Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Bài thơ của Nguyễn Bính không đề dâng trào cảm xúc:

 

BÀI THƠ CỦA NGUYỄN BÍNH KHÔNG ĐỀ DÂNG TRÀO CẢM XÚC:

          hôm nay dưới bến xuôi đò

          thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

         anh đi đấy? anh về đâu?

         cánh buồm nâu … cánh buồn nâu … cánh buồm.

Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái trong nhà, qua vuông cửa sổ, thẫn thờ ngó ra. Nguyễn Bính nói họ “thương nhau”. Chắc là thương thầm, nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi anh đi đấy, anh về đâu? Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. Anh đi đấy? là câu hỏi thảng thốt, đau nhói. Anh về đâu? là câu hỏi ngậm ngùi, buồn tênh. Người con gái ngạc nhiên, rồi bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ.


Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm:

          cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ cắt thành ba nhịp, tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhòa đi trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất. 

Vua Bhumibol Adulyadej – vị thánh sống của nhân dân Thái Lan

 

Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Ảnh: Reuters 

VUA BHUMIBOL ADULYADEJ – VỊ THÁNH SỐNG CỦA NHÂN DÂN THÁI LAN

Vua Bhumibol Adulyadej, vị vua trị vì 70 năm, lâu nhất củaThái Lan và cả thế giới, nổi tiếng là một người tài năng, một chính trị gia quyền lực và được coi là biểu tượng của sự gắn kết dân tộc Thái Lan.

Trong lòng người dân Thái, Vua Bhumibol Adulyadej – vị thánh sống của nhân dân Thái Lan.

Sinh ngày 5/12/1927 tại Cambridge, thuộc tiểu bang Massachusetts, Mỹ, con trai út của hoàng tử xứ Songkla Mahidol được lấy tên Bhumibol Adulyadej – cái tên có nghĩa là “Sức mạnh của đất, quyền lực không thể so sánh”.

Vào thời điểm đó, gia đình Bhumibol sống ở Mỹ vì cha ông đang theo học ngành sức khỏe cộng đồng tại Đại học Havard, trong khi mẹ ông học y tá ở trường cao đẳng Simmons.

Khi Bhumibol 1 tuổi, gia đình ông trở về Thái Lan. Cha ông mất sau đó không lâu (9/1929) vì suy gan và thận. Năm 1946, sau khi anh trai ông – Vua Ananda Mahidol qua đời, Bhumibol Adulyadej được chỉ định làm vua theo hiến pháp Thái Lan. Ông còn được gọi là Vua Rama IX. 

Sau cái chết của anh trai và phải đảm nhận vai trò quốc vương, ông Bhumibol có quyết định táo bạo là quay trở lại Thụy Sĩ để tiếp tục học tập, chuyển từ ngành y khoa sang khoa học chính trị và luật học tại Đại học Lausanne. "Tôi phải rời thủ đô và rời xa các bạn bởi vì đó là điều cần thiết. Tôi cần tái tạo bản thân mình", Quốc vương Bhumibol phát biểu trên truyền thanh trước khi khởi hành tiếp tục đi du học.


Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej chơi saxophone cùng các nghệ sĩ jazz nổi tiếng năm 1960. Ảnh: AP

Vị vua đa tài

Bhumibol nổi tiếng là vị vua thông minh, ham học hỏi. Ông tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và có sở trường chơi, sáng tác nhạc jazz. Nhà vua được trao tặng danh hiệu thành viên danh dự Viện Âm nhạc và Nghệ thuật Vienna năm 32 tuổi. Ông đã nhiều lần trình diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh và từng công diễn với những huyền thoại như Benny Goodman, Jack Teagarden, Lionel Hampton hay Maynard Ferguson.

Các ca khúc nhà vua sáng tác được yêu thích trong các cuộc tụ họp công cộng và được trình diễn trong các buổi hoà nhạc. Vua Bhumibol đã viết tất cả 48 bản nhạc.

Không chỉ đam mê âm nhạc, vua Thái Lan còn là một người yêu thích thể thao. Ông từng tham dự Seagames lần 4 vào năm 1967 ở bộ môn đua thuyền buồm và đoạt huy chương vàng.

Ngoài ra, ông còn là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn và dịch giả. Vua Bhumibol là vị vua duy nhất được nhận bằng sáng chế cho các công trình của mình, trong đó có bằng sáng chế năm 1993 cho một công trình xử lý nước thải có tên “Chai Pattana”, bằng sáng chế tạo mưa “Sandwich” năm 1999 và bằng sáng chế “Super sandwich” năm 2004.

Chính trị gia quyền lực

Chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan được xóa bỏ vào năm 1932, do vậy, trên nguyên tắc nhà vua không được can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái. Thế nhưng trong hậu trường, Vua Bhumibol lại là một chính trị gia tinh tường, đầy quyền uy và được coi là một cố vấn đắc lực cho nhiều đời thủ tướng.

Qua nhiều thăng trầm, ông đã để lại dấu ấn của vương quyền trong những thời khắc quan trọng của đất nước. Tờ New York Times nhận định Vua Bhumibol đóng vai trò quan trọng trong quá trình Thái Lan chuyển đổi thành quốc gia dân chủ.

Mỗi khi đất nước rơi vào khủng hoảng, tiếng nói của nhà vua như là một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình. Năm 2003, hàng trăm người Thái đã tụ tập bên ngoài sứ quán Campuchia tại Bangkok, giật đổ tường và tìm cách tràn vào tòa nhà để trả đũa vụ sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh bị đốt. Khi đó, cảnh sát Thái Lan thông báo cho đám đông rằng thư ký nhà vua chuyển lời của nhà vua kêu gọi bình tĩnh. Đám đông lập tức trật tự giải tán.

Thực quyền của nhà vua càng thể hiện rõ ràng trong những tình huống chia rẽ sâu sắc, với triết lý “dĩ đức phục nhân” mà cội rễ là lợi ích của cả dân tộc, chứ không của riêng phe phái nào.

Năm 1992, mâu thuẫn giữa Thủ tướng Suchinda Kraprayoon và chính trị gia đối lập Chamlong Srimuang đã dẫn đến cuộc biểu tình khiến nhiều người dân Thái bỏ mạng.

Trên sóng truyền hình được phát trực tiếp, Vua Bhumibol đã kêu gọi cả hai người tới để đề xuất hợp tác, "vì đất nước của tất cả chúng ta chứ không phải vì đất nước của hai vị”. Vài giờ sau, đôi bên đồng loạt tuyên bố rời khỏi chính trường, quân đội buông vũ khí, người biểu tình cũng rút lui.

Có thể nói, Vua Bhumibol không chỉ là người đại diện cho vương triều Chakri đã gìn giữ nền độc lập của Thái Lan hơn 200 năm qua mà còn được coi là biểu tượng của sự gắn kết dân tộc, là người đem đến sự ổn định cho đất nước khi những cuộc chính biến đe dọa nghiêm trọng đến ổn định quốc gia.

Người hết lòng vì đất nước và nhân dân

Vua Bhumibol Adulyadej được nhân dân coi là một vị thánh sống bởi những cống hiến không ngừng nghỉ của ông dành cho đất nước. Sự tôn kính này không bắt nguồn từ điều gì bí ẩn hay chịu sự tác động của một thế lực nào, mà từ chính thực tế đời sống.

“Chưa có ai trong lịch sử Thái Lan từng nỗ lực để cải thiện đời sống người dân như vua Rama IX. Ông đã khởi động hàng nghìn dự án mang lại lợi ích lớn lao cho người dân và đất nước. Ông đã lập ra dự án của hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt kiểu mới. Năm 1971, ông đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch trữ và điều tiết nước, trong đó không thể không nhắc đến chiến dịch mưa nhân tạo do tự ông nghiên cứu và thực hiện.

Với phương châm “nơi nào cần mưa sẽ có mưa”, chiến dịch của nhà vua đã mang đến những cơn mưa nhân tạo mà người dân trân trọng gọi với cái tên “mưa hoàng gia”. Chính những điều này đã giúp Vua Bhumibol trở thành vị vua được yêu mến nhất trong lịch sử Thái Lan. 


 

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Câu chuyện kỷ niệm với người thầy đáng kính

 

CÂU CHUYỆN KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

Năm 2010 là lần đầu tiên tôi được gặp thầy, trong lớp cao học. Thầy từ Sài Gòn ra để dạy chúng tôi hai chuyên đề là Âm vị học và Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Đối với tất cả những người học chuyên ngành Ngữ văn thì đây là những món...ám ảnh nhất.

Điều bất ngờ khiến chúng tôi lúng túng không phải là trả lời những câu hỏi hóc búa của ông thầy, mà là phải đặt câu hỏi. Chúng tôi phải đặt câu hỏi. “Đi học mà không có gì để hỏi thì đi làm gì,” thầy luôn nhắc lại như thế. Thế là từ tâm thế tìm kiếm câu trả lời như trước nay, chúng tôi phải vắt óc để tìm câu hỏi. Thầy nói, “không hỏi thì ngồi chơi hoặc về.” Cái cảm giác ấy đến giờ còn nguyên trong tôi mặc dù đã trở thành kỷ niệm: vừa bối rối vừa sợ.

Thầy nói, một ông thầy có mặt là bởi vì những thắc mắc của người học, chứ không phải cái tật thích nói của ông ta. Nếu các em không có bất kỳ sự tò mò, trăn trở nào thì thầy có nói bao nhiêu cũng vô ích. Chỉ có động cơ của lòng hiếu tri mới đẩy con người ta bước lên con đường tìm kiếm sự thật. Nếu các em đến đây mà không mang theo một thắc mắc nào đó thì chắc chắn các em chưa hề tìm hiểu hoặc không hề muốn biết. Thầy có thể rót nổi thứ gì đó vào một cái bình đang đóng nút kín mít không?

Thế là sau vài buổi học đầu tiên ngỡ ngàng và choáng váng, chúng tôi bò ra đọc, ghi chép, soạn ra những câu hỏi để hôm sau làm “bảo bối phòng thân” khi đối diện với thầy. Thầy nghe rất chăm chú, đầu cứ khẽ gật gật, rồi vẫn cái giọng đanh như gỗ lim ấy thầy trả lời chúng tôi. Rồi khi chúng tôi tai đang căng ra và tay thì tốc ký lia lịa, thầy bất giác dừng lại quay qua hỏi, “đúng không?”. Tất cả ngơ ngác.

“Đi học là phải cãi thầy. Nếu không cãi thì đó chưa phải là học, và chưa phải một học trò tốt; thầy nói gì cũng dạ dạ vâng vâng thì hỏng rồi.” Thế là chúng tôi phải có thêm một nhiệm vụ nữa: cãi thầy.

Vốn là những học trò ngoan ngoãn suốt từ những năm học phổ thông cho tới đại học, chúng tôi luôn được khen vì cái phẩm chất ấy thì bất ngờ, bây giờ nó bị phê bình, bị chê trách, thậm chí bị coi thường. Chúng tôi phải “cãi thầy” như một “nghĩa vụ đạo đức” quan trọng nhất của người học.

“Nếu hôm nay các em không cãi tôi thì cùng lắm sau này cũng chỉ trở thành những người thợ giỏi chứ không thể trở nên một nhà giáo hay nhà khoa học được. Nếu chỉ biết nghe lời thì đó không bao giờ là một trí thức. Người trí thức là phải biết phản biện. Thầy đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn, Plato nói thế.”

Đến bây giờ, khi đã trở thành một thầy giáo, những bài học về giáo dục, về mối quan hệ giữa thầy và trò, về lao động và nghiên cứu khoa học, về phẩm chất trí thức… đã trở thành một phần máu thịt trong cách hành xử của chúng tôi đối với học trò mình và với cuộc đời. Thầy đã mang tới cho chúng tôi cái ý niệm về thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

Hương vị ngày Tết chẳng thể nào quên

    

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong một chuyến nghiên cứu tại vùng cao Việt Nam.

 HƯƠNG VỊ NGÀY TẾT CHẲNG THỂ NÀO QUÊN

Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Tết của những năm 60, 70 của thế kỷ XX không kéo dài như hiện tại. Người dân thời đó chỉ được nghỉ Tết 3 ngày (30, mùng 1 và mùng 2), mùng 3 Tết đã phải quay trở lại làm việc. Chính vì thế, người cao tuổi hoặc phụ nữ, trẻ nhỏ (tuổi thiếu niên) là những người đảm nhận trách nhiệm cầm tem phiếu, sổ gạo đến đổi lương thực tại cửa hàng thực phẩm.

Vào ngày phát lương thực, nhất là thời điểm trước Tết, người người, nhà nhà tập trung xếp hàng từ 2, 3 giờ sáng để chờ cửa hàng lương thực mở cửa.

“Lúc này thì mọi vật dụng như hòn đá, viên gạch, nón, mũ hay bất kỳ vật dụng gì đều có thể sử dụng để giữ chỗ. Những chiếc tem, phiếu quý giá đổi được thịt, đường được tập trung hết vào thời điểm này. Sướng nhất là khi cầm phiếu thịt của cả gia đình mà đổi được hết số lượng thịt mình cần, nếu không đổi được thịt thì Tết ấy xác định không có bánh chưng thịt để ăn rồi.

Ngoài đổi được thịt, tôi còn cùng bà đi đổi đường, dồn bột mì các tháng trước đó rồi đến cửa hàng làm bánh bơ (hay còn gọi là bánh quy – PV) để về đặt lên ban thờ, cúng lễ tổ tiên. Tôi còn nhớ rõ là chiếc bánh đó rất thơm, nếu dồn được nhiều nguyên liệu để làm, tôi hay ăn vụng 1, 2 chiếc trước khi mang về đến nhà”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn cười nói.

Sau khi đổi được lương thực, vào những ngày cận Tết, bắt đầu từ ngày 26, 27 là gia đình ông và hàng xóm bắt đầu gói, luộc bánh chưng. Kỷ niệm khi ngồi cạnh bà, cạnh mẹ trông nồi bánh chưng suốt đêm khiến vị Giáo sư dù đã ở độ tuổi thất thập vẫn chẳng thể nào quên.

“Thật sự lúc đó chúng tôi rất "thèm" ngày giỗ, ngày Tết vì ngày đó mới được ăn no. Thêm nữa, Tết được nghỉ học dài ngày nên sướng lắm, luôn háo hức chờ đến ngày Tết, chờ bố đi làm xa trở về nhà để cả gia đình sum họp, đoàn tụ.

Người lớn thì tất bật chuẩn bị Tết, lũ trẻ chúng tôi thì được đốt pháo, được dùng diêm cùng van xe đạp hỏng làm súng diêm. Không khí ngày Tết rộn ràng biết bao”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn bồi hồi nhớ lại.