Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Tôi nuôi con. Còn con tôi... thì nuôi con của nó!

 

TÔI NUÔI CON. CÒN CON TÔI... THÌ NUÔI CON CỦA NÓ!

 

Ngẫm lại, đúng thế! Chất lượng cuộc sống của tuổi già cũng là đây! Xã hội chỉ phát triển khi mỗi thế hệ làm trọn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, không có kiểu “dắt dây” nương tựa mãi vào nhau. Thật chán làm sao khi chứng kiến những chuyến tàu du lịch cập cảng Việt Nam, các ông bà già ngoại quốc nắm tay nhau đi xuống, tung tăng tham quan chơi bời vui vẻ, còn các ông bà nhà mình thì đang ru rú ở nhà thay tã và ôm chân những đứa trẻ con…

 

Về mặt khoa học thì cháu là gì? Là con của con mình. Mà ai chả biết mình đã khổ cả đời vì con từ lúc sinh nó ra cho tới đưa đón nó đi học mẫu giáo, đóng tiền cho nó học đại học, bỏ tiền ra làm đám cưới cho nó, mua nhà cho nó, giảng giải khi hai vợ chồng nó cãi nhau rồi bây giờ mang con nó ra khoe.

Ừ thôi thì khoe cũng được dù đa số cháu chả phải người mẫu chẳng phải hoa hậu càng chẳng phải thần đồng, nghĩa là nhan sắc, trí tuệ và mọi thứ cũng vừa phải giống như con người ta chứ đâu xuất sắc gì. Hãy cứ yên tâm là cháu mình cũng như triệu triệu đứa cháu khác mà thôi.

Nhưng khoe là một chuyện. Ôm chặt lấy lại là chuyện khác.

 

Vừa rồi có hai vợ chồng người bạn đến thăm tôi sau mười mấy năm xa cách. Nghe có vẻ hoành tráng lắm vì đi có cả nhà theo.

Hai vợ chồng có đứa cháu một tuổi mang theo cùng con gái. Thế là suốt ngày túi bụi tã lót, chai sữa, hò hét quát tháo lúc nào cũng như cái chợ. Bạn bè đến chơi chẳng có lấy một phút không khí thanh bình. Đúng nghĩa của câu “già mà chưa thoát nợ”.

 

Vào cái tuổi 60, chả hiểu ma xui quỷ khiến, không gặp nhau thì thôi, hễ gặp là mọi người lại khoe có cháu nội,cháu ngoại và hỏi nhau xem có cháu hay chưa. Cứ như không có là cuộc đời hỏng bét.

Việc chăm sóc một đứa bé luôn luôn vất vả. Việc chăm sóc một đứa bé khi tuổi mình đã cao còn vất vả gắp ngàn lần, đặc biệt là phần lớn gia đình vẫn trong hoàn cảnh nhà cửa chật chội, đồ đạc lung tung, phòng ốc bất tiện.

Có thể khẳng định chắc chắn, thả một đứa trẻ một hai tuổi vào một không gian nhỏ bé sẽ khiến không gian đó đảo lộn hoàn toàn, sôi lên sùng sục, khiến cho tuổi già khó có lấy một phút ngả lưng.

 

Có thể đọc tới đây nhiều người sẽ nổi giận, tuyên bố tôi là kẻ ích kỷ, xấu xa, không có truyền thống Á Đông và không có cả trăm ngàn thứ khác. Ai muốn nói gì thì nói, tôi dứt khoát theo một phương châm: “Tôi nuôi con. Và con tôi nuôi con của nó!”.

 

Hiện nay có một lớp người trẻ xấu một cách tinh vi: Đó là muốn lợi dụng cha mẹ trong vấn đề chăm sóc con cái của mình. Nghĩa là ngay từ khi lên kế hoạch sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng, họ đã đưa ông bà vào danh sách, coi như một sự đương nhiên.


Công nhận rằng cũng có rất nhiều gia đình, ông bà (đặc biệt là bà) không có việc làm, phải sống bám vào con cái và tự nhiên xem việc giữ cháu là một cách trả công. Mệt cũng không dám kêu. Những hoàn cảnh ấy vô phương cứu chữa.

Nhưng cũng có rất nhiều ông bà có nhà cửa, có thu nhập hẳn hoi, thậm chí còn đưa tiền thêm cho vợ chồng chúng nó, thế mà vẫn “nai lưng” ra giữ cháu do bị chúng nó “bỏ bom” . Không dám kêu, không dám phản kháng vì đã trót “khoe” và trót “tự hào” suy cho đến cùng, hiện tượng giữ cháu, lấy cháu làm niềm vui là gì?

 

Tuổi 60 thậm chí còn là tuổi chín muồi của các trải nghiệm, khám phá. Lúc này ta mới có bề dày để xem phim, đọc sách, suy nghĩ, khảo luận. Lúc này việc khám phá và tìm hiểu thế giới mới trọn vẹn và đầy đủ. Ta sẽ phát hiện ra rất nhiều thứ cảm xúc muốn có hoá ra chả tốn kém gì ngoài thời gian và kinh nghiệm.
Vậy mà đúng lúc tươi đẹp ấy, thăng hoa ấy và thảnh thơi ấy, ta bị một đứa cháu rơi tõm vào nhà. Ta cong đuôi chạy theo nó, cho nó ăn, làm ngựa cho nó cưỡi và làm cái bia cho bố mẹ nó trách móc, thế có cơ cực hay không?

 

Phần lớn những ông bà cứ bám riết lấy cháu vì nếu không bám họ chẳng biết làm gì?. Vì họ không tìm những mục đích tinh thần khác ngay cả khi họ có tiền và có sức khoẻ. Nhiều bạn bè ngán ngẩm nói với tôi là những buổi họp lớp cũ mấy chục năm bây giờ đôi khi biến thành ngày hội khoe cháu. Ai cũng đưa hình chúng nó ra, chả ai đưa mình vừa đi đâu, mình vừa làm gì và mình vừa hoàn thành công trình chi. Chán mớ đời.

 

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Bạn nghĩ tiền quan trọng hơn hay thời gian quan trọng hơn?

BẠN NGHĨ TIỀN QUAN TRỌNG HƠN HAY THỜI GIAN QUAN TRỌNG HƠN?

 

Giả sử được công ty trợ cấp toàn bộ chi phí đi lại thì khi thuê nhà bạn có chọn địa điểm xa công ty nhưng giá thuê rẻ hơn để giảm bớt chi phí? Hay là giá thuê đắt hơn một chút nhưng gần cơ sở kinh doanh lại tiết kiệm được thời gian đi lại?

Trực giác của hầu hết mọi người sẽ chọn cái trước, nhưng trên thực tế, những người càng hạn hẹp về tài chính thì càng dễ nghĩ về tiền bạc như một tiêu chuẩn, trong khi những người càng dư dả về tài chính lại nghĩ rằng thời gian quan trọng hơn tiền bạc.

 

Đối với người thứ hai, thời gian đi làm là một sự lãng phí. Mặc dù một số người nói rằng có thể trôi qua bằng cách đọc sách hoặc vuốt điện thoại di động, nhưng người thứ hai tin rằng đọc sách ở một nơi thoải mái và yên tĩnh sẽ hiệu quả hơn.

Còn tệ hơn khi dành thời gian đọc lướt điện thoại, họ nghĩ rằng cuộc sống được tạo nên từ thời gian, và lãng phí thời gian tương tự như việc hủy hoại cuộc sống của họ.

 

Nhiều thứ không thể hoàn thành nếu không có thời gian, vì vậy điều quan trọng nhất là ngừng lãng phí thời gian và đầu tư thêm thời gian cho bản thân, bởi vì chính bản thân chúng ta mới có thể tạo ra của cải, và phát triển khả năng của chúng ta là cách đầu tư tốt nhất. 

 

Mặt khác, những người không tự do về tài chính, mặc dù họ hét lên rằng họ không có thời gian và tiền bạc, nhưng họ lại lãng phí thời gian và tiền bạc vào những việc không cần thiết, thay vì đầu tư vào bản thân, để nâng cao năng lực và kinh nghiệm của họ, và cuối cùng họ sẽ chỉ để cho cuộc sống của mình ngày càng trở nên ít tự do hơn.

Có nên tin vào các nhà kinh tế học?

 Ảnh: 3 nhà kinh tế học gồm Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2019. nhờ các công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói.

CÓ NÊN TIN VÀO CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC?

Nếu các nhà kinh tế học phát triển thành công các mô hình hiệu quả hơn, họ đã có thể dõng dạc trả lời những câu hỏi gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, cho đến nay, những gì chúng ta nhận được chỉ là kiến nghị và các ý tưởng.

Tất cả mọi người đều biết rằng thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ khi các nhà máy han gỉ và công nhân chơi dài vì không có việc làm. Trong khi đó, các nhà kinh tế học không ngừng tranh cãi.

Đầu tiên, chúng ta cần nói qua về công việc của các nhà kinh tế học. Họ xây dựng các mô hình, sử dụng các công cụ toán học để miêu tả quá trình vận hành của nền kinh tế. Vấn đề nằm ở chỗ các mô hình không thể phản ánh chính xác những gì diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế.

Rất nhiều người có trí tuệ xuất chúng đã dành nhiều thời gian xây dựng các công cụ được cho là ưu việt. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, các mô hình vẫn thất bại trong việc dự đoán diễn biến của nền kinh tế.

Hơn nữa, các mô hình còn ẩn chứa quá nhiều kết luận không chính xác. Ví dụ, rất nhiều mô hình giả định rằng các công ty chỉ có thể thay đổi giá cả ở những thời điểm ngẫu nhiên. Các nhà kinh tế học cũng thêm thắt một vài điều kiện sao cho mô hình dễ sử dụng hơn. Họ hy vọng rằng những giả định này gần giống với những gì diễn ra trong thế giới thực.

Lý thuyết không phải là vấn đề duy nhất. Các chuyên gia kinh tế thực sự không có đủ dữ liệu để hiểu nền kinh tế hoạt động như thế nào. Với ngành hóa học và sinh học, bạn có thể đặt mọi thứ ở trong phòng thí nghiệm và tiến hành thí nghiệm.

Bạn có thể làm điều tương tự với kinh tế học vi mô. Tuy nhiên, điều này là không thể đối với kinh tế học vĩ mô: không thể bê tất cả các nền kinh tế trên thế giới vào phòng thí nghiệm. Các nhà kinh tế học chỉ có thể ngồi một chỗ và quan sát lịch sử, rút ra một số xu hướng. Và, thông thường thì các xu hướng này biến mất trước khi bạn kịp phát hiện ra.

Đối với khoa học tự nhiên, các mô hình thường được xây dựng để giải thích số liệu. Đó là mục đích duy nhất của các mô hình. Còn trong kinh tế học vĩ mô, mô hình thường được sử dụng để giải thích cho giả thiết.

Những nhà kinh tế học xuất sắc nhất đã nhận thức được điều này. Trong bài phát biểu mới đây tại Đại học Princeton, Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã nói đùa rằng, kinh tế học là lĩnh vực phức tạp bao gồm các ý tưởng xuất sắc trong việc giải thích chính xác tại sao những lựa chọn trong quá khứ lại sai. Còn đối với tương lai, mọi thứ không chính xác.

Trong khi đó, năm 2011, Greg Mankiw – một trong những nhà kinh tế học vĩ mô nổi tiếng nhất thế giới – đã từng viết trên tờ New York Times: “Sau hơn 1/4 thế kỷ là nhà kinh tế học, tôi phải thú nhận rằng có rất nhiều điều tôi không biết về nền kinh tế. Thực chất, kinh tế học – lĩnh vực mà tôi đã dành trọn đời để cống hiến – là nơi mà tôi không thể tìm ra câu trả lời rõ ràng cho nhiều câu hỏi quan trọng”.

Điều này có nghĩa là khi các nhà kinh tế học dựa vào giả thiết hoặc mô hình để rút ra kết luận, bạn nên hoài nghi về điều đó. Mô hình càng phức tạp, bạn càng nên nghi ngờ nhiều hơn.

Ví dụ, trong một bài báo mới được đăng trên tờ Wall Street Journal, John Taylor – nhà kinh tế học đến từ Stanford – kêu gọi thực hiện thắt chặt ngân sách và củng cố quan điểm bằng “một mô hình kinh tế học vĩ mô”. Tuy nhiên, có rất nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh mô hình này.

Nếu các nhà kinh tế học thành công trong việc phát triển các mô hình có hiệu quả tốt hơn, họ đã có thể dõng dạc trả lời những câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, cho đến nay, những gì chúng ta nhận được chỉ là kiến nghị và các ý tưởng.

Bởi vậy, khi lắng nghe các nhà kinh tế học, điểm mấu chốt là hãy cố gắng hiểu tại sao họ lại nghĩ như vậy.

Các nhà kinh tế học cũng có một ưu điểm khác: giỏi chỉ ra lỗi của người khác. Họ là những người rất thông minh và sâu sắc. Tuy nhiên, họ dễ dàng bị bắt bẻ bởi các nhà kinh tế học khác! Do đó, bạn nên lắng nghe từ nhiều trường phái.

Cho dù bạn có đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà kinh tế học, họ không phải là những chuyên gia biết rõ thế giới vận hành ra sao và làm cách nào để sửa chữa hỏng hóc. Tuy nhiên, họ có thể giúp bạn đánh giá lại quan điểm của bản thân về nền kinh tế cũng như phát hiện những lỗi sai.

Theo gafin.vn

Ảnh: 3 nhà kinh tế học gồm Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2019. nhờ các công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói.