Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Suy tư của Nguyễn Du về tình yêu

 Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. (Tranh Của Lê Lam)

SUY TƯ CỦA NGUYỄN DU VỀ TÌNH YÊU

 

Dõi theo những bước tiến triển của mối tình Kim-Kiều, ta chắc chắn sẽ gặp được những suy tư của Nguyễn Du về tình yêu.

 

Trước hết, về mọi phương diện phải công nhận rằng hai bên Kim Kiều đã rất xứng đôi vừa lứa. Tài ngang nhau, sắc ngang nhau, gia thế xấp xỉ như nhau, cả hai thẳng thắng vô tư đối diện: điều kiện bình đẳng đã trọn vẹn. Thế rồi hai bên ngẫu nhiên gặp gỡ. Sự lựa chọn hoàn tất trong một không khí tự do không ràng buộc hoàn cảnh, không ảnh hưởng tinh thần…

 

Người ta có thể nghĩ rằng Kim Trọng đã lưỡng lự khi nhận thấy:

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai…

nhưng trong khoảng thời gian từ lúc:

Khách đà xuống ngựa…

đến lúc:

… tới nơi tự tình.

Nhưng trong thời hạn tâm lý giữa hai vần thơ liên tiếp:

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai,
Người quốc sắc, kẻ thiên tài…thì Kim đã phải thôi do dự, Kim đã chọn, Kim đã yêu. Bởi Kiều cũng đã chọn, và Kiều cũng đã yêu. Cả ba điều kiện tất yếu Nguyễn Du đề ra thật đã hiện diện đầy đủ trong bước đầu Kim Kiều chập chững đi vào tình yêu. 

 

Tình yêu nở hoa trong yên lặng, trong tự do, trong sự đồng tình, giữa đôi lứa xứng đôi:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê…

Chiều đã xuống tự lâu, có thể đêm đã bảng lảng bắt đầu. Nhưng trời đất chợt rung động trước mối tình vừa bén:

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…

*

Bước đầu chập chững đã qua. “Tiếng sét ái tình” giờ đây chỉ còn lại dư âm. Người trong cuộc có thể nhớ nhung canh cánh bên lòng, “nhớ cảnh, nhớ người”, “nhớ nơi kỳ ngộ” lại cũng có thể thẫn thờ ngắm một ngọn hải đường lả ngọn, lặng nghe những giọt sương đêm gieo nặng ngoài trời, gieo nặng trong lòng bề bộn, thẫn thờ tự hỏi:

Người đâu gặp gỡ làm chi…

 

Nhưng nếu người trong cuộc không có cơ hội gặp nhau, gần nhau, hiểu nhau, nếu bước đầu tình yêu bồng bột không được tiếp nối bởi những bước xây dựng tiếp theo, kết tinh qua một thời gian thử lửa thì… tình yêu mặc dầu có nở hoa, hoa tình yêu rồi ra cũng phải thui chột. Một tâm hồn đa tình như Nguyễn tất phải biết đến điều đó cho nên liền ngay cuộc gặp gỡ ngày hội Đạp thanh – giai đoạn thứ nhất – sẽ liên tiếp là 4 lần gặp gỡ.

 

Bốn lần gặp gỡ này hợp thành giai đoạn thứ hai của tình yêu tiến triển, giai đoạn đôi bên xây dựng tình yêu, giai đoạn của tình yêu kết tinh.

- Lần thứ nhất là lần gắn bó: hai bên đối thoại, nói lên với nhau hai chữ yêu nhau:

Rằng trăm năm cũng từ đây…

- Lần thứ nhì gây cơ hội phô tài để hai bên đi sâu vào sự hiểu nhau. Chàng Kim có dịp phô tài hội hoạ, Thuý Kiều cũng nhân dịp đáp lại, đã để cho người yêu chính mắt nhìn thấy mà thầm phục cái tài “nhả ngọc phun châu” của mình:

Tay tiên gió táp mưa sa…

Cũng trong lần này, Kim Trọng lại còn hiểu thêm người yêu trong tận cùng tiềm thức: Kim biết Kiều luôn luôn bị ám ảnh bởi một mặc cảm: mặc cảm đoạn trường:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay…

 

- Lần thứ ba là lần thử lửa: người trong cuộc sẽ cùng nhau cảm thông trọn vẹn. Lúc bấy giờ đêm đã vào khuya, trăng xế đầu cành, thư phòng vắng vẻ, Kim Kiều đối diện. Bản đàn Bạc mệnh vừa buông tiếng cuối cùng: dư âm còn ngân vang, còn đọng lại nơi đầu mày cuối mắt của cả người gẩy đàn lẫn kẻ nghe đàn: 

 

Hoa hương càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu…

Và cả hai bên đều cảm thấy xiêu xiêu đến rợn người trước cơn lốc thu hút của vực sa ngã, lòng vực đen thẳm sẽ là nấm mồ của tình yêu, nếu người trong cuộc không kịp cầm lòng: họ đều biết rõ như vậy. Nhưng… trăng vẫn còn sáng, đêm vẫn còn khuya, men tình nồng nàn, men nhạc ngân lên đến tận ngọn núi Thần Châu, đến tận đỉnh hòn Vũ Giáp… cả hai muốn quên tất cả để lặng chuồi xuống dốc.

 

Nguyễn Du cũng cảm thấy chóng mặt. Nguyễn nhận thấy cần phải chấm dứt cuộc thử lửa. Nguyễn dằn lòng hạ bút:

… đừng lấy làm chơi!
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao…

Kiều vụt tỉnh và cố gắng cầm lòng, cố gắng dìu Kim Trọng để cả hai cùng cố gắng dìu nhau vượt qua miệng vực sa ngã.

Nhưng Định mệnh đã lảng vảng từ lâu, chăm chú rình mò. Và giữa lúc tình yêu vừa qua cơn thử lửa để thăng hoa tới tuyệt đỉnh thì Định mệnh phũ phàng lên tiếng:

Tin đâu đã gõ cửa ngăn gọi vào…

 

Cũng vì vậy mà lần gặp gỡ thứ tư là lần ly biệt: gặp gỡ ngắn ngủi nhưng ly biệt dài tới mười lăm năm.

Trích Nguyễn Du và tình yêu


Truyện Kiều với lãnh đạo nước Mỹ

 

TRUYỆN KIỀU VỚI LÃNH ĐẠO NƯỚC MỸ

Hiện tượng độc đáo trong văn hóa nước nhà là bắt đầu từ một cuốn truyện đã làm từ người bình dân cho tới trí thức đam mê đến nỗi đem ra áp dụng từng chi tiết vào cuộc sống hàng ngày và sáng tạo cho riêng mình. Truyện Kiều là một kiệt tác văn học đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua, được chuyển ngữ sang hơn 20 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Nga, Pháp, và Czech… với trên 35 bản dịch.

Đáng chú ý là sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân (1968), phía Mỹ có tìm thấy cuốn Truyện Kiều nhàu nát trong túi áo của một chiến sĩ giải phóng quân trẻ đã hi sinh. Tạp chí Washingtonian của Mỹ từng đăng bài viết 2 trang về Truyện Kiều với nhan đề: “Một tài liệu ly kỳ vừa bắt được tiết lộ tinh thần của địch”, kèm bức hình minh họa ảnh Tổng thống Jonhson, với lời chú thích: “Giá như Tổng thống Jonhson đã đọc Truyện Kiều thì chắc đã không phải lâm vào tình trạng rắc rối như ngày nay”.

Không rõ có phải vì lý do trên hay không mà sau đó nhiều lãnh đạo Mỹ đã đọc Kiều. Sau bao lần lỡ hẹn mối bang giao, phải đợi 25 năm sau ngày thống nhất đất nước, giữa thủ đô Hà Nội, Tổng thống Bill Clinton mới lẩy hai câu Kiều thật hợp cảnh hợp tình:

“Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” (*).

Hai câu không chỉ tả cảnh thiên nhiên mà còn chứa đựng cả nhân tình thế thái. Phải chăng ông Bill Clinton nhìn trời nhìn đất… rồi nghĩ đến sự xoay vần của tạo hóa, sen tàn thì tới lúc cúc nở hoa, hết chiến tranh thì lại hòa bình, mùa Xuân ấm áp ắt đẩy lùi mùa Đông lạnh lẽo…? Và gần đây thôi, Tổng thống Obama lại nhắc đến hoa sen trong lòng Hà Nội.

Có thể nói, trong Truyện Kiều, chữ “hoa” được Nguyễn Du tâm đắc nhất và được sử dụng với tần suất cao nhất, tới 130 lần. Có những tình huống, chỉ trong một câu, cụ dùng 3 lần: “Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa”. Tiết trời vần vụ từ Thu qua Đông đến Xuân và chính Tổng thống Bill Clinton là người tuyên bố bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.

Trong tiệc trưa chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Tổng thống Biden cũng vịnh Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời” (**) để kết thúc bài diễn văn mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.  Ông đề cập đến những bước tiến về việc khắc phục hậu quả chiến tranh, như việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích, xử lý bom mìn, xử lý đất nhiễm chất độc dioxin… Và, các độc giả mê Kiều đọc tiếp ngay sau hai câu trên là khẳng định của Nguyễn Du: 

“Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng già mà lại hơn mười Rằm xưa”.

Đầu ngõ sương đã tan, mây cuối trời rồi sẽ được vén lên để lộ ra tương lại tươi sáng của mối bang giao Việt - Mỹ.

Còn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, sáng 24/5/2016, Tổng thống Barack Obama đã nói: "Sau này khi người Mỹ - Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: 

“Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Lần giở lại Kiều, người đọc còn thấy trước hai câu này cụ Tiên Điền đã viết: 

“Đã lòng quân tử đa mang/ Một lời vàng tạc đá vàng thủy chung/ Được lời như cởi tấm lòng/Giờ kim hoàn với khăn hồng trao tay”.

Rằng trăm năm cũng từ đây… Thế nhưng, sau khi của tin đã trao nhau, lập tức lại đã có xôn xao tiếng người nên 

“Vội vàng lá rụng hoa rơi/ Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang”

Tuy nhiên, mối tình qua thử thách buồn đau vẫn vững bền là bởi: 

“Từ khi đá biết tuổi vàng/Tình càng thấm thiết, dạ càng ngẩn ngơ…”.

Các nhà ngoại giao Việt Nam thật tự hào vì có một hành trang là Truyện Kiều làm công cụ để giao tiếp với bạn bè thế giới và hơn thế còn biết rằng chính Nguyễn Du - danh nhân văn hóa của thế giới, đã từng là thành viên của phái bộ Việt Nam đi sứ sang Trung Quốc năm 1813. Hậu duệ của người chắc phải tự hỏi: “Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.

------------

(*) Hai câu trên được chuyển sang Anh ngữ: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth/Time softens grief, and the winter turns to spring”.

(**) Dịch sang Anh ngữ: “Thank heaven we are here today/To see the sun through parting fog and cloud”. Cả ông Bill Clinton và Joe Biden đều đã đọc những câu Kiều bằng tiếng Anh trích trong bản dịch Truyện Kiều - "The Tale of Kiều" của học giả Huỳnh Sanh Thông, do Đại học Yale ấn hành năm 1983. Ông Thông không phải là người Việt đầu tiên dịch Kiều sang Anh ngữ, nhưng bản dịch của ông được học giả quốc tế coi như một tuyệt tác đã chuyển tải khá đầy đủ ý tứ của đại thi hào Nguyễn Du.

Theo baoquocte.vn

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

Chàng trai trẻ và cô gái

 

CHÀNG TRAI TRẺ VÀ CÔ GÁI

.

Một chàng trai trẻ ở khu du lịch trông thấy một cô gái vừa xinh đẹp lại rất có khí chất, liền đi theo cô gái hết một đoạn đường rất dài. Cuối cùng cô gái này không chịu được nữa, liền quay người lại hỏi: “Sao anh cứ mãi đi theo tôi vậy?”.

 

 

Chàng trai bộc bạch rất chân thành: “Bởi em là người con gái xinh đẹp nhất, có khí chất nhất mà anh từng gặp, mong em hãy nhận lời làm bạn gái anh, có được không?”.

Cô gái trả lời: “Nếu anh nói tôi xinh đẹp, thế thì anh đã nhầm rồi, bây giờ chỉ cần anh quay đầu lại nhìn, sẽ thấy được cô bạn thân của tôi, cô ấy còn xinh đẹp hơn tôi nhiều!”.

.

Chàng trai đó nghe xong, lập tức quay đầu lại, nhưng nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ là những cô gái bình thường. “Sao em lại lừa anh chứ?”, anh chất vấn cô gái.

“Là anh đang dối gạt tôi mới phải! Nếu anh thật sự thích tôi, thì sao lại còn ngoảnh đầu lại ngắm nhìn người con gái khác?”. Cô gái nói xong, liền cất bước bỏ đi thật nhanh.

.

Bài học rút ra: Con người ta đều là ăn cơm trong bát, nhìn cơm trong nồi, có những lời thề thốt chỉ có thể nghe cho có mà thôi!