Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Hai quan điểm trái ngược về Cải Cách Giáo Dục

 

HAI QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC

Tuyên ngôn tầm nhìn “Nghĩ khác đi” của Apple thách thức sự trì trệ dậm chân tại chỗ, trong khi khẩu hiệu “Trao tự tin cho tất cả chúng ta” của Microsoft chỉ như một bước tiến trên con đường mòn.

Khi bàn về cải cách giáo dục, ta thường thấy có hai quan điểm đối lập: một nhóm muốn cải thiện hệ thống giáo dục sẵn có bằng cách sửa chữa chỗ này chỗ kia, nhóm còn lại muốn xây dựng một hệ thống mới khác biệt hoàn toàn.

Steve Job, nhà đồng sáng lập Apple là một nhân tố thuộc nhóm “xây mới”, trong khi Bill Gates từ Microsoft lại ủng hộ Tiêu chuẩn giáo dục của Hoa Kỳ (Common Core State Standards – CCSS) và việc thực hiện cải cách trong hệ thống trường học sẵn có.

Trong vòng 20 năm qua, Quỹ Bill và Melinda Gates đã đổ hàng trăm nghìn đô la vào hệ thống giáo dục K-12 (một hệ thống giáo dục từ cấp 1 đến hết lớp 12 để xây dựng nền tảng kiến thức cho học sinh bước vào đại học - theo Wikipedia), cho Common Core, đào tạo giáo viên với những khoá học “chất lượng cao”. Cứ đà này, đến năm 2022, quỹ tín thác của vợ chồng nhà Gates sẽ tiêu tốn đến 2 tỉ đô la cho K-12.

Những đóng góp từ thiện này, cộng thêm khoảng 700 tỉ đô mỗi năm mà người dân Hoa Kỳ đóng thuế cho K-12 sẽ biến nước Mỹ trở thành nước đầu tư cho giáo dục nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác, nhưng thực chất kết quả lại chẳng mấy khả quan.

Jobs: Cơ hội cho một cuộc cải tổ

Steve Jobs đã nhận ra điều này. Ông thấy rằng để có một nền giáo dục mới thì cần phải phá bỏ hoàn toàn hệ thống giáo dục cũ. Jobs hình dung đến một hệ thống giáo dục đột phá, có tính thể nghiệm và được thiết kế riêng cho từng người học.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 với viện Smithsonian, Jobs khẳng định sự ủng hộ của mình cho phiếu giảm giá (voucher) cả những nhà giáo dục sáng tạo:

“Tôi tin rằng nếu chính phủ tặng mỗi cặp cha mẹ một voucher 4400 đô la mà họ có thể sử dụng vào bất kì trường học có uy tín nào thì rất nhiều thứ sẽ xảy ra.

Thứ nhất, các trường học sẽ điên cuồng cạnh tranh lẫn nhau để có học sinh đăng kí học.

Thứ hai, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi trường mới được thành lập. Bạn sẽ thấy những anh chàng 25 tuổi tốt nghiệp đại học, tràn đầy lý tưởng và giàu năng lượng, thay vì đầu quân cho một công ty ở thung lũng Silicon, anh ta sẽ mở một ngôi trường. Tôi tin rằng những gì họ làm sẽ tốt hơn rất nhiều những ngôi trường công mà chúng ta đang có.

Điều thứ ba là, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thế, chất lượng các trường học sẽ bắt đầu đi lên. Không nghi ngờ gì cả, những năm đầu tiên sẽ rất khó khăn, nhưng những khó khăn ấy chẳng thấm vào đâu so với những gì bọn trẻ đang phải trải qua dưới chế độ giáo dục như hiện tại.”

Đối với Jobs, voucher chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh thay đổi nền giáo dục. Ông nhận ra rằng giải pháp cải thiện hệ thống giáo dục như hiện tại không có tác dụng, vì cấu trúc quyền lực và thói quan liêu đã ăn sâu vào các trường học. Jobs nói:

“Tôi muốn những người dạy con của tôi đủ giỏi để có được một vị trí trong công ty mà tôi đang làm việc, kiếm được hàng trăm nghìn đô la mỗi năm. Tại sao họ lại làm việc ở một trường học với mức lương 35 - 40 nghìn đô la nếu họ có thể có một công việc trăm nghìn đô? Đó có phải là một bài kiểm tra năng lực không?

Vấn đề ở đây là nằm ở các công đoàn. Công đoàn là điều tệ hại nhất đối với giáo dục, vì nó không phải là tổ chức tôn trọng người tài. Nó đã biến tướng thành chế độ quan liêu. Giáo viên không có khả năng dạy học, trong khi quản lí nắm mọi quyền và chẳng ai bị sa thải cả. Thật là tệ hại.”

Từ trải nghiệm thực tiễn đến thế giới quan

Sự khác biệt trong quan điểm của Gates và Jobs phần nào có liên quan tới những trải nghiệm mà họ có từ thời thơ ấu.

Gates học trong một trường tư tên Lakeside School ở Seattle, Washington. Năm 2005, ông từng phát biểu: “Lakeside là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi từng có.”

Jobs thì hoàn toàn ngược lại. Ông chẳng mấy thiện cảm với ngôi trường công mà mình từng học:

“Ban đầu trường học khá khó khăn đối với tôi. Mẹ tôi đã dạy tôi đọc từ trước khi tôi đi học, nên khi đến trường, tôi chỉ muốn làm hai thứ. Tôi muốn đọc sách vì tôi thích đọc, và tôi muốn ra ngoài bắt bướm. Bạn biết đấy, những thứ mà một đứa trẻ 5 tuổi thích làm. Tôi đã phải đối mặt với giáo viên và những kiểu quyền lực tôi chưa từng gặp trước đây và tôi không thích điều đó. Họ gần như lấy hết đi sự tò mò trong tôi.”

Dù cả hai ông trùm công nghệ này đều bỏ ngang đại học để lập nên những thương hiệu thành công vang dội, những quan điểm về hệ thống giáo dục K-12 đã phần nào khắc họa những khác biệt trong thế giới quan của họ. Tầm nhìn “Nghĩ khác đi” của Apple như thách thức sự trì trệ, trong khi khẩu hiệu “Trao tự tin cho tất cả chúng ta” của Microsoft khơi lên một khát khao đổi mới - trên một con đường mòn.

Theo FEE

Sự quyến rũ kinh điển của các cô gái Paris

 

SỰ QUYẾN RŨ KINH ĐIỂN CỦA CÁC CÔ GÁI PARIS

Phụ nữ Pháp, nhất là các cô gái Paris, đã nổi danh thế giới về sự thanh lịch và quyến rũ của họ. Phụ nữ toàn cầu đều phải tự hỏi, điều bí mật nào đã làm nên vẻ đẹp tinh tế đặc biệt của phụ nữ Paris?

“Cách duy nhất để không bao giờ bị thay thế là phải trở nên thật khác biệt”

Coco Chanel, người nói câu trên, dứt khoát là người phụ nữ thanh lịch nhất hành tinh. Còn ai nữa?

Catherine Deneuve, minh tinh màn bạc Pháp. Tất cả mọi người phụ nữ ở Paris đều mong muốn được giống như người phụ nữ Paris này. Bà đã chứng minh rằng sắc đẹp – cũng phi thường như chính bản thân bà – không thể có một sức nặng to lớn nếu thiếu đi sự lôi cuốn từ tinh thần, mà cụ thể hơn là sự thông minh và hài hước. Sức thu hút tự nhiên của bà đã làm nên cảm hứng cho vô số nhà làm phim lớn nhất thế giới. 

Hai người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp Pháp. Vậy đâu là bí quyết tạo nên vẻ quyến rũ của các cô nàng Paris?

.

Tự tin, tự tin và tự tin

Một cô nàng Paris lúc nào cũng trông thật tự tin, tự tin ở mức thượng thừa. Sự tự kiêu bất trị của một cô nàng đang sinh sống tại trung tâm thế giới. Nàng thể hiện sự tự tin khi sải bước dài trên phố, lênh khênh trên đôi giày cao gót mảnh dẻ, vượt qua cả đèn đỏ khi băng qua đường. Thế đấy. Giờ bạn đã biết rằng những cô nàng Paris không thích phải đợi chờ.

 

Rousseau đã viết trong cuốn "Nàng Heloise mới" của ông thế này: “Thời trang thống trị các tỉnh lẻ, nhưng những cô nàng Paris lại thống trị thời trang”. 

Ở Paris, có luật bất thành văn là bạn không bao giờ được mặc trang phục thể thao ngoài phố, không được đi dép xăng đan, không mặc trang phục hở hang và màu sắc sặc sỡ. Các cô gái Paris tránh xa mọi thứ trang phục lấp lánh, màu sắc quá mức. Phương châm của các cô là đơn giản, cân bằng, luôn đi theo gam màu trung tính. Trang điểm rất nhẹ nhàng như không. Búi tóc trông hơi rối, trang phục phối tự nhiên giữa nghiêm túc và tự do là phong cách Paris.

 

Thế nhưng, bất cứ cô gái Paris nào cũng chắc chắn không bao giờ dùng túi xách hàng fake. Túi xách hàng hiệu là món đồ quý cô nào cũng phải có, nhưng luôn sử dụng chúng với vẻ hờ hững không quan tâm.

Với cô nàng Paris, vẻ đẹp không bao giờ sinh ra từ sự tình cờ.

.

Tự do tư tưởng và cách sống độc lập

Một cô nàng Paris sẽ sống hết mình với ham muốn và sở thích của nàng. Nàng ghét những thói quen của đám đông, vì thế khi tối thứ 7 mọi người đi chơi thì với nàng là thời điểm tốt nhất để ngồi nhà và đọc sách hay nghe nhạc. Nàng Paris thực sự thích ra đường vào tối thứ Năm. 

Trong tình cảm, cô nàng Paris không ngại tình bạn với người khác giới. Sự nhập nhằng trong một mối quan hệ không bao giờ làm phiền nàng. Nàng có những tiêu chuẩn rất cao trong tình bạn.

Tiền là đề tài cấm kỵ trong trò chuyện với các cô. Tiền là điều gì đó thật bất lịch sự, kể cả trong thế giới hiện đại này.  Nàng thích nói chuyện về những chủ đề lớn lao như bảo vệ môi trường, chính trị và giáo dục.

.

Những “Chén thánh” của nàng Paris

Các cô nàng Paris có những nguyên tắc sống còn về một số loại. Ví dụ như tìm kiếm loại nước hoa mà nàng yêu thích. Quy tắc bày bàn ăn và đốt nến. Quy tắc đeo đồ trang sức và phối với quần áo. Quy tắc khi đi ăn với đàn ông. 

Cô nàng Paris dứt khoát không thể thiếu sách. Các nàng đọc sách khi đi tàu điện, ngồi uống café. Sách vở, âm nhạc và các triển lãm làm giàu đời sống tinh thần của nàng và tạo nên vẻ quyến rũ tinh tế. Cô nàng Paris từ trẻ đã không thích chạy theo xu hướng số đông, không thích phải suy nghĩ như người khác.

Và đã là gái Paris, thì nàng phải thích tranh luận, thích phản biện, hiển nhiên rồi.

.

Làm phụ nữ ở Paris là công việc toàn thời gian

Đúng thế đấy, để trở thành cô gái Paris đúng điệu, nàng phải học các quy tắc, luyện thói quen và hành xử khác thường, và trên hết, phải học cách để tỏa sáng như một biểu tượng, phải trở nên kinh điển và độc nhất – đó là cô nàng Paris chính hiệu. Vì bản thân nàng là phát ngôn viên của thành phố đẹp nhất thế giới: Paris.

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Chúng ta cần âm nhạc để vực dậy tinh thần

 

CHÚNG TA CẦN ÂM NHẠC ĐỂ VỰC DẬY TINH THẦN

Ông Stefano Bozzini, một người Ý ở độ tuổi 81, đã chơi đàn accordion cho người vợ của mình từ sân sau bệnh viện vì đang trong thời kỳ hạn chế đi lại vì Covid. ông Stefano Bozzini không thể tới thăm vợ mình, bà Carla, đang nằm điều trị trong bệnh viện nên thay vào đó, ông chơi những ca khúc trên cây đàn accordion thân thuộc của mình để bồi đắp thêm tình yêu của họ.

Giải thích về hành động của mình, ông Stefano Bozzini, đã chơi những khúc nhạc chiều cho người vợ của mình từ dưới khung cửa sổ bệnh viện bà đang điều trị, cho rằng đơn giản là mình làm theo tiếng gọi trái tim.

.

Ông Stefano Bozzini “Tôi chơi nhạc cho Carla nghe – để chứng tỏ với bà ấy là tôi yêu bà ấy biết nhường nào và tôi muốn cám ơn bà ấy vì tất cả những gì bà ấy đã trao cho tôi”, ông Bozzini nói. “Tôi không thể gặp bà ấy trong bệnh viện, vì vậy tôi ra sân sau với cây đàn accordion này – trái tim tôi nói tôi tới đó. Sau khi nghe thấy tiếng nhạc, bà ấy đã mở cửa sổ, vì vậy ít nhất là tôi đã có thể thấy bà ấy”.

.

Khúc nhạc đầu tiên ông chơi là Spanish Eyes (Cặp mắt Tây Ban Nha). Bà ấy rất yêu thích giai điệu bài hát này và tôi thường chơi nó trong mọi lúc chúng tôi ở nhà”, ông kể. “Tôi còn chơi những bài mà mọi người vẫn thường quen thuộc, bài nọ nối tiếp bài kia, tôi không thể dừng lại… Rất nhiều người đang điều trị trong bệnh viện cũng bước ra khỏi giường bệnh và ngó qua các cửa sổ”.

.

“Tôi yêu âm nhạc và khi tôi kéo accordion, nó mang lại niềm vui và hạnh phúc ở khắp muôn nơi”, ông nói. “Những gì đang diễn ra trên thế giới này thật khủng khiếp và chúng ta cần âm nhạc để vực dậy tinh thần”.

.

Hai ông bà gặp nhau khi mới ngoài đôi mươi và kết hôn được 47 năm. Castel San Giovanni, nơi họ sống gần với Lombardy, vùng đang rơi vào tình cảnh tồi tệ vì coronavirus. “Chúng tôi cố gắng chịu đựng và ở nhà càng nhiều càng tốt để tránh hiểm nguy vì Covid,”

Bozzini nói. “Điều quan trọng là cần nhìn nhận mọi thứ bằng đôi mắt và trái tim mình, sau đó cố gắng giúp đỡ mọi người càng nhiều càng tốt”

Bức họa "Cái chết của Actaeon"


BỨC HỌA "CÁI CHẾT CỦA ACTAEON" VÀ SỰ CHÌM NỔI CỦA SỐ PHẬN

Cớ sao người tốt lại gặp phải tai ương? Câu hỏi này đặc biệt thích hợp khi áp vào bối cảnh đại dịch. Bệnh tật không chừa một ai. Nó vừa có thể giáng xuống một thánh nhân, cũng vừa có thể giáng xuống một tội nhân. Tuy nhiên, ngay cả trong đời sống thường nhật, câu hỏi này vẫn thường quẩn quanh bên ta cùng nỗi phiền muộn. Cuộc sống này quá đỗi ngắn ngủi, và những hành động tử tế thì lại không hề nhận được báo đáp. Dường như thế giới này là một chốn lạnh lẽo đầy ảm đạm. Vì sao lại thế?

.

Mỗi nền văn hóa đều cách giải đáp riêng. Đối với người Hy Lạp và La Mã, họ cho rằng các vị thần thường dửng dưng trước tình cảnh của loài người, trong trường hợp tệ hơn, họ sẽ đối xử với chúng ta cực kỳ tàn nhẫn. Và dù là trường hợp nào đi nữa, thảm kịch cũng sẽ xảy ra.

.

Câu chuyện Actaeon vô tội minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tàn bạo của các vị thần. Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một ngày nọ khi đang đi săn, chàng tình cờ bắt gặp nữ thần Diana cùng các tiên nữ đang tắm ở một hồ nước trong rừng.

Diana, người đề cao sự trinh trắng của mình hơn tất thảy, đã nổi giận khi bị người lạ bắt gặp thân thể thanh cao của mình, vì vậy nàng đã nghĩ ra một hình phạt vô cùng khủng khiếp. Nữ thần khẽ vẫy tay, Actaeon lập tức biến thành một con hươu. Chàng thợ săn giờ đây đã trở thành con mồi. Tàn nhẫn hơn cả, đó là Actaeon vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chàng nhận thức được rằng mình là một người đàn ông bị mắc kẹt trong cơ thể của một con thú. Những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má chàng.

.

Nhưng ngay lập tức, Actaeon nhận ra mình đang ở trong một hoàn cảnh nguy hiểm. Trước đó, chàng vào khu rừng này cùng bầy chó săn của mình, và hiện tại chúng đã đánh hơi thấy mùi một con mồi ở quanh đây. Chẳng mấy chốc, chúng đã phát hiện ra người chủ cũ – trong hình dạng một con hươu. Những con chó săn vây lấy chàng và đẩy chàng xuống đất. Hàm răng của chúng cắn ngập vào vai, lưng và cổ họng chàng. Actaeon đã chết trong đau đớn bởi chính những con vật mà chàng đã hết lòng nuôi dưỡng.

.

Bức hoạ Cái chết của Actaeon, chỉ hé mở da thịt của nữ thần qua một núm vú lộ ra ngoài – hình ảnh ám chỉ tội lỗi của Actaeon. Thoạt tiên, khi vừa nhìn vào, có thể nhận thấy Diana chiếm vị trí nổi bật của bức tranh, nhưng đường cánh tay của nữ thần lại thu hút người xem đến những hình vẽ bên phải. Ở đây chúng ta nhận ra Actaeon đang bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi. Chàng thợ săn vẫn giữ nguyên hình dạng cơ thể con người, nhưng đầu của chàng giờ đây lại là của một con hươu. 

.

Thế là quá đủ đối với những con chó săn, chúng đã áp đảo được Actaeon. Người, hươu và chó hợp thành một mớ hỗn độn, bát nháo. Khung cảnh này hỗn loạn đến mức nhiều người đã tự hỏi liệu bức tranh đã hoàn thành hay chưa – nhưng thực ra chính mớ lộn xộn đó đã làm bật lên sự tàn ác của hình phạt này. Tương phản với khung cảnh hỗn loạn đó, Diana đứng ở một bên bức tranh, cách biệt với cuộc hành quyết này.

.

Làm thế nào mà người Hy Lạp và người La Mã có thể chịu đựng được khi sống trong một thế giới mà ở đó thần thánh hoàn toàn dửng dưng trước những sự tàn bạo và bất công đến như vậy? 

.

Ngợi ca giá trị của cuộc đời

Cái chết của Actaeon tượng trưng cho những nỗi bất công. Có thể người Hy Lạp và La Mã cổ đại không nhất thiết phải lo lắng về cách mình nên hành xử khi bắt gặp một vị thần đang tắm, nhưng họ cần phải lo lắng về những thế lực không thể lường trước được. Thế giới của họ là thế giới mà ở đó nạn đói, bệnh tật, chiến tranh và thiên tai luôn rình rập.