NHÀ BÁC HỌC LỖI LẠC TRƯƠNG VĨNH KÝ
Trương Vĩnh Ký một nhà bác học, nhà ngôn ngữ học tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ XIX. Ông là người am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực lịch sử, ngôn ngữ học, văn học… Ông để lại cho đời một di sản đồ sộ, với hơn 120 tác phẩm được đúc kết sau hơn 35 năm dạy học và miệt mài cầm bút làm việc.
Bác học, tâm thuật, khiêm tốn
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký được giới nghiên cứu nhận định là một trong những nhân vật lịch sử rất giỏi của Bến Tre nói riêng, khu vực và cả nước nói chung. Tập tài liệu “Bến Tre - Đất và người” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ấn hành năm 2020 có nêu: Trong giới học thức, Trương Vĩnh Ký được đặc biệt kính trọng. Toàn bộ sự nghiệp được tóm gọn trong ba chữ “Bác học, tâm thuật, khiêm tốn”. Từ các công trình của ông, các nhà nghiên cứu công nhận ông đọc và nói rất giỏi 15 sinh ngữ phương Tây, nếu tính luôn tiếng mẹ đẻ, ông nói và viết được 27 thứ tiếng, viết 11 ngoại ngữ châu Á (trong đó, ông viết sách giáo khoa dạy 9 trong số 11 ngôn ngữ ấy).
Trương Vĩnh Ký (1837-1898) sinh ở Cái Mơn, thôn Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), trong một gia đình Công giáo dòng.
Ông học trường đạo, thông thạo nhiều thứ tiếng (Hán, Latinh, Hi Lạp, Pháp, Anh, Nhật...). Năm 1860, sau khi Gia Định thất thủ, ông làm thông ngôn. Giám đốc Trường Thông ngôn (1863). Chủ bút tờ "Gia Định báo". Giáo sư Trường Hậu bổ (Collège des stagiaires) dạy Hán ngữ và Việt văn (1873).
Ông viết rất nhiều sách, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, thuộc đủ loại: lịch sử, địa lí, ngôn ngữ, văn học, vv.
Công lớn nhất của Trương Vĩnh Ký là sưu tầm, phiên âm các truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam: "Truyện Kiều" (1878), "Lục Vân Tiên" (1889), "Phan Trần" (1889), "Đại Nam quốc sử diễn ca" (1875), "Lục súc tranh công" (1887), "Chuyện đời xưa" (1886), "Chuyện khôi hài" (1882); và một số tác phẩm đương thời: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" (1887), "Gia Định thất thủ vịnh" (1882), "Trung nghĩa ca" (1888).
Ông viết "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi" (1875), thiên bút kí đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, lời văn bình dị, sát với ngôn ngữ nói, không có hơi hướng biền ngẫu.
Đầu năm 1886, Pôn Be (Paul Bert) được bổ nhiệm làm thống sứ An Nam và Bắc Kỳ. Pôn Be là hội viên Hàn Lâm viện, quen biết và phục tài Trương Vĩnh Ký từ năm 1863 khi Vĩnh Ký theo Phan Thanh Giản sang Pháp nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Pôn Be mời ông cộng tác trong công vụ "canh tân hợp tác" các xứ Đông Dương, đặc biệt triều đình Đồng Khánh. Nhưng Pôn Be chết ngày 11.11.1886, Vĩnh Ký thất sủng vì sự đố kị của giới chức Pháp thực dân chủ trương đồng hoá. Ông trở về viết sách, làm từ điển và ra học báo "Thông loại khoá trình" (Miscellannées) rất có giá trị.
Năm 1890 ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục việc dịch thuật và nghiên cứu. Mất Ngày 1/9 /1898, tại Chợ Quán, Sài gòn.
Nhà bia Trương vĩnh ký, do nhân dân Bến Tre lập năm 1938 nơi quê hương ông (ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) để tưởng nhớ về ông. Nhà bia có hình tứ giác, mái lợp tôn giả ngói, chóp hình tháp, với 16 cột màu trắng, không tường. Bên trong có một tấm bia bằng đá xanh, cao khoảng 2,5m, mặt trước bia được viết bằng 3 ngôn ngữ (Pháp, Hán, Việt)