữu và chiếm đoạt.

Hạnh phúc nằm ở một nơi hoàn toàn khác. Nó thuộc về ý thức của chúng ta. Bạn đã từng bao giờ tìm kiếm hạnh phúc nhưng tìm hoài mà vẫn quay lại điểm xuất phát hay chưa?

Vì với tâm trí tìm kiếm, bạn không thể tạo ra sự hài hòa, không thể tạo ra lòng biết ơn. Có bao giờ bạn thấy, khi tìm kiếm hạnh phúc, bạn vẫn mãi là người đi tìm, còn khi ngừng tìm kiếm, hạnh phúc lại đến một cách tự nhiên chưa?

------------

* Diogenes (412 – 323 TCN) là một nhà triết học người Hy Lạp

Diogenes đã biến nghèo thành đức hạnh. Ông đi ăn xin để kiếm sống và trở nên nổi tiếng với những trò đùa triết học của mình.

Diogenes cũng được ghi nhận đã chế nhạo Alexander Đại đế, cả trước công chúng và trước mặt Alexander khi ông đến thăm Corinth vào năm 336 TCN

* Alexander Đại đế (356  – 323 TCN) đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó biết đến trước khi qua đời và vì thế thường được xem là một trong những vị tướng thành công nhất, cũng như một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét