Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Càng trưởng thành thì tình yêu càng trở nên bình dị

 

CÀNG TRƯỞNG THÀNH THÌ TÌNH YÊU CÀNG TRỞ NÊN BÌNH DỊ

Tình yêu của người trưởng thành thường hướng xa hơn, chứ không còn dừng lại ở mức chỉ cần cảm thấy thích thì được còn tương lai thì tính sau. Có lẽ họ biết họ không còn quá dư thời gian để yêu.

Tình yêu là một khái niệm ta không thể nào định nghĩa một cách chính xác. Ta càng không thể áp đặt tình yêu của ai đó phải giống mình, vì có lẽ tình yêu luôn được hình thành theo cảm nhận của mỗi người. Có lẽ thế, nên mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu chẳng giống nhau.

Có thể là một tình yêu đầy xa hoa của những cặp đôi sang chảnh, hay tình yêu đầy nồng nhiệt của lứa tuổi vừa chập chững vào yêu, cũng có thể là tình yêu để thể hiện mình đã “lớn” của những cô cậu mới lớn đã thích hơn người. Tất cả đều được họ gọi là tình yêu!

Nhưng riêng những người đã từng trải qua những chông chênh trên đường tình, đã thấy được những giả dối lọc lừa, đã ngán ngẩm cái tình yêu vội vã yêu rồi vội vã rời thì tình yêu giản dị hơn hẳn. Có lẽ khi càng trưởng thành thì tình yêu càng trở nên bình dị, vì đã qua rồi cái thời yêu cuồng sống vội của cái tuổi trẻ ngang bướng và cố chấp.

Khi trưởng thành rồi ta chỉ muốn bên cạnh người ta cảm thấy an toàn và tin tưởng. Ta không còn đưa ra hàng trăm tiêu chí để lựa chọn, ta không còn thích những chàng trai, những cô gái với vẻ ngoài bóng bẩy, mùi nước hoa thơm lừng khắp người hay là một ánh mắt đa tình cùng với một nụ cười tỏa nắng có thể thu hút tất cả những ánh mắt khác hướng về họ.

Ta nhận thức được vẻ đẹp bên ngoài không thể làm ta hạnh phúc, khi anh ta/cô ấy biết được lợi thế của mình thì bạn chỉ là một trong sự lựa chọn.

Tình yêu của người trưởng thành thường hướng xa hơn, chứ không còn dừng lại ở mức chỉ cần cảm thấy thích thì được còn tương lai thì tính sau. Có lẽ họ biết họ không còn quá dư thời gian để yêu nhiều lần như thế nữa.

Tự vấn mọi thứ. thói quen thay đổi cả cuộc đời của bạn

 

TỰ VẤN MỌI THỨ, THÓI QUEN THAY ĐỔI CẢ CUỘC ĐỜI CỦA BẠN

Một người bạn của tôi gần đây đã gửi cho tôi một video trên YouTube có tựa đề kiểu “512 thói quen đã thay đổi cuộc sống của tôi”, hỏi xem tôi nghĩ gì. Tôi thấy video đó gợi tôi nhớ về kiểu lời khuyên mà tôi từng chia sẻ với bạn bè của mình trong quá khứ.

Nay tôi nhận ra đó toàn là những lời khuyên bề mặt. Cái nhìn của tôi về cuộc đời đã thay đổi. càng đọc và viết nhiều về cuộc đời, tôi càng bớt chắc chắn về mọi thứ như trước.

Bạn cũng có thể áp dụng khái niệm này vào mọi thứ. Chúng ta luôn trông thấy cái bề mặt. Chúng ta nhìn thấy phần đầu tảng băng nhưng không thể nhìn và biết phía bên dưới làn nước nó trông thế nào, trừ khi ta lặn sâu.

 

Thế nên, thói quen của tôi cho cuộc đời đó là: Tự vấn tất cả mọi thứ. Đó là thói quen duy nhất đã thực sự thay đổi cuộc sống của tôi. Tất cả những thứ khác như tập luyện, ghi chép, v.v… đều có tác động của riêng nó. Nhưng đây là điều lớn lao nhất đối với tôi.

Tại sao? Bởi vì khoảnh khắc bạn ấn định cách nghĩ về điều gì đó là lúc bạn ngừng phát triển. Điều đó vẫn xảy đến mà chúng ta không hay biết. Điều kì cục là chúng ta đều bị thu hút bởi các lời khuyên vì chúng ta muốn phát triển và cải thiện bản thân.

 

Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta bị cuốn vào các hội nhóm, các tư tưởng, và hệ thống niềm tin nhất định. Và thế là đột nhiên chúng ta ngừng phát triển. Nhưng không hay biết. Ở trên phía bề mặt, có vẻ chúng ta đang làm khá tốt – ăn uống lành mạnh, năng suất, và quan trọng nhất là chúng ta cảm giác như đang thuộc về một nhóm người đi đúng hướng, làm đúng việc.

Thế nhưng làm sao mà bạn biết được bạn đang làm đúng? Bạn không biết được.

 

Điều gần (với đúng đắn) nhất mà bạn có thể làm là đặt câu hỏi với mọi thứ bạn làm. Tôi không nói rằng bạn nên nghi vấn từng việc nhỏ nhất bạn làm. Thế thì điên mất. Thử tưởng tượng mà xem.

“Mình có nên ăn cái sandwich này không? Ngộ nhỡ nó có độc? Lỡ bánh mì là thứ có hại thì sao?”

Đấy không phải điều tôi đang nói. Đơn giản là hãy tạo thói quen đặt câu hỏi những gì bạn làm một cách đều đặn (nhấn mạnh từ “đều đặn”, nhưng không có nghĩa là cứ mỗi phút, mỗi giờ). Hàng ngày, tôi đón chào các ý tưởng, những điều mới thách thức suy nghĩ trong tôi.

Điều đó không có nghĩa là mỗi ngày tôi lại thay đổi chiến lược của mình, tôi chỉ để nó đó. Tôi không khép tâm trí.

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Kiểu tình bạn thực sự đáng để chúng ta gìn giữ

 

KIỂU TÌNH BẠN THỰC SỰ ĐÁNG ĐỂ CHÚNG TA GÌN GIỮ

Có ba thứ tình cảm không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người, đó là: tình gia đình, tình yêu và tình bạn. Và cũng có 3 kiểu tình bạn nhưng chỉ có một kiểu thực sự đáng để bạn gìn giữ.

Sự thiếu hụt về các giá trị tình bạn gần đây mới được giới tâm lý học chú ý. Bởi đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng Rối loạn Lo âu (Social Anxiety Disorder) đáng sợ mà con người hiện đại phải chống chọi.
Những câu hỏi như "Làm sao để tôi kết bạn được?", "Làm thế nào để biết người đó có phải bạn bè thực sự?", và "Tôi có nên tiếp tục chơi với những người bạn hiện tại không hay họ chỉ đang khiến tôi chán ngấy cả lên?" có thể khiến một người bị ám ảnh và là nguồn gốc cho sự căng thẳng kéo dài suốt đời.

Từ cổ xưa, Aristotle - nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế - đã có một ý niệm về tình bạn, mang một câu trả lời khả thi đến những mối băn khoăn kia của tâm lý con người hiện đại. Ông chia tình bạn thành 3 loại. Nhờ các phân loại này mà ta có thể phân tích đời sống xã hội của riêng mình và nuôi dưỡng những tình bạn đem lại niềm hạnh phúc thật sự.

1. Tình bạn vì lợi ích
Tình bạn vụ lợi là mối quan hệ dựa trên những lợi ích chung mà cả hai bên đều đạt được. Ví dụ, mối quan hệ giữa những đối tác làm ăn chẳng hạn. Thường thì những tình bạn này không kéo dài lâu bởi một khi lợi ích không còn thì tình bạn cũng tan biến.

Đây là những tình bạn có sức mạnh rất yếu, không làm chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng khi tiếp xúc.

2. Tình bạn vì niềm vui
Kiểu tình bạn này dựa trên nguồn gốc cảm xúc như việc có chung sở thích hoặc có cùng hoàn cảnh nào đó. Ví dụ là những người học cùng trường đại học và những người cùng hâm mộ một đội bóng.

Những tình bạn như thế không bền vững lâu dài vì sự yêu thích và hoàn cảnh của chúng ta thường thay đổi theo thời gian.
Những tình bạn này cho ta niềm vui, nhưng không tràn đầy vì không có nền tảng của sự thấu hiểu sâu sắc và quý trọng đối phương thật sự.

3. Tình bạn vì đức hạnh
Tình bạn này dựa trên sự tôn trọng những giá trị đạo đức mà người kia có.

Nói cách khác, bạn xây dựng một mối quan hệ đúng nghĩa với người khác không đơn giản chỉ vì lợi lộc, hay sở thích. Tuy nhiên, kiểu tình bạn thứ ba này bao gồm cả lợi ích cho hai bên và những niềm chia sẻ trong mối quan hệ.
Trong tình bạn của đức hạnh, bạn thực sự trân trọng đối phương vì chính con người họ, và họ cũng như thế. Tình bạn này cần thời gian và sự cố gắng của cả hai để có thể phát triển, nhưng đó là mối quan hệ lâu dài nhất và hạnh phúc nhất của con người.

Cả 3 loại tình bạn đều mang giá trị riêng của chúng, bạn có những kiểu tình bạn nào phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn mà thôi. Nhưng dĩ nhiên, kiểu tình bạn quan trọng nhất, mang đến cho bạn nhiều giá trị nhất trong đời thì chắc chắn chỉ có tình bạn của đức hạnh mà thôi.