Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

Lời thề và phương pháp chữa bệnh hyppocrate

 

LỜI THỀ VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH HYPPOCRATE NGÀY NAY CÀNG CÓ Ý NGHĨA THỜI SỰ.

Giới y học chẳng mấy ai không biết đến danh y người Hy Lạp cổ Hyppocrate. Ông nổi tiếng với phương pháp chữa bệnh yêu cầu con người phải hướng tới sự thân thiện với thiên nhiên môi trường để nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, tránh tất cả những gì cản trở đến khả năng tự điều chỉnh tự chữa, đem lại sức khỏe tự nhiên cho cơ thể. ông còn trở nên nổi tiếng với đạo đức y học, với lời thề Hyppocrate mà các thầy thuốc trước đây phải tuyên đọc trước khi ra trường. Đại lược những lời thề đó như sau: "Tôi xin thề trước Apollon - thần chữa bệnh, trước Esculape - Thần y học, trước thần Hygie và Panacee… tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để:
1. Coi thầy học ngang hàng với cha mẹ.
2. Sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tránh mọi điều xấu và bất công...
3. Sẽ không trao thuốc độc cho bất cứ ai... không trao thuộc cho bất cứ phụ nữ nào những viên thuốc sẩy thai...
4. Sẽ suốt đời hành nghề trong vô tư và thân thiết...
5. Sẽ không làm phẫu thuật có thể gây biến chứng vô sinh, mà để những công việc đó cho người chuyên khoa.
6. Dù vào bất kỳ nhà nào cũng chỉ vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa cố ý và đồi bại.

Phương pháp chữa bệnh của ông và lời thề Hyppocrate cho đến nay càng có ý nghĩa thời sự bởi như Giáo sư Mariano de Castex đã nhận xét tại Hội nghị quốc tế về nội khoa ở Buenos Aires (1964) " Những năm gần đây, trước sự xâm lấn của kỹ thuật học - khoa học vào Nội khoa... đã làm mất nhân tính của người bệnh và mất tư cách của người thầy thuốc... Trước tình hình đó, truyền thông lâm sàng cổ điển - đại diện là Y học Hyppocrate - đã đứng lên bênh vực đặc quyền của quan sát lâm sàng sáng ngời bởi uy tín của 25 thế kỷ vô cùng phong phú.

"Thuận trời thì sống, chống trời thì chết"

"THUẬN TRỜI THÌ SỐNG, CHỐNG TRỜI THÌ CHẾT"

Người khỏe có ngàn ước mơ nhưng người ốm chỉ có một ước mơ: khỏe mạnh! Để đạt được những trạng thái tất lành về sức khỏe, thể chất và tâm lý, Cổ thư Trung Hoa đã dạy rằng con người ta phải thuận theo sinh khí của trời đất: "Thuận trời thì sống, chống trời thì chết".

- Mùa xuân: "Khí” của trời đất mới nảy sinh, khí của người ở kinh mạch. Nên dậy sớm, đi lại thong thả, không vấn tóc, không mặc đồ chật, tâm trí thảnh thơi. Làm được như vậy là hợp với khí xuân. Can (gan) khổ về sự thái quá, ăn ngọt để hoãn lại.

- Mùa hạ: "Khí trời - đất" giao nhau, muôn loài đều tốt tươi, nở hoa kết trái. Khí của con người ở tồn lạc - cơ nhục. Nên dậy sớm chớ ngại ngày dài. Tránh giận dữ để thần khí thư thái. Đầu mùa hạ: Tâm (tim) khổ về sự hoãn lại, kịp ăn chua cho thâu lại. Trường hạ: Tỳ (lá lách) khổ về thấp, ăn vị đắng cho khô ráo.

- Mùa thu: "Khí” trời lạnh ráo, "khí” đất trong sáng. Khí của người ở bì phu. Nên dậy sớm cho người yên bình. Phế khô do nghịch khí, ăn cay cho tiết đi.

- Mùa đông: "Khí” trời bế tàng, nước giá lạnh (đóng băng), mặt đất nứt nẻ. Khí con người ở cốt tủy, không nên làm nhiều động dương khí, nên ngủ dậy muộn. Tránh nơi rét gió lùa, đừng để da thịt hở nhiều khiến cho khí như ẩn dữ. Thận khô vì táo, ăn mặn để cho nhuận.

 

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

Câu chuyện Trạng quỳnh làm sứ nhà Thanh nễ sợ

 

TRẠNG QUỲNH VÀ ĐOÀN THỊ ĐIỂM LÀM SỨ NHÀ THANH NỄ SỢ

Truyện Trạng Quỳnh xuất xứ từ thời Lê Trịnh có chút thô tục, tuy không có chính sử chép lại, nhưng cũng xin mạn phép đưa vào đây để hầu bạn đọc:

Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh khét tiếng hống hách sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Tin vào tài ứng đối của Quỳnh, triều thần giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Vốn là bạn cùng học lại đã quá rõ tài nhau nên Quỳnh xin vua triệu bà Đoàn Thị Điểm cùng giúp mình. Trạng đóng vai người lái đò chở phái bộ sứ Tàu, còn bà Đoàn Thị Điểm đóng vai cô bán hàng ở một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái.


Thời ấy, phụ nữ Việt đều mặc váy, điều này được lưu truyền qua bài ca dao:

Tháng Tám có chiếu vua ra, 
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng, 

Mấy tên trong sứ bộ Tàu vừa đến nước ta, ngang qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, mặc váy lại ngồi ở bờ sông lộng gió nên váy có lúc “phất phơ”, sứ Tàu thấy thế liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

– Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.

Vế câu đối này hàm ý lố bịch, tục tĩu có thể ngầm hiểu là “An Nam bay chỉ có tấc đất, mà chẳng biết có bao nhiêu người “cày” lên đó”. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ.

Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

– Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất. Ý là Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả.

Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng.

Lưu ý: Thị Điểm dùng chữ “ Bắc quốc chư đại phu” là rất đắt, có bản nói là “đại trượng phu”. Xưa quan võ giỏi khi điểm binh thường được gọi là “chư tướng”. Quan văn chức to khi hầu vua gọi là “chư đại phu”. Chắc vì ngoại giao phải giữ thể diện nên Thị Điểm không dùng chữ “Bắc quốc đại hoàng đế” mà chỉ nói đến “ Bắc quốc chư đại phu “ thôi. 

“Đòn”đủ tầm, vừa thật hay, vừa tỏ ý khinh miệt mà đanh đá đáo để!

Tiếp đến lúc xuống đò, Quỳnh đã mặc giả làm chú lái, cầm sào đợi sẵn… Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng “bủm”. Hắn đã không biết sượng mặt, còn đọc một câu chữa thẹn lếu láo:

– Lôi động Nam bang. (Sấm động nước Nam).

Trạng Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:

– Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc).

Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:

-“Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ ”
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế)

Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Từ đó, cả bọn sứ Tàu bấm nhau ngồi im thin thít.

“Ý tại ngôn ngoại”, văn chương cao diệu thường không thể nói “toạc móng heo treo móng giò” ra được, mà người ta dùng ẩn ý sâu xa để thể hiện ý mình, thế mới gọi là cao thủ!

Qua những câu chuyện kể trên ta hoàn toàn có thể tự hào tài trí Việt Nam, Và đây cũng là bài học sáng giá cho các nhà ngoại giao Việt Nam thời hiện đại trong quan hệ với đại lân bang.

Trạng Quỳnh học vấn kinh luân, tài năng ứng biến

 

TRẠNG QUỲNH HỌC VẤN KINH LUÂN, TÀI NĂNG ỨNG BIẾN


Nguyễn Quỳnh  (1677-1748), dân gian gọi là Trạng Quỳnh, xuất thân trong một gia đình Nho giáo, có truyền thống hiếu học tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Huyện Hoằng Hóa xưa nay vốn được coi là đất học nổi tiếng của vùng đất Thanh Hóa. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Ai thích ăn cá thì về Quảng Xương/ Ai thích văn chương thì về Hoằng Hóa”.

 

Nguyễn Quỳnh sớm bộc lộ khả năng thơ phú, ca dao, tài văn chương. Năm 14 tuổi, ông đậu khảo thí ở huyện.

Tại khoa thi năm Bính Tý (1696) thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Quỳnh đã đỗ đầu kỳ thi Hương Cống (nên được gọi là Cống Quỳnh) khi mới 19 tuổi. Con đường khoa cử của ông không được thuận lợi khi không đỗ các kỳ thi Hội sau đó. Tuy vậy, khát vọng kẻ sĩ vẫn luôn thôi thúc trong con người ông.

 

Sự nghiệp làm quan của Nguyễn Quỳnh cũng đầy khó khăn, chật vật. Ông được triều đình bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Thạch Thất, xứ Sơn Tây. Trong giai đoạn chính sự rối ren, xã tắc loạn lạc, chứng kiến lòng dân cơ cực, đau khổ, Nguyễn Quỳnh chọn cách cáo quan về quê. Dù ông đã kinh qua nhiều vị trí, từ Huấn đạo rồi Viên Ngoại lang ở Bộ Lễ, Tu soạn Viện Hàn lâm... thì cuộc sống của ông vẫn rất nghèo.

 

Tuy nhiên, với tài năng thơ phú và ứng đối xuất chúng, sẵn lòng bênh vực người nghèo, ghét cay ghét đắng bọn tham quan, ô lại, ông được dân gian yêu mến. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh (dù ông không đỗ Trạng nguyên).

 

Tài liệu cuộc đời làm quan, di sản văn chương của Nguyễn Quỳnh để lại khá ít ỏi nhưng cũng đủ khẳng định tài năng thơ phú của Nguyễn Quỳnh. Trong gia phả của dòng họ Nguyễn có ghi lại 6 bài văn bằng chữ Hán của Nguyễn Quỳnh được lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, hai bài phú “Kim bạch tài vật phú” và “Tần cung phụ nữ” được liệt vào hàng đầu trong cuốn “Lịch triều danh phú” cho thấy tài năng văn chương của Nguyễn Quỳnh.

Hiện nay, trong tiểu sử tóm tắt về Nguyễn Quỳnh tại đền thờ ông vẫn còn ghi: “Trạng Quỳnh là người học vấn kinh luân, tài năng ứng biến. Khi tiếp xúc với sứ thần Trung Quốc, ông ứng đối hùng biện, lưu loát về văn học từ chương, nghi lễ bang giao”.

 

Đền thờ Trạng Quỳnh của dòng họ thành di tích quốc gia

Đền thờ Trạng Quỳnh tọa lạc ngay đầu làng Bột Thượng - Cổ Quăng, nhà lưu niệm trưng bày 2 pho sách "Truyện Trạng Quỳnh" song ngữ Việt-Pháp, song ngữ Việt-Anh do nhà văn Nguyễn Đức Hiền biên soạn, mỗi pho nặng hơn 5kg có thể lưu giữ hàng thế kỷ.

 

Hiện nay “Khu di tích được trùng tu lại khang trang trên nền cũ của đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh. Năm 1992, khu di tích được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Hằng năm, có hàng vạn du khách về thăm khu di tích để tưởng nhớ vị danh nhân tài năng, đức độ, trở thành biểu tượng cho sự hiếu học của đất và người Hoằng Hóa.