Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Nam giới thường bỏ qua các vấn đề sức khỏe tinh thần là vì đâu?

 

NAM GIỚI THƯỜNG BỎ QUA CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE TINH THẦN LÀ VÌ ĐÂU?

 

Các khảo sát chỉ ra rằng nam giới cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe thể chất hơn là sức khỏe tinh thần, cũng như họ ít sử dụng các dịch vụ sức khỏe dành cho tinh thần – tâm lý hơn phụ nữ.

Dưới đây là ba trở ngại chính khiến phái mạnh ngại ngần lên tiếng về những vấn đề đang diễn ra trong đời sống tinh thần của họ.

 

Cảm giác thiếu một người lắng nghe và chia sẻ

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng sự sẻ chia không phân biệt giới tính, dù là phái nào cũng sẽ dễ dàng tìm được sự thấu cảm và lắng nghe. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây đã chỉ ra một thực tế khác hẳn:

Nam giới thường có khuynh hướng bị ngó lơ khi họ chia sẻ về sức khỏe tinh thần của bản thân ví dụ cảm giác khó chịu khi bị vợ xem thường, áp lực khi mang trọng trách trụ cột gia đình... 

 

Khi nói ra các vấn đề này, đàn ông thường bị một “bóng ma tâm lý” với câu hỏi: Liệu rằng mình có đang là người lắm chuyện, nhỏ nhen và làm quá vấn đề hay không?

Khác với phái nữ, đàn ông thường được cho rằng kiệm lời hơn và nên tập trung trong việc tìm kiếm giải pháp thay vì nói quá nhiều về vấn đề. Chính vì vậy, không dễ dàng cho họ trong việc bộc bạch và giãi bày cho những người thân xung quanh về các khúc mắc tâm lý và vấn đề tinh thần mà họ gặp phải.

Những định kiến về “giới” cũng phần nào khiến họ né tránh trong việc chia sẻ các vấn đề về sức khỏe tinh thần của bản thân.

 

Lo sợ ảnh hưởng đến công việc

Với quan điểm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nam giới thường chịu nhiều áp lực xoay quanh việc làm trụ cột gia đình, đặc biệt phải gánh trên vai những gánh nặng về tài chính.

Áp lực vô hình đó khiến họ nỗ lực làm việc vì mong muốn gầy dựng sự nghiệp từ sớm. Vì vậy, khi phải đưa ra lý do nghỉ phép như tinh thần không tốt, đàn ông cảm thấy khá ngại ngùng.

 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở góc nhìn của doanh nghiệp, không ít các công ty đánh đồng bệnh về tâm lý với việc giả bệnh hay đơn giản là sự lười biếng. Một số còn cho rằng đàn ông mắc phải bệnh tâm lý là một điều đáng ngại, nhất là trong những ngành nghề mà nam giới chiếm đa số như: công an – quân đội, giao thông vận tải, xây dựng,...

Trong xã hội hiện nay, nỗi sợ của nam giới là chính đáng. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được điều này, ngay cả với chính bản thân – những người phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tinh thần nhưng không thể chia sẻ cùng ai.

 

Vì vậy, họ thường sẽ đưa lên bàn cân những lợi ích và cái giá của việc tâm sự về tình trạng của bản thân. Đối với một số người, họ cảm thấy cái giá phải đánh đổi khi lên tiếng nói về những vấn đề cá nhân khá lớn, họ lo ngại rằng mình sẽ bị đánh giá khi có những vấn đề tâm lý hay sức khỏe tinh thần không ổn định.

 

Sự ảnh hưởng của suy nghĩ nam tính độc hại

Đặc biệt hơn hết, dưới sức ép của các chuẩn mực truyền thống về sự nam tính và tính nam độc hại (những tiêu chuẩn cực đoan về nam giới), đàn ông thường sẽ thu mình vào vỏ bọc và âm thầm chịu đựng những vấn đề về tâm lý mà bản thân họ đang mắc phải.

 

Những tiêu chuẩn được đề ra như: đàn ông không được khóc, đàn ông phải mạnh mẽ, đàn ông hiển nhiên phải chịu trách nhiệm gánh vác gia đình, đàn ông phải là trụ cột về kinh tế...

Những định kiến này khiến nam giới phải khép mình lại mỗi khi muốn giải tỏa các vấn đề về tâm lý mà họ gặp phải, vì sợ rằng mình thiếu đi sự nam tính, yếu đuối, không có bản lĩnh.

 

Dù là giới nào, việc bày tỏ cảm xúc cũng là nhu cầu thiết yếu!

Một trong những khó khăn mà đàn ông thường gặp phải chính là việc thấu hiểu và gọi tên cảm xúc của mình, đặc biệt trong việc sẻ chia với những người xung quanh về những gì họ đang suy nghĩ.

Đôi khi, chỉ một việc đơn giản như “chỉ mặt đặt tên” các cảm xúc tiêu cực mà họ đang gặp phải và thẳng thắn bày tỏ vấn đề kịp thời sẽ giúp “quả bóng” cảm xúc của phái mạnh không bị thổi căng quá mức.

 

Về lâu dài, nếu sức khỏe tinh thần không thể tỏ bày thành lời, thì sức khỏe thể chất lại là nơi gánh chịu mọi hậu quả. Bởi lẽ, quy luật chuyển hóa năng lượng cho thấy rằng năng lượng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, việc dồn nén cảm xúc sâu bên trong có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài về sức khỏe như: đau dạ dày, đau đầu, khó thở, tim loạn nhịp thất thường…

 

Không những thế, nếu phải kìm nén cảm xúc trong suốt một thời gian dài, không chỉ thể chất chịu tổn thất mà sẽ phát sinh thêm những hội chứng tâm lý như trầm cảm. Từ đó, đàn ông sẽ cạn kiệt niềm vui, động lực và cả năng lượng trong cuộc sống.

Bốn giai đoạn của đời người

 

BỐN GIAI ĐOẠN CỦA ĐỜI NGƯỜI

Giai đoạn một: Bắt chước

Chúng ta bất lực khi mới sinh ra. Chúng ta không thể đi, không thể nói, và không thể tự nuôi sống chính mình.

Khi còn bé, chúng ta học bằng cách quan sát và bắt chước người khác. Trước tiên, chúng ta học những kỹ năng thể chất như đi hoặc nói.

Sau đó, chúng ta phát triển những kỹ năng xã hội bằng cách quan sát và bắt chước đám bạn xung quanh.

Vào cuối thời thơ ấu, chúng ta học cách thích nghi với văn hóa thông qua quan sát các quy tắc và chuẩn mực xung quanh, và cố gắng cư xử theo cách mà xã hội coi là chấp nhận được.

Mục tiêu của giai đoạn một là dạy chúng ta cách vận hành trong xã hội để chúng ta có thể trở thành những người trưởng thành tự chủ và độc lập. Một cách lý tưởng, những người lớn xung quanh sẽ giúp chúng ta vượt qua giai đoạn này thông qua việc hỗ trợ khả năng tự quyết và tự hành động của chúng ta.

Nhưng một số người lớn lại vô cùng tệ bạc. Họ trừng phạt chúng ta bởi vì chúng ta độc lập. Họ không ủng hộ các quyết định của chúng ta. Và vì thế, chúng ta không phát triển tính tự chủ. Chúng ta mắc kẹt ở giai đoạn một, không ngừng bắt chước những người xung quanh, không ngừng cố gắng làm hài lòng người khác để không bị phán xét.

Trong một môi trường lành mạnh bình thường, giai đoạn một sẽ kéo dài đến sau tuổi vị thành niên và trước tuổi trưởng thành.

Đối với một số người, nó có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Số khác thì bỗng một ngày thức dậy ở tuổi 45, chợt nhận ra mình chưa bao giờ thực sự sống cho bản thân và tự hỏi những năm tháng vừa qua đã trôi đi đâu.

Ở giai đoạn một, bắt chước là quá trình không ngừng tìm kiếm sự công nhận và khẳng định bản thân, là khi bạn vẫn chưa có được suy nghĩ độc lập và giá trị của riêng mình.

Chúng ta phải nhận thức được tiêu chuẩn và kỳ vọng của những người xung quanh. Đồng thời cũng phải trở nên đủ mạnh mẽ để để hành động khi cần, mặc kệ những tiêu chuẩn và kỳ vọng ấy. Chúng ta phải phát triển khả năng hành động cho mình và vì chính mình.

Giai đoạn hai: Khám phá bản thân

Ở giai đoạn này, chúng ta học về điều gì làm nên sự khác biệt giữa mình, người khác và văn hóa xung quanh. Giai đoạn hai đòi hỏi chúng ta bắt đầu tự đưa ra quyết định, thử thách bản thân, hiểu được chính mình và thứ gì khiến chúng ta trở nên độc nhất.

Giai đoạn gai bao gồm rất nhiều lần thử, sai và thực nghiệm. Chúng ta thử sống tại một thành phố mới, đi chơi với những người bạn mới. Giai đoạn hai của mỗi người sẽ có chút khác biệt bởi vì chúng ta là những cá thể khác nhau.

Đây là quá trình khám phá bản thân. Chúng ta thử những điều mới. Có những thứ diễn ra tốt đẹp. Số khác thì không. Mục tiêu là để chúng ta gắn bó với những gì tốt đẹp trong một thời gian rồi bước tiếp.

Giai đoạn Hai kéo dài cho đến khi chúng ta bắt đầu vượt qua những giới hạn của chính mình. Có thể nó không phù hợp với nhiều người, nhưng khám phá giới hạn của bản thân là một điều lành mạnh.

Có những thứ mà dù có cố gắng đến đâu thì bạn vẫn dở, và bạn cần biết đó là gì.

Nhận ra càng sớm thì càng tốt. Mặc dù khá phũ phàng, Và nếu chúng ta tệ ở khoản nào đó, Biết được giới hạn của mình là quan trọng, bởi vì cuối cùng bạn phải nhận ra rằng thời gian mà bạn có là hữu hạn.

Do đó, bạn cần dành nó cho những gì quan trọng nhất. Bạn cần nhận ra rằng có những điều bạn có thể làm, không đồng nghĩa với việc bạn nên làm nó.

Có những người bạn thích, không đồng nghĩa với việc bạn nên ở bên họ. Chi phí cơ hội luôn tồn tại ở mọi thứ và bạn thì không thể có tất cả.

Có những người không bao giờ cho phép mình cảm thấy bị giới hạn - những người từ chối thừa nhận thất bại của mình hay tự huyễn hoặc bản thân tin rằng giới hạn không tồn tại. Những người này mắc kẹt ở giai đoạn hai.

Có những “doanh nhân” đã 38 tuổi đầu thế mà vẫn sống với mẹ và chưa từng làm ra tiền sau 15 năm cố gắng. Có những “diễn viên triển vọng” vẫn cứ làm chân chạy bàn và không hề tham gia một buổi thử vai nào trong suốt hai năm. Có những người không thể có mối quan hệ lâu dài, bởi họ tin rằng đâu đó còn những người khác tốt hơn.

Đến một thời điểm, chúng ta đều phải thừa nhận rằng: cuộc đời thật ngắn ngủi, không phải ước mơ nào cũng có thể thành hiện thực. Vì lẽ đó, chúng ta nên cẩn thận lựa chọn những gì mình giỏi nhất và gắn bó với nó.

Những người mắc kẹt ở giai đoạn hai thường cố tự thuyết phục điều ngược lại. Rằng họ không có giới hạn. Rằng họ có thể vượt qua tất cả. Rằng cuộc sống của họ sẽ không ngừng phát triển, trong khi người khác thì thấy rõ rằng họ chỉ đang giậm chân tại chỗ.

Đối với một người bình thường, giai đoạn hai bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi thiếu niên và kéo dài đến giữa năm 20-30 buổi. Những người kẹt ở giai đoạn hai được gọi chung là người mắc “Hội chứng Peter Pan” - mãi mãi là một thiếu niên, không ngừng khám phá bản thân nhưng lại chẳng tìm thấy gì.

Giai đoạn Ba: Cam kết

Một khi bạn đã vượt qua ranh giới cá nhân và tìm thấy những hạn chế của mình (ví dụ thể thao, nghệ thuật, ẩm thực) hoặc nhận thấy mình kém đi ở hoạt động nhất định (tiệc tùng, điện tử, giao tiếp), điều còn lại sẽ là a) những gì thật sự quan trọng với bạn,

b) những gì bạn làm không quá tệ. Giờ là lúc tạo nên sức ảnh hưởng của bạn trong thế giới.

Giai đoạn ba là sự kết hợp tuyệt vời. Bạn buông bỏ những người bạn đang rút cạn và giữ chân mình. Giã từ những hoạt động và sở thích vô bổ tốn thời gian. Để lại những giấc mơ sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực.

Và rồi bạn xác định những gì mình giỏi và những gì tốt nhất cho mình.

Bạn nhân đôi những mối quan hệ quan trọng nhất trong đời. Bạn hoàn thành nhiệm vụ duy nhất,

Giai đoạn ba là để tối đa tiềm năng của chính bạn trong cuộc sống, tạo nên những di sản. Bạn sẽ để lại gì khi ra đi? Mọi người sẽ nhớ đến bạn ra sao? Dù đó là một nghiên cứu đột phá, một phát minh mới hay một gia đình, Giai đoạn ba là để lại cho thế giới một chút gì đó khác biệt so với trước đây.

Ở giai đoạn ba, bạn cam kết với những gì bạn có thể để lại cho cuộc sống: một nghiên cứu, một phát minh hoặc một gia đình.

Giai đoạn Ba kết thúc khi hai điều xảy ra:

1) Bạn cảm thấy không còn nhiều thứ mà bạn có thể làm nữa, 2) Bạn lớn tuổi và đã mệt mỏi, chẳng mong gì ngoài việc nhấp chút rượu và chơi giải ô chữ cả ngày.

Đối với một người “bình thường”, Giai đoạn Ba thường kéo dài từ tuổi 30 đến tuổi nghỉ hưu.

Những người kẹt lại ở Giai đoạn Ba bởi họ không biết cách loại bỏ tham vọng và khao khát đạt được nhiều hơn. Họ không thể buông bỏ quyền lực, tầm ảnh hưởng và vẫn cảm thấy không thỏa mãn cho đến những năm 70-80 tuổi.

Giai đoạn bốn: Di sản

Những người bước vào giai đoạn bốn đã dành khoảng nửa thế kỷ để đầu tư bản thân vào những gì họ tin là có ý nghĩa và quan trọng. Họ đã làm những điều tuyệt vời, chăm chỉ, kiếm được những gì họ có, tạo nên một gia đình, tổ chức từ thiện, hay một hai cuộc cách mạng chính trị - văn hóa và giờ thì họ đã xong việc.

Họ đã đến tuổi mà nghị lực và hoàn cảnh không còn cho phép họ theo đuổi mục đích của mình nữa.

Sau đó, mục tiêu của giai đoạn bốn không phải là tạo ra di sản nữa mà chỉ đơn giản là đảm bảo rằng di sản đó tồn tại sau cái chết của họ.

Điều này có thể đơn giản như hỗ trợ và tư vấn cho con cái (bây giờ đã lớn) và sống một cuộc đời gián tiếp thông qua chúng.

Đó có thể là bàn giao các dự án của họ cho người khác và làm việc cho một tổ chức bảo trợ. Nó cũng có thể là hoạt động chính trị để duy trì các giá trị của họ trong xã hội.

Giai đoạn bốn rất quan trọng về mặt tâm lý vì nó làm cái chết trở nên dễ chịu hơn. Là con người, chúng ta có nhu cầu sâu sắc trong việc cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ý nghĩa mà chúng ta không ngừng tìm kiếm này là sự phòng vệ tâm lý duy nhất của chúng ta trước những bất định của cuộc sống và cái chết không thể tránh khỏi.

Mất đi ý nghĩa đó, nhìn nó trôi tuột đi, hoặc từ từ cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau, đồng nghĩa với việc chấp nhận bị quên lãng và bị ăn mòn.

Phát triển qua từng giai đoạn của cuộc đời cho phép chúng ta kiểm soát hạnh phúc và sức khỏe của mình tốt hơn.

Sau mỗi giai đoạn, hạnh phúc càng phụ thuộc vào các giá trị bên trong, có thể kiểm soát và ít dựa vào các yếu tố ngoại lai luôn thay đổi.

Ảnh hưởng của một người, dù lớn đến đâu, dù mạnh đến đâu, dù có ý nghĩa đến đâu, cuối cùng rồi sẽ biến mất.

Và cuõc sống vẫn cứ tiếp diễn.

Theo "The Four Stages of Life", của Mark Manson

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

Về đâu khi giông bão?

 

VỀ ĐÂU, KHI GIÔNG BÃO?

Với giông bão của trời đất, không cần phải suy nghĩ, chắc ai cũng nhanh nhẹn, cũng thông minh chạy tìm nơi an toàn để nấp. Nhưng lạ thay, với những cơn bão trong tâm, sao chúng ta lại thường làm ngược lại? Nghĩa là, thay vì núp mưa, tránh bão thì lại lao thẳng vào mưa bão cho thân thể tả tơi, bầm dập?

Trong sinh hoạt đời thường, những bất toại ý, những bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm thường đưa tới lộng ngữ; và khi đã mất tự chủ, mất ái ngữ thì cơn cuồng nộ dễ dàng bật lên như giông bão.

Rồi khi cơn bão bùng lên, chúng ta thường lao vào bão qua những ngọn gió đen của bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm đó. Ta cứ điên cuồng xoáy vào những lời, những việc mà kẻ kia đã làm ta đau khổ, buồn giận.

Thái độ đó chính là bão vừa nổi, ta lập tức lao ngay vào trung tâm cơn bão! Làm sao mà ta chẳng bị nhấn chìm, chẳng tả tơi, bầm dập!? Sao ta không tìm nơi trú ẩn cơn bão tâm như vẫn thường nhanh nhẹn và thông minh trốn cơn giông bão của trời đất?

“Về đâu, khi giông bão?” chính là câu hỏi cho cơn bão tâm, âm thầm mà cực kỳ dữ dội!

Kinh nghiệm, sách vở cũng như lời giảng dạy của minh sư, của thiện tri thức vẫn nhắc nhở, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực tập đủ nên khi hữu sự thì cái tâm sân hận lại kéo ta vào ngay cơn bão đang sẵn cuồng nộ.

Chúng sinh trong cõi ta bà này vô minh và ương ngạnh lắm! Hoặc không biết cách tránh, hoặc biết mà không tin, cho rằng chỉ làm cho thỏa lòng là đúng nhất. Chính vì thế mà phương pháp tìm nơi trú ẩn khi bão tới, rất đơn giản, nhưng chốn ta bà càng lúc càng tơi tả cuồng phong!

Chưa cần biết phải trái, đúng sai gì, khi thấy cơn buồn giận nổi lên, hãy đóng ngay lục căn bằng tiếng niệm “A Di Đà Phật”. Tất nhiên, trong khi niệm, ta vẫn đang thở, nhưng tiếng niệm Phật trong lúc cấp bách đó có sức mạnh vũ bão của thanh gươm bén lóe lên, mới kịp chặn đứng giông bão.

Khi lục căn đã đóng, gió mưa không thổi tốc được vào nhà, trong khi tiếng niệm Phật vẫn âm vang, có nghĩa là ta đã vào trú được nơi an toàn. Tiếp tục niệm Phật để mưa tạnh, gió yên, về với hơi thở đã điều hòa, lúc đó bình tâm quán chiếu và phán đoán những gì làm ta buồn, ta giận, cũng chưa muộn.

Mà lúc đó có thể phải trái, đúng sai, không còn quan trọng nữa, vì tiếng niệm Phật đang tưới mát tâm ta, hương sen đang ngào ngạt hồ tâm, không thọ nhận và tận hưởng mà còn bôn ba đi tìm gì nữa!  

Tới đây, ta đã làm chủ được ta, ta đã đẩy xa cơn bão, ta phải biết mỉm cười vì cơn bão hung hãn kia đã không quật ngã được ta. Phải biết mỉm cười với mình trong ý nghĩ “Cơn bão nào rồi cũng qua!”

Thích nữ Huệ Trân