Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

Trẻ và già… Tư duy khác nhau?


TRẺ VÀ GIÀ… TƯ DUY KHÁC NHAU?

 James Garfield (Tổng thống thứ 20 của Mỹ): “Nếu trên trán ta bắt đầu có nếp nhăn thì đừng nên để tim ta có một nếp nhăn nào cả. Vì tinh thần của ta không được phép già nua” (If wrinkles must be written upon our brows, let them not be written upon the heart. The spirit should not grow old).

 

1. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: biết níu giữ là khôn ngoan. Nhưng khi đã già, ta mới nhận ra rằng: biết buông bỏ mới là trí tuệ!

2. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: người giàu có là người lấy về rất nhiều. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: người giàu có là người cho đi rất lớn!

3. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: mạnh mẽ là vượt qua người khác. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: mạnh mẽ là vượt qua chính mình!

4. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: kẻ nói nhiều là kẻ thông minh. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: người biết lắng nghe mới là người thông thái!

5. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: nếu ta thắng phải hơn người thua. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: đến nơi là mọi người cùng thắng!

6. Khi còn trẻ, ta thường muốn sống thật lâu. Nhưng khi đã già, ta muốn sống sao cho có ý nghĩa với cuộc đời!

7. Khi còn trẻ, ta thường muốn người khác chấp nhận mình. Nhưng khi đã già, ta nhận ra rằng: chỉ cần mình chấp nhận mình là đủ!

8. Khi còn trẻ, ta mong muốn thay đổi cả thế giới. Nhưng khi đã già, ta mong muốn thay đổi chỉ bản thân mình mà thôi!

9. Khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: khi trưởng thành, ta sẽ không còn bị tổn thương. Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: trưởng thành là biết điều chỉnh tiếng khóc về chế độ im lặng!

10. Và khi còn trẻ, ta thường nghĩ rằng: có tiền sẽ có tình yêu, có vật chất, người ta sẽ yêu quý….Nhưng khi đã già, ta mới biết rằng: lương thiện bạn sẽ có mọi trái tim.!

Vậy cách tư duy của bạn còn trẻ hay đã già?

ST

 

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Ai rồi cũng sẽ cưới nhầm người

AI RỒI CŨNG SẼ CƯỚI NHẦM NGƯỜI

Từ xa xưa đến tận ngày nay, trên các bàn trà tính chuyện hôn nhân của đôi bên đều là những người dốc sức để thể hiện chúng tôi rất tuyệt vời,

Không ai bận tâm rằng vấn đề quan trọng nhất thực ra lại là: Khi chung sống dưới một mái nhà, anh hay em, có thể khó chịu đến mức nào?

Bản chất của một cuộc chung sống vốn dĩ là ván bài lật ngửa, trong đó cả hai buộc phải phơi bày những thứ khó chịu nhất của mình. Ta cứ tưởng dăm ba năm tháng hẹn hò, vài mươi lần về chơi nhà, gặp gỡ hết đám bạn đồng môn năm nào lẫn đồng nghiệp hiện tại, lật hết album từ thuở còn tắm thau tắm mưa, thì đã là hiểu người ta lắm rồi.

Nhưng kì thực, bạn sẽ không bao giờ ngờ được những gì có thể phát hiện ra bên dưới những tầng sâu của một con người, cho đến khi thực sự về chung nhà.

Nay người ta đã bỏ quên mất một "nền văn hóa đương đại", cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phụ nữ ngày nay, gắn bó cùng họ từ thuở dậy thì cho đến khi trở thành bà mẹ bỉm sữa: "Nền văn hóa TẠP CHÍ PHỤ NỮ".

Rất nhiều cô gái đã lớn lên với suy nghĩ được tạc hình bởi những tạp chí sặc mùi nữ quyền và những page ngôn tình đầy rẫy trên mạng xã hội. Họ khiến ta ảo tưởng rằng bản thân xứng đáng hơn nhiều lần so với thực tế, và rằng chúng ta có quyền năng "cải huấn" người còn lại.

Lần giở lại những điều mà "kinh thánh" tạp chí và page ngôn tình đã truyền dạy cho phụ nữ, nguy hiểm nhất chính là: Bạn rất đẹp, hãy tin rằng mình đẹp!

Đương nhiên, biết rằng mình có nét đẹp riêng là cần thiết, nhưng một cuộc "nhồi sọ" quy mô lớn qua nhiều năm tháng lại mang đến kết quả vượt xa sự mong muốn ban đầu, chúng ta có hằng hà sa số phụ nữ đang không nhận ra mình xấu ở chỗ nào, mình chưa tốt ra làm sao.

Chưa hết, thế giới tạp chí còn gieo rắc vào đầu phụ nữ ý tưởng vĩ cuồng: Chúng ta có quyền năng thay đổi người còn lại. Bạn hãy trở thành người phụ nữ thông minh, hãy trở thành con cáo già nắm thóp người bạn đời, hãy biến anh ấy thành người đàn ông bạn muốn, hãy dùng bấy nhiêu chiêu trò này để đạt được cái bạn thích.

Kết quả là rất nhiều phụ nữ ngày nay tin rằng mình mới là người điều khiển cuộc chơi hôn nhân. Phụ nữ nào cũng muốn cầm cương trong mối quan hệ, cũng thấy đàn ông như lũ trẻ con cần được dạy dỗ, cũng muốn cho chồng bài học đích đáng nếu phạm sai lầm. Và vì thế mà hôn nhân giống như một bài thi mà chúng ta cứ liên tục đậu hoặc rớt khỏi sự mong đợi của người kia.

Các bộ não vốn bị tạo hình méo mó ấy lại được nhồi thêm hàng đống ngôn tình, thêu dệt nên hàng đống câu chuyện hoang đường rằng đàn ông lí tưởng là phải thế này, thế nọ.

Rốt cuộc, sự chênh lệch giữa ảo tưởng với thực tế về chính bản thân và người còn lại luôn dẫn cả hai đến kết luận đau lòng: Tôi đã lấy nhầm người!

Chúng ta nhận ra mình đã cưới nhầm người nhưng không phải. Chúng ta đã sai ở đâu đó trên đường đi, không phải sai ở điểm bắt đầu. Chúng ta quên bắt kịp nhau trong những điều vô hình như sự nghiệp, tâm tư, tình cảm, góc nhìn, chuyện nuôi con…, mải chủ quan vì tin tưởng vào các thứ hữu hình như mái nhà chung, chiếc giường đôi.

Điều đáng buồn tiếp theo là tình yêu sẽ thường bị bỏ quên ở đâu đó trên con đường hôn nhân, mà chỉ khi đứng trước tòa chúng ta mới nhận ra mất mát này.

Người Nhật có một từ gọi là "Ikigai", tức là "ý nghĩa của cuộc đời". Đây không đơn giản chỉ là từ ngữ, mà còn là một triết lí sống: Mỗi sớm mai thức dậy, ta dành một ít thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống này, về người bên cạnh, về yêu thương, bao dung, tha thứ.

Nhưng chúng ta đâu phải người Nhật, và thực tế là không phải người Nhật nào cũng có thể sống như vậy. Hầu hết đều thức dậy và lao đầu vào một ngày mới mà chẳng hề nghĩ suy xem rốt cuộc mình sống ngày hôm nay là để làm gì?

Chúng ta cố gắng vì mọi thứ, nhưng thực ra lại ít khi nào vì tình yêu với người còn lại, nuôi dưỡng nó bằng những lời ngọt ngào, chăm sóc nó bằng sự quan tâm, gìn giữ nó bằng sự thấu hiểu và hòa hợp.

Nếu như bạn đang đọc bài viết này, hẳn bạn đã nhận ra mấu chốt không phải là đã chọn nhầm người, mà là chúng ta đã sai ở đâu đó trên đường đi rồi. Chỉ có điều, nhận mình sai luôn là chuyện vô cùng khó khăn của con người.

Những lúc một mình đối diện với bản thân trong đêm tối, chắc chắn bạn luôn có câu trả lời trọn vẹn nhất: Mình có lỗi gì hay không?

Tin vui là: Cuộc đời có mấy ai không sai lầm?

Chúng ta sai lầm rồi sửa chữa, bước nhầm rồi tự điều hướng lại bản thân. Đó chính là cách mọi thứ vận hành. Nên cứ bình tĩnh nhận lỗi. Và từ giờ mình sẽ chọn cách sống ra sao, đó mới là điều quan trọng.

Nguồn: The New York Times

 

Câu chuyện Diogenes và Alexander Đại đế

Tranh sơn dầu: “Alexander Đại Đế và Diogenes”, tại Bảo tàng Cung điện Yusupov tại Saint Petersburg.

DIOGENES KẺ ĂN XIN MÀ ALEXANDER ĐẠI ĐẾ PHẢI GANH TỊ

Từ đông tây kim cổ đã có biết bao vị tướng lãnh đại tài, chinh phạt hết quốc gia này sang vùng đất khác. Ví như Alexander Đại đế dũng mãnh chinh chiến mấy chục năm trời, đến một thời điểm nhất định nào đó cũng chỉ muốn làm một người ăn mày tự do, vô lo vô nghĩ. 

Chuyện rằng:

Diogenes là người ăn xin, ông ta chẳng có gì kể cả một cái bình bát. Đức Phật ít ra còn có được chiếc bình và ba cái áo choàng còn Diogenes hoàn toàn không có gì. Trước kia ông cũng có một cái bình và một ngày ông đến bờ sông với chiếc bình ăn xin ấy. Khát nước giữa lúc trời nóng bức, ông đi tìm nước uống.

Trên đường, ông nhìn thấy dòng sông nhỏ và một con chó chạy qua trước mắt ông. Nó vừa chạy, vừa thở và nhảy ùm xuống nước, tắm mát, vùng vẫy thỏa thích.

Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Diogenes: “Con chó này tự do hơn ta. Nó còn không có cả cái bình bát ăn xin. Nó sống được như vậy, sao ta không làm được?

Cái bình này là vật sở hữu duy nhất của ta, lúc nào ta cũng lo nó bị đánh cắp. Thậm chí, đêm đêm ta cũng phải thức dậy đến vài lần để xem cái bình còn đó không”.

Nghĩ vậy, ông ném chiếc bình bát xuống sông, cúi chào con chó và cám ơn nó đã mang đến cho ông một thông điệp lớn lao. 

Con người hoàn toàn trắng tay đó lại khiến Alexander ganh tị. Ngài Đại đế thú nhận: “Nếu Thượng Đế cho ta được sống lại một lần nữa, ta sẽ bảo Người: ‘Xin đừng cho con làm Alexander mà hãy biến con thành Diogenes’”. 

Diogenes cười nhạo và nói với con chó – lúc này họ đã là một đôi bạn thân và sống quấn quýt bên nhau:

“Nghe thử xem, Ngài Đại Đế đang nói ngớ ngẩn cái gì vậy chứ? Kiếp sau Ngài muốn làm Diogenes! Tại sao lại là kiếp sau? Tại sao phải trì hoãn? Ai có thể biết được kiếp sau, thậm chí ngày mai còn không chắc chắn, phút sau còn không chắc chắn”.

“Nếu Ngài thực sự muốn làm Diogenes, hãy trở thành Diogenes ngay tại đây, lúc này. Hãy vứt bỏ quần áo xuống dòng sông và quên mọi chuyện thống lĩnh thế giới đi. Đó là một sự ngớ ngẩn khủng khiếp và Ngài biết rõ điều đó.

Và Ngài phải thú nhận rằng Ngài đã đau khổ, rằng Diogenes đang thực sự an lạc hơn. Vậy tại sao không trở thành Diogenes ngay đi? Hãy nằm xuống dòng sông nơi ta tắm mát. Dòng sông này đủ lớn cho tất cả chúng ta”.

Dĩ nhiên Alexander không thể nhận lời Diogenes. Ông nói: “Cám ơn ngươi đã có lời mời ta. Bây giờ ta không thể làm điều đó, nhưng kiếp sau thì có thể…”. 

Diogenes hỏi Alexander: “Ngài đang đi đâu vậy? Ngài sẽ làm gì sau khi thống trị toàn thế giới?”. Alexander trả lời: “Sau đó ta sẽ nghỉ ngơi”. Diogenes nói: “Nghe có vẻ vô lý nhỉ. Còn ta lại đang nghỉ ngơi chính ngay lúc này”.

Kết: Hạnh phúc không gắn với thành công, tiền bạc, quyền lực, danh vọng hay địa vị. Hạnh phúc cũng không bao giờ đi đôi với mong muốn sở hữu và chiếm đoạt.

Hạnh phúc nằm ở một nơi hoàn toàn khác. Nó thuộc về ý thức của chúng ta. Bạn đã từng bao giờ tìm kiếm hạnh phúc nhưng tìm hoài mà vẫn quay lại điểm xuất phát hay chưa?

Vì với tâm trí tìm kiếm, bạn không thể tạo ra sự hài hòa, không thể tạo ra lòng biết ơn. Có bao giờ bạn thấy, khi tìm kiếm hạnh phúc, bạn vẫn mãi là người đi tìm, còn khi ngừng tìm kiếm, hạnh phúc lại đến một cách tự nhiên chưa?

------------

* Diogenes (412 – 323 TCN) là một nhà triết học người Hy Lạp

Diogenes đã biến nghèo thành đức hạnh. Ông đi ăn xin để kiếm sống và trở nên nổi tiếng với những trò đùa triết học của mình.

Diogenes cũng được ghi nhận đã chế nhạo Alexander Đại đế, cả trước công chúng và trước mặt Alexander khi ông đến thăm Corinth vào năm 336 TCN

* Alexander Đại đế (356  – 323 TCN) đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà người châu Âu thời đó biết đến trước khi qua đời và vì thế thường được xem là một trong những vị tướng thành công nhất, cũng như một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.