CÁCH GIẢN ĐƠN ĐỂ CẢI THIỆN TRÍ NHỚ
Hầu hết chúng ta đều ước ao có
được trí nhớ tốt hơn.
Giá như đừng quên khi đến cửa hàng, định là phải mua ba thứ
thì lại chỉ nhớ ra có hai. Leo lên cầu thang rồi lại không nhớ ra là định lên
để làm gì. Giá như chúng ta có thể đọc và nhớ được hết thông tin một cách dễ
dàng thay vì các thứ cứ nhanh chóng biến mất khỏi tâm trí của chúng ta.
Có khá nhiều cách tăng cường trí nhớ đã được thử nghiệm và
cho kết quả đáng tin cậy.
1) Đi giật lùi
Chúng ta luôn cho rằng thời gian và không gian là những thứ
rất khác nhau, nhưng ngay trong cách chúng ta nói chuyện cũng có sự giao thoa
giữa hai thứ này, thậm chí còn ở mức nhiều hơn ta tưởng.
Chúng ta để những chuyện đã qua lại "phía sau".
Chúng ta "hướng tới" kỳ nghỉ cuối tuần.
Cách thức chính xác tùy thuộc vào từng nền văn hóa, nhưng ở
phương Tây hầu hết mọi người cho rằng tương lai là khoảng không gian trải ra
trước mặt, còn quá khứ là ở sau lưng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Roehampton, Anh, quyết định
khai thác mối liên hệ giữa không gian và thời gian trong tâm trí của chúng ta
để tìm ra cách hỗ trợ trí óc con người ghi nhớ tốt hơn các sự kiện.
Những người đi giật lùi nhớ được nhiều hơn những người đi tới.
Điều đó cho thấy dường như việc đi lùi trong không gian
khuyến khích tâm trí người ta cũng quay ngược lại thời gian và kết quả là những
người đó dễ dàng gợi lại ký ức hơn.
Phương pháp này thậm chí có tác dụng ngay cả khi những
người này chỉ tưởng tượng rằng họ đang đi lùi mà thôi.
Và giờ đây, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng khi con người
chúng ta nhớ về một sự kiện trong quá khứ, chúng ta sẽ tái hiện trải nghiệm
trong tâm trí của chúng ta theo trật tự ngược dòng thời gian.
2) Thể hiện bằng hình
ảnh
Trí óc sẽ hoạt động ra sao khi bạn vẽ ra danh sách các thứ
cần mua thay vì viết tên các món?
Năm 2018, một nhóm người trẻ tuổi và người lớn tuổi đã được
cung cấp một danh sách các từ để luyện tập trí nhớ. Một nửa được yêu cầu thực
hiện vẽ hình ảnh cho mỗi từ cần nhớ, trong khi nửa còn lại được hướng dẫn viết
ra các từ cần nhớ. Sau đó mọi người đã được kiểm tra để xem họ có thể nhớ được
bao nhiêu từ.
Dù có một số từ rất khó vẽ, chẳng hạn như "chất đồng
vị", nhưng việc vẽ đã tạo ra sự khác biệt đến nỗi người già trở nên nhớ
tốt tương đương với những người trẻ. Vẽ thậm chí đã tạo ra một sự khác biệt
đáng kể ở những người mắc chứng mất trí nhớ.
Khi chúng ta vẽ một thứ gì đó, chúng ta buộc phải chú ý chi
tiết hơn và chính việc xử lý kỹ lưỡng này khiến chúng ta nhớ lâu hơn.
Thậm chí việc viết danh sách các thứ cũng có tác dụng ít
nhiều. Đó là lý do tại sao khi bạn đến cửa hàng và nhận ra bạn đã để quên danh
sách mua sắm ở nhà, bạn vẫn có thể nhớ được nhiều mặt hàng hơn nếu như trước đó
bạn lên danh sách các món cần mua. Vẽ ra hình ảnh sẽ còn tiến thêm một bước cao
hơn trong việc ghi nhớ.
3) Tập luyện, nhưng
phải chọn đúng thời điểm
Đã có thời gian người ta tin rằng tập thể dục thể thao,
chẳng hạn như chạy bộ, có thể cải thiện trí nhớ của bạn.
Luyện tập thường xuyên chỉ đem lại hiệu quả chung chung ở
mức khiêm tốn, nhưng khi bạn muốn học cụ thể một thứ gì đó, thì việc gắng sức
tập trung một lần dường như khá tác dụng, ít ra là trong thời gian ngắn hạn.
Nhưng nghiên cứu cũng nói rằng nếu chúng ta áp dụng đúng
thời điểm thì trí nhớ còn có thể được tăng cường tốt hơn nữa. Những người ôn
luyện trong 35 phút vào lúc bốn tiếng đồng hồ sau khi học danh sách các hình
ảnh ghép cặp với các địa điểm, thì nhớ tốt hơn so với những người ôn luyện lại
ngay lập tức.
4) Không làm gì
Khi những người bị mất trí nhớ do đột quỵ được đưa cho một
danh sách gồm 15 từ để ghi nhớ và sau đó họ lại được giao một nhiệm vụ khác,
thì 10 phút sau, họ chỉ có thể nhớ được 14% danh sách các từ ban đầu. Nhưng nếu
họ không phải làm nhiệm vụ gì cả, chỉ ngồi 15 phút trong một căn phòng tối,
điểm số ghi nhớ của họ tăng lên mức ấn tượng, 49%.
Kỹ thuật tương tự đã được sử dụng trong các nghiên cứu khác
nhau của Michaela Dewar từ Đại học Herriot Watt.
Bà nhận thấy rằng ở những người khỏe mạnh, một khoảng thời
gian ngắn nghỉ ngơi ngay sau khi học thậm chí còn tạo ra sự khác biệt đối với
những gì họ có thể nhớ được trong cả tuần sau đó.
5) Chợp mắt một giấc
ngắn
Nếu việc đi giật lùi, vẽ, tập thể thao hoặc thậm chí tạm
nghỉ ngơi nghe có vẻ như vẫn phải làm việc chăm chỉ, thì chợp mắt một giấc ngắn
sẽ có tác dụng như thế nào?
Giấc ngủ được cho là sẽ giúp củng cố trí nhớ bằng cách tái
hiện hoặc phát lại thông tin mà chúng ta mới được học, và việc ngủ không nhất
thiết phải diễn ra vào ban đêm.
Song một nghiên cứu mới đây cho thấy thủ thuật này phát huy
tác dụng cao nhất ở những người có thói quen chợp mắt vào buổi xế trưa.
Tuy nhiên với một số người, chỉ cần đi lùi, vẽ ra những thứ
cần ghi nhớ, chạy bộ hoặc đơn giản là không làm gì cả thì trí nhớ đã được cải
thiện rồi.