Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Mẹ dạy con gái: Muốn hạnh phúc thì đừng hy sinh

 

MẸ DẠY CON GÁI: MUỐN HẠNH PHÚC THÌ ĐỪNG HY SINH

Ai cũng bảo rằng đời người con gái chỉ cần chung thủy với một người. Nhưng không con gái à, điều đó thật sai lầm. Mẹ biết rằng sẽ rất tốt cho con và con sẽ hạnh phúc sau này nếu con biết tìm hiểu thật nhiều mẫu đàn ông khác nhau.

Rồi con sẽ tìm ra ai là người hợp với tính cách mình nhất, ai sẽ làm cho tình yêu của con hạnh phúc và “khỏe mạnh” nhất, và quan trọng là ai sẽ yêu con nhất. Nhưng nhớ chọn lọc rồi chỉ chấp nhận một người thôi con nhé.

 

Luôn nhớ rằng con có đủ chân tay đầu óc. Bạn trai con có gì con có thứ đó, con được học hành, có sức khoẻ, con cũng có hai chân hai tay… Vậy hãy làm công việc của mình, đừng trông chờ “một bờ vai” nào cả. Như thế bất công với người ta, và với chính mình.

Học hành bao năm để làm gì mà phải chờ nghĩ bằng đầu người khác? Có chân tay để làm gì mà việc nhỏ cũng ngồi đợi? Không có người yêu đón thì có xe buýt, xe ôm hoặc cùng lắm thì đi bộ… đừng ngồi đợi quá 15 phút, lãng phí cuộc đời con ạ.

 

Một người đàn ông yêu con thực sự không bao giờ để con ngồi chăm chăm nhìn cái điện thoại tối thứ Bảy chờ đợi; anh ta sẽ bằng mọi cách đến với con hoặc sẽ có lời giải thích thỏa đáng.

+ Nếu người đó nhỡ hẹn một lần thì con hãy tin tưởng, cuộc sống luôn có tình huống bất ngờ không đoán trước được; 

+ Nếu nhỡ hẹn lần 2 – hãy nghi ngờ, xâu chuỗi lại mọi việc, rồi tìm ra câu trả lời; 

+ Nếu nhỡ hẹn lần 3 – Giải tán! Con chỉ có một trái tim và một thời tuổi, đừng lãng phí! 

Đừng có ăn vạ kiểu “Tôi đã dâng hiến cho anh ta, giờ anh ta bỏ tôi”

 

Mẹ ghét cay đắng những câu từ kiểu “hy sinh”, “dâng hiến”, vốn được tô vẽ bằng những mỹ từ, rồi phẩm chất… này nọ; nhưng với mẹ thì nó đáng quẳng vào sọt rác. Nó làm người phụ nữ ở thế bị động, dễ tổn thương và trở nên ngớ ngẩn.

Con yêu ai đó, hôn ai đó… vì con muốn thế; vì làm thế cả hai cùng hạnh phúc; chứ không phải con hôn ai đó chỉ vì anh ta muốn thế. Mẹ chẳng thấy thương những người luôn lảm nhảm: “Tôi đã dâng hiến cho anh ta, giờ anh ta bỏ tôi, tôi chỉ muốn chết….”. Mẫu người đó đáng trách hơn là đáng thương.

 

Hãy tận hưởng hạnh phúc bằng sự chủ động, khôn ngoan, hiểu biết; và mạnh mẽ cắt đứt khi mình không muốn tiếp tục, đừng ép mình điều gì. Đã có nhiều cô gái phải trả giá bằng cả cuộc sống, thậm chí mạng sống của mình vì những kiểu “hy sinh” “dâng hiến”… mù quáng rồi. Quẳng nó đi! luôn và ngay khi mình còn có thể. 

 

Đừng chờ cơm chồng nếu anh ta về muộn…

Với mẹ thì việc thô bạo, đánh đập, bạo lực gia đình luôn là rất tệ; nhưng việc kiểm soát, ăn vạ, ép người khác cũng tệ chẳng kém.

Hình ảnh người vợ kiên quyết nhịn ăn bên mâm cơm chờ chồng cũng dở chả kém cảnh gã đàn ông hung hăng gào thét vào mặt bạn gái. Anh ta có bạn bè, con có bạn bè; anh ta mê bóng đá; con thích nghe nhạc, đọc sách…

 

Vì thế, thay vì nhịn đói, tụt huyết áp để ép anh ta phải bỏ đám bạn về, rồi cả hai lao vào cãi nhau như hai con gà chọi; sao con không ăn no nê, đọc nốt quyển sách; hay lên mạng tán gẫu với những người bạn; rồi nở nụ cười vui vẻ mở cửa cho anh ta?

Luôn có khoảng trống cho mình; và để anh ta cũng thế, kể cả các lựa chọn khác. Không ai là chủ nợ, cũng không ai là con nợ trong tình yêu, con nhé!

 

Nhiều cô gái khi còn trẻ, các cô tự biến mình thành người giúp việc không công của bạn trai, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn cho anh ta mỗi ngày. Khi lấy chồng, họ nhường đàn ông cơ hội lập nghiệp, chấp nhận ở nhà đầu bù tóc rối để chồng “đánh Nam dẹp Bắc”. Bầu trời trên đầu họ thu hẹp lại trong một khoảng sân, và thế giới chỉ còn lại trong ánh mắt một người đàn ông.

Đến một ngày, người đàn ông mà họ vốn coi là cả thế giới nhẫn tâm quay lưng bỏ đi, họ mới oán trách tại sao những hy sinh của mình lại không được đền đáp….

 

Trong một gia đình, người mẹ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc. Sự yên ấm của một mái nhà nên do mọi thành viên cùng vun đắp, chứ không phải dựng nên từ sự hy sinh của người vợ, người mẹ. Nếu cán cân cho – nhận cứ nghiêng dần về một phía, một ngày nào đó mái nhà ấy sẽ đổ sụp vì chẳng ai chịu nổi gánh nặng mà nó đè lên.

 

Đức hy sinh, sự đảm đang, sức nặng của những mỹ từ ấy nên được san sẻ bớt trên đôi vai của người đàn ông trong gia đình. Nếu muốn hạnh phúc, phụ nữ nên tự mình tập cách sống hạnh phúc hơn là gồng mình lên để hy sinh, hy sinh và hy sinh.

 

Theo Mlog

 



Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

“Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” – tìm đâu cho được bóng người yêu?

 

“HAI NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI” – TÌM ĐÂU CHO ĐƯỢC BÓNG NGƯỜI YÊU?

Tuấn và Điệp là thi sĩ kiêm văn sĩ, hai người sống trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Đầu. Dù tính cách trái ngược, nhưng cả Tuấn và Điệp đều có một điểm chung: Khao khát tình yêu, nhưng lại e sợ đàn bà. Họ nhìn thấy ở những người phụ nữ các thói xấu như ham tiền ham của, lừa dối, dâm loàn,… và dù tìm mỏi mắt, Tuấn và Điệp cũng chẳng tìm được một thiếu nữ xứng đáng để yêu: người phụ nữ có tâm hồn đẹp.

 

Nhưng làm sao để biết một người phụ nữ có tâm hồn đẹp? Điệp không trả lời, Tuấn cũng không trả lời được, vì xung quanh họ, những người con gái họ biết đều chỉ thể hiện ra là những cô gái nông cạn, yêu thích vật chất. Thế là, trong một phút giây đầy bất ngờ, cả hai quyết định chung một cuộc tình với Hoàng Lan – một thiếu nữ chết trẻ có mộ ở phía Bạch Mai.

 

“Yêu một cái mả lạnh”, điều này tưởng lạ lùng, nhưng thật ra khi xét đến hoàn cảnh sáng tác của “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” vào năm 1940, thì việc yêu một cái mả lạnh lại chẳng lấy gì làm khác thường.

Giới văn nhân nghệ sĩ Việt Nam khi đó từng có Đinh Hùng viết thơ “Gửi người dưới mộ”, Chế Lan Viên mê đắm với hư ảnh “Chiêm nương”, và đến nay, ta biết thêm Nguyễn Bính, ngoài những mối tình bướm hoa, thì cũng có cả mối tình với một cái mả lạnh mang tên người con gái Hoàng Lan.

 

Tuy cùng tìm đến một đối tượng không còn sống để yêu thương và trút bầu tâm sự, song câu chuyện và nhân vật trong “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính lại không mang cảm giác ma quái, ghê rợn, khác biệt như thơ ca của Chế Lan Viên, Đinh Hùng.

 

Lý do cho việc cả hai quyết định “yêu một cái mả lạnh” khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện về Pygmalion – một nhà điêu khắc đại tại trong thần thoại Hy Lạp. Anh cũng chán ghét phụ nữ, chán ghét yêu đương. Ấy vậy mà Pygmalion lại say mê tạc tượng một người phụ nữ đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất, để rồi cuối cùng yêu luôn tạo tác ấy của mình.

Quay lại với cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bính, Tuấn và Điệp không tạc tượng, nhưng cả hai cũng đã “tạc” một hình mẫu phụ nữ lý tưởng để yêu trong tâm trí mình. Để rồi sau đó, họ cần tìm một đối tượng để hiện thực hóa hình mẫu phụ nữ lý tưởng này. Nhưng biết tìm đâu bây giờ?

 

“Anh tưởng những người con gái sống chung quanh ta có thể yêu được đấy à? Họ còn sống là họ còn có thể phụ mình, họ còn coi cái giầu sang to hơn tấm chân tình. Thà yêu một người chết, một người đã chết. Người đã chết thì không bao giờ còn có thể sống lại mà phụ bạc được nữa.”

Thay vì tự tay tạc nên người phụ nữ mình yêu như chàng Pygmalion trong thần thoại, Tuấn và Điệp của Nguyễn Bính lại gửi gắm người phụ nữ lý tưởng ấy vào một nấm mộ mà cả hai chưa từng quen biết, để rồi những ngày tháng sau đó, hai người lâng lâng trong tình yêu, “một tình yêu cao khiết, một tình yêu hoàn toàn”.

 

“Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện đậm nét.

Nhân vật Điệp còn “thần tượng” mối tình kĩ nữ, nhân vật Tuấn cũng đâu xem trọng cái “xử nữ mô”, cái trinh tiết xác thịt mà bao thế kỷ qua Nho học vẫn luôn đề cao. Thậm chí, ước mong của Điệp chỉ đơn giản là:

“Mình chỉ cần có người để thương yêu, chứ không cần họ thương yêu lại mình. Mình chỉ cần có một người để săn sóc, giúp đỡ vuốt ve họ, chứ không cần họ săn sóc, vuốt ve mình. Vậy mà cũng không được…”

 

Cái ước mong này đâu phải chỉ riêng Điệp mới có, mà là ước mong của tất cả những con người muốn yêu, thèm yêu, tha thiết yêu. Thế nhưng yêu ai đây, khi mà chẳng có phụ nữ nào cảm hoá nổi, hoặc người ta chỉ yêu quý nhau vì “mốt”, yêu quý nhau cho hợp thời với “thứ tình yêu cẩu thả, thứ tình yêu hồi hộ, thứ tình yêu chốc lát, thứ tình yêu thấp hèn”. Bất lực như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Tuấn và Điệp quyết định cùng yêu một cái mả lạnh đâu!

 

Tuấn và Điệp đã “sống thật hiền lành chăm chỉ để mà yêu”, không đi hút thuốc phiện, không lê la hát cô đầu, cũng xa rời cái thú đi chơi giang hồ. Tình yêu có sức mạnh mãnh liệt thay đổi người ta như thế đấy.

Chỉ tiếc là hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu. Người yêu dựng lên từ ảo ảnh cuối cùng lại là một người yêu không hoàn hảo. Vương Thị Hoàng Lan khi còn sống cũng từng có những mối tình không “trong sạch” như bao cô gái đang sống đương thời.

 

Biết tin, Điệp đau đớn, khóc suốt đêm. “Bức tượng” Hoàng Lan cả hai cùng tạc lên ngày nào nay tan vỡ thành từng mảnh,

Nguyễn Bính khép lại câu chuyện về hai người điên ở kinh thành Hà Nội bằng một đêm mưa rét ào ào. tất cả chỉ còn lại cơn mưa cảm xúc lạnh lẽo bất tận mà Điệp phải chịu đựng.

 

Dường như Nguyễn Bính viết câu chuyện này vốn không phải để tìm một kết thúc, đưa ra một thông điệp, mà đơn giản hơn, ông chỉ muốn kể lại với người đọc hành trình tìm kiếm người yêu của hai chàng trai trẻ, và trong hành trình ấy, hai chàng trai trẻ mang nhiều vết thương tình ái kia đã trải qua một đoạn tình duyên thất bại với một nấm mộ.

 

Người ta có thể yêu thương một cô hát cô đầu, một nàng thi sĩ, hay một cô gái chết trẻ mà trước đó chưa từng quen. Dù khó khăn, dù vô định, dù mò kim đáy bể, người ta vẫn đi tìm một người để yêu.

Suy cho cùng, “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính chính là câu chuyện kể về những kẻ điên như thế…

Thần tài của việt tộc và ngày vía mùng 10 tháng giêng

 

THẦN TÀI CỦA VIỆT TỘC VÀ NGÀY VÍA MÙNG 10 THÁNG GIÊNG

Thần Tài, cũng như Thổ địa, mới được người Việt thờ cúng gần đây. Kiểu bắt chước học đòi, nên chỉ chuộng hình thức, chẳng cần biết nội dung. Nhà giàu thì sắm tượng gỗ tượng đồng “phong thủy”, làng nhàng thì tượng đất nung, rồi đặt ông tênh hênh áng ngữ tủ đựng tiền, hoặc khám thờ ngay lối đi.

Khoảng hơn vài chục năm trở lại, bỗng dưng có tin đồn mùng 10 tháng Giêng là “vía thần Tài”, nói là sắm “vàng thần Tài” vào ngày này sẽ hên, tiền của tuôn vô cuồn cuộn như nước.

Dễ nhận thấy vía mùng 10 này do giới kinh doanh vàng bạc đặt ra*: Ăn xong cái tết, phần đông gia đình người Việt đã oải, thị trường èo uột hẳn, chợ búa vắng người qua, cửa tiệm kim hoàn càng ngáp trẹo quai hàm. Nên bọn Ba Tàu bán vàng Chợ Lớn bèn tung chiêu độc bày ra ngày vía đâm bang, đặt lệ mua vàng cầu lộc, vừa kích cầu lại được dịp tăng giá phi mã.

Bắt đầu râm ran ở Quận 5 Sài Gòn chục năm trước, dần dà phong trào lan rộng khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc, trên thượng dưới xuôi, họ giành giựt chen nhau đâm đầu mua vàng giá cắt cổ, có đắc tài hay không chưa biết, nhưng trước mắt đã chắc phải chịu tiền ngu; “vàng thần Tài” bữa trước mới sắm giá cao, qua bữa sau liền tuột thậm chí có khi còn dưới giá cũ trong tết.

“Vía thần Tài” mùng 10 tháng Giêng xứng là đại lễ hội, để toàn dân đồng lòng làm từ thiện, nuôi mập các tiệm vàng.

-----------

* Tra khắp thư tịch Đạo giáo, Phật giáo Trung Hoa, chẳng Tài thần nào có vía trùng với ngày thần Tài của người Việt.