Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Nên tích lũy sự khôn ngoan từ khi còn trẻ

 

NÊN TÍCH LŨY SỰ KHÔN NGOAN TỪ KHI CÒN TRẺ

Khôn ngoan không nằm ở tuổi tác, mà ở cách nhìn đời, hiểu người: Dù 20 hay 50 tuổi, cuộc sống chỉ bắt đầu khi ta ngừng hẹp hòi mà trưởng thành lên!

Chỉ khi học hỏi được từ kinh nghiệm và áp dụng những gì đã học vào trong cuộc sống, chúng ta mới thực sự trưởng thành theo năm tháng.

Trí khôn giúp chúng ta phân biệt những điều nhỏ nhặt với những điều quan trọng. Nó giúp ta lịch sự khi thua cuộc, khiêm nhường khi chiến thắng. Nó phải giúp chúng ta thêm hiểu biết và vị tha.

 

Càng trưởng thành, con người nhẽ ra phải càng khôn ngoan hơn, sau nhiều thập kỷ tích lũy tri thức và kinh nghiệm. Thế nhưng, có những người tự đày đọa cuộc sống của mình bởi lối tư duy hẹp hòi. Họ thiếu đi tình yêu, lòng vị tha, sự thấu hiểu mà sự khôn ngoan đem lại. Họ chỉ còn lại sự hoài nghi, cay cú và vị kỷ.

 

Chúng ta nên tích lũy sự khôn ngoan từ khi còn trẻ. Để khi gặp thất bại, ta vẫn có thể giữ vững tinh thần. Để khi nỗi đau khiến ta tê liệt, ta vẫn còn đủ quyết tâm để vượt qua.

Nhưng làm sao để trở nên khôn ngoan hơn? Câu trả lời là: sự thấu hiểu bản thân, đam mê không ngừng học hỏi, lòng vị tha và tình yêu với thiên nhiên.

 

Thấu hiểu bản thân

Một người bạn từng bảo tôi: "Tôi biết mình phàn nàn rất nhiều, nhưng ít nhất tôi biết mình gặp vấn đề gì để cải thiện nó".

Chỉ khi nhận diện được vấn đề, chúng ta mới có thể xử lý chúng. Tôi chỉ biết mình hay đay nghiến một chuyện nhiều đến mức nào khi đọc lại cả trăm trang nhật ký cũ. Từ đó, tôi buộc phải thay đổi.

Phải thành thật đối diện với cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình, chúng ta mới trưởng thành hơn.

 

Chúng ta có nhậu quá nhiều không? Chỉ trích quá nhiều? Buông thả bản thân? Chúng ta có quá bận tâm đến những gì người khác nghĩ hay không? Chúng ta có sợ thất bại đến mức không dám thử nghiệm điều mới. Chúng ta có thực sự muốn thay đổi khi đang ở trong vòng an toàn không?

Hãy thành thật viết ra suy nghĩ của mình, tập cầu nguyện và thiền định, lắng nghe phản hồi từ bạn bè và chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Chỉ có vậy bạn mới thấu hiểu bản thân hơn.

 

Học hỏi

Chúng ta trở nên khôn ngoan nhờ không ngừng học hỏi suốt đời. Lắng nghe người khác, đọc sách chuyên sâu, cởi mở với tri thức sẽ giúp bạn không bị trì trệ.

Khôn ngoan không có nghĩa là thông minh. Muốn thông minh, bạn cần tích lũy kiến thức và thông tin. Muốn khôn ngoan, bạn cần sáng suốt và thấu hiểu. Đọc sách giúp chúng ta biết thêm tri thức, nhưng đọc sách chuyên sâu sẽ giúp ta khôn ngoan.

Khôn ngoan sẽ dạy bạn khiêm nhường. Càng đọc nhiều, học nhiều, chúng ta sẽ càng nhận ra hiểu biết của mình còn ít ỏi ra sao.

 

Vị tha

Bằng cách giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn là thỏa mãn nhu cầu và khao khát của bản thân. Thay vì khép mình khi trưởng thành, chúng ta cần chú ý đến cuộc sống xung quanh nhiều hơn.

Cay cú chính là hòn đá ngáng đường, ngăn chúng ta trưởng thành. Chỉ có lòng tốt và sự vị tha mới khiến chúng ta khôn ngoan hơn.

 

Yêu thiên nhiên

Mỗi khi cuộc sống trở nên khó khăn, khiến tôi lạc lối, tôi lại vứt bỏ tất cả để đi leo núi, chèo thuyền hoặc chỉ đơn giản là ngắm chim muông ríu rít trên cây. Lúc này, tôi chỉ là một sinh vật bé nhỏ giữa thiên nhiên bao la và rộng lớn.

Vì thế, cách nhìn của tôi đối với những vấn đề mình gặp phải cũng khác đi. So với niềm vui và sức mạnh tinh thần mà tôi có được từ tạo hóa, những gian khổ, khó khăn đó thật chẳng thấm gì.

 

Thật ra, tuổi tác không quyết định sự khôn ngoan, mà là cách chúng ta vận dụng kinh nghiệm và tri thức để sống một cuộc đời vui vẻ và hết mình.

Ở tuổi 66, tôi tự nhận thấy mình đã già. Tuy nhiên, tôi hy vọng mình đã đủ khôn ngoan cho một đời người. Tôi hạnh phúc hơn thời mới 36 hay 46 tuổi, bởi chẳng còn thời gian để bận cho những nỗi lo lắng vô bổ.

 

Tôi không bị nhấn chìm bởi tham vọng của chính mình vì tôi biết cách tận hưởng niềm vui trên con đường trưởng thành.

Tôi đã làm những điều ngu ngốc, và chúng có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian trôi nhanh tới nỗi nhưng sai lầm tệ hại đó sẽ chỉ còn là những ký ức xa vời.

Và tôi đủ trưởng thành để biết, mình chẳng biết gì cả.

 

Theo Bebe Nicholson - biên tập viên, nhà văn, nhà báo, tác giả trên Medium.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

“Yêu là kính, không kính là chưa yêu”.

 

YÊU LÀ KÍNH, KHÔNG KÍNH LÀ CHƯA YÊU”. 

“Nguyên do đưa đến khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là vì một hoặc cả hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Nhiều người không hiểu rõ hoặc không được giáo dục đầy đủ về những nghĩa vụ và trách nhiệm của đời sống vợ chồng cũng như những khía cạnh tâm sinh lý và luân lý của đời sống chung.

Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng mà chưa đủ trưởng thành, do đó cũng chưa đủ ý thức về những trách vụ mới của đời sống hôn nhân. Hôn nhân phải là một giao ước được ký kết giữa hai người có tự do.

Để có tự do thực sự, con người cần phải hiểu rõ mục đích việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm ấy. Có hiểu biết như thế, con người mới thực sự là người trưởng thành.

Đôi bạn chưa trưởng thành

Một khi đôi bạn chưa thực sự trưởng thành trong tình yêu và hôn nhân thì điều đó sẽ kéo theo hệ lụy là cả hai đều không đủ độ “chín” để có đủ sức gánh vác trách nhiệm làm cha làm mẹ, làm chồng làm vợ trong gia đình.

Do đó mà ta thấy ngày nay xảy ra hiện tượng “Ly hôn xanh”, nghĩa là các đôi vợ chồng kết hôn sớm mà cũng kết thúc sớm. Đây là những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng cũng có nhiều cặp vợ chồng chưa cần tới 5 năm, họ đã vội vã ly hôn.

Các chuyên gia tâm lý cũng cho biết rằng tình trạng ly hôn xanh ngày một gia tăng và điều đáng nói ở đây là có tới 70% nữ giới là người đứng đơn ly hôn.

Cũng xin nói thêm là sự trưởng thành trong tình yêu không hẳn dựa vào tiêu chuẩn tuổi tác, già trẻ, mà căn cứ trên sự chín chắn về mặt tâm lý và sự quân bình trong suy nghĩ, phán đoán.

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều bi kịch trong đời sống vợ chồng chỉ vì người ta yêu theo đam mê mà quên trách nhiệm, yêu một cách mù quáng và ích kỷ, yêu liều lĩnh không nghĩ đến hậu quả tai hại có thể xảy ra, yêu mà chỉ đòi hỏi hơn là trao tặng.

Những người ấu trĩ thì sẽ yêu theo kiểu ấu trĩ, yêu tùy hứng, theo cảm tính “sáng nắng chiều mưa!”, lúc thì sôi nổi lúc thì lạnh nhạt. Khi thích thì họ làm vui lòng còn khi không thích thì họ ghét bỏ. Cái nhìn của những người ấu trĩ về tình yêu và hôn nhân thường dựa trên tiêu chuẩn vật chất, trục lợi, thực dụng hơn là theo mục đích trong sáng, lành mạnh và nghiêm túc.

Nhiều trường hợp cho thấy rằng sau một thời gian lấy nhau, đôi bạn không còn giữ được tình yêu nồng ấm như thuở ban đầu nữa. Họ hoàn toàn thất vọng về nhau, về đời sống chung, về những bổn phận ràng buộc hai người với nhau. Cho đến khi, không còn gì để mất nữa, họ chia tay, đường ai nấy đi. Cuộc sống hôn nhân coi như chấm dứt.

Đó là một sự thất bại hoàn toàn trong tình yêu và trong hôn nhân. Như câu ca dao thời hiện đại diễn tả sau đây: “Xin đừng nói chuyện trăm năm / Hai năm còn khó, trăm năm nghĩ gì”.

Thiếu tôn trọng nhau

Các chuyên gia về hôn nhân gia đình đều cho rằng sự thiếu tôn trọng nhau trong đời sống vợ chồng luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng trong gia đình.

Do cuộc sống chung đụng thường xuyên nên vợ chồng dễ tỏ ra nhàm chán nhau, lờn mặt nhau, khinh thường nhau.

Điều này dễ thấy trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày giữa hai vợ chồng. Không phải đợi đến khi bạo hành bùng nổ mới chứng tỏ người này xúc phạm người kia, mà ngay trong đời sống thường nhật, từ lời ăn tiếng nói, đến những cử chỉ hành động, cũng cho thấy vợ chồng có tôn trọng, yêu kính nhau thực sự hay không.

Một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị.

Ai cũng biết rằng để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại.

Như một danh nhân có nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau (Elijah Fenton). Hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”. 

Vì thế, một khi hai vợ chồng không còn “tương kính như tân” nữa thì điều đó có thể dự báo họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng mà nếu không giải quyết kịp thời, cuộc hôn nhân của đôi bạn này có nguy cơ đổ vỡ.