SỨC MẠNH ĐÁNG KINH NGẠC CỦA THÓI QUEN NHỎ
Số phận của British Cycling thay đổi vào một ngày năm 2003. Tổ chức này, vốn là cơ quan quản lý vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp ở Great Britain2, lúc ấy vừa mới thuê Dave Brailsford về làm giám đốc hiệu năng3. Vào lúc đó, các tay đua chuyên nghiệp ở Great Britain đã phải chịu đựng sự tầm thường gần một trăm năm. Từ năm 1908, các tay đua nước Anh chỉ giành được một huy chương vàng ở các kỳ Thế vận hội, và thậm chí thành tích của họ còn tệ hơn trong cuộc đua xe đạp lớn nhất hành tinh – Tour de France. Trong 110 năm, không có tay đua Anh nào thắng giải này.
Huấn luyện viên Brailsford được thuê về để đưa British Cycling vào quỹ đạo mới. Điều làm ông khác biệt với các huấn luyện viên khác là cam kết bền bỉ của ông với chiến lược mà ông gọi là “lợi ích cộng gộp”, vốn là triết lý tìm kiếm những cải thiện nhỏ trong mọi thứ bạn làm. Brailsford nói, “Toàn bộ nguyên lý đến từ ý tưởng rằng nếu bạn chia nhỏ mọi thứ bạn có thể nghĩ đến về việc chạy xe đạp, thì khi bạn cải thiện từng mẩu nhỏ ấy dù chỉ 1%, bạn sẽ nhận được sự gia tăng đáng kể khi bạn ghép mọi thứ trở lại với nhau.”
Brailsford và các huấn luyện viên của mình bắt đầu thi hành các điều chỉnh nhỏ mà bạn hẳn là mong đợi từ một đội đua xe đạp chuyên nghiệp. Họ thiết kế lại các yên xe sao cho dễ chịu hơn và bôi cồn vào lốp xe để bám dính tốt hơn. Họ yêu cầu các tay đua mặc loại quần đùi gia nhiệt bằng điện để duy trì nhiệt độ lý tưởng cho cơ bắp trong khi đạp xe …
Nhưng họ không dừng ở đấy. Brailsford và đội của ông còn tiếp tục tìm kiếm 1% cải thiện ở những khía cạnh đã bị coi nhẹ lẫn các khía cạnh không ai ngờ tới. Họ thử nhiều loại gel xoa bóp để xem loại nào giúp hồi phục cơ bắp nhanh nhất, họ tìm cách rửa tay tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bị cảm cúm. Họ chọn loại gối và nệm mang đến giấc ngủ ngon nhất …
Khi tất cả hàng trăm cải thiện nhỏ nhặt này tích tụ lại, kết quả ập đến nhanh hơn tưởng tượng của bất kỳ ai. Chỉ năm năm sau khi Brailsford nắm quyền, đội British Cycling chiếm lĩnh các hạng mục đua xe đạp đường trường và đua xe đạp trong nhà tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh, tại đó họ đã đạt thành tích đáng kinh ngạc là giành được 60% huy chương vàng của bộ môn. Bốn năm sau, khi Olympic đến London, người Anh đã nâng tầm bản thân bằng chín kỷ lục Olympic và bảy kỷ lục thế giới.
Cùng năm đó, Bradley Wiggins trở thành cua-rơ người Anh đầu tiên thắng giải Tour de France. Năm tiếp theo, đồng đội của anh Chris Froome cũng thắng cuộc đua, và anh ấy thắng tiếp các giải năm 2015, 2016, và 2017, giúp đội Anh đạt thành tích năm lần thắng giải Tour de France trong sáu năm.
Chỉ trong mười năm từ 2007 đến 2017, các tay đua nước Anh đã vô địch thế giới 178 lần và giành được sáu mươi sáu huy chương vàng Olympic, Paralympic, và năm lần quán quân Tour de France, trong một cuộc chạy đua thành công nhất của lịch sử đua xe đạp.
Điều này xảy ra như thế nào? Làm sao một đội tuyển có thành tích bình thường trước đây lại chuyển mình thành nhà vô địch thế giới chỉ nhờ những thay đổi nhỏ nhặt, mà trông thoáng qua có vẻ chỉ mang lại tối đa là một khác biệt khiêm tốn? Vì sao những cải thiện nhỏ tích lũy thành kết quả đáng kể, và làm sao để bạn có thể tái tạo lại phương pháp này trong cuộc sống của mình?
VÌ SAO THÓI QUEN NHỎ TẠO KHÁC BIỆT LỚN
Thật dễ cho ta đánh giá cao tầm quan trọng của một khoảnh khắc xác định nào đó và coi nhẹ giá trị của việc tạo ra các tiến bộ nhỏ hằng ngày. Rất thường khi, ta tự thuyết phục bản thân rằng thành công lớn cần phải có hành động lớn, chúng ta đều luôn ép buộc bản thân phải tạo ra một cải tiến kinh thiên động địa khiến ai cũng nhớ tới.
Trong khi đó, cải thiện 1% lại chẳng đáng kể – đôi khi nó còn chẳng được nhận thấy – nhưng nó có thể vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là về lâu về dài. Khác biệt mà một tiến bộ nho nhỏ có thể tạo ra theo thời gian là rất đáng nể.
Đây là cách bài toán được tính: Nếu bạn có thể đạt được 1% tốt hơn vào mỗi ngày trong vòng một năm, bạn sẽ đạt được kết cuộc tốt hơn ba mươi bảy lần khi hoàn thành. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn tệ đi 1% thì trong một vòng một năm bạn sẽ suy giảm xuống gần như bằng không.
Thứ mới đầu là một chiến thắng nho nhỏ hay một trở ngại vụn vặt sẽ tích tụ thành cái gì đó lớn hơn. Thường thì những chiến thắng nho nhỏ khó được đánh giá cao trong đời sống thường nhật.
Chúng ta thường bỏ phí các thay đổi nhỏ bởi trông chúng chẳng có giá trị mấy tại thời điểm đó. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ, bạn vẫn chưa thành triệu phú ngay được. Nếu bạn đến phòng tập gym ba ngày liên tiếp, bạn chưa thể lập tức thon thả. Nếu bạn học ngoại ngữ mấy giờ liền tối nay, bạn cũng chưa thể thành thạo một ngôn ngữ. Chúng ta thay đổi một ít, nhưng kết quả dường như không bao giờ đến ngay, nếu dừng lại ta liền trượt trở lại nếp cũ. Không may là, tốc độ chuyển biến chậm lại là điều kiện thuận lợi cho thói quen xấu trượt dài.
Khi chúng ta lặp lại 1% sai sót, ngày qua ngày, bằng cách lặp lại các quyết định tệ hại, nhân bản các sai lầm vụn vặt, và hợp lý hóa những cái cớ nhỏ nhặt, thì các lựa chọn độc hại sẽ ghép lại thành kết cuộc độc hại. Đó là quá trình tích lũy rất nhiều bước đi sai lầm – 1% sụt giảm đây đó – cuối cùng dẫn đến một rắc rối to.
Một thay đổi nhỏ trong thói quen thường ngày có thể hướng cuộc đời bạn đến một điểm hạ cánh rất khác. Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày – không phải của một cuộc biến hình một-lần-trong-đời.
Kết quả của bạn chính là thước đo chậm cho các thói quen của bạn. Giá trị ròng của bạn chính là thước đo chậm của các thói quen tài chính. Cân nặng của bạn là thước đo chậm của thói quen ăn uống. Kiến thức của bạn là thước đo chậm của thói quen học hỏi… Bạn nhận được từ chính những hành động lặp đi lặp lại của mình.
Thói quen chính là con dao hai lưỡi. Thói quen xấu có thể bào mòn bạn bao nhiêu thì thói quen tốt có thể bồi đắp bạn lên bấy nhiêu, điều này là lý do vì sao việc hiểu cặn kẽ chi tiết là điểm mấu chốt. Bạn cần hiểu được cách thức thói quen hoạt động và làm thế nào thiết kế chúng theo cách bạn ưa thích, để tránh nửa nguy hiểm kia của lưỡi dao.