Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

Sức Mạnh Đáng Kinh Ngạc Của Thói Quen Nhỏ

 

SỨC MẠNH ĐÁNG KINH NGẠC CỦA THÓI QUEN NHỎ

Số phận của British Cycling thay đổi vào một ngày năm 2003. Tổ chức này, vốn là cơ quan quản lý vận động viên đua xe đạp chuyên nghiệp ở Great Britain2, lúc ấy vừa mới thuê Dave Brailsford về làm giám đốc hiệu năng3. Vào lúc đó, các tay đua chuyên nghiệp ở Great Britain đã phải chịu đựng sự tầm thường gần một trăm năm. Từ năm 1908, các tay đua nước Anh chỉ giành được một huy chương vàng ở các kỳ Thế vận hội, và thậm chí thành tích của họ còn tệ hơn trong cuộc đua xe đạp lớn nhất hành tinh – Tour de France. Trong 110 năm, không có tay đua Anh nào thắng giải này.

Huấn luyện viên Brailsford được thuê về để đưa British Cycling vào quỹ đạo mới. Điều làm ông khác biệt với các huấn luyện viên khác là cam kết bền bỉ của ông với chiến lược mà ông gọi là “lợi ích cộng gộp”, vốn là triết lý tìm kiếm những cải thiện nhỏ trong mọi thứ bạn làm. Brailsford nói, “Toàn bộ nguyên lý đến từ ý tưởng rằng nếu bạn chia nhỏ mọi thứ bạn có thể nghĩ đến về việc chạy xe đạp, thì khi bạn cải thiện từng mẩu nhỏ ấy dù chỉ 1%, bạn sẽ nhận được sự gia tăng đáng kể khi bạn ghép mọi thứ trở lại với nhau.”

Brailsford và các huấn luyện viên của mình bắt đầu thi hành các điều chỉnh nhỏ mà bạn hẳn là mong đợi từ một đội đua xe đạp chuyên nghiệp. Họ thiết kế lại các yên xe sao cho dễ chịu hơn và bôi cồn vào lốp xe để bám dính tốt hơn. Họ yêu cầu các tay đua mặc loại quần đùi gia nhiệt bằng điện để duy trì nhiệt độ lý tưởng cho cơ bắp trong khi đạp xe …

Nhưng họ không dừng ở đấy. Brailsford và đội của ông còn tiếp tục tìm kiếm 1% cải thiện ở những khía cạnh đã bị coi nhẹ lẫn các khía cạnh không ai ngờ tới. Họ thử nhiều loại gel xoa bóp để xem loại nào giúp hồi phục cơ bắp nhanh nhất, họ tìm cách rửa tay tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ bị cảm cúm. Họ chọn loại gối và nệm mang đến giấc ngủ ngon nhất …

Khi tất cả hàng trăm cải thiện nhỏ nhặt này tích tụ lại, kết quả ập đến nhanh hơn tưởng tượng của bất kỳ ai. Chỉ năm năm sau khi Brailsford nắm quyền, đội British Cycling chiếm lĩnh các hạng mục đua xe đạp đường trường và đua xe đạp trong nhà tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh, tại đó họ đã đạt thành tích đáng kinh ngạc là giành được 60% huy chương vàng của bộ môn. Bốn năm sau, khi Olympic đến London, người Anh đã nâng tầm bản thân bằng chín kỷ lục Olympic và bảy kỷ lục thế giới.

Cùng năm đó, Bradley Wiggins trở thành cua-rơ người Anh đầu tiên thắng giải Tour de France. Năm tiếp theo, đồng đội của anh Chris Froome cũng thắng cuộc đua, và anh ấy thắng tiếp các giải năm 2015, 2016, và 2017, giúp đội Anh đạt thành tích năm lần thắng giải Tour de France trong sáu năm.

Chỉ trong mười năm từ 2007 đến 2017, các tay đua nước Anh đã vô địch thế giới 178 lần và giành được sáu mươi sáu huy chương vàng Olympic, Paralympic, và năm lần quán quân Tour de France, trong một cuộc chạy đua thành công nhất của lịch sử đua xe đạp.

Điều này xảy ra như thế nào? Làm sao một đội tuyển có thành tích bình thường trước đây lại chuyển mình thành nhà vô địch thế giới chỉ nhờ những thay đổi nhỏ nhặt, mà trông thoáng qua có vẻ chỉ mang lại tối đa là một khác biệt khiêm tốn? Vì sao những cải thiện nhỏ tích lũy thành kết quả đáng kể, và làm sao để bạn có thể tái tạo lại phương pháp này trong cuộc sống của mình?

VÌ SAO THÓI QUEN NHỎ TẠO KHÁC BIỆT LỚN

Thật dễ cho ta đánh giá cao tầm quan trọng của một khoảnh khắc xác định nào đó và coi nhẹ giá trị của việc tạo ra các tiến bộ nhỏ hằng ngày. Rất thường khi, ta tự thuyết phục bản thân rằng thành công lớn cần phải có hành động lớn, chúng ta đều luôn ép buộc bản thân phải tạo ra một cải tiến kinh thiên động địa khiến ai cũng nhớ tới.

Trong khi đó, cải thiện 1% lại chẳng đáng kể – đôi khi nó còn chẳng được nhận thấy – nhưng nó có thể vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là về lâu về dài. Khác biệt mà một tiến bộ nho nhỏ có thể tạo ra theo thời gian là rất đáng nể.

Đây là cách bài toán được tính: Nếu bạn có thể đạt được 1% tốt hơn vào mỗi ngày trong vòng một năm, bạn sẽ đạt được kết cuộc tốt hơn ba mươi bảy lần khi hoàn thành. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn tệ đi 1% thì trong một vòng một năm bạn sẽ suy giảm xuống gần như bằng không.

Thứ mới đầu là một chiến thắng nho nhỏ hay một trở ngại vụn vặt sẽ tích tụ thành cái gì đó lớn hơn. Thường thì những chiến thắng nho nhỏ khó được đánh giá cao trong đời sống thường nhật.

Chúng ta thường bỏ phí các thay đổi nhỏ bởi trông chúng chẳng có giá trị mấy tại thời điểm đó. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm ngay bây giờ, bạn vẫn chưa thành triệu phú ngay được. Nếu bạn đến phòng tập gym ba ngày liên tiếp, bạn chưa thể lập tức thon thả. Nếu bạn học ngoại ngữ mấy giờ liền tối nay, bạn cũng chưa thể thành thạo một ngôn ngữ. Chúng ta thay đổi một ít, nhưng kết quả dường như không bao giờ đến ngay, nếu dừng lại ta liền trượt trở lại nếp cũ. Không may là, tốc độ chuyển biến chậm lại là điều kiện thuận lợi cho thói quen xấu trượt dài.

Khi chúng ta lặp lại 1% sai sót, ngày qua ngày, bằng cách lặp lại các quyết định tệ hại, nhân bản các sai lầm vụn vặt, và hợp lý hóa những cái cớ nhỏ nhặt, thì các lựa chọn độc hại sẽ ghép lại thành kết cuộc độc hại. Đó là quá trình tích lũy rất nhiều bước đi sai lầm – 1% sụt giảm đây đó – cuối cùng dẫn đến một rắc rối to.

Một thay đổi nhỏ trong thói quen thường ngày có thể hướng cuộc đời bạn đến một điểm hạ cánh rất khác. Thành công là sản phẩm của thói quen hằng ngày – không phải của một cuộc biến hình một-lần-trong-đời.

Kết quả của bạn chính là thước đo chậm cho các thói quen của bạn. Giá trị ròng của bạn chính là thước đo chậm của các thói quen tài chính. Cân nặng của bạn là thước đo chậm của thói quen ăn uống. Kiến thức của bạn là thước đo chậm của thói quen học hỏi… Bạn nhận được từ chính những hành động lặp đi lặp lại của mình.

Thói quen chính là con dao hai lưỡi. Thói quen xấu có thể bào mòn bạn bao nhiêu thì thói quen tốt có thể bồi đắp bạn lên bấy nhiêu, điều này là lý do vì sao việc hiểu cặn kẽ chi tiết là điểm mấu chốt. Bạn cần hiểu được cách thức thói quen hoạt động và làm thế nào thiết kế chúng theo cách bạn ưa thích, để tránh nửa nguy hiểm kia của lưỡi dao.

 

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan

 

VIỆT NAM – NHÀ GIÀU VÀ NHỮNG ĐỨA CON CHƯA NGOAN

Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa…Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn.

Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy.

Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong 5 năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi ?

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.

Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi…Vì đâu nên nỗi?

Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?

Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?

Riki

 

 

Làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết ‘đâu là mình’?

LÀM SAO “HÃY LÀ CHÍNH MÌNH” KHI CHƯA BIẾT ‘ĐÂU LÀ MÌNH’?

“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người tự do thì khác với con người nô lệ; công dân thì khác với thần dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn.

Với chủ đề lớn lao mà không kém phần quen thuộc như vậy, cuốn sách “Đúng Việc” của nhà giáo Giản Tư Trung sẽ cùng bạn đọc bàn luận về vai trò của từng người và mọi người trong xã hội.

“Đúng Việc” được chia làm bốn phần: Làm người, làm dân, làm việc & làm giáo dục.

Có thể khẳng định rằng, chủ đề “đúng việc” này là một chủ đề khó và bao quát gần như toàn bộ xã hội loài người. Cuốn sách của Giản Tư Trung như một cuốn sách giáo khoa về những điều tưởng chừng hiển nhiên (làm người là làm gì?), vẽ ra cho độc giả một cuộc hành trình khai minh bản thân (hay “tự lực khai hóa” như cách nói của Phan Châu Trinh) tưởng dễ mà lại đòi hỏi bao nhiêu thời gian lẫn nỗ lực mới có thể thành công.

Tìm hiểu bản thân mình không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà xong được. Có người sống cả đời cũng không biết mình là ai, mình muốn gì hay như thế nào là đúng, là sai cũng phải khó khăn phân biệt, để rồi than thở, tự vấn không rõ mình đã sai ở đâu. Do đó, tìm ra đạo sống của mình sẽ là kim chỉ nam cho cuộc hành trình làm người, làm dân và làm việc trong tương lai. Làm người là nền tảng cho mọi “công việc” khác con người phải đảm nhiệm. Một khi đã thực hiện tốt phần làm người thì con người sẽ có cơ sở lựa chọn, hoàn thiện những việc khác sao cho không hổ thẹn với chính mình.

Về phương diện làm việc, cách con người làm người sẽ phản ánh thái độ của họ trong công việc thông qua “đạo nghề”. Một người làm giáo viên vì yêu con người, yêu sự phát triển mỗi ngày của trẻ có xu hướng yêu công việc của mình hơn, được học sinh yêu quý hơn một giáo viên đi làm chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác. Nói cách khác, “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc.

Ngoài ra, “đạo sống” còn đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. “đạo sống” là minh chứng cho việc con người hiểu rõ chính mình và môi trường xung quanh. Do đó, để làm “đúng việc”, các chủ thể giáo dục (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học) cũng phải hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền lợi vốn có và trả lại quyền cho các chủ thể khác. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất cứ quá trình đổi mới hệ thống giáo dục nào.  

Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó.

Đằng này, ta lại nỗ lực đi ‘chọn nghề’ trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về ‘chọn đời’, ‘chọn người’, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải ‘chọn nghề’ trước rồi mới ‘chọn trường’ sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là ‘ngon’ để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…

------------

Nhà giáo Giản Tư Trung

Chủ tịch sáng lập Học Viện Quản Lý PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Người khởi xướng việc xây dựng 3 tủ sách: “Tủ sách Doanh trí” (dành cho doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho giáo giới), và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho đại chúng). “Đúng Việc” là cuốn sách nổi tiếng của ông, được xuất bản năm 2015. Với hơn 150 ngàn bản đã được bán ra sau hơn ba năm ra mắt.