Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Nhà bác học lỗi lạc Trương Vĩnh Ký

 

NHÀ BÁC HỌC LỖI LẠC TRƯƠNG VĨNH KÝ

Trương Vĩnh Ký một nhà bác học, nhà ngôn ngữ học tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XIX. Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ học, văn học… Ông để lại cho đời một di sản đồ sộ, với hơn 120 tác phẩm được đúc kết sau hơn 35 năm dạy học và miệt mài cầm bút làm việc.

Bác học, tâm thuật, khiêm tốn

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký được giới nghiên cứu nhận định là một trong những nhân vật lịch sử rất giỏi của Bến Tre nói riêng, khu vực và cả nước nói chung. Tập tài liệu “Bến Tre - Đất và người” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ấn hành năm 2020 có nêu: Trong giới học thức, Trương Vĩnh Ký được đặc biệt kính trọng. Toàn bộ sự nghiệp được tóm gọn trong ba chữ “Bác học, tâm thuật, khiêm tốn”. Từ các công trình của ông, các nhà nghiên cứu công nhận ông đọc và nói rất giỏi 15 sinh ngữ phương Tây, nếu tính luôn tiếng mẹ đẻ, ông nói và viết được 27 thứ tiếng, viết 11 ngoại ngữ châu Á (trong đó, ông viết sách giáo khoa dạy 9 trong số 11 ngôn ngữ ấy).

Trương Vĩnh Ký (1837-1898) sinh ở Cái Mơn, thôn Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình Công giáo dòng.

Ông học trường đạo, thông thạo nhiều thứ tiếng (Hán, Latinh, Hi Lạp, Pháp, Anh, Nhật...). Năm 1860, sau khi Gia Định thất thủ, ông làm thông ngôn. Giám đốc Trường Thông ngôn (1863). Chủ bút tờ "Gia Định báo". Giáo sư Trường Hậu bổ (Collège des stagiaires) dạy Hán ngữ và Việt văn (1873).

Ông viết rất nhiều sách, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, thuộc đủ loại: lịch sử, địa lí, ngôn ngữ, văn học, vv.

Công lớn nhất của Trương Vĩnh Ký là sưu tầm, phiên âm các truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam: "Truyện Kiều" (1878), "Lục Vân Tiên" (1889), "Phan Trần" (1889), "Đại Nam quốc sử diễn ca" (1875), "Lục súc tranh công" (1887), "Chuyện đời xưa" (1886), "Chuyện khôi hài" (1882); và một số tác phẩm đương thời: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" (1887), "Gia Định thất thủ vịnh" (1882), "Trung nghĩa ca" (1888).

Ông viết "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi" (1875), thiên bút kí đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, lời văn bình dị, sát với ngôn ngữ nói, không có hơi hướng biền ngẫu.

Đầu năm 1886, Pôn Be (Paul Bert) được bổ nhiệm làm thống sứ An Nam và Bắc Kỳ. Pôn Be là hội viên Hàn Lâm viện, quen biết và phục tài Trương Vĩnh Ký từ năm 1863 khi Vĩnh Ký theo Phan Thanh Giản sang Pháp nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Pôn Be mời ông cộng tác trong công vụ "canh tân hợp tác" các xứ Đông Dương, đặc biệt triều đình Đồng Khánh. Nhưng Pôn Be chết ngày 11.11.1886, Vĩnh Ký thất sủng vì sự đố kị của giới chức Pháp thực dân chủ trương đồng hoá. Ông trở về viết sách, làm từ điển và ra học báo "Thông loại khoá trình" (Miscellannées) rất có giá trị.

Năm 1890 ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục việc dịch thuật và nghiên cứu. Mất Ngày 1/9 /1898, tại Chợ Quán, Sài gòn.

Nhà bia Trương vĩnh ký, do nhân dân Bến Tre lập năm 1938 nơi quê hương ông (ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) để tưởng nhớ về ông. Nhà bia có hình tứ giác, mái lợp tôn giả ngói, chóp hình tháp, với 16 cột màu trắng, không tường. Bên trong có một tấm bia bằng đá xanh, cao khoảng 2,5m, mặt trước bia được viết bằng 3 ngôn ngữ (Pháp, Hán, Việt)

Trong vận may ẩn giấu sự nỗ lực

 

TRONG VẬN MAY ẨN GIẤU SỰ NỖ LỰC


Vận may chính là thời cơ gặp sự nỗ lực. Chỉ có dựa vào sự nỗ lực, kiên trì của bản thân mới có thể được vận mệnh chào đón, được vận may nâng đỡ. Bạn càng nỗ lực thì vận mệnh càng dành cho bạn nhiều điều tốt đẹp.

.

Tri mệnh dữ nỗ lực (Biết thiên mệnh và sự nỗ lực). Lương Khải Siêu* nói: “Vì sao chúng ta phải thực sự nỗ lực? Bởi vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể không thấy mệt mỏi, chán chường”. Ông nhấn mạnh việc “tri mệnh” (biết mệnh trời) một cách tích cực và cần đối đãi với cuộc sống bằng sự nỗ lực, nghiêm túc.

Vận may là sản phẩm phụ của sự nỗ lực. Vậy nên thay vì cứ mãi oán trách số phận thì hãy nỗ lực nhiều hơn. Nếu không tự mình tích lũy kinh nghiệm từ thực tế thì dẫu vận may có tới trước mặt, bạn cũng không thể giữ chân được cơ hội ấy.

.

Càng nỗ lực càng may mắn

Những người gặp nhiều may mắn, họ đã phải thực sự nỗ lực mới có được vận may ấy. Nếu bạn cũng muốn có được thành quả giống như họ thì chúng ta cũng cần sẵn sàng nỗ lực và phó xuất nhiều hơn.

Điều tốt đẹp trên thế gian đều là sự tương trợ lẫn nhau. Mặc dù không phải tất cả mọi sự nỗ lực đều sẽ gặt hái được thành công, nhưng tất cả vận may chỉ chịu để mắt tới bạn khi bạn đã nỗ lực đúng mức.

.

Vận may do nỗ lực mà có. Vậy nên dẫu cơ hội ngay ở trước mắt thì bạn cũng cần tự mình nỗ lực chạy về phía trước, mới có thể nắm giữ được nó. Nỗ lực dù sớm dù muộn cũng đều có giá trị. Sự phó xuất của bạn, sớm muộn gì cũng sẽ được đền đáp theo một hình thức nào đó. Vận may chính là sự báo đáp vô hình dành cho bạn.

Vận may của bạn ẩn giấu trong thực lực của bạn, ẩn giấu trong những giọt mồ hôi, trong những trăn trở và nỗ lực thầm lặng mà không ai biết. Bạn càng nỗ lực thì càng may mắn.

--------

* Lương Khải Siêu (1873 – 1929). Ông là nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị Trung Quốc thời cận đại. thời nhỏ. Lương Khải Siêu được biết đến từ cuộc Bách nhật Duy tân. 16 tuổi ông đã thi cử đỗ đạt, 22 tuổi ông được phong làm Thượng thư, 23 tuổi ông cầm bút viết “Thời Vụ Báo”.

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Đại dịch Covid-19 sẽ tác động đến ngành giáo dục như thế nào

 

ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÀNH GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?


Đại dịch COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng những thay đổi nó gây ra cho ngành giáo dục là hoàn toàn có thể thấy rõ. Covid-19 còn được xác định sẽ là nhân tố thay đổi cách thức giáo dục trong tương lai. Sự thay đổi đó được thể hiện trên 3 phương diện sau:

.

1. Hình thức Blended Learning bùng nổ

Đại dịch Covid-19 là một hoàn cảnh bắt buộc các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới phải tìm ra được những giải pháp thay thế sáng tạo trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Dạy học trực tuyến được lựa chọn là một giải pháp dạy và học khi các trường học đều phải đóng cửa. 

Tuy nhiên ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, vẫn có sự tăng trưởng trong áp dụng công nghệ vào nền giáo dục. Minh chứng cho điều này là theo Markets Insider, các khoản đầu tư Edtech (Ứng dụng công nghệ trong giáo dục) toàn cầu đạt 18,66 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019.

 

Quá trình học tập trực tuyến tại nhà trong mùa dịch Covid chính là tiền đề cho sự thay đổi của toàn ngành giáo dục. Đó là sự bùng nổ của hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, hay còn được biết đến với cái tên Blended Learning. Nói một cách dễ hiểu Blended Learning có khả năng tích hợp ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cả hai hình thức dạy học online và offline. Khi mà học trực tuyến đòi hỏi thời gian học ít hơn 40 – 60% so với các lớp học truyền thống.

 

2. Phát triển mối quan hệ đối tác giáo dục công – tư

Giáo dục liên quan đến các chủ thể khác nhau, bao gồm: chính phủ, chuyên gia giáo dục, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ và các nhà khai thác mạng viễn thông. Những chủ thể này hợp tác với nhau để đưa vào sử dụng một nền tảng kỹ thuật số như một giải pháp tạm thời cho cuộc khủng hoảng. Ở những quốc gia mới nổi nơi Chính phủ vẫn đóng vai trò quyết định trong ngành giáo dục như ở Việt Nam thì đây có thể trở thành một xu hướng cho giáo dục tương lai.

.

Sự đổi mới trong giáo dục đang nhận được nhiều quan tâm bên cạnh những dự án do chính phủ tài trợ hoặc của các tổ chức phi lợi nhuận. Trong thập kỷ qua, chúng ta đã thấy sự quan tâm và đầu tư lớn hơn rất nhiều đến từ khu vực tư nhân trong các giải pháp giáo dục và đổi mới. Từ Microsoft và Google ở ​​Mỹ đến Samsung ở Hàn Quốc và Tencent, Ping An và Alibaba ở Trung Quốc. 

.

Trong khi hầu hết các sáng kiến về giáo dục ​​cho đến nay đều bị giới hạn về phạm vi, thì nay đại dịch đã mở đường cho sự kết hợp của các liên minh công nghiệp với quy mô lớn. Chúng được hình thành để hướng tới một mục tiêu giáo dục chung.

 

3. Gia tăng khoảng cách số (Digital Divide)

Tác động của Covid-19 đến toàn ngành giáo dục còn đặc biệt ở chỗ nó làm gia tăng khoảng cách số. Hầu hết các trường học bị ảnh hưởng bởi đại dịch đều không ngừng tìm kiếm những giải pháp để tiếp tục giảng dạy. Tuy nhiên, chất lượng học tập trực tuyến chủ yếu phụ thuộc tốc độ kết nối Internet cũng như chất lượng truy cập các thiết bị kỹ thuật số.  

Tuy nhiên, trên thực tế, theo báo cáo Digital in 2020 của We Are Social and Hootsuite, chỉ có khoảng 60% dân số trên toàn thế giới có kết nối trực tuyến. Trong khi, như đã nói ở trên, giáo dục hậu Covid có xu hướng phát triển hình thức Blended Learning. 

Hơn nữa, những gia đình không đủ điều kiện để đầu tư cũng như hiểu biết về kỹ thuật số thì con em của họ sẽ càng bị bỏ lại phía sau. Trừ khi chi phí truy cập giảm xuống và chất lượng truy cập tăng ở tất cả các quốc gia hoặc không khoảng cách về chất lượng giáo dục sẽ ngày càng khó lấp đầy.

.

Có thể còn quá sớm để kết luận đại dịch Covid-19 tác động đến ngành giáo dục như thế nào. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi nền giáo dục trên toàn thế giới. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự tác động lâu dài đến đổi mới và số hóa giáo dục. Đứng trước tình hình đó, đội ngũ làm giáo dục thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục … và cả nền giáo dục trong nước cần có sự chuyển mình để kịp thích nghi với sự thay đổi nền giáo dục trên toàn thế giới.