Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Thế nào là người trưởng thành

 

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

Trưởng thành là một quá trình, một chặng đường dài của con người chứ không phải một sớm một chiều là có được. Bởi chính vì thế mà những đứa trẻ đâu ai gọi là người trưởng thành. Và chúng ta nhận ra trưởng thành và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này sản sinh ra cái kia, tác động qua lại và cùng nhau phát triển. 

3 khía cạnh trưởng thành của con người đó là Trưởng thành sinh lý, trưởng thành tâm lý và trưởng thành văn hoá – xã hội.

Trưởng thành sinh lý. Đó là sự phát triển về mặt thể chất, vóc dáng, ngoại hình của con người. con người đến giai đoạn phát triển hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể thì được coi là trưởng thành về mặt sinh lý.

Trưởng thành tâm lý. Là sự suy nghĩ hình thành trong tâm trí mỗi người. Trưởng thành tâm lý là biết làm chủ cảm xúc, điều tiết cảm xúc, suy nghĩ và hành động đúng đắn. 

Trưởng thành văn hóa – xã hội là nói đến tính “người” trong mỗi con người. Đến đây, những giá trị nhân văn, đạo đức, nhân phẩm được phát triển và được mỗi người lựa chọn.

Ở bản thân cá nhân thì trưởng thành văn hóa – xã hội là biết đến lương tâm, phẩm giá của mình, không đánh mất lương tri trong mọi hoàn cảnh xã hội.

Ở trong tập thể, cộng đồng, trưởng thành văn hóa – xã hội là biết đến sự quan tâm người khác, giúp đỡ, “tình nghĩa đồng bào” , “tình làng nghĩa xóm”,  “quê hương nguồn cội”… 

Các đặc tính của người trưởng thành:

* Trưởng thành là khi chúng ta trưởng thành từ trong suy nghĩ

Chúng ta trưởng thành khi chúng ta biết suy nghĩ những điều đúng đắn trước khi hành động, làm nên một điều đúng đắn. 

* Trưởng thành là khi chúng ta biết điều tiết cảm xúc

Có nhiều người không biết điều tiết cảm xúc sao cho cân bằng. Khi họ không hài lòng điều gì đó thì cảm xúc của họ vượt lên hẳn lý trí.

Chúng ta thường thấy những cuộc chửi rủa đây đó, có những cuộc cảm xúc bùng nổ trong chốc lát mà tan nát cả một gia đình, tan nát cả mối quan hệ hàng xóm, anh em.

Lỗi là họ không biết điều tiết cảm xúc của mình đi đúng hướng. 

* Người trưởng thành – Sống với ước mơ

Vô định nhất của một đời người là không biết mình sẽ đi về đâu, không biết mình thực sự muốn điều gì. Điều này khiến họ chạy đua theo người khác mà không phải chính con người thực của họ. Hay họ sẽ sống một cuộc đời vô vị, không biết phấn đấu vì cái gì. 

Có đoạn nói về ước mơ trong cuốn sách “Nhà giả kim”, anh chăn cừu hỏi ông bán pha lê là “Tại sao ông không đi hành hương như những người kia, đó là ước muốn của ông cơ mà”.

Ông bán pha lê trả lời “Vì ta luôn mơ về mảnh đất hành hương ấy, ta sống và làm việc cật lực để mong có một ngày đủ tiền đặt chân đến đó. Nhưng nếu ta đến đó rồi thì sau này ta sẽ chẳng có một ước mơ, chẳng có một đích đến nào để chinh phục nữa”.

Điều đáng khen ở đây, ông bán pha lê cũng có cho mình một đích đến để hướng tới, để ông dồn mọi sức lực mong mỏi đạt được nó. Đó chính là điều một người trưởng thành cần có – thực sự biết bản thân mình muốn điều gì.

Nhưng điều còn dang dở là, ông không dám đối mặt với cái ước mơ của mình, ông thiếu vài điều, ông thiếu đi sự thực rằng ông đang có một nỗi sợ bên trong, ông sợ rằng mình sẽ không còn ước mơ nào nữa.

* Trường thành là khi chúng ta nói thật với lòng mình.

Thành thực với lòng mình là thành thực với điểm yếu và điểm mạnh của chính bản thân, nếu mình không xinh cũng dũng cảm soi mình trong gương để tự động viên rằng mình sẽ cố gắng để ngày mai trông xinh hơn.

Trưởng thành là khi chúng ta thành thực với lòng mình, dám sống trở thành kẻ mà mình mong trở thành.

* Trưởng thành là khi mình biết nhìn nhận hiện thực

Khi anh ta đã hết yêu bạn, đó là điều khó chấp nhận không thể thay đổi được. Bạn phải mạnh mẽ nhìn nhận nó, đón nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Khi nhìn nhận hiện thực bạn cần phải có ở trong tâm thế trung thực. Trưởng thành nhìn nhận cuộc sống hiện thực bằng sự điềm tĩnh và an hòa.

* Trưởng thành là khi sống có lý lẽ 

Trưởng thành là có mục tiêu chính kiến riêng cho mình.

Một con người sống không có lý lẽ của riêng mình thì sẽ luôn phụ thuộc vào chính kiến của người khác. Họ sống không tuân thủ theo một nguyên tắc nào của bản thân cả. Chúng ta phải đặt ra lý lẽ cho chính mình để người khác không xâm phạm và lợi dụng bạn.  

* Trưởng thành là khi sống có trách nhiệm

Người trưởng thành biết sống cho bản thân, gia đình và xã hội.

Mỗi con người sinh ra đều có một vị trí của họ, có mối quan hệ với những người xung quanh, xã hội.

Vậy người trưởng thành cần có trách nhiệm để sống? Vì sao vậy? Một người sống có trách nhiệm thì biết được những điều mình cần và nên làm, lúc này sẽ không chi phối bởi cảm xúc nữa.

Ví dụ Trách nhiệm của người cha là đem lại hạnh phúc và nuôi dạy con trưởng thành. Trách nhiệm của người chồng là chỗ dựa vững chắc cho vợ. Trách nhiệm của người con là sống sao cho thật hạnh phúc, vì đó là điều mà cha mẹ muốn. 

* Trưởng thành là thấu hiểu dù không nói ra

Trưởng thành là thấu hiểu những điều nhỏ bé.

Mình sinh ra trong một gia đình đông con, nhà có 6 chị em lận. Đến nỗi mà mỗi khi ai đó vô tình nói: Sao thời buổi này mà lại đẻ nhiều thế? Câu nói mà người ta xem là vui đó khiến một đứa nhóc trẻ tuổi cảm thấy khó chịu vô cùng. Tự dưng nó thấy xấu hổ vì sự “bất bình thường” của gia đình mình trong cái xã hội này nên đâm ra trách cứ cha mẹ.

Đến khi cha mẹ già đi, mình vì mưu sinh không có thời gian bên cạnh thường xuyên thì gia đinh càng đông người, đông con đông cháu mỗi người phụ một tay, gánh vác một chút thế là ổn, ông bà cũng bớt cô đơn. Vậy nên từ khi đó mình không còn trách cứ cha mẹ vì sinh đông con nên khó khăn,

* Trưởng thành là rút ra được bài học từ những gì đã trải nghiệm 

Những trải nghiệm dù tốt dù xấu đều cho chúng ta một bài học. Nếu là điều tốt đẹp thì chúng ta biết được phải làm gì với bản thân, tích lũy được bài học hay.

Nếu là trải nghiệm xấu, khiến tâm lý chúng ta bực dọc, tổn hại đến bản thân thì chúng ta sau đó sẽ biết tránh né điều cũ, tìm hướng giải quyết mới. 

Hành trình để trưởng thành không ngắn nhưng cũng không quá dài, trường thành quan trọng nhất là ở tự lực của mỗi bản thân.

Trưởng thành về tâm lý, trưởng thành về văn hóa – xã hội xem ra là điều quan trọng nhất.

Vậy nên các bạn luôn tự hỏi bản thân mình đã thực sự trưởng thành chưa và cố gắng hoàn thiên bản thân ngày càng tiến bộ, có cuộc sống an nhiên, thân thiện với mọi người.

Chúc các bạn thành công.

 

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Nghịch đạo thì phức tạp, thuận đạo thì giản đơn

 

NGHỊCH ĐẠO THÌ PHỨC TẠP, THUẬN ĐẠO THÌ GIẢN ĐƠN

 

Người tầng thứ thấp phức tạp, người cảnh giới cao giản đơn

Cùng một vấn đề thì người tầng thứ thấp và tầng thứ cao xử lý rất khác nhau, sự khác biệt này là do một bên nghịch Đạo còn một bên thuận theo Đạo.

 

Đạo làm người

Người tầng thứ thấp phức tạp, người người cảnh giới cao giản đơn.

Trong “Đạo đức kinh” có nói: “Năm màu khiến người mù mắt. Năm giọng khiến người điếc tai. Năm mùi khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải khó được, khiến người bị tai hại.” Vậy nên Thánh nhân chỉ duy trì sinh hoạt cơ bản, không ham muốn những thứ không cần thiết.

 

Người giản đơn, suy nghĩ ít, đối đãi với người hay việc thì chuyên tâm, không làm mọi chuyện rối loạn lên.

Người giản đơn sẽ không quá quan tâm đến đánh giá của người khác, chỉ thuận theo nội tâm của mình mà làm.

Nghĩ càng nhiều, tính toán càng nhiều, ngược lại sẽ làm cho cuộc sống thêm mệt mỏi. Người giản đơn đều biết cách lấy giản đơn để chế ngự phức tạp, sống trong thế giới phức tạp mà lòng vẫn an tĩnh. 

 

Xã hội hiện đại càng ngày càng phức tạp; người học được sự giản đơn mới thực sự là người có cảnh giới cao.

 

Người tầng thứ thấp mạnh mẽ, người cảnh giới cao hiền hòa

Trong “Đạo đức kinh” có nói”: “Phù duy bất tranh, cố vô ưu”, ý là vì không tranh với ai nên không lầm lỗi. 

 

Người hiền hòa nói chuyện hay làm việc gì đều chừa lại cho người khác một đường lui. Người hiền hòa không để tâm vào chuyện vụn vặt, như vậy người khác mới có ấn tượng tốt đối với bạn; có ấn tượng tốt thì tự nhiên sẽ có nhân duyên tốt; nhân duyên tốt rồi thì đường đi sẽ tự thênh thang.

 

Người xưa có câu “Cây to đón gió lớn”, tài năng để lộ ra, rất dễ gây họa hoạn.

Người mạnh mẽ tài năng để lộ ra ngoài, trong lời nói thường không chú ý, rất dễ làm tổn thương người khác, gây thù chuốc oán.

Làm người hiền hòa, quản chặt cái miệng, giữ lòng khiêm tốn. Người hiền hòa cũng không phải là thỏa hiệp vô nguyên tắc. Hài hòa tức là trong cạnh tranh vẫn giữ được trạng thái cân bằng.   

 

Dưỡng sinh

Người tầng thứ thấp ‘dưỡng’, người tầng thứ cao ‘thuận’.

Trong thế giới quan của Lão Tử, điểm mấu chốt của dưỡng sinh là dưỡng tinh thần. Bảo trì nội tâm thanh đạm và bình hòa mới là pháp môn dưỡng sinh quan trọng nhất.

Người hiện đại vì để dưỡng sinh mà sắp đặt mọi thứ cứ như thiên la địa võng, tâm thái như vậy thì đã thất bại ngay từ đầu rồi.

 

Dưỡng sinh chân chính là con người phải thuận theo tự nhiên, cứ giữ trạng thái bình thường là được rồi, không cần phải tận lực bồi bổ.

 

Quản lý

Người tầng thứ thấp ‘thu vào’, người cảnh giới cao ‘thả ra’.

 

Muốn thành việc đại sự thì nhất định phải có khả năng hội tụ mọi người. Có khả năng hội tụ mọi người thì mới có thể quản lý được người.

Một người lãnh đạo giỏi thì phải hiểu được đạo quản lý. Vậy quản lý như thế nào mới là quản lý tốt?

Dù là quản lý quốc gia, quản lý gia đình hay giáo dục trẻ nhỏ, thì đều không được áp chế. Muốn giáo dục tốt, không thể cứ mãi buộc chặt, mà còn phải hiểu được buông lỏng. Để cho trẻ nhỏ tìm được lãnh vực phù hợp với mình. Không nên sắp đặt quá nhiều mà hạn chế sự phát triển của trẻ. Để cho trẻ thuận theo thiên tính của bản thân, tự do trưởng thành, đó mới là giáo dục tốt nhất.

 

Hiểu được Đạo, từ từ thuận theo Đạo thì người tầng thứ thấp cũng dần dần có thể nâng cao cảnh giới của mình.