Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Nếu tâm bạn an lạc hạnh phúc thì ở nơi nào bạn cũng an lạc hạnh phúc

 

NẾU TÂM BẠN AN LẠC HẠNH PHÚC THÌ Ở NƠI NÀO BẠN CŨNG AN LẠC HẠNH PHÚC


Trước đây bạn chỉ biết đến hai từ "hạnh phúc", nhưng hãy biết đến Đạo và hiểu được Đạo bạn sẽ thấm thía sâu sắc hơn bốn từ "hạnh phúc thực sự". Nó chỉ thực sự có được khi bạn có một tâm hồn bình yên. Tức là biết đem tâm quay vào bên trong không cho nó lang thang bên ngoài nữa.

Con người ta đa phần nghĩ hạnh phúc là phải có thật nhiều, ôm lấy thật nhiều cái gì đó. Và ra sức, dồn hết năng lượng để đạt được, và cho rằng có được nó ta sẽ hạnh phúc. Nhưng điều đó tồn tại được bao lâu? Và rồi lại có một cái "muốn mới" đến, ta lại lao theo đuổi bắt, và nghĩ rằng nếu không bắt được thêm 1 cái này nữa, không sở hữu được nó ta sẽ không thể có hạnh phúc.

Cuộc đời chỉ biết đuổi theo hạnh phúc mà không hề nhận ra nó ở ngay bên cạnh ta mỗi ngày. Thiền sư Nhất Hạnh từng nói: “Chẳng có hạnh phúc ở cuối con đường, hạnh phúc chính là trên con đường, trên hành trình ta đang đi".

.

Dĩ nhiên để đạt được hạnh phúc miên trường là cả một quá trình dài tu tập, nhưng một khi đã có ý thức quay vào bên trong với hơi thở và bước chân chánh niệm, nhận diện ra được một chút ít những điều kiện của hạnh phúc thì ta đã có hạnh phúc rồi.

Hạnh phúc đơn giản là biết tận hưởng những hạnh phúc nhỏ bé đang có mặt. Thật vậy, người không có hạnh phúc là người không biết sống với những gì đang hiện hữu.

.

VẬY CÒN BÌNH YÊN?

Bình yên rất đơn giản, đôi khi chỉ là cả hai đi ngang qua nhau trao nhau một nụ cười, một ánh mắt đầy tình thương mến. Bình yên là đôi khi được bên nhau cầm trên tay tách trà nóng ở bếp than hồng giữa mùa đông lạnh giá. Hay bình yên là khi ta biết quay về sống với những gì ta đang có, không mưu cầu, không chạy đuổi theo những tham vọng bên ngoài nữa.

Ai đã từng trải qua đau thương sẽ thấu hiểu được con người khao khát có cuộc sống bình yên như thế nào. Bình yên thực sự là khi có một tâm hồn nhẹ nhàng, đầy sâu lắng, biết mỉm cười trước mọi khó khăn.

.

Khi ta có thể dung hòa được mọi thứ, thì gặp bất cứ điều gì dù như ý hay bất như ý ta cũng có thể mỉm cười chào đón nó. Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi thái độ, cách phản ứng của chúng ta trước hoàn cảnh để không bị hoàn cảnh chi phối tâm mình.

.

Thiền sư Ajahn Chah đã từng nói: “Nếu tâm bạn an lạc hạnh phúc thì ở nơi nào bạn cũng an lạc hạnh phúc. Nếu bạn cảm thấy không hài lòng ở một nơi, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng ở mọi nơi. Chẳng có nơi nào bên ngoài làm bạn khó chịu. Nơi khó chịu nằm bên trong bạn.”

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Bạn đang mắc phải chứng "lạm phát lối sống"?

 

BẠN ĐANG MẮC PHẢI CHỨNG "LẠM PHÁT LỐI SỐNG"?

.

"Lạm phát lối sống - Lifestyle Inflation". Khi có thêm tiền, bạn có xu hướng mua sắm nhiều hơn, mua sắm những thương hiệu đắt tiền hơn, ăn uống bên ngoài và đi chơi nhiều hơn – nói nôm na là phần thu tăng 1 thì phần chi tăng 10.

.

Một điều rất dễ thấy là khi thu nhập tăng thì chi tiêu sẽ tăng theo. Giải thích ở góc độ tâm lý, khi chúng ta đạt được một mức lương cao nghĩa là bạn đã phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, việc dùng tiền mình làm ra để thỏa mãn bản thân là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, lạm phát lối sống là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều người dù ở chức vị cao, có mức lương như mong muốn thế nhưng lại không tiết kiệm được nhiều tiền.

.

Thông thường thì tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng theo lạm phát, ngoài ra người lao động còn được tăng lương do thâm niên, do thăng tiến lên vị trí cao hơn, do đổi sang công ty khác…  Thế nhưng khoản lương được tăng không những không được tích luỹ mà còn biến mất một cách rất khó hiểu? Nó mất vì lạm phát lối sống.

.

Lạm phát lối sống nhiều lần khiến bạn lầm tưởng bản thân đang nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc đang chăm sóc bản thân tốt hơn. Trong suy nghĩ, làm phát lối sống thay đổi từ thái độ khi quyết định chi tiêu một thứ gì đó, bạn thường nói "tôi cần phải sở hữu nó" thay vì "tôi muốn sở hữu món đồ đó" như trước đó.

Nó bắt đầu từ việc bạn thay đổi những thói quen nhỏ nhất như là sử dụng thêm nước súc miệng thay vì chỉ kem đánh răng, chuyển từ nhãn hiệu kem đánh răng hàng Việt Nam chất lượng cao sang mua kem đánh răng nhập khẩu. Sau đó, nó dần tiến đến những món đồ to hơn, những khoản chi "nâng tay" hơn.

.

Xung quanh bạn là "cái bẫy" đẩy bạn vào lạm phát lối sống

Đánh vào tâm lý khách hàng, những bài review, quảng cáo luôn thu hút sự chú ý của bạn. Các doanh nghiệp chỉ cần chi một khoản tiền nhỏ chạy quảng cáo để đưa bạn vào cái bẫy chi tiêu. Chỉ với 1 thao tác tìm kiếm món đồ bạn cần, những thứ liên quan đến nó sẽ hiện hữu.

Các sàn thương mại điện tử cũng chọn ngày đẹp, giờ đẹp vào mỗi tháng để đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Việc mua sắm với bạn trở nên dễ dàng hơn khi bạn được miễn phí giao hàng, giao hàng trong 24h, chính sách đổi trả, ship cod,...

.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ trả góp 0% từ ngân hàng, ví điện tử cũng góp phần khuyến khích bạn chi tiền, chi tiền và.... chi tiền.

Việc bạn đốt tiền để đổi lấy sự thoải mái thường nhật sẽ khiến bạn dễ sa lầy vào chứng lạm phát lối sống. Hiện nay có hơn 70 - 80% số người bị mắc chứng này.

.

Ở tuổi 30, bạn cần đề ra những mục tiêu ổn định hơn, bắt đầu tính đến chuyện mua nhà, khởi nghiệp,... Thay vào đó, bạn lại không có đủ nguồn vốn cho những thứ này mà thay vào đó bạn lại sở hữu rất nhiều tiêu sản.

Bạn sẽ rất khó đến tránh được lối sống lạm phát nhưng hãy chuẩn bị sẵn tinh thần chiến đấu với nó, chủ động cân đối ngân sách cho hiện tại và tương lai.

.

Bạn có thể hưởng thụ nhưng đừng quá đà. Bởi vì việc nuông chiều bản thân chỉ cách chứng lạm phát lối sống một cái chớp mắt mà thôi.

.

Theo: Hạ Phong

Bạn mua nhiều hàng, mua nhiều giải trí, xem nhiều quảng cáo không?


 BẠN MUA NHIỀU HÀNG, MUA NHIỀU GIẢI TRÍ, XEM NHIỀU QUẢNG CÁO KHÔNG?

Nếp làm việc 8 tiếng một ngày được phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh vào thế kỉ 19, như một sự nghỉ ngơi cho công nhân nhà máy, những người mà khi đó đang trong trạng thái bị khai thác/ bóc lột để làm việc 14 hay 16 tiếng một ngày.

Khi công nghệ và các phương pháp được nâng cấp, người lao động ở tất cả các ngành có khả năng tạo ra nhiều giá trị hơn trong ít thời gian hơn. Hẳn bạn sẽ nghĩ điều này giúp ngày làm việc rút ngắn lại.

Nhưng ngày làm việc 8 tiếng vẫn sinh lời quá tốt cho doanh nghiệp lớn, chẳng phải vì lượng công việc được hoàn thành trong 8 tiếng (lượng thời gian hoàn thành công việc thực sự của một nhân viên văn phòng trung bình là dưới 3 tiếng trong khoảng 8 tiếng đó) mà là bởi nó tạo ra bộ phận công chúng vui-vẻ-nhờ-mua-sắm.

Giữ cho thời gian rảnh hiếm hoi có nghĩa rằng người ta chi nhiều hơn cho tiện lợi, sự hài lòng, và bất kì thứ gì đem lại cảm giác nhẹ nhõm trong khả năng của họ. Nó giữ họ tiếp tục xem truyền hình, cùng các quảng cáo. Nó đảm bảo khi ở ngoài công việc, họ không có tham vọng.

Chúng ta đã được dẫn dắt vào một nền văn hóa được sắp đặt để rồi sẽ mệt mỏi, thèm khát sự nuông chiều, sẵn lòng trả thật nhiều tiền cho sự tiện lợi và giải trí, và quan trọng nhất, bất mãn một cách mơ hồ với cuộc sống để mà tiếp tục mong cầu những thứ mình không có. Chúng ta mua thật nhiều vì lúc nào cũng cảm thấy vẫn còn thiếu cái gì đó.

Các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã được xây dựng nên trong một cách thức được tính toán kĩ lưỡng dựa trên khái niệm ban thưởng, thói nghiện, và chi tiêu không cần thiết. Chúng ta tiêu tiền để mua vui, để ăn mừng, để sửa chữa các vấn đề, để nâng cao vị thế, và để làm vơi bớt sự nhàm chán.

Bạn có tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả người dân dừng mua tất cả những món thừa thãi, chẳng có giá trị lâu dài trong cuộc sống không? Nền kinh tế sẽ sụp đổ và không bao giờ hồi phục lại.


Tất cả những vấn đề nổi cộm tại Mỹ, bao gồm thừa cân béo phì, trầm cảm, ô nhiễm và tham nhũng là hệ quả từ việc tạo ra và duy trì nền kinh tế hàng tỷ đô la. Để nền kinh tế “khỏe mạnh”, nước Mỹ cần duy trì trạng thái không lành mạnh. Những người khỏe mạnh, hạnh phúc thì không nhiều khi thấy cần những thứ họ không có, và vì thế họ chẳng mua thêm lắm rác, không cần được giải trí nhiều đến thế, và thế nên cũng không xem nhiều quảng cáo.

Văn hóa ngày làm việc 8 tiếng là công cụ mạnh nhất của doanh nghiệp lớn trong việc giữ con người ở nguyên trong trạng thái không thỏa mãn. Ở trạng thái này, cách giải quyết vấn đề là đi mua cái gì đó.

Bạn có lẽ đã nghe đến “Luật Parkinson”, có liên quan đến việc sử dụng thì giờ: bạn được giao càng nhiều thời gian để làm việc gì, thì bạn sẽ càng tiêu tốn thời gian để làm. Sẽ thật bất ngờ về khối lượng công việc bạn có thể hoàn thành trong 20 phút nếu bạn được cho 20 phút mà thôi. Nhưng nếu bạn có cả buổi chiều, khả năng sẽ tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành.

Đối với tiền bạc, phần lớn chúng ta hành xử tương tự. Chúng ta càng kiếm được nhiều thì tiêu càng nhiều. Không phải thu nhập tăng kéo theo việc chúng ta tự dưng cần nhiều hơn, mà đơn giản chúng ta làm vì chúng ta có thể.

Tôi không nghĩ bỏ chạy khỏi cả hệ thống xấu xí và đi vào rừng sống, vờ câm điếc là cần thiết. Nhưng rõ ràng chúng ta có thể làm tốt hơn khi hiểu rõ về cái mà thương mại muốn chúng ta trở thành. Họ đã làm việc trong hàng thập kỷ để tạo ra hàng triệu khách hàng lý tưởng, và đã thành công. Trừ khi bạn là một dị nhân đích thực, còn không, lối sống của bạn thực ra đã được định sẵn rồi.

Một khách hàng hoàn hảo là người tuy không thỏa mãn, nhưng sống với với hi vọng, không có hứng thú trong việc phát triển bản thân một cách nghiêm túc, gắn chặt với màn hình vô tuyến, làm việc toàn thời gian, kiếm tiền khá tốt, đắm chìm trong thời gian rảnh và bằng cách nào đó xoay sở được để đủ sống.

Đó có phải là bạn không? Tôi đã có thể trả lời là không một cách hùng hồn, rằng đấy không phải tôi, đó có lẽ là một suy nghĩ viển vông chăng.

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Cuộc đời vốn dĩ không bất công, chẳng qua là bạn chưa hiểu luật chơi thôi

 

CUỘC ĐỜI VỐN DĨ KHÔNG BẤT CÔNG, CHẲNG QUA LÀ BẠN CHƯA HIỂU LUẬT CHƠI THÔI

Cuộc đời giống như một trò chơi. Nếu muốn trở thành người thắng cuộc, bạn phải nắm trong tay những quy tắc chính của trò chơi này. Bằng không, bạn sẽ mãi cảm thấy cuộc đời này bất công với bạn mà thôi.
Từ trước đến nay, mọi người thường quan niệm: cuộc sống vốn dĩ không công bằng và tự an ủi bản thân rằng phải tập quen dần với điều đó. Cũng đúng là thế thật, chúng ta phải từng ngày vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống. Vậy nên, mọi người thường dễ cảm thấy cuộc đời này bất công.
.
Sự thật là, cuộc đời giống như một trò chơi, nhưng có mức độ phức tạp hơn. Người chơi sẽ cần đọc kỹ và hiểu đúng những quy tắc đã có trước khi bắt đầu vào cuộc chơi. Tác giả của bài viết này, ông Oliver Emberton – một cây bút nổi tiếng đồng thời còn là một nghệ sĩ đa tài – đã soạn ra 3 quy tắc chính của trò chơi mang tên “cuộc đời” này.
.
1. Quy tắc 1: Đời về căn bản là ganh đua
Bạn đang có một công việc ổn định tại công ty? Ngoài kia, không ít người đang cố dìm chết công ty của bạn. Bạn rất yêu mến công việc đó? Thời đại công nghệ lên ngôi, chẳng ai chắc rằng bạn sẽ không bị thay thế bởi lập trình máy tính cả? Chức vụ đó là vị trí bạn hằng mong ước? Hàng chục người khác cũng muốn như bạn và còn đang lên kế hoạch hành động trước cả bạn.     
.
Dù không muốn nhưng mọi người phải thừa nhận rằng, tất cả chúng ta đều đang trong một cuộc tranh đua quyết liệt. Đó có thể là sự cạnh tranh từ bất cứ thứ gì – bạn bơi được xa hơn, nhảy đẹp hơn hoặc được nhiều thứ hơn.
“Chỉ cần cố gắng hết sức là được”, “Đối thủ lớn nhất của bạn là chính bạn”, đừng nghĩ những lời động viên thường nghe này là để xoa dịu bạn khỏi áp lực và căng thẳng. Thực chất, chúng có tác dụng ngược lại, nghĩa là thúc ép chúng ta cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa. Nếu sống mà không cần phải ganh đua, chúng ta đã được khuyên nên bỏ cuộc ngay từ đầu.
.
Thế nên, đừng bao giờ tự tin nói rằng, mình chẳng cần đến cạnh tranh để có thể sống như ngày hôm nay. Bạn vẫn đang cố gắng học tốt để đạt điểm số cao, bạn vẫn đang mải miết làm việc để có thêm thu nhập hoặc bạn vẫn đang tìm cách tạo ấn tượng với người bạn thầm thích đó thôi.
Nếu vẫn nghĩ đây không phải ganh đua, thì đơn giản là bạn đã bị loại khỏi cuộc chơi này rồi. Mọi nhu cầu của con người đều sẽ khởi động “đường đua”. Và chiến thắng sẽ chỉ dành cho những ai thực sự chiến đấu vì nó.
.
2. Quy tắc 2: Người ta đánh giá bạn qua những thứ bạn làm được, không phải những thứ bạn nghĩ
Xã hội này thường đánh giá con người dựa trên những gì họ có thể làm cho người khác. Bạn vừa cứu một đứa trẻ khỏi đám cháy, sơ cứu người bị tai biến hay đơn giản là có thể gây tiếng cười, mọi hành động của bạn sẽ được người khác “định giá” ngay lúc đó.
Bạn tốt tính như thế nào, tài cán đến đâu, đam mê dữ dội ra sao, xã hội này không quan tâm. Điều họ quan tâm là bạn sẽ làm được gì cho thế giới. Thủ khoa tốt nghiệp Đại học nhưng lại thất nghiệp, thì cũng bằng không.
Mà cho dù chúng ta có làm tốt cỡ nào, ta cũng sẽ bị người đời soi mói và nhìn bằng góc nhìn phiến diện. Một nhân viên gác cổng cần mẫn sẽ chẳng được tung hô như một nhà đầu tư chứng khoán thành đạt. Một nhà nghiên cứu ung thư sẽ ít được quan tâm hơn dàn siêu mẫu chân dài. Vì sao vậy? Đó là bởi vì những tài năng đó là quý hiếm và được đón nhận bởi nhiều người hơn.
.
Cứu một mạng người, bạn là anh hùng khu phố, nhưng chữa được bệnh ung thư, tên bạn đi vào huyền thoại. Viết một quyển sách cực hay nhưng không xuất bản, bạn chẳng là ai trên cõi đời này, nhưng nếu bạn là tác giả tiểu thuyết “Harry Potter”, cả thế giới đều phải ngưỡng mộ bạn.

Có thể bạn sẽ không thích nghe điều này: Bạn sẽ được đánh giá dựa trên những gì bạn có khả năng làm được và số lượng người được hưởng lợi từ điều bạn làm. Nếu không chịu chấp nhận sự thật đắng ngắt này, lúc nào bạn cũng thấy thế giới bất công với mình.
.
3. Quy tắc 3: Khái niệm công bằng của mỗi người liên quan mật thiết đến lợi ích cá nhân
Con người thích đặt ra những chuẩn mực đạo đức. Đó chính là lý do chúng ta cần trọng tài trong thi đấu hay thẩm phán trong tòa án. Chúng ta luôn phân định rõ đúng – sai trong mọi tình huống, và hy vọng thế giới sẽ tuân theo. Cha mẹ và thầy cô cũng dạy chúng ta điều đó từ khi còn nhỏ. Họ dạy ta điều hay, lẽ phải và thấm nhuần tư tưởng: cứ ngoan là sẽ có thưởng.
Nhưng trò chơi cuộc đời này đâu dễ dàng gì. Bạn học như điên, nhưng vẫn thi trượt. Bạn làm việc miệt mài, nhưng người khác lại được thưởng. Bạn yêu người ấy đến dại khờ, nhưng thứ bạn nhận lại là những cử chỉ lạnh lùng của đối phương.
.
Vấn đề ở đây không phải là cuộc đời này bất công với bạn, mà là do tự bạn đã hiểu sai về khái niệm “công bằng”.
Khi bạn yêu đơn phương ai đó, bạn xem họ là mẫu người hoàn hảo. Họ có đầy đủ những đức tính bạn mong chờ mà người khác không có. Tương tự khi ai đó thích bạn, tuy bạn không quá xinh đẹp hay xuất sắc, người ta vẫn ưu ái bạn, bởi vì bạn đem lại cho họ cảm giác “hoàn thiện”.
Cách bạn ghét những người xung quanh cũng thế thôi, đặc biệt là những đối tượng quyền lực điển hình. Bạn ghét sự nghiêm khắc của sếp, ghét thầy cô vì bạn hay bị la rầy. Việc bạn thích hay ghét ai đó sẽ phụ thuộc vào việc người đó có đem đến những gì bạn muốn hay không.
.
Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật nghẹt thở và bất công với những điều luật đầy bó buộc từ họ. Nhưng việc gì cũng có 2 mặt, họ cũng chỉ đang làm tốt bổn phận của mình mà thôi. Thầy giáo tỏ ra hung dữ để bạn sợ và chú tâm học hành, sếp uy nghiêm để giữ kỷ cương công ty. Nếu họ không làm đúng trọng trách, họ biết sẽ xảy ra hậu quả gì. Mỗi người đều có những sự ưu tiên khác nhau, vậy nên, “khổ trước sướng sau” là tốt nhất.
.
4. Tại sao cuộc sống không công bằng?
Đó là bởi vì chúng ta không định nghĩa đúng khái niệm về sự công bằng. Chúng ta đang phủ lên sự công bằng một tấm áo choàng gắn đầy những suy nghĩ mơ mộng: “Ước gì mình được như họ”.
Thử tưởng tượng nếu tồn tại thế giới mà ai cũng được đối xử “công bằng” như họ mong muốn, thì cái thế giới đó sẽ loạn đến mức nào? Không ai dám yêu đương ai vì sợ làm tổn thương những trái tim yếu đuối. Trường học, công ty sẽ chẳng đi lên vì toàn những thành phần vô kỷ luật.

Hầu hết chúng ta đều dành quá nhiều thời gian vẽ nên cuộc sống lý tưởng trong mơ, đến nỗi chẳng màng đến thế giới thực xung quanh đang chuyển biến thế nào. Vì vậy, ngừng than vãn và đối mặt với thực tế mới chính là chìa khóa mở tung sự hiểu biết về thế giới cũng như mọi tiềm năng ẩn sâu bên trong bạn.

Theo CafeF