TRÍCH ĐOẠN SÁCH GIẢI MÃ CÁC CĂN BỆNH THỜI HIỆN ĐẠI” CỦA YONGCHUL KWON
(1) Tại những vùng càng gần với Bắc cực hoặc Nam cực, nhiệt độ càng giảm. Khi đó, cơ thể chúng ta, đặc biệt là phổi bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không tìm cách thích nghi để bảo vệ phổi trước cái lạnh giá buốt của mùa đông, những con người nơi đây không thể nào sống sót được.
Họ thích nghi bằng cách sưởi ấm không khí bên ngoài trước khi không khí đó vào phổi, nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương của các tế bào phổi. Muốn vậy, họ phải kéo dài đường đi của không khí để làm ấm luồng không khí đó. Lỗ mũi của họ nhỏ và cao. Và mũi càng dài thì càng dễ làm ấm không khí. Chính vì vậy, người dân ở phía bắc châu Âu có mũi cao và dài.
Ngược lại, ở khu vực Đông Nam Á, nơi thời tiết nóng nực, người dân không cần phải làm ấm không khí trước khi hít vào phổi. Vì vậy, lỗ mũi của họ to và rộng, khoang mũi cũng ngắn hơn. Nói cách khác, cơ thể mỗi người có thể tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh sống. Điều này đã được chứng minh từ lâu.
(2) Ngày nay, trẻ em bị mắc những chứng bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng. Đó là những triệu chứng của rối loạn hệ miễn dịch do môi trường sống quá sạch. Trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với vi khuẩn nên hệ miễn dịch bị yếu đi.
(3) Cách để vượt qua bệnh tật không phải là lúc nào cũng chiến đấu và đánh đuổi vi khuẩn. Đối với loài người chúng ta, cách có lợi là tìm ra điểm tiếp cận các loại vi khuẩn đó, bởi những kẻ thù cùng đường, bị chặn đường lui là những kẻ thù đáng sợ nhất.
(4) Khi chúng ta đói bụng, cơ thể thúc đẩy tiết ra chất sirtuin, ngăn ngừa lão hóa. Ngược lại, khi chúng ta cung cấp cho cơ thể quá nhiều dinh dưỡng thì sẽ thúc đẩy đồng hồ sinh học chạy nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Đặc biệt, khi hấp thu những thực phẩm giàu dinh dưỡng, gien đồng hồ sinh học của con người bị bật lên và cá thể đó sẽ bị lão hóa nhanh chóng. Thay vì đổ lỗi cho gien, những người lo lắng về lão hóa hãy thay đổi thói quen sinh hoạt của bản thân để điều chỉnh gien. Hãy tìm hiểu kỹ hơn những nhân tố như môi trường, thức ăn và thói quen sinh hoạt.
(5) Tôi không rõ bạn có cần một cuộc sống chậm lại và nhẹ nhàng hơn hay không. Theo tôi, bạn cũng nên dành thời gian để nhìn lại, đừng quá mải miết chạy. Chỉ nhìn về phía trước và lao đi như vậy có phải là một nhân sinh quan đúng đắn không? Sống bận rộn, miệt mài có phải là một lối sống tốt trong xã hội hiện nay không? Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì có lẽ chúng ta cần phải lo lắng đến những vấn đề sẽ xảy ra với gien di truyền của mình. Hiếm muộn cũng nằm trong chuỗi vấn đề này.
(6) Khi thân nhiệt giảm 1 độ C, khả năng miễn dịch giảm xuống khoảng 30%. Ngược lại, khi thân nhiệt tăng 1 độ C, khả năng miễn dịch của cơ thể tăng lên năm lần. Thân nhiệt phải tăng cao lên thì cơ thể mới sản sinh ra những kháng thể có thể chiến đấu với kẻ thù xâm nhập từ bên ngoài như các độc tính, vi-rút, vi khuẩn. Ở một mức độ nào đó, hiện tượng sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình đấu tranh với kẻ địch.
(7) Bệnh béo phì ở trẻ nhỏ là vấn đề nghiêm trọng do số lượng tế bào mỡ được quyết định trước tuổi trưởng thành. Một khi số lượng tế bào mỡ đã được sản sinh ra thì cả đời số lượng tế bào mỡ này cũng không thay đổi. Chỉ có sự thay đổi duy nhất đó là tùy thuộc vào lượng calo mà kích thước của tế bào mỡ to hay nhỏ. Nếu trẻ nhỏ bị hấp thu quá nhiều calo thì sẽ để lại những vấn đề về sức khỏe suốt đời không thể thay đổi được. Đây là lý do mà chúng ta cần phải tuyệt đối cấm trẻ nhỏ ăn thức ăn có lượng calo cao nhằm tránh kích hoạt gien làm tăng số lượng tế bào mỡ.
(8) Phạm vi lựa chọn thức ăn của trẻ nhỏ khá hẹp là bởi các loại vi khuẩn đường ruột của chúng chưa đa dạng. Trẻ nhỏ khó tiêu hóa các loại rau có nhiều chất xơ và cứ thế bài tiết ra.
Khi trong cơ thể không có nhiều vi khuẩn đường ruột, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi ăn những món lạ. Vì thế, trẻ sẽ từ chối những thức ăn khiến chúng cảm thấy khó tiêu. Hiện tượng kén ăn ở trẻ nhỏ là chuyện đương nhiên!
(9) Nếu người mẹ đang mang thai mà ăn đồ nhiều dầu mỡ và ít chất dinh dưỡng thì sẽ làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bào thai. Dù có lượng calo cao nhưng thiếu chất dinh dưỡng nên bào thai nhận thức được việc xuất hiện trên thế gian này là vô cùng khó khăn. Khi đó, công tắc gien tiết kiệm của bào thai trở nên lớn mạnh. Vì thế mà khi đưa thức ăn vào bụng, bào thai sẽ tích lũy năng lượng. Người ta cũng cho biết rằng những bé như thế khi sinh ra sẽ ăn nhiều thức ăn hết mức có thể để tích lũy năng lượng. Vì chúng nhận thức được mình vẫn đói nên sẽ tiếp tục ăn và tích lũy, thành ra khả năng chúng bị béo phì là rất cao.
(10) Đối với con người, hành động chia sẻ thức ăn có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Con người vừa chia sẻ thức ăn với nhau vừa xóa bỏ đi vũ khí của mỗi cá thể. Khác với những loài động vật khác rơi vào trạng thái chiến đấu, bằng cách chia sẻ thức ăn, con người đã truyền cho nhau thông điệp rằng giữa họ không có cuộc chiến vì thức ăn. Hành vi chia sẻ thức ăn cho nhau của con người là một hành động nhằm chấm dứt chiến tranh. Nó xóa bỏ triệt để những căng thẳng mà chúng ta đã có từ trước. Cuối cùng, nó giúp tắt đi gien chiến đấu. Vì vậy, việc chúng ta dành một bữa ăn mỗi ngày cùng gia đình là vô cùng quan trọng. Khi cả gia đình cùng dùng bữa với nhau như vậy, điều đó sẽ mang đến cho mỗi thành viên cảm giác yên bình trong tâm hồn.
(11) Nhà khoa học này đã phân tích, nghiên cứu về trạng thái của gien di truyền trước khi chúng ta rèn luyện suy nghĩ tích cực và sau khi chúng ta rèn luyện suy nghĩ tích cực. Kết quả là có mười loại gien thông thường ít hoạt động đã hoạt động tích cực hơn. Ngược lại, có năm loại gien đã bị chậm lại, hoạt động ít hơn. Điều này là minh chứng rõ ràng cho giả thuyết rằng thông qua sự luyện tập đơn giản mỗi ngày bằng suy nghĩ tích cực và luôn mỉm cười, chúng ta có thể trực tiếp điều khiển được công tắc gien di truyền.