TRIẾT LÝ
"YÊU" TRONG THƠ TÌNH XUÂN DIỆU
Triết lý
“Yêu” trong thơ tình Xuân Diệu thể hiện một tầm tư tưởng lớn, nó khác lạ và
vượt lên lối nghĩ suy tầm thường tưởng “cao đạo” mà giả dối. Vì vậy, những bình
diện của triết lý yêu trong thơ Xuân Diệu, suy cho cùng đó chính là những tư
tưởng mang tinh thần nhân bản, nhân văn sâu sắc nhất mà nhân loại luôn hướng
đến.
Với hơn
450 bài thơ tình để lại, Xuân Diệu đã minh chứng một điều: Tình yêu không thể
thiếu thơ và thơ không thể thiếu tình yêu. Tình yêu đáng được tôn thờ như một
thứ “tôn giáo” và thi sĩ đã tin vào tình yêu với một niềm tin thiêng liêng
nhất… “Thiêng liêng quá những
chiều không dám nói…Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau” (Xuân
đầu). Niềm tin vào tình yêu với tất cả sự “ngoan đạo” của một “con chiên” có
trái tim yêu đến cuồng si, nồng nàn khiến thơ tình Xuân Diệu mang đậm sắc màu Triết lý yêu. Và Triết lý yêu là một
trong những giá trị nhân văn độc đáo, sâu sắc nhất của thơ tình Xuân Diệu.
Đối với
thi sĩ yêu là nguồn
sống: Làm sao sống được mà không yêu/ Không
nhớ, không thương một kẻ nào? (Bài ca tuổi nhỏ).
Thi sĩ
quan niệm: “Đời không ân ái
đời vô vị/ Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa”. Cuộc sống không
thể thiếu tình yêu vì con người sinh ra vốn là để sống và yêu, nói như Gớt: “chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên
trong tình yêu và chết đi trong tình yêu”.
Xuân Diệu
đã nhận kiếp trước ông đã yêu và kiếp này vẫn tiếp tục yêu, ngọn lửa tình yêu
dường như bất tận trong ông: Tôi
đã yêu từ khi chưa có tuổi/ Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa luân hồi/ Tôi sẽ yêu khi
đã hết tuổi rồi/ Không xương xóc chỉ huyền hồ bóng dáng. (Đa
tình)
Thi sĩ đã
đưa ra cách lý giải tưởng như rất vu vơ, nhưng đúng với quy luật tình cảm, tâm
lý của con người: Có khó
gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ,
gió hiu hiu (Vì sao)
Minh
triết yêu trong thơ tình Xuân Diệu: Yêu
chính là phải biết sống hết mình cho người mình yêu, yêu là sự dấn thân và tận
hiến vì nhau và cho nhau.
Anh thèm
muốn vô biên và tuyệt đích/ Em biết không? Anh tìm kiếm em hoài…Yêu tha thiết
thế vẫn còn chưa đủ/ Phải nói yêu, trăm bận đến ngàn lần (Phải nói).
Em là em,
anh vẫn cứ là anh/ Có thể nào qua Vạn lí trường thành/ Của hai vũ trụ chứa đầy
bí mật (…) Ôi
mắt người yêu, ôi vực thẳm!/ Ôi trời xa vừng trán của người yêu/ Ta thấy gì đâu
sau sắc yêu kiều (Xa cách).
Yêu là
hạnh phúc vô biên và yêu cũng là đau khổ tột cùng. Trong sự
luận giải của thi sĩ, yêu là hạnh phúc bởi tình yêu mang lại cho con người cảm
xúc khác lạ, vừa dịu dàng, êm ái như sống trong cõi thần tiên: Lòng
anh rạo rực không duyên cớ/ Khi nắng chiều tơ giỡn với cành (Có
những bài thơ), Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc/ Như
thuyền ngư phủ lạc trong sương (Vì sao?),
Chúng tôi
lặng lẽ bước trong thơ/ Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ (Trăng); Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên…con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả
cành hoang nắng trở chiều/ Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn/ Lần đầu rung động nỗi
thương yêu (Thơ
duyên)…
Ý thơ mạnh
mẽ, xôn xao, dữ dội: Giơ
tay muôn ôm cả Trái đất/ Ghì trước trái tim, ghì trước ngực…Hãy đốt đời ta trăm
thứ lửa/ Cho bừng tia mắt đọ tia sao (Bài ca tuổi nhỏ) và
trên hết là hạnh phúc được là chính mình để
“hồn giăng rộng khắp không
gian” được “ngơ
ngẩn”, “nhung nhớ”,
“bâng khuâng”
(Dâng), được “bỡ ngỡ”,
“xôn xao”, “rợn rợn”, “hồi hộp”…(Xuân không mùa).
Khát vọng
tình yêu là vô biên, tuyệt đích, nhưng hành trình hướng đến khát vọng ấy lại
luôn gặp phải rất nhiều giới hạn, rào cản.
“Sông trôi núi lở âm thầm/ Đường đi vũ trụ có cầm được đâu?”
Xuân Diệu
đã tìm cách cắt nghĩa rất riêng, rất sâu sắc về nguyên nhân gây nên nỗi đau khổ
của yêu: Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc
được yêu? Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu/ Người ta phụ, hoặc thờ
ơ, chẳng biết (…). Họ
lạc lối giữa u sầu mù mịt/ Những người si theo dõi dấu chân yêu/ Và cảnh đời là
sa mạc vô liêu/ Và ái tình là sợi dây vấn vít/ Yêu, là chết ở trong lòng một ít (Yêu).
Người ta
khổ vì thương không phải cách/ yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người/ người ta
khổ vì xin không phải chỗ…(Dại khờ), Bao nhiêu sầu, ôi sầu biết bao nhiêu/ Khi yêu tình, khi
theo mãi tình yêu (Yêu mến). Tôi là một kẻ điên cuồng/ Yêu những ái tình ngây dại/ Tôi cứ bắt lòng tôi đau đớn mãi/ Đau vô
duyên, đau không để làm gì. (Thở than).
Suốt đời
nuốt lệ vào trong ngực/ Đem ái tình dâng kẻ phụ ta (Muộn
màng). Tôi một mình đối
diện với tình không/ Để lắng nghe tiếng khóc mất trong lòng (Dối
trá)…
Victor Hugo nói: “Ai khổ vì yêu hãy yêu hơn
nữa, chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Còn với Xuân Diệu, con người
chưa bao giờ “nguôi nỗi khát thèm”…thậm chí khát vọng ấy mãnh liệt ấy đến mức
giục lòng người “yêu khi đã
hết tuổi rồi”, “khi chết rồi, thì tôi sẽ yêu ma” (Đa tình)… Yêu là
câu chuyện dài bất tận, không biên giới, bến bờ, yêu không bao giờ có tuổi…
Tình yêu
trong thơ Xuân Diệu là tình yêu của con người sống giữa đời thường chứ không
phải tình yêu đạo đức trong sách vở của một “ông hoàng” nào đó. Đó là thứ tình
yêu dám bộc lộ những khát vọng thành thực đến cháy lòng. Do đó triết lý yêu
trong thơ tình Xuân Diệu bên cạnh việc luận giải vấn đề yêu là hướng đến sự hòa
hợp tâm hồn thì còn khẳng định một chân giá trị đầy tính nhân bản: yêu là khao khát được hòa hợp với thân
xác người mình yêu.
Hãy sát
đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài! Những cánh tay!
hãy cuốn riết đôi vai! Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt! Hãy khăng khít những
cặp môi gắn chặt (Xa cách). Chúng
ta đau, thôi em tới đây mà! Mơn man nào, em đừng khóc đôi ta/ Thế, riết thế,
hãy vòng tay chặt nữa/ Cho em hút những chút hồn đã rữa/ Cho em chuyền hơi độc
rất tê ngon (Sầu). Hãy
tuôn âu yếm, lùa mơn trớn/ Sóng mắt, lời môi, nhiều – thật nhiều (Vô
biên).
Em phải
nói, phải nói, và phải nói/ Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày/ Bằng nét buồn bằng vẻ
thẹn, chiều say/ Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết (Phải
nói).
Triết lý
yêu trong thơ tình Xuân Diệu là một
trong những giá trị quan trọng làm nên sự bất tử của thơ Xuân Diệu. Bạn đọc nhớ đến Xuân Diệu sau 100 năm hay
1000 năm hoặc lâu hơn nữa phải chăng, cũng bắt đầu từ những bài thơ tình thấm
đẫm triết lý yêu. mang
vẻ đẹp nhân sinh cao cả và đầy khao khát trần thế - những bài thơ dạt dào, tha
thiết, êm đềm và sâu lắng, ru lòng người
mãi mãi khôn nguôi.