Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Tỷ phú Peter Lim và tiền bạc


 

TỶ PHÚ PETER LIM VÀ TIỀN BẠC

Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cuốn phăng mất của ông Lim Rongfu hay còn gọi là Peter Lim khối tài sản lên tới một tỷ USD, nhưng có vẻ điều đó chẳng khiến ông bận tâm nhiều lắm. Ðối với vị tỷ phú Singapore làm nên mọi thứ từ hai bàn tay trắng này, chuyện lỗ lãi chỉ còn là những con số trên giấy tờ.

Chăm chỉ và tiết kiệm

“Tôi gặp may nhiều lần trong cuộc đời mình, nhất là với khoản đầu tư siêu lợi nhuận vào Công ty dầu cọ Wilmar đầu thập niên 90 của thế kỷ trước” – Lim nói về thương vụ để đời của mình. “Từ 10 triệu USD bỏ vốn vào ban đầu, tôi thu về 1,6 tỷ USD vào năm 2010. Nhưng tin tôi đi, đó là thành quả từ những ngày cố gắng không ngừng nghỉ trước đây. 90% là nhờ làm việc chăm chỉ, và 10% còn lại do tiết kiệm”.

Lim không hề cường điệu. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, bố là ngư dân chài lưới lênh đênh quanh năm trên biển, Lim chỉ có thể thoát cảnh màn trời chiếu đất nhờ được Chính phủ Singapore hỗ trợ cấp nhà cho người thu nhập thấp. Nhưng ngay cả khi đó, tám người trong gia đình ông vẫn phải sống cảnh chen chúc trong căn hộ nhỏ xíu chỉ có vỏn vẹn hai phòng ngủ.

Khu dân cư Lim từng sống hồi nhỏ, Bukit Ho Swee, cũng là nơi khét tiếng “vô pháp vô thiên”. Sống ngay cạnh ông là những người sẵn sàng bất chấp mọi thứ để kiếm tiền sinh nhai mỗi ngày. Hồi tưởng về quá khứ, Lim nói ông rất ngưỡng mộ và học được nhiều điều từ họ, nhưng chưa bao giờ muốn trở thành họ. Với xuất phát điểm đó, cách duy nhất để Lim thoát khỏi vòng lặp nghèo đói là học tập.

Với thành tích xuất sắc, cậu học sinh nghèo Lim Rongfu hay còn gọi là Peter Lim thi đỗ vào Viện Raffles, trường trung học phổ thông lâu đời và danh giá bậc nhất tại Singapore. Tạm gác chuyện đèn sách lại vài năm để lên đường nhập ngũ, ngày trở về, Lim nhanh chóng lấy được học bổng du học tại Australia. Nhưng đến lúc đó, một vấn đề khác lại nảy sinh. Lim được miễn hoàn toàn học phí, nhưng ai sẽ hỗ trợ ông chi phí ăn ở tại nơi đất khách quê người?

Gia đình Lim không thể chu cấp tiền cho cậu con trai, nhất là khi vẫn còn năm người con khác đang tuổi ăn tuổi lớn. Bởi vậy, Lim quyết định một thân một mình lập nghiệp ở Australia. Tại đó, ông nhận mọi công việc mưu sinh, từ lái xe taxi đến làm bồi bàn, đầu bếp. Nhờ vậy ông không chỉ dư dả tiền chi tiêu, mà còn nắm được cách thức doanh nghiệp vận hành, khi làm cho một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh.

Nuôi chí lớn, song Lim chưa bao giờ sống xa rời thực tại. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tài chính, ông vào làm việc ở một công ty tư vấn kê khai thuế với vị trí kế toán viên. Vẫn như thời sinh viên, ông dành dụm, chắt chiu mỗi đồng tiền mình kiếm được rồi kinh doanh đủ mọi lĩnh vực để kiếm lời. Năm 40 tuổi, Lim có trong tay 10 triệu USD, và đó là vốn liếng để giúp ông trở thành tỷ phú.

Ung dung chờ sóng dữ

“Tôi sống nhờ các khoản đầu tư, nhưng không để chuyện lỗ lãi chi phối cảm xúc” – Lim bộc bạch – “Bí quyết là đừng bao giờ quá vui khi giá cổ phiếu lên, cũng đừng quá buồn khi giá xuống. Ðầu tư cũng như cuộc sống, có lúc vui lúc buồn, và cũng có người đột ngột qua đời khi lên cơn đau tim, cho nên chúng ta phải biết chấp nhận rủi ro. Nếu không sẵn sàng chịu rủi ro thì bạn tốt nhất nên giữ tiền trong ngân hàng, bởi chỉ có cách đó mới không bao giờ mất tiền”.

Lim sẵn sàng nhận rủi ro, và từng mất nhiều tiền khi thị trường đi xuống, nhưng ông thường biết rút lui vào đúng những thời điểm sinh tử. Năm 1998, Singapore bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lim nằm trong số rất ít nhà đầu tư gần như không mất đồng vốn nào ở thời điểm đó, bởi ông đã nhanh tay bán tháo tất cả số chứng khoán mình nắm giữ, và gửi tiền mặt vào ngân hàng, đợi đến tận khi thị trường phục hồi mới đầu tư trở lại.

Chưa bao giờ mất ngủ vì tiền bạc, Lim quan niệm những người giàu cần chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng. Cho đến nay, ông đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các trường đại học và bệnh viện công ở Singapore. Ðiều này có vẻ kỳ lạ với một người sở hữu hàng loạt bệnh viện tư tại “đảo quốc Sư tử”, nhưng Lim vẫn làm. Ông cũng tin những khoản tiền mình hỗ trợ sinh viên có thể tạo ra những Peter Lim trong tương lai gần.

Ở tuổi ngoài 60, Lim Rongfu, từng là con trai người đánh cá, phải nghỉ học vì quá nghèo, song bằng nỗ lực phi thường, ông trở thành một trong những người giàu nhất Singapore, với tài sản trị giá khoảng 2,45 tỉ USD, theo Forbes.

Cuộc đời và sự nghiệp của Lim đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều người khác trên thế giới, người vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho riêng mình. Điều mà chúng ta có thể học được từ Lim là luôn luôn theo đuổi đam mê, bởi vì bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc nếu bạn cứ mãi nuông chiều bản thân.

Đừng sợ từ bỏ và hãy thử thách bản thân nếu bạn nghĩ rằng công việc hiện tại không dành cho bạn. Nếu tương lai phía trước xứng đáng với thời gian mà bạn hy sinh thì hãy làm điều đó. Tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình trong cuộc sống, ngay cả khi bạn phải làm công việc chân tay vất vả như vị tỷ phú tài ba này.

Theo Business Time, Weekender

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Phong trào Nữ quyền đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam

  

 Tờ báo Phụ nữ tân văn Năm thứ nhất, số 28 năm 1926

PHONG TRÀO NỮ QUYỀN ĐẦU THẾ KỶ 20 Ở VIỆT NAM

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng nữ quyền là một phong trào chỉ mới nhen nhóm gần đây, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu Việt Nam 1920 - 1945, giới và hiện đại: Thực chất phong trào nữ quyền đã diễn ra sôi nổi ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, mà trong đó bà Nguyễn Thị Kiêm là một cá nhân tiêu biểu.

Thực chất nữ quyền chính là nhân quyền, nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền.

Tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, Nữ giới chung (Tiếng chuông của phụ nữ), ra đời năm 1918, do nhà thơ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút xuất bản tại Sài Gòn. Đây là diễn đàn báo chí đầu tiên để thảo luận, đặt vấn đề về bình đẳng giới và nữ quyền. Tờ báo bị Pháp đình bản cùng năm.

Chân dung Đạm Phương nữ sử cùng chồng - ông Nguyễn Khoa Tùng. Bà là cây bút tiên phong đấu tranh vì nữ quyền giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Bà Đạm Phương nữ sử (1881 – 1947, tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, là cháu nội của Vua Minh Mạng, con của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện) đã bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Năm 1918, bút danh Đạm Phương nữ sử bắt đầu xuất hiện trên khắp các báo, tạp chí ở khắp cả nước như Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Trung Bắc Tân văn… để đưa ra những quan điểm đanh thép về vị trí của người phụ nữ trong xã hội.

Dù là một “con vua cháu chúa” điển hình, nhưng bà lại kịch liệt phản đối quan niệm “hồng quần núp bóng tùng quân” của những người phụ nữ thượng lưu thời đó: “Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng ta đã gần như một căn bệnh thâm niên rồi. Ỷ lại tức là nguồn gốc của nô lệ đó vậy. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, mà muốn tìm nhân cách cho nữ giới thì trước hết phải tảo trừ cái bệnh ỷ lại đó” (Báo Trung Bắc tân văn, 25.9.1926).

Để chữa bệnh ỷ lại, bà thành lập Nữ công học hội ở Huế vào năm 1926. “Thuốc chi bây giờ? Cái bài thuốc ấy chính là mục đích quan trọng thứ nhất của bản Hội. Cái bài thuốc ấy là gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức, tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau là kết cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau”, bà viết.

Nữ công học hội tổ chức dạy những nghề thông dụng để chị em phụ nữ phát triển thành một nghề kiếm sống, hội còn tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ, dạy những kiến thức về nuôi dạy con cái, tổ chức gia đình…

GS. David G. Marr, Đại học Quốc gia Úc, đã khẳng định, Nữ công học hội ở Huế là tổ chức nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Tờ Phụ nữ Tân văn. không chỉ là một tờ báo, mà còn là một cơ quan hoạt động chính trị - xã hội. Báo đã lập ra Hội Dục Anh để giữ trẻ cho các chị em buôn gánh bán bưng, để chị em được yên tâm, tự do đi bươn chải kiếm sống”, Tờ báo này có những hoạt động hợp pháp diễn ra ở trong thành phố một cách bình thường nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo. Dù chỉ tồn tại sáu năm (1929 – 1935), nhưng Phụ nữ Tân văn đã để lại dấu ấn đậm nét trong các hoạt động đấu tranh nữ quyền thời bấy giờ.

Vai trò của người đàn ông cũng mạnh mẽ giữa làn sóng đấu tranh vì nữ quyền đầu thế kỷ XX

Như cụ Phan Bội Châu đã nói Trưng nữ vương là thủy tổ”. Trưng Nữ Vương là “người tổ đích nước ta”, “là một vị Phật nhà, là tổ nước Nam ta, là người sinh đẻ ra người nước Nam ta, là người có công đức lớn với nước Nam ta, Trưng nữ vương là thủy tổ”.

Không chỉ Phan Bội Châu, mà Nguyễn An Ninh – nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng tiêu biểu, là người ủng hộ nữ quyền vào đầu thế kỷ 20 – cũng đề cao vai trò của Hai Bà Trưng trong lịch sử.

Phan Bội Châu không hề hoạt động đơn lẻ và chỉ trên mặt giấy, theo TS. Bùi Trân Phượng, dường như có mối quan hệ cộng tác giữa cụ Phan Bội Châu và bà Đạm Phương để thành lập Nữ công học hội trong thời gian cụ bị Pháp đưa về Huế an trí. Bà Đạm Phương thường lui tới thăm viếng cụ trước khi lập Hội. Ngày khai trương bà mời tất cả quan chức triều đình, quan chức Pháp đến, cụ Phan Bội Châu không có mặt, nhưng cụ có mặt vào ngày hôm sau.

Cụ đã đến và phát biểu: ‘Chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách. Hễ những sự nghiệp gì rất khó khăn, rất to lớn, món trai không làm nổi, chị em ta quyết chí làm nên.

Đặng Văn Bảy, một thầy giáo ở Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. đã xuất bản cuốn sách Nam nữ bình quyền vào năm 1928, trong đó ông cắt nghĩa: “Không phải nam nữ bình quyền là vợ sẽ có quyền đánh chồng, mắng chửi chồng, như xưa nay chồng đã đánh vợ, mắng chửi vợ”, “Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn có, mà Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn không. Không có, có không, chín tại ý người, thật sự nào nơi lẽ trời.” Ông Đặng Văn Bảy cho rằng người phụ nữ cần phải đấu tranh để đòi quyền cho mình, bởi “Năng làm tôi mọi, cái kết quả sẽ là tôi mọi đời đời”, “Có người không thấy áp chế, vì đã tập quen cái thói tôi mọi” …

Vai trò tích cực của người đàn ông giữa làn sóng đấu tranh vì nữ quyền đầu thế kỷ XX lại vô cùng đậm nét.

 

Cây táo của Newton

  

Cây táo nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học, tới nay vẫn sống trong vườn nhà của Newton ở làng Woolsthorpe, với hàng rào gỗ bao quanh. Ảnh: Daily Mail

CÂY TÁO CỦA NEWTON 

Cây táo đã đi vào huyền thoại đó vẫn còn sống, dù có tuổi thọ đến 400 năm, trong vườn nhà ông ở làng Woolsthorpe, gần thị trấn Grantham, cách Cambridge chừng 100 km về phía Bắc. Năm 2010, tức gần 350 năm sau “chuyện cây táo” xảy ra với Newton, một nhánh cây của nó đã được gởi vào vũ trụ, theo tàu con thoi Atlantis.

Có trái táo nào rơi trúng đầu Newton không?        

Truyền thuyết về Newton và “trái táo rơi trúng đầu ông” được phổ biến cho con nít toàn cầu từ mấy trăm năm nay, không biết bây giờ còn tiếp tục không?

Tận mấy chục năm trước, tôi còn nhớ ông thầy giáo tiểu học của mình đã hứng chí kể cho đám học trò con nít nghe là ông Newton ngồi dưới gốc cây táo đang nhìn trời hiu quạnh thì bỗng bị một quả táo rớt trúng đầu cái bịch! Thầy làm bộ nhăn nhó như thể đau đớn lắm, đưa bàn tay xoa xoa cái đầu, mắt trừng trừng nhìn xuống đất tưởng như nhìn theo quả táo thủ phạm đang lăn. Rồi thầy nghiêm mặt, lên giọng hùng hồn: “Nhờ đó mà ông Newton khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn!” 

Thật ra, câu chuyện đó chỉ là “hoa lá cành” để trang trí quanh câu chuyện có thực là trong hai năm 1665 và 1666, do Đại học Cambridge đóng cửa để mọi người di tản vì sợ bệnh dịch hạch trong cuộc đại dịch The Great Plague đang hoành hành ở thủ đô London lan tới, Newton đã phải rời trường trở về quê nhà. Và ông bắt đầu suy nghĩ về hấp lực trong khoảng thời gian rảnh rỗi và trong không gian tĩnh lặng này.

Ông nhận ra hấp lực là sức hút mọi vật trên mặt đất về tâm của Trái đất nên các đồ vật khi bị rớt thì rơi thẳng xuống đất chứ không trôi nổi trong không gian, tương tự như mấy quả táo rơi trong vườn nhà ông vậy.

Nói rộng ra, mọi vật trong vũ trụ đều có lực hút, tuy mạnh yếu khác nhau, và chúng hút lẫn nhau. Cái nào có khối lượng lớn hơn thì có sức hút mạnh hơn, như Trái đất hút trái táo rớt xuống, chứ không thể ngược lại. Và ví dụ như Mặt trăng, nó hút Trái đất nhưng cũng chịu sức hút của Trái đất. Tuy nhiên, vì nó lớn quá nên sức hút của Trái đất không đủ mạnh làm nó rơi xuống mà chỉ đủ làm nó quay xung quanh Trái đất. Mặt trời cũng vậy, sức hút của nó chỉ đủ làm Trái đất xoay quanh nó. 

Tuy tóm tắt nôm na theo sách giáo khoa trung học như vậy nhưng đó là định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng của Newton, Newton’s law of universal gravitation, mà người ta tin rằng ông đã suy nghĩ và phát triển trong hai năm 1665-1666 ở quê nhà, trước khi trở lại Cambridge và được bầu làm fellow vào năm 1667 ở Trinity College.

Dĩ nhiên, ông được lưu danh thiên cổ không chỉ nhờ cái định luật nói trên mà còn những đóng góp to lớn khác cho khoa học, cũng như cuộc đời ông không chỉ có chuyện trái táo mà còn nhiều chuyện đáng kể khác nữa.

Trong tiếng Anh có một từ hiếm khi gặp nhưng được dùng nhiều ngày xưa ở Cambridge là sizar subsizar. Sizar là một sinh viên được college cho phép trả tiền ăn ở hay học phí với giá rẻ hơn; còn subsizar là sinh viên phải làm phụ việc trong nhà bếp hay dọn dẹp phòng ốc của các fellow và sinh viên khác để được miễn học phí và tiền ăn ở. Newton, sinh ra sau khi cha chết ba tháng, nhà nông nghèo, nên từ khi nhập học ở Trinity College năm 1661 đã làm subsizar trong suốt ba năm đầu tiên, cho tới khi nhận được học bổng của trường năm 1664.


 Và như nhiều triết gia phương Tây lớn trong lịch sử, ông chọn sống độc thân suốt đời. Nhưng ông sống rất lâu, thọ đến 84 tuổi, hơn gấp đôi tuổi thọ trung bình của đàn ông thời đại đó. Khi qua đời năm 1727, ông được chôn cất ở Westminster Abbey ở London, nơi yên nghỉ dành cho các danh nhân nước Anh (giống như điện Panthéon ở Paris dành cho danh nhân nước Pháp), từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. 

Triết gia Pháp Voltaire(*) khi sống lưu vong chính trị ở London, đã đến dự đám tang trọng thể của Newton. Và chính Voltaire là người đề cập đến chuyện quả táo rơi trong cuốn Essay on Epic Poetry (Tiểu luận về sử thi) mà ông viết thẳng bằng tiếng Anh, xuất bản cùng năm đó ở London. Và đây là câu viết được trích dẫn rất nhiều: “Sir Isaac Newton walking in his gardens, had the first thought of his system of gravitation, upon seeing an apple falling from a tree” (Dạo bước trong vườn nhà, Sir Isaac Newton có được ý tưởng đầu tiên cho hệ thống lý thuyết về hấp lực của mình trong khi nhìn thấy một trái táo rơi từ cây xuống).

Thế là Voltaire, qua danh tiếng của ngòi bút mình, và nhiều cây bút khác sau ông, đã tạo nên một giai thoại khoa học lưu truyền cho tới ngày nay.