Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Chấp nhận rủi ro trong cuộc sống

 

CHẤP NHẬN RỦI RO TRONG CUỘC SỐNG


Thất bại là giá phải trả cho sự vĩ đại. Chuyên gia về vấn đề cách tân Daid Kelly đã viết rằng:" Thất bại càng nhanh, thành công càng sớm". Bạn không thể chiến thắng mà không rời bỏ khu vực an toàn của mình để nhận lấy vài rủi ro có tính toán. Và càng chấp nhận nhiều rủi ro khi theo đuổi mơ ước trong đời, bạn càng có khả năng gặp thất bại.

.
Rất nhiều người trong chúng ta thích cuộc sống trong một ao nhà an toàn, nhiều thứ quen thuộc. Cũng buổi sáng như thế suốt 20 năm. Cũng đi làm như thế 20 năm. Cũng nói chuyện như thế 20 năm. Cũng suy nghĩ như thế 20 năm. Một kiểu sống như thế. Nếu nó khiến bạn hạnh phúc thì cũng tốt thôi.

.

Nếu cứ duy trì những gì đang làm, bạn sẽ tiếp tục nhận những gì mình đang nhận. Einstein định nghĩa sự điên rồ là khi làm cùng một kiểu nhưng lại mong đợi kết quả khác nhau. Niềm vui thực sự sẽ đến khi bạn chấp nhận rủi ro trong cuộc sống để nắm bắt cơ hội. Đúng, bạn sẽ khởi đầu với những kinh nghiệm thất bại.

.

Thất bại chỉ là một phần trong tiến trình bước vào thế giới, Người thành công nhất trên thế giới gặp thất bại nhiều hơn những người bình thường. Rủi ro thực sự lại nằm trong những cuộc sống không rủi ro. Nhà văn Mark Twain nhận xét rất đúng về tư tưởng này:" Hai mươi năm nữa bạn sẽ thất vọng vì những điều đã không dám làm hơn là những điều đã làm".

.
Hãy nhớ rằng bạn chẳng thể chiến thắng một trận đấu mà bạn thậm chí còn không dám chơi.

Chỉ cần tận tâm với công việc

CHỈ CẦN TẬN TÂM VỚI CÔNG VIỆC


Công việc mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến giá trị bản thân và cả cách ta nhận thức bản thân. Hoàn thành thật tốt công việc còn giúp nâng cao lòng tự tôn, niềm phấn khởi và khiến cuộc sống nhiều thú vị. Điều tốt sẽ đến với những ai làm điều tốt. Khi bạn đem hết tài năng và tận hiến cho công việc đang làm, thực ra bạn đang nâng cao chính mình lên một cuộc sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn, nhiều trải nghiệm đủ đầy hơn trong đời.

.
Bạn cảm thấy thế nào khi đặt nhiều tâm huyết cho công việc để kiếm sống? Bạn cảm thấy thế nào khi chạm tới những mục tiêu tuyệt vời nhất và nắm bắt được chúng? Cảm xúc tuyệt vời, đúng không? Bạn chẳng cần một chức danh cao trọng mới làm tốt công việc.

Martin Luther King có một nhận xét sau: '' Nếu một người được giao làm công nhân quét đường, hay quét như thể danh hoạ Michelanglo đang vẽ, như Beethoven sáng tác nhạc,như Shakespeare làm thơ. Hãy quét đường sạch sẽ đến nỗi thần thánh trên trời phải dừng lại thốt lên: nơi đây có một người quét đường vĩ đại với công việc thật hoàn hảo''.

.
Vậy hãy hết mình với công việc hôm nay, bước tới như một ngôi sao nhạc rock lên sân khấu và chơi bằng cả trái tim mình. Hãy mang đến một buổi diễn để đời.

Hãy quay cuồng với khán giả và khiến họ reo hò vì bạn. Hãy là Michelangelo khi vẽ, là Beethoven khi sáng tác nhạc, là Shakespeare khi làm thơ. Để rồi khi bạn nổi tiếng và người ta vây quanh để xin chữ ký đấy, Cuộc đời thật sung sướng.

.

Robin sharma (Điều vĩ đại đời thường)

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Chuyện dùng người ngày xưa

CHUYỆN DÙNG NGƯỜI NGÀY XƯA

Nước ta thời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về mọi mặt trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Sự phát triển đó không thể không kể đến sự trị vì sáng suốt, quyết đoán của vị vua tài năng, tâm huyết Lê Thánh Tông. Đặc biệt là chính sách trọng dùng người tài của ông.

Sách Các triều đại Việt Nam viết: "Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ trung ương xuống đến xã.

Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử".

Thế có nghĩa là thế lực "con ông cháu cha" không thể lộng hành và những người có chân tài thực học được chọn lựa vào bộ máy nhà nước các cấp.

Ông vua anh minh này đã biết sử dụng rất nhiều nhân tài để phát triển đất nước như Thái úy Nguyễn Xí, Thái sư phụ chính Đinh Liệt.

Ông thường nói với các vị quan đại thần này: "Tôn miếu yên hay nguy, chỉ mấy người các khanh thôi, các khanh nên nghĩ cho kĩ, tâu việc chính trị cho trầm nghe, trẫm cố gắng quyết đoán ở trong, các khanh thừa hành bên ngoài" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Không chỉ biết sử dụng các vị quan tài năng mà vị minh quân này cũng ra sắc dụ khuyên răn các vị quan về việc dùng người:

"Nghe Tư Mã Quang có nói rằng:“Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn".

Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ có lãng quên” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Khi một vị quan đại thần phạm tội, vua lập tức giáng chức và răn vị quan này: "Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy”.

Một ông vua quyết đoán và giỏi dùng người như vậy nên đất nước yên bình, thịnh trị cũng không có gì lạ.

.

* Chuyện dùng người của Thái sư Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần cũng là một bài học vì sự công minh chính trực, dùng người tài năng vì lợi ích quốc gia chứ không vì họ hàng, thân thích.

.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: "Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ) xin riêng cho một người làm câu đương (người làm chức dịch trong làng).

Thủ Độ gật đầu và biên họ tên, quê quán của người ấy. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên ấy đâu. Người ấy vui mừng chạy đến. Thủ Độ nói:

.

"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".

Người ấy kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho; từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

.

Vua Thái Tôn muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng. Thủ Độ nói: "An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc, thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng làm tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao ?"  Vua bèn thôi".

.

Trần Thủ Độ đúng là một tấm gương sáng người về đạo dùng người và "dĩ công vi thượng".

Buổi học đạo đức

Azit Nesin

BUỔI HỌC ĐẠO ĐỨC

(Azit Nesin)

Trong lớp đang là giờ học về đạo đức.
-Đạo đức, các em ạ, đó là một thứ rất tuyệt diệu. Nếu có ai đó trở thành thiếu đạo đức thì người ấy sẽ rất khổ sở.
-Thưa thầy, khổ sở thế nào ạ ?
-Đủ mọi chuyện có thể xảy ra. Mọi người sẽ gọi kẻ ấy là đồ thiếu đạo đức. Mà đã thiếu đạo đức là một thứ rất tệ hại. Bởi vậy, các em ạ, cần phải có đạo đức. Chao ôi, đạo đức thật tuyệt diệu biết bao ! Chính vì vậy mà người ta giảng dạy nó ở các trường học. Phải vậy không nào ? Lẽ nào chúng tôi lại đi dạy cho các em điều gì đó xấu xa sao ? Ta học tiếp nào . Vậy là, đạo đức...Tôi nói tới đâu rồi nhỉ ?
-Thầy bảo:"Chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao!"
-Chính thế : chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao! Các em sẽ hỏi : tại sao? Tất cả các vĩ nhân đều nói về điều này.
-Thưa thầy ạ!
-Thầy bảo anh Altan đừng có xô vào lưng em nữa.
-Im nào, các em ! Hãy nghe tôi đọc cho các em về thực chất của đạo đức:"Đạo đức quy định con người sống sao cho không vi phạm các quy tắc xã hội, các truyền thống, lề lối và luật pháp". Các em có hiểu không ? Các em phải cư xử giống đa số những người xung quanh các em, những người lớn tuổi. Nào, am Xuhai, hãy đứng dậy ! Ta phải coi chợ đen như thế nào ?

.
-Thưa thầy, chợ đen là rất tốt ạ.
-Rất tốt ư?
-Tất nhiên rồi ạ ! Bởi vì nó..theo các quy tắc đạo đức, thưa thầy. Đấy! Cứ thử chống lại đa số xem - như thế là thiếu đạo đức. Phải thế không ạ? Mà tất cả những người rất có đạo đức đều có dính dáng đến chợ đen!
-Em nói cái gì vậy ?
-Thưa thầy, thật quả đúng như vậy ạ. Thầy coi mà xem: người bán thịt, bán gạo, bán than, bán hoa quả - tất cả đều buôn bán ở chợ đen. Nhà em có một người quen, một người rất giàu có, ông ấy cũng làm ăn ở chợ đen. Cha em bảo thế. Mới đây nhà em lại chơi chỗ ông ấy, chính cái ông ấy đã bảo em: "Hãy tuân theo đạo đức - cháu sẽ được tất cả ". Khi lớn lên, em sẽ là người rất có đạo đức. Em sẽ có nhiều nhà cửa và tiền bạc. Còn một người thiếu đạo đức như là cha em thì thật hiếm thấy!

-Im ngay! Sao em lại dám nói về cha mình như thế ?...
.

-Đúng thế ạ! Cha em thiếu đạo đức đến nỗi không trả nổi tiền thuê nhà.
-Ngồi xuống!...Các em đừng bao giờ vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức cả!
-Thưa thầy ạ!
-Hãy nói xem , em Ergun!
-Em có một ông cậu. Cậu ấy lúc nào cũng phàn nàn :"Chỉ vì đạo đức mà tôi cứ phải giật gấu vá vai mãi ".Em cũng sẽ là người thiếu đạo đức.
-Câm ngay! Khi một người không có đạo đức thì người ta gọi kẻ ấy là gì nhỉ? Hả? Nào, các em hãy đồng thanh trả lời, gọi là gì hả?
-Kẻ thiếu đạo đức!
-Đúng rồi! Dù cho một người có bạc triệu nhưng nếu người ấy thiếu đạo đức thì còn ra gì nữa? Người ấy sẽ khổ sở !
-Thưa thầy, không phải thế đâu ạ. Người ấy sẽ sống yên ổn.
-Các em ạ, các em phải hiểu rằng lương tâm con người cần phải được yên ổn. Tất cả những người lớn lao đều có đạo đức.

.
-Thưa thầy, đó là thời trước ạ. Đấy, ở khu phố nhà em có một ông lớn quê ở Ađana. Ông ấy có ba xe "Cađilăc", ông ấy là vua bông. Ông ấy có đủ thứ quý giá nhưng đạo đức thì...ông ấy không có!
-Tôi nói với các em về các vĩ nhân kia: các nhà bác học vĩ đại, các nhà tư tưởng vĩ đại, các họa sĩ vĩ đại. Như Xôcrat chẳng hạn...
-Thưa thầy, em biết ông Xôcrat ạ.
-Tất nhiên rồi, các em phải biết ông ấy.
-Ông ấy có xưởng thợ ở gần nhà em, ông ấy tẩy hấp quần áo. Chỉ có điều ông ấy không giàu mấy. Còn một người đạo đức như ông ta thì thật khó kiếm được.
-Tôi nói về nhà triết học cổ Hi Lạp Xôcrat kia. Hãy trở thành những người có đạo đức như Xôcrat, Arixtôt, Galilê!
-Thưa thầy, nhà em có một người quen buôn bán sắt tên là ngài Ahmed. Vậy thì cái ông Xôcrat ấy có đạo đức nhiều hơn ông này sao?
-Các em ạ, đạo đức hoàn toàn không giống như tiền bạc. Trong lịch sử có những người đạo đức rất cao, thà bị chết đói chứ không làm hoen ố lương tâm của mình.

.
-Thưa thầy, vậy cái đạo đức ấy cũng là một thứ tốt phải không ạ ?
-Một thứ tuyệt hảo. Con người có đạo đức thì sẽ nói thẳng ra sự thật, không sợ hãi.
-Vậy mà em có một người cậu bị khai trừ ra khỏi đảng vì cậu ấy đã nói thẳng ra sự thật.
-Đó là chuyện khác. Tôi không nói với các em về chính trị, tôi nói về đạo đức. Nào, Ôguz, em sẽ nói được gì về sự dối trá ? Chúng ta phải đánh giá sự dối trá như thế nào ?
-Thưa thầy, dối trá là một thứ rất tuyệt. Nếu khéo nói dối thì rất tốt. Em mà không nói dối ở nhà thì ngày nào em cũng đã bị đòn rồi.
-Đừng nghe bạn ấy, các em ạ. Các em hãy nhớ rằng các em phải noi gương những người lớn.
-Thưa thầy ạ! Nhưng chị em cũng nói dối mẹ em, còn mẹ em lại nói dối cha em. Còn cha em, khi người ta đến đòi nợ, lại sai người bảo rằng cha không có nhà.
-Xéo ngay khỏi lớp! Bước ra ngay! Một đứa trẻ hư hỏng!

.
-Thưa thầy, chẳng phải là thầy đã nói:"Người có đạo đức phải nói sự thật" đó sao? Vậy là em..
-Ngồi xuống!...Các em ạ, đạo đức - đó là một thứ rất tuyệt diệu. Tất cả các em phải là những người có đạo đức. Chẳng hạn nếu các em đã hứa với ai điều gì thì các em phải giữ lời, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
-Thưa thầy, nhưng cha em kể rằng có một người, em quên mất tên ông ta, đã nói :"Tôi sẽ làm sao cho cuộc sống không bị tốn kém..."
-Im ngay ! Đừng có dây vào chuyện người khác!...Các em ạ ! Không có gì tuyệt diệu hơn đạo đức cả. Khi nào các em đọc các sách về đạo đức, các em sẽ phải kinh ngạc. Ngay cả những nhà tiên tri cũng đề cao đạo đức. Đạo đức là một thứ rất tốt, thậm chí tốt nhất nữa. Tốt đến nỗi là...Đạo đức thật tuyệt. Tuyệt lắm kia ! Xin thề với các em là nó rất tuyệt.
.
-Reng...reng! - Chuông báo giờ ra chơi. Thầy giáo lau mồ hôi trán và thở hắt ra. Ơn trời, buổi học đạo đức đã xong.

--------

Azit Nesin, (1915 - 1995) là một nhà văn châm biếm được ngưỡng mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và là tác giả của hơn 100 cuốn sách. Ông trở thành người biên tập của một loạt tạp chí trào phúng châm biếm nghiêng về chủ nghĩa xã hội. Ông bị tống giam vài lần vì thái độ chính trị của mình.