Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Người vợ của GS.TS Lương Định Của tự bạch

 

GS.TS Lương Dịnh Của và vợ

BÀ NABUCO NGƯỜI VỢ CỦA GS.TS LƯƠNG ĐỊNH CỦA TỰ BẠCH

Tôi nay đã 91 tuổi rồi, ở VN đến hết đời thôi”. Hỏi bà vì sao lại đến VN, vì sao lại tình nguyện ở đây suốt đời dù vẫn giữ quốc tịch Nhật Bản, bà cười: “Cả ngàn người hỏi tôi vậy rồi, cả các con tôi cũng hỏi. Câu trả lời cách nay 60 năm là: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Câu trả lời của hôm nay là: Vì cơn gió thổi từ Hà Nội”. Nói rồi bà lại cười.

Bà Nobuko bảo câu ngạn ngữ Nhật Bản mà bà thích nhất là “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, tương ứng với câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” của VN. Lạc quan vậy nên bà cứ cười hoài khi xua tay giải thích: “Mọi người bảo Nhật Bản là một nước phát triển, giàu có, còn VN thì nghèo, thời tôi đến lại còn có chiến tranh, sợ tôi vất vả. Nhưng mà không phải vậy đâu. Tôi có vất vả mấy cũng không bằng người nông dân VN, sáng sớm đã phải ra đồng, ngâm chân xuống bùn lạnh buốt, ăn uống thì cực khổ. Người VN lại luôn giúp đỡ tôi. Bên cạnh tôi còn có anh Của, có các con”.

Người Nhật trọng lễ nghi, phép tắc, đôi khi quá lịch sự mà trở thành xã giao, vậy nhưng chàng thanh niên Lương Định Của lại đến gặp cô gái làm việc trong phòng thí nghiệm trường mình rồi đưa ra một gói giấy: “Xin nhờ chị Nobuko may giúp tôi một cái áo sơmi”. Lần đầu tiên được Nobuko đưa đến nhà mình để nhờ mua giúp lương thực đang rất khan hiếm trong thời điểm chiến tranh, “anh Của” đã ngọt ngào gọi “Cha ơi! Mẹ ơi!” trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ Nobuko. Bà Nobuko hôm nay cười thật tươi: “Sau này đến VN, tôi mới biết người miền Nam có tập quán xưng hô thân mật như thế. Nghe anh gọi “mẹ”, mẹ tôi thích lắm, và vì thế mà sau đó ít lâu bà đồng ý gả con gái cho anh sinh viên ấy. Bà còn tự tay đi chợ, nấu ăn cho đám cưới”.

Những ngày mùa thu 1945, ngoài niềm vui vì hạnh phúc riêng tư, ông Lương Định Của còn một niềm vui khác khiến ông như muốn bay lên, đôi mắt sáng ngời lên khi nói với vợ: “Em Nobuko ơi, VN đã được độc lập rồi. Từ nay trở đi, anh là người của nước VN độc lập, em ạ”. Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo họ từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo, từ lúc Lương Định Của còn là sinh viên cho đến khi nhận được danh hiệu bác sĩ nông học danh giá, tạo ra được giống lúa mới hột to, từ khi Nobuko là một cô gái trẻ cho đến lúc cô đã là một bà mẹ với hai con trai nhỏ.

Ông Lương Định Của đã say sưa nói với vợ về tương lai mới của đất nước, và ông đã từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, và đến năm 1954 cả nhà lại cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Từ đấy, bà Nobuko đã biết đến nỗi cực khổ của dân VN, biết đến tem phiếu, xếp hàng, thiếu trước hụt sau khi phải chăm sóc đàn con; biết đến hầm trú ẩn, bom đạn rơi sát bên mình trong những năm tháng ở lại Hà Nội để dịch và đọc những bản tin tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói VN… Tình yêu nước của chồng, những “cơn gió thổi từ Hà Nội” đã thấm vào bà từ bao giờ. Bà Nobuko lặp lại: “Tôi sống ở VN rất dễ chịu. Thời tiết dễ chịu, thức ăn dễ chịu, con người cũng dễ chịu, và cả cách ăn mặc nữa. Tôi rất thích áo dài, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp, lịch lãm, lại vừa dễ mặc”.

Tấm ảnh bà mặc áo dài đứng cạnh chồng chụp mấy mươi năm trước, dịu dàng, nền nã không khác gì một phụ nữ VN. Cầm tấm ảnh, bà lặng đi: “Chỉ tiếc anh Của mất sớm quá, mới 55 tuổi”. Năm 1975 đất nước thống nhất, Ông Lương Định Của chuẩn bị chuyển vào miền Nam nhận công tác. Chỉ còn hai ngày nữa lên đường, bỗng một đêm ông lên cơn nhồi máu cơ tim. Hôm ấy là ngày 28-12-1975 ông đã ra đi.

Trong năm người con của bà, có tới ba người theo cha vào ngành nông nghiệp. Trong đó, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ mười năm trong quân đội rồi lại tiếp tục theo nông nghiệp, người con trai cả Lương Hồng Việt bây giờ đã nghỉ hưu, luôn sát vai cùng mẹ Nobuko trên những nẻo đường: về quê cha ở Sóc Trăng lo phần mộ tổ tiên, về Hà Nội mỗi năm để trao Giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn xuất sắc, về quê mẹ Nhật Bản để bà vơi nỗi nhớ hoa anh đào...

Nhắc về ông Lương Định Của, bà Nobuko bảo: “Ai cũng nói nếu chúng tôi vẫn cứ ở Nhật Bản thì sẽ giàu có lắm, sự nghiệp của anh cũng rực rỡ hơn về khoa học. Nhưng vật chất không làm nên hạnh phúc. Ở lại Nhật Bản thì anh Của sẽ không thể vui được đâu, vì những “cơn gió thổi từ Hà Nội”. Tôi đến đây, được làm vợ anh 30 năm, hợp nhau tới từng lời nói, như vậy là tôi được ở nấc thang trên cùng của hạnh phúc rồi”.

Ông con trai cả Hồng Việt cười tiếp lời: “Nhìn vào câu chuyện cuộc đời của ông bà, lớp con như chúng tôi thì thấy như huyền thoại, đám cháu thì bảo như cổ tích, không thể có được. Cả nhà bảo nhau phấn đấu theo ông bà thôi”.


 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập ra Giải thưởng Lương Định Của hàng năm từ năm 2005 Qua 15 năm, đã có 1.961 “Nhà nông trẻ xuất sắc” được nhận Giải thưởng.

Tháng 10-1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa chấm dứt, cô Nakamura Nobuko 23 tuổi đã gật đầu đồng ý cưới một lưu học sinh VN ở Fukuoka, Nhật Bản. Anh lưu học sinh nghèo đến không có được một món quà cưới tặng vợ ấy sau này trở thành nhà nông học nổi tiếng: giáo sư - tiến sĩ - Anh hùng lao động Lương Định Của.

Nhà nông học Lương Định Của sinh năm 1920 tại Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp bác sĩ nông học tại Nhật Bản (tương đương học vị tiến sĩ ở VN), cùng vợ con về nước và tập kết ra Bắc năm 1954. Ông nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Khảo cứu nông lâm, Trường đại học Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu cây lương thực thực phẩm.


Tại sao anh chị em lại bất hoà

 

TẠI SAO ANH CHỊ EM LẠI BẤT HOÀ

Anh em bất hòa là một hiện tượng vẫn còn nhiều bí ẩn. Tại sao có những cặp anh chị em ruột luôn sát cánh bên nhau cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, trong khi những cặp khác lại cắt đứt mối liên hệ với nhau?

Địch Thủ Máu Mủ Ruột Già

Trong lịch sử của nhiều gia đình, luôn có những thời điểm mà các quyết định được đưa ra – dù là lặng lẽ hay ồn ào – rằng một ai đó đã chịu hết nổi. Đôi khi điều này xảy ra do tình trạng đối kháng ở tuổi thơ mà giờ đã di căn thành một nỗi oán giận độc hại. Đôi khi chẳng hề có sự kiện kịch tính nào xảy ra cả.

Tỷ lệ người Mỹ cắt đứt quan hệ với anh chị em ruột của mình tương đối nhỏ – có lẽ là ít hơn 5 %, Karl Pillmer, giáo sư chuyên ngành phát triển con người và lão khoa thuộc Đại học Cornell cho biết. Phần còn lại trong chúng ta thể hiện cảm giác gần như là tích cực hoặc trung lập về anh chị em của mình, nhưng điều đó có thể mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Theo bảng khảo sát của trường Đại học Oakland:

26 % những người trong độ tuổi từ 18 đến 65 có mối quan hệ anh chị em thân thiết thông qua việc thường xuyên liên lạc và ít ganh đua với nhau.

19 % có mối quan hệ thờ ơ,

16 % có mối quan hệ thù địch.

39 % Phần còn lại nói rằng anh chị em của mình hết mực thân thiện, nhưng điều này vẫn có thể bao gồm việc hạn chế liên lạc hoặc khả năng cạnh tranh cao.

Nhà tâm lý học Daniel Shaw thuộc trường Đại học Pittsburgh, người nghiên cứu về mối quan hệ anh chị em của trẻ em, thừa nhận rằng hoạt động nghiên cứu về mối quan hệ anh chị em của người trưởng thành khá hiếm hoi, vì thế có lẽ chúng ta chưa có được một cái nhìn toàn cảnh, ít nhất một phần là bởi vì đối với nhiều gia đình, “nó có vẻ rất hỗn loạn. Nói thẳng ra, cứ giả vờ rằng sự rạn nứt không hề tồn tại sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

Một Sự Mất Mát Bị Bỏ Qua Rộng Rãi

Jeanne Safer, nhà tâm lý trị liệu ở thành phố New York cho rằng: Sự xích mích giữa những anh chị em ruột đã trưởng thành thường không phải là mối quan tâm lớn của bác sĩ lâm sàng.

Những thay đổi trong xã hội cũng gây ra ảnh hưởng: Khi người dân Mỹ dịch chuyển từ mô hình đại gia đình sang gia đình hạt nhân, mối quan hệ anh chị em ruột đã bị lu mờ trước mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, hoặc giữa vợ và chồng, nhà xã hội học Dalton Conley đến từ trường Đại học New York cho biết.

Thiếu đi nhiệm vụ văn hóa để gắn bó với nhau, nhiều cặp anh chị em ở trong mối quan hệ căng thẳng không thấy được lý do để tiếp tục duy trì mối quan hệ của họ. Nhà tâm lý học Joshua Coleman, đồng chủ tịch Hội đồng Gia đình Đương đại, cho rằng các bậc cha mẹ và những người con đã trưởng thành cảm thấy một sự bức thiết mạnh mẽ về mặt đạo đức trong việc giữ liên lạc, cho dù mối quan hệ có khó khăn đi chăng nữa. “Nhưng với mối quan hệ anh chị em thì mối ràng buộc này là yếu hơn, vì vậy ít có sự khoan dung hơn.”

Tuy nhiên, bởi vì các mối quan hệ anh chị em không có sức nặng như là mối quan hệ với cha mẹ, duy trì chúng là dễ dàng hơn đối với hầu hết mọi người – điều này càng khiến cho việc giải thích về sự xa cách trở nên phức tạp hơn. Khi kể với người khác rằng bạn có một mối quan hệ khó khăn với cha mẹ, hầu như bạn luôn nhận được một nụ cười cảm thông. Thừa nhận rằng bạn đã ly hôn, thường chẳng mấy ai tỏ ra ngạc nhiên. Nhưng bạn sẽ làm gì khi có người hỏi, “Em trai bồ dạo này thế nào rồi?” và bạn thì chẳng biết cái quái gì cả?

Cô McDonald nói. “Thật xấu hổ khi phải trả lời những người hỏi tôi rằng, “Tại sao các bạn không thể hòa thuận với nhau? Có chuyện gì nghiêm trọng thế?”

Các nhà tâm lý học giờ đây biết rằng, có một thành phần trong gene liên quan tới tính kiên cường – một số đứa trẻ là “bồ công anh” có khả năng giải quyết gần như mọi loại xung đột, trong khi những đứa khác là “phong lan” mà sẽ chóng héo tàn trừ khi được chăm sóc cẩn thận.  

Theo nghiên cứu của Pillemer, có khoảng 2/3 đến ¾ các bà mẹ có một đứa con mà mình cưng hơn. Khi sự thiên vị ở vào mức độ cao, hoặc được hiểu là như vậy, anh chị em trong nhà thường có khuynh hướng trở nên xa cách nhau. “Đó có vẻ như là điều mà mọi người không vượt qua được,” ông nhận xét.

Có thể rất khó để thuyết phục những người đã cắt đứt liên lạc với anh chị em của mình, nhưng với nhiều người mà nói, gia đình vẫn là gia đình, dù cho mọi chuyện có tệ thế nào đi nữa.

Tuy nhiên, với một số người, việc duy trì mối quan hệ chỉ đơn giản là không thể. “Nó không phải lúc nào cũng có thể sửa chữa được,” Safer nói, “nhưng thứ có thể sửa chữa là việc bạn vượt qua chính mình.”

Cuộc Trò Chuyện Giữa Anh Chị Em Ruột: Hãy Bắt Đầu Trò Chuyện

Dưới đây là một vài cách để hướng tới sự hòa giải

  • Hãy bắt đầu thật nhẹ nhàng. Hãy nói với người chị em của bạn rằng bạn hiểu là cô ấy rất bận rộn với gia đình của mình trước khi yêu cầu cô ấy phụ giúp chăm sóc mẹ của các bạn. “Bạn càng bình tĩnh nêu ra vấn đề, thì nó càng hiệu quả hơn,” Coleman nói.
  • Đừng phán xét. Hãy giải thích cho anh bạn biết lời nói và việc làm khiến bạn cảm thấy như thế nào, mà không phán xét. “Nếu mục đích của bạn là để xem liệu một hình thức quan hệ khác có khả thi hay không, vậy thì có nghĩa là bạn muốn mang đến cho họ lợi ích của sự nghi ngờ,” Coleman nói. “Họ có thể không biết rằng hành vi của mình gây tổn thương cho người khác.”
  • Tập trung vào hiện tại. “Không phải ai cũng hứng thú với những cuộc nói chuyện đào mộ quá khứ hay chứa đựng quá nhiều yếu tố tâm lý,” hãy chỉ đơn giản giải thích rằng bạn đang định tổ chức bữa tiệc Lễ Tạ ơn theo cách của mình tại nhà của mình và bạn hy vọng chị ấy sẽ tham gia cùng bạn và cha mẹ.
  • Hãy xem xét lại cái tôi của bạn. Hãy hiểu rằng một cuộc nói chuyện thật sự thẳng thắn về những trắc trở trong mối quan hệ của các bạn nhất định cũng có liên quan đến những hành vi xấu xí của bạn nữa. “Bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để lắng nghe môt số điều rất không hay về bản thân,” Safer nói.
  • Kiểm soát sự kỳ vọng. Những oán giận tích tụ cả một đời sẽ không thể nào mất đi sau vài cuộc nói chuyện. Hãy tập trung vào từng bước tiến bộ và ăn mừng những chiến thắng nhỏ. “Đừng kỳ vọng rằng bất kỳ ai trong số các bạn sẽ thay đổi bản tính ngay cả khi các bạn đã ôm hôn và làm hòa với nhau,” Safer nói. “Việc hai bạn không còn sợ phải ở bên nhau nữa đã là một thành tựu lớn rồi.”

Tác giả: Sara Eckel