Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Cảm hứng giáo dục Phần Lan

 

Bà Sanna Marin 34 tuổi, năm 2019 trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Phần Lan và là thủ tướng tại vị trẻ nhất thế giới.

CẢM HỨNG GIÁO DỤC PHẦN LAN

Hệ thống giáo dục công lập ở nhiều nơi trên thế giới đang gặp khủng hoảng. Mỹ, Anh, Thụy Điển, Na Uy, Pháp và nhiều nước tiên tiến khác đều đang vấp phải thách thức ngày càng trầm trọng trong hệ thống giáo dục công của mình: Không tạo ra đủ cơ hội học tập cho tất cả học sinh.

Nhìn chung các giải pháp chấn chỉnh những hệ thống giáo dục đang gặp thất bại: Cạnh tranh gay gắt hơn giữa trường học, trách nhiệm giải trình lớn hơn về thành tích của học sinh, thù lao cho giáo viên được trả theo kết quả làm việc…

Khác với tư tưởng cải cách dựa trên thị trường ở các nước. Phần Lan phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng rất cao, hạn chế việc thi cử đến mức tối cần thiết, đặt trách nhiệm và lòng tin lên trên trách nhiệm giải trình, đầu tư vào công bằng trong giáo dục, và giao việc lãnh đạo cấp trường và cấp quận huyện cho các chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm.

Phần Lan là một nguồn cảm hứng thú vị với các quốc gia khác đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của họ.

Thứ nhất, hệ thống giáo dục của Phần Lan độc đáo ở chỗ nó đã phát triển từ một hệ thống rất bình thường để trở thành một kiểu mẫu giáo dục đương đại và “có kết quả cao” trong khoảng hai thập kỷ từ cuối những năm 1970. Điểm đặc biệt khác nữa là ở chỗ quốc gia này có thể tạo ra một hệ thống giáo dục trong đó học sinh được học tập tốt và nền giáo dục công bằng đã tạo ra rất ít khác biệt trong thành tích học tập giữa các trường ở các vùng khác nhau của đất nước, như đã được chỉ ra trong tất cả các nghiên cứu PISA kể từ năm 2000 đến nay. Địa vị hiếm có trên quốc tế này có được là nhờ Phần Lan sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý và ít phải cố gắng hơn các quốc gia khác trong các nỗ lực cải cách.

Thứ hai, nhờ tiến bộ vững chắc đã được chứng minh này, Phần Lan là minh chứng cho thấy có một cách khác để xây dựng một hệ thống giáo dục thành công, đó là sử dụng các giải pháp đi ngược lại với các chính sách giáo dục dựa trên thị trường vốn đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Cách thay đổi kiểu Phần Lan này là cách dựa trên lòng tin, tính chuyên nghiệp và chia sẻ trách nhiệm. Quả thực, về cải cách giáo dục, Phần Lan là ví dụ về một quốc gia không thanh tra trường học, không dựa vào dữ liệu được thu thập từ bên ngoài, không có chương trình học tiêu chuẩn hóa, không có thi cử kiểu “được ăn cả ngã về không”, không áp dụng chế độ trách nhiệm giải trình dựa trên kết quả kiểm tra của học sinh, không có tư duy kiểu chạy đua-lên-đỉnh. 

Thứ ba, nhờ vào thành công của mình, Phần Lan có thể gợi mở những phương án tư duy khác về các giải pháp cho các vấn đề giáo dục kinh niên đang tồn tại ở Mỹ, Anh và các nước Bắc Âu khác như: Tỷ lệ bỏ học cao, giáo viên bỏ nghề sớm, và giáo dục đặc biệt còn yếu và thiếu. Các phương pháp tiếp cận của Phần Lan đối với việc giảm tỷ lệ bỏ học sớm, tăng tính chuyên nghiệp của giáo viên, thực hiện chế độ trách nhiệm giải trình thông minh, áp dụng cách đánh giá học sinh thông minh hơn ở trường học có thể là nguồn cảm hứng đối với các hệ thống trường học khác đang loay hoay tìm kiếm con đường đi đến thành công.

Thứ tư, Phần Lan cũng là quốc gia có thành tích quốc tế cao trong thương mại, công nghệ, phát triển bền vững, điều hành chính phủ tốt, thịnh vượng, bình đẳng giới, phúc lợi trẻ em, và do đó, đặt ra những câu hỏi thú vị về mối quan hệ qua lại giữa giáo dục và các lĩnh vực khác trong xã hội. Có vẻ như các lĩnh vực chính sách công khác như y tế và việc làm cũng đóng một vai trò trong sự nghiệp phát triển và cải cách giáo dục trong dài hạn. Ở Phần Lan, bình đẳng thu nhập, khả năng dịch chuyển xã hội và lòng tin trong xã hội Phần Lan cũng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp này

Câu chuyện Phần Lan đặc biệt thú vị nhờ vào một số chính sách và thay đổi chủ chốt được áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Phần Lan từng chứng kiến kể từ sau Thế chiến Hai. Điều này cho thấy một cuộc khủng hoảng có thể khơi dậy bản năng sinh tồn giúp mang lại những giải pháp tốt hơn cho các vấn đề rất cấp bách so với một “tình huống bình thường” thường mang lại. Việc thay đổi mạnh mẽ hệ thống giáo dục là điều có thể thực hiện được, nhưng việc đó đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên trì và lòng quyết tâm. 

Buổi tặng sách Bài học Phần Lan 2.0 cho 148 giáo viên tiêu biểu năm 2017 của TP.HCM, trong chiến dịch tặng sách “Vì một xã hội học tập”.

--------------

·        Giáo dục Phần Lan quá tuyệt vời, nhưng mấy ai theo được vì phẩm chất nổi trội: bình đẳng, trung thực, tôn trọng con người, lòng tin xã hội cao… Ở các nơi khác thì đó đang là điều mơ ước không dễ với tới.


Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Tiền tài có thể mua được niềm vui?

 

TIỀN TÀI CÓ THỂ MUA ĐƯỢC NIỀM VUI?

Tiền tài quả thực không mua được niềm vui, nhưng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, tiền tài dường như vẫn có thể phát huy tác dụng.

Gần đây, để nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, Viện khoa học quốc gia Mỹ đã tìm hai nhóm tình nguyện viên, cho mỗi người 40 $. Một nhóm kêu họ lấy tiền đi mua bất kỳ vật gì mà mình muốn, nhóm còn lại thì dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi, như là gọi giao hàng tận nhà thay cho thời gian nấu cơm, hoặc thuê người đến vệ sinh dọn dẹp phòng ốc thay cho thời gian tự mình quét dọn, v.v…

Khi các tình nguyện viên điền vào thang đo độ thỏa mãn từ 1 đến 10, tất cả đều không ngoại lệ: Nhóm dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi có độ thỏa mãn cao hơn so với nhóm dùng tiền mua đồ.

Nói cách khác, dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi, để người khác làm chuyện mình không muốn làm, sẽ giúp tăng cảm giác vui vẻ, mà người dùng tiền để mua đồ nhằm thỏa mãn vui sướng, về lâu dài sẽ không đạt được hiệu quả thực sự của niềm vui. Có thể kết luận là: Điều khiến con người cảm thấy vui vẻ chính là có bao nhiêu thời gian mà ta có thể tự do sử dụng.

Tạo ra thời gian chất lượng của bạn

Thời gian chất lượng (quality time) góp phần tạo nên hạnh phúc của con người, tiền bạc chẳng qua một công cụ để con người đạt được nhiều thời gian chất lượng hơn mà thôi. Cho nên căn bản để đạt được hạnh phúc không cần tiền tài, điều cần là điều chỉnh thời gian, khiến cho mình càng có nhiều thời gian chất lượng.

Mỗi người một ngày đều có 24 tiếng đồng hồ, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 81,2 tuổi, đàn ông là 76,4 tuổi, đa phần mọi người đều có lượng thời gian không khác biệt nhau lắm. Nếu như bạn đã bắt đầu cảm nhận được những phiền muộn trong đời người, vậy hãy nghĩ cách làm sao để quý trọng thời gian, có được cuộc sống hạnh phúc, để biến mỗi giờ, mỗi phút của mình đều trở thành thời gian chất lượng.

Sắp xếp lại cuộc sống của mình để cho thời gian chất lượng phát huy giá trị đích thực trong cuộc sống của bạn, như thế cũng là có được niềm vui thật sự rồi.

Theo Epoch Times

9 bài học cuộc sống thú vị từ những chú chó

 

9 BÀI HỌC CUỘC SỐNG THÚ VỊ TỪ NHỮNG CHÚ CHÓ

Những chú chó không chỉ là người bạn trung thành của con người mà còn giúp chúng ta hiểu nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. 

1. Tận hưởng từng phút giây hiện tại: Những chú chó luôn có thể ghi nhớ mọi thứ từ đường về nhà, cách người chủ đối xử với chúng và những người thân quen gần như ngay lập tức. Chúng sống cho hiện tại và ghi nhớ mọi thứ đang diễn ra. Quá khứ là điều đã trôi qua, tương lai là điều bạn không biết trước. Vì thế, cách tốt nhất để sống hạnh phúc là trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại.

2. Vượt qua sợ hãi bằng tình yêu: Có rất nhiều câu chuyện về những chú chó hung dữ trở nên hiền lành sau khi được chăm sóc và yêu thương. Nếu những chú chó còn có thể vượt qua nỗi sợ và sự bất an của mình thì sao con người lại không thể? Tình yêu thương có thể chinh phục tất cả khó khăn và khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

3. Buông bỏ những hận thù: Nếu nuôi chó chắc bạn hiểu một chú chó sẽ không bao giờ thù ghét bạn dù bạn quên cho nó ăn hay đối xử không tốt với nó. Hãy học tập loài vật này! Buông bỏ hận thù để sống nhẹ nhàng và vui vẻ hơn.

4. Sống trọn vẹn từng ngày: Những chú chó luôn rất năng động khi luôn chạy nhảy, đuổi bắt và chơi đùa. Đó là lời nhắc nhở với chúng ta rằng hãy vui chơi và vận động cơ thể mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh và những ý tưởng mới mẻ.

5. Sống thật với cảm xúc của chính mình: Đã bao giờ bạn từng thấy một chú chó chạy vòng quanh khi được cho ăn hay đuổi theo một quả bóng chưa? Đó là khi chúng đang rất hạnh phúc. Cuộc sống vội vã khiến chúng ta quên đi cách tận hưởng niềm vui và sống thật với cảm xúc của chính mình, mà đôi khi chỉ đơn giản là một nụ cười khi vui.

6. Chấp nhận bản thân: Một chú chó sẽ chẳng bao giờ ghen tỵ với bộ lông hay chiếc mũi của chú chó nhà bên. Chúng luôn vui vẻ khi là chính mình. Thế giới sẽ thật nhàm chán nếu mọi thứ đều giống nhau. Vì thế, thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo hay bắt chước người khác, chúng ta chỉ cần biết trân trọng những khác biệt của chính mình.

7. Tận hưởng mỗi cuộc hành trình: Khi những chú chó đi ô tô, chúng thường ngó ra cửa sổ, ngửi mùi không khí và cảm nhận từng làn gió lướt qua. Chúng không bận tâm mình sẽ đi đâu và chỉ tận hưởng chuyến đi. Trong khi đó, chúng ta chỉ thường quan tâm đến đích đến mà đôi khi quên rằng mình đã trải qua một hành trình tuyệt vời.

8. Trung thành và đáng tin: Sự trung thành và tận tụy của loài chó giúp chúng ta hiểu rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi con người sống chân thành và tin tưởng lẫn nhau.  

9. Yêu thương vô điều kiện: Dù bạn có làm gì thì những chú chó vẫn yêu quý bạn vô điều kiện. Chúng sẽ luôn vẫy đuôi với ánh mắt lấp lánh niềm vui khi gặp bạn thậm chí cả khi bạn la mắng hay cư xử tệ với chúng. Yêu thương vô điều kiện không dễ dàng nhưng chắc chắn sẽ tạo dựng nên những mối quan hệ lâu dài.


Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Là người nhất định phải biết nghỉ ngơi

LÀ NGƯỜI NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT NGHỈ NGƠI

Phật giáo cho rằng, trong xã hội này có hai loại người. Một là quá tham lam, mong muốn và theo đuổi sự thành công, mong muốn kiếm tiền, ham muốn sao cho mình không ngừng vươn xa hơn nữa. Còn loại người thứ hai sống không có mục đích, không có chí tiến thủ.

Nhưng chúng ta cần nhận thức rõ rằng, có người mới được ít đã thấy đủ; có người biết đủ và cảm thấy vui vẻ, đây là hai dạng người không giống nhau. Người được ít mà thấy đủ chính là người chỉ cần được chút ít đã xem là đủ; người biết đủ cảm thấy vui vẻ chính là người có nhiều cũng cảm thấy đủ, có ít cũng cảm thấy đủ, có được nhiều thì càng tốt, có được ít cũng không sao, họ không để mình cảm thấy đau khổ, không làm tổn hại đến người khác, đó chính là biết đủ sẽ cảm thấy vui vẻ - tri túc.

Nếu một người lao đầu vào kiếm tiền, không chừa thủ đoạn nào để theo đuổi thành công và tài phúc mà không biết dừng nghỉ sẽ có ngày cảm thấy vô cùng mỏi mệt. Theo đuổi những chân trời viễn mộng khiến ta rất đau khổ, rất căng thẳng, bởi vì khi đã giành được nó ta lại sợ sẽ mất đi, sau khi mất đi thì lại muốn giành được nó, cũng gần giống như việc đánh bạc, mong muốn tất cả những đồng tiền ở túi kẻ khác là tiền của mình, bị thua lại mong thắng, thắng được rồi lại muốn thắng nữa, không bao giờ biết thỏa mãn.

Người thông minh là người biết nên làm và nên nghỉ ngơi hợp lý. Có như thế mới cân bằng cuộc sống và an nhiên, tự tại.