Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

'Chìa khóa thần' giúp trẻ mãi không già

 

'CHÌA KHÓA THẦN' GIÚP TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ

Có thể ngăn ngừa tuổi già?

Xuyên suốt lịch sử, con người đều phải trải qua một tình trạng mà chúng ta không bao giờ có thể thoát ra được - bị già.

Khi chúng ta già đi, các tế bào trong cơ thể sẽ ngưng làm việc và có thể hư hỏng, gây ra các căn bệnh như ung thư, bệnh tim mạch, hen suyễn và bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).

 

Nhìn chung, các chứng bệnh liên quan đến tuổi già gây ra khoảng 100.000 ca tử vong mỗi ngày. Hàng tỷ đô la đang được đổ vào trên khắp thế giới trong nỗ lực làm chậm lại quá trình lão hóa của cơ thể.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng chúng ta có thể đã sai lầm trong cách nghiên cứu về tình trạng lão hóa. Họ cho rằng chúng ta nên coi chứng lão hóa như một căn bệnh - tức là có thể được phòng ngừa và chữa khỏi.

 

Ý tưởng trên dựa trên những khám phá mới đây, theo đó cho thấy quá trình lão hóa sinh học có thể hoàn toàn phòng ngừa và chữa trị được.

 

Từ góc độ sinh học, cơ thể chúng ta lão hóa ở các tốc độ khác nhau tùy theo các yếu tố di truyền và môi trường sống.

Các khiếm khuyết nhỏ trong bộ ADN và trong tế bào của chúng ta bắt đầu gây ra các lỗi; các lỗi này dần tích tụ đến mức độ nào đó thì mô bị phá hủy.

Mức độ của những thay đổi này theo thời gian có thể trở thành khác biệt giữa một tuổi già khỏe mạnh và một cơ thể ngồi một chỗ và mắc các chứng bệnh kinh niên.

 

Các nhà khoa học đang hy vọng tạo ra đột phá trong vấn đề nghiên cứu lão hóa, là chủ đề hiện vẫn đang ở bên rìa của y khoa chính thống.

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Tại sao chúng ta cần rèn luyện trí tuệ cảm xúc?

 

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN RÈN LUYỆN TRÍ TUỆ CẢM XÚC?

Ngày nay, mọi người thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong đó đa số vướng mắc đến từ mối quan hệ xã hội. Liệu trí tuệ cảm xúc sẽ giúp chúng ta tháo gỡ các vấn đề nan giải đó như thế nào?

Năm 1990 hai nhà tâm lý học John Mayer và Peter Salovey đề cập thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence – EI) mô tả khả năng tự nhận thức, đánh giá và điều chỉnh cảm xúc của mỗi cá nhân. Loại hình trí tuệ này được đề cập phổ biến thông qua chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ).

Nhà tâm lý học Howard Gardner định nghĩa rằng trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu người khác về những động lực thúc đẩy họ làm việc hay hợp tác cùng bạn. Người có trí tuệ cảm xúc cao luôn hiểu rõ bản thân đồng thời có thể đọc vị cảm xúc của những người xung quanh.

Nhà tâm lý học Daniel Goleman đưa ra 5 thành tố quan trọng hình thành trí tuệ cảm xúc:

  • Tự nhận thức: Chúng ta nắm vững ưu – nhược điểm cá nhân cũng như xu hướng phản ứng của bản thân trước các tình huống và con người cụ thể.
  • Tự điều chỉnh: Khả năng quản lý suy nghĩ tiêu cực và thích nghi với sự thay đổi hoàn cảnh. Những người có kỹ năng tự điều chỉnh vượt trội sẽ cư xử thấu tình đạt lý, quản lý xung đột tốt và có khả năng chịu trách nhiệm cao.
  • Động lực: Những người sở hữu trí tuệ cảm xúc cao sống rất lạc quan, mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực đồng thời có mục tiêu kiên định, rõ ràng.
  • Sự đồng cảm: Những người nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn thường kết nối tốt hơn bởi họ có thể cảm nhận, dự đoán cũng như thấu hiểu nhu cầu và mối quan tâm của những người xung quanh.
  • Kỹ năng xã hội: Chúng ta biết tôn trọng, hòa hợp, hỗ trợ, hợp tác với mọi người một cách hiệu quả.

Sức mạnh của chỉ số EQ

Những người thông minh về mặt cảm xúc thường cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ, sự mất mát cùng những thăng trầm trong cuộc sống của người khác. Với năng lực thấu cảm nội tại của mình, họ có thể thấu hiểu, xoa dịu và nâng đỡ những người xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng dễ dàng thích nghi hơn với sự biến đổi nhanh chóng của thời đại.

Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc sẽ mang đến những lợi ích tuyệt vời trong mọi mặt đời sống của mỗi chúng ta. Khả năng đọc vị bản thân và người khác khiến bạn trở nên chủ động, độc lập và tự tin hơn trong mọi tình huống. Từ đó, cảm giác vui vẻ, hài lòng sẽ tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ giúp bạn vươn đến sự nghiệp thành công và cuộc sống như ý.

Trong nhiều doanh nghiệp, nhân viên dưới trướng các nhà lãnh đạo thông minh về mặt cảm xúc có xu hướng hạnh phúc hơn. Họ cảm thấy hài lòng, gắn bó lâu dài và cố gắng hơn trong công việc. Giáo sư Daniel Goleman của Đại học Harvard nhận định: “90% yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà quản lý là trí tuệ cảm xúc”. Một nghiên cứu trên 515 giám đốc điều hành cho biết, chỉ số EQ có thể dự báo thành công chính xác hơn hẳn kinh nghiệm hay chỉ số IQ. Hiện nay, khoảng 20% công ty, tập đoàn trên khắp thế giới đang áp dụng hình thức tuyển dụng nhân tài dựa trên đánh giá về chỉ số EQ.

Ngược lại, những người kém thông minh về mặt cảm xúc thường sống trong tâm trạng bất mãn, bực bội. Vì không thể kiểm soát tốt cảm xúc và hành động của bản thân nên họ có xu hướng lo lắng, thích đả kích người khác và hay suy nghĩ tiêu cực. Theo thời gian, mối quan hệ với những người xung quanh dần dần bất hòa, thậm chí rạn nứt, đổ vỡ.

7 bước nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc

Justin Bariso, tác giả cuốn sách EQ, Applied: A Real-World Approach to Emotional Intelligence, đã gợi ý 7 cách cải thiện trí tuệ cảm xúc, bao gồm:

1. Suy ngẫm về cảm xúc: Để phát triển trí tuệ cảm xúc, chúng ta cần chủ động theo dõi và phân tích suy nghĩ, thái độ cũng như phản ứng của bản thân trong từng tình huống cụ thể. Chỉ khi thực sự thấu hiểu cảm xúc cá nhân, bạn mới có thể kiểm soát được chúng.

2. Tham khảo góc nhìn từ người khác: Đôi khi, những điều chúng ta cảm nhận có thể khác biệt khá lớn so với thực tế. Trong cùng một tình huống, mỗi người sẽ đánh giá và tiếp nhận khác nhau. Vì vậy, để tránh cư xử nóng vội, bạn nên hỏi xin ý kiến của những người thân thương trước khi hành động.

3. Quan sát cảm xúc: Khi đã nâng cao sự tự nhận thức, chúng ta cần chú ý hơn đến những cảm xúc cá nhân.

4. Tạm dừng trong giây lát: Bạn nên dừng lại và cân nhắc thật kỹ trước mỗi quyết định của mình.

5. Đồng cảm hơn với mọi người: Hãy thử suy nghĩ từ lập trường của đối phương và cố gắng thấu hiểu họ.

6. Học hỏi từ những lời phê bình: Thay vì phản ứng gay gắt trước sự chỉ trích của người khác, chúng ta nên học cách tiếp thu đồng thời chủ động rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã qua. Thông qua thói quen này, bạn sẽ rèn luyện được đức tính điềm tĩnh và khiêm nhường.

Cách giản đơn để cải thiện trí nhớ

CÁCH GIẢN ĐƠN ĐỂ CẢI THIỆN TRÍ NHỚ

Hầu hết chúng ta đều ước ao có được trí nhớ tốt hơn.

Giá như đừng quên khi đến cửa hàng, định là phải mua ba thứ thì lại chỉ nhớ ra có hai. Leo lên cầu thang rồi lại không nhớ ra là định lên để làm gì. Giá như chúng ta có thể đọc và nhớ được hết thông tin một cách dễ dàng thay vì các thứ cứ nhanh chóng biến mất khỏi tâm trí của chúng ta.

Có khá nhiều cách tăng cường trí nhớ đã được thử nghiệm và cho kết quả đáng tin cậy.

1) Đi giật lùi

Chúng ta luôn cho rằng thời gian và không gian là những thứ rất khác nhau, nhưng ngay trong cách chúng ta nói chuyện cũng có sự giao thoa giữa hai thứ này, thậm chí còn ở mức nhiều hơn ta tưởng.

Chúng ta để những chuyện đã qua lại "phía sau". Chúng ta "hướng tới" kỳ nghỉ cuối tuần.

Cách thức chính xác tùy thuộc vào từng nền văn hóa, nhưng ở phương Tây hầu hết mọi người cho rằng tương lai là khoảng không gian trải ra trước mặt, còn quá khứ là ở sau lưng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Roehampton, Anh, quyết định khai thác mối liên hệ giữa không gian và thời gian trong tâm trí của chúng ta để tìm ra cách hỗ trợ trí óc con người ghi nhớ tốt hơn các sự kiện.

Những người đi giật lùi nhớ được nhiều hơn những người đi tới.

Điều đó cho thấy dường như việc đi lùi trong không gian khuyến khích tâm trí người ta cũng quay ngược lại thời gian và kết quả là những người đó dễ dàng gợi lại ký ức hơn.

Phương pháp này thậm chí có tác dụng ngay cả khi những người này chỉ tưởng tượng rằng họ đang đi lùi mà thôi.

Và giờ đây, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng khi con người chúng ta nhớ về một sự kiện trong quá khứ, chúng ta sẽ tái hiện trải nghiệm trong tâm trí của chúng ta theo trật tự ngược dòng thời gian.

2) Thể hiện bằng hình ảnh

Trí óc sẽ hoạt động ra sao khi bạn vẽ ra danh sách các thứ cần mua thay vì viết tên các món?

Năm 2018, một nhóm người trẻ tuổi và người lớn tuổi đã được cung cấp một danh sách các từ để luyện tập trí nhớ. Một nửa được yêu cầu thực hiện vẽ hình ảnh cho mỗi từ cần nhớ, trong khi nửa còn lại được hướng dẫn viết ra các từ cần nhớ. Sau đó mọi người đã được kiểm tra để xem họ có thể nhớ được bao nhiêu từ.

Dù có một số từ rất khó vẽ, chẳng hạn như "chất đồng vị", nhưng việc vẽ đã tạo ra sự khác biệt đến nỗi người già trở nên nhớ tốt tương đương với những người trẻ. Vẽ thậm chí đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể ở những người mắc chứng mất trí nhớ.

Khi chúng ta vẽ một thứ gì đó, chúng ta buộc phải chú ý chi tiết hơn và chính việc xử lý kỹ lưỡng này khiến chúng ta nhớ lâu hơn.

Thậm chí việc viết danh sách các thứ cũng có tác dụng ít nhiều. Đó là lý do tại sao khi bạn đến cửa hàng và nhận ra bạn đã để quên danh sách mua sắm ở nhà, bạn vẫn có thể nhớ được nhiều mặt hàng hơn nếu như trước đó bạn lên danh sách các món cần mua. Vẽ ra hình ảnh sẽ còn tiến thêm một bước cao hơn trong việc ghi nhớ.

3) Tập luyện, nhưng phải chọn đúng thời điểm

Đã có thời gian người ta tin rằng tập thể dục thể thao, chẳng hạn như chạy bộ, có thể cải thiện trí nhớ của bạn.

Luyện tập thường xuyên chỉ đem lại hiệu quả chung chung ở mức khiêm tốn, nhưng khi bạn muốn học cụ thể một thứ gì đó, thì việc gắng sức tập trung một lần dường như khá tác dụng, ít ra là trong thời gian ngắn hạn.

Nhưng nghiên cứu cũng nói rằng nếu chúng ta áp dụng đúng thời điểm thì trí nhớ còn có thể được tăng cường tốt hơn nữa. Những người ôn luyện trong 35 phút vào lúc bốn tiếng đồng hồ sau khi học danh sách các hình ảnh ghép cặp với các địa điểm, thì nhớ tốt hơn so với những người ôn luyện lại ngay lập tức.

4) Không làm gì

Khi những người bị mất trí nhớ do đột quỵ được đưa cho một danh sách gồm 15 từ để ghi nhớ và sau đó họ lại được giao một nhiệm vụ khác, thì 10 phút sau, họ chỉ có thể nhớ được 14% danh sách các từ ban đầu. Nhưng nếu họ không phải làm nhiệm vụ gì cả, chỉ ngồi 15 phút trong một căn phòng tối, điểm số ghi nhớ của họ tăng lên mức ấn tượng, 49%.

Kỹ thuật tương tự đã được sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau của Michaela Dewar từ Đại học Herriot Watt.

Bà nhận thấy rằng ở những người khỏe mạnh, một khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi ngay sau khi học thậm chí còn tạo ra sự khác biệt đối với những gì họ có thể nhớ được trong cả tuần sau đó.

5) Chợp mắt một giấc ngắn

Nếu việc đi giật lùi, vẽ, tập thể thao hoặc thậm chí tạm nghỉ ngơi nghe có vẻ như vẫn phải làm việc chăm chỉ, thì chợp mắt một giấc ngắn sẽ có tác dụng như thế nào?

Giấc ngủ được cho là sẽ giúp củng cố trí nhớ bằng cách tái hiện hoặc phát lại thông tin mà chúng ta mới được học, và việc ngủ không nhất thiết phải diễn ra vào ban đêm.

Song một nghiên cứu mới đây cho thấy thủ thuật này phát huy tác dụng cao nhất ở những người có thói quen chợp mắt vào buổi xế trưa.

Tuy nhiên với một số người, chỉ cần đi lùi, vẽ ra những thứ cần ghi nhớ, chạy bộ hoặc đơn giản là không làm gì cả thì trí nhớ đã được cải thiện rồi.