Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Đâu là giới hạn của thị trường?

 

ĐÂU LÀ GIỚI HẠN CỦA THỊ TRƯỜNG? 

Với “Niềm lạc quan vô tận” các nhà kinh tế học cổ súy bằng thuật ngữ thời thượng “thị trường thương mại tự do”, và bạn thật bảo thủ khi lo lắng về những vấn đề đạo đức phát sinh, “thị trường” sẽ tự động điều chỉnh được để làm vừa lòng tất cả.

Michael Sandel tác giả cuốn sách “Tiền không mua được gì” đã cho chúng ta một phản tư khác. Rằng “sự mù lòa của kinh tế học” đang đẩy con người đến bờ vực của sự quên lãng những giá trị đạo đức cơ bản. Với những sự kiện đương đại nhức nhối nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường, và trong cơn lốc xoáy ấy, càng cần chúng ta cẩn trọng hơn với câu hỏi “Đâu là giới hạn của thị trường?”

Sức mạnh thần kì của nền kinh tế thị trường là điều không cần bàn cãi, nhưng một xã hội thị trường, nơi mọi người không chỉ trao đổi các hàng hóa vật chất, như một mớ rau, một chiếc áo, một chiếc TV, mà sự ham mê đọc sách, tình bạn bè, sự hối lỗi, giải thưởng, trách nhiệm sức khỏe với bản thân... cũng được đem lên mua và bán thì sao?

Nhà triết học trứ danh của đại học Harvard, Michael Sandel, tác giả đưa ra 2 luận điểm chính trong cuốn sách Tiền không mua được gì như sau:

Thứ nhất là sự bình đẳng. Khi mà tiền ngày càng mua được nhiều thứ, thì khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng nhân rộng. Trước đây, trong nền kinh tế thị trường, người nghèo, dù không thể sánh được với người giàu về nhà cửa, xe cộ, điện thoại, quần áo nhưng ít nhất họ vẫn đang được bình đẳng với người giàu ở một số phương diện ít ỏi, nhưng ngày nay số đó lại càng ít ỏi hơn nửa:

Dù giàu hay nghèo, tất cả mọi người đều phải xếp hàng ở sân bay để đến lượt (tuy nhiên, tại một số sân bay ở Mỹ, bạn có thể trả một số tiền “cắt hàng” để được giải quyết thủ tục bay luôn mà không phải xếp hàng chờ đợi).

Tất cả đều phải chịu cảnh tắc đường như nhau (tuy nhiên, tại một số bang ở Mỹ, bạn đã có thể trả tiền để đi vào làn xe ưu tiên trong giờ ùn tắc)…

Trước đây, người nghèo và người giàu còn có thể bắt gặp nhau vài lần trong ngày. Nhưng khi mọi thứ ngày càng bị thị trường hóa, lằn ranh giữa giới giàu và nghèo ngày càng hiện rõ. Đây là một bất lợi lớn cho nền dân chủ và sự ổn định của xã hội. Một nền dân chủ khỏe mạnh cần mọi người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể hiểu, thông cảm và thảo luận với nhau, chứ không phải mỗi tầng lớp sống trong một ốc đảo của riêng mình. Sandel kể hồi 12 tuổi, khi đi xem bóng chày, ghế đắt nhất chỉ có giá $3 và rẻ nhất $1.5, còn ngày nay khoảng cách đã tăng lên 6 lần đã là $72 và $11. Bạn giàu hay bạn nghèo sẽ được thể hiện rõ trên sân bóng. Trước đây, nếu trời mưa thì tất cả cùng ướt, nhưng bây giờ chỉ những người ít tiền mới phải mang ô, vì những “VIP” đã có một khu riêng, có mái che và góc nhìn đẹp nhất sân vân động.

Vấn đề thứ hai về xã hội thị trường đã làm tha hóa các giá trị mà bấy lâu nay chúng ta vẫn coi trọng. Các nhà kinh tế cho rằng thị trường là trơ, nghĩa là nó không thay đổi giá trị của vật được đem trao đổi. Điều đó, đúng cho các mặt hàng bạn mua được ở siêu thị, nhưng nó không đúng với các mặt hàng phi vật chất.

Khi bố mẹ trao đổi với con 100 nghìn lấy một điểm 10 trong bài kiểm tra, động lực của đứa con đã bị thay thế (crowd out). Nếu trước đây, đứa trẻ có thể đi học vì lòng yêu thích kiến thức, vì sự ham mê tìm tòi thì bây giờ học chỉ để kiếm được tiền thưởng. Mục đích cao quý của việc học đã bị tha hóa.  

Việc dùng kích thích tài chính để “đút lót” các giáo viên và học sinh chăm chỉ dạy và học xảy ra nhan nhãn làm cho đạo đức trong giáo dục ngày càng xuống cấp…

Để kiểm chứng tác động tha hóa của đồng tiền trong thực tế, 2 nhà kinh tế học người Mỹ là Uri Gneezy và Aldo Rustichini có làm một cuộc thí nghiệm nổi tiếng tại một trường mần non tại Israel. Bực tức vì việc các phụ huynh đến đón con quá muộn, nhà trường đã ra chính sách phạt những cha mẹ đến trễ giờ. Kết quả là số phụ huynh đến muộn không những giảm đi mà còn tăng lên đáng kể. Chuyện gì đã xảy ra ở đây?

Nghĩa vụ tài chính đã thay thế nghĩa vụ đạo đức. Nếu trước đây, các ông bố, bà mẹ đến đón con muộn sẽ cảm thấy mặc cảm đạo đức vô cùng: có lỗi với con vì để nó đợi, và xấu hổ với nhà trường vì để họ phải làm ngoài giờ. Nhưng khi áp dụng chính sách phạt, thái độ của họ đã thay đổi thành: "Ok, mình có thể đến muộn 15', nộp tiền phạt là được." Cảm giác tội lỗi đã hoàn toàn biến mất, mà thay vào đó là cơ chế mua sự đến muộn bằng một khoản tiền như các giao dịch hàng hóa bình thường khác trên thị trường.

***

Rõ ráng thị trường không trung lập về mặt đạo đức như một số nhà kinh tế học vẫn nói. Ngoài việc gia tăng sự bất bình đẳng, nó còn làm đánh giá sai, làm tha hóa những thứ mà hàng hóa phi vật chất mà chúng ta đem ra trao đổi. Sandel kêu gọi chúng ta phải có những cuộc tranh luận công chúng rõ ràng để định xem thị trường nên thuộc về đâu và không nên đi tới đâu. Có những thứ tiền có thể mua được, nhưng vẫn không nên mua.

Có tiền mua tiên cũng được

 

CÓ TIỀN MUA TIÊN CŨNG ĐƯỢC

Ngày nay, với tiền, bạn còn có thể mua được nhiều thứ “không tưởng” hơn tiên: một suất nhập học ở đại học hàng đầu Mỹ, bài điếu văn xúc động cho đám tang của người thân, mua Friends là các hot girls trên Facebook, thậm chí “bán trước” cái chết của mình để lấy tiền tiêu xài thỏa thích,...Vài ví dụ trong đời sống thực tế:

Tiền để mua “sự chăm chỉ”: Tại Dallas, nhà trường đã trả cho học sinh mỗi 2 đôla trên một cuốn sách chúng đọc được. Ở Chicago, học sinh lớp 9 sẽ được 50 đô la cho điểm A, 35 đôla cho điểm B, 20 đô la cho điểm C. Học sinh nào đứng đầu trường còn được thưởng 1,875 đô la một niên khóa. Áp dụng logic tương tự nhưng dành cho giáo viên, một dự án tại thành phố Nashville, Mỹ đã trả tiền thưởng cho các giáo viên dạy toán trung học tới 15,000 đô la nếu cải thiện được điểm kiểm tra của học sinh.

Tiền để mua sự phô bày trống rỗng: Nếu đứa bạn thân của bạn sắp cưới mà bạn chưa nghĩ ra được viết lời chúc như nào, bạn có thể lên trang ThePerfectToast.com, trả lời một khảo sát ngắn về việc bạn đã quen biết cô dâu, chú rể như nào, trả 149 đô la và bạn sẽ có một lời chúc hoàn hảo được chắp bút bởi những người viết thiệp chuyên nghiệp.

Nếu bạn muốn có một Profile “ngon lành” hơn thì sao? Năm 2007, một trang Web tên là FakeYourSpace.com cung cấp dịch vụ cho thuê “Friends” và “Comments” từ các Hot-girls để làm đẹp trang nhà Facebook của bạn với giá chỉ 99 cent /1 tháng. (Trang này sau đó bị đóng cửa vì lấy ảnh người mẫu trái phép.)

Nếu bạn muốn một bức tượng vàng Oscar để bày trong nhà nhưng không thể tự lực có được chúng thì sao? Năm 1990, Micheal Jackson đã trả khoảng 1,54 triệu đô la cho tượng vàng Oscar dành cho hạng mục Phim hay nhất, trao cho phim Cuốn theo chiều gió. (Sau này thì ban tổ chức đã yêu cầu những người nhận giải Oscar kí thỏa thuận hứa không được bán lại chúng.)

Tiền để mua sự tự nguyện chăm sóc sức khoẻ: Phòng bệnh không chỉ hơn chữa bệnh mà còn rẻ hơn rất nhiều. Vì thế, các chính phủ, các công ty, các quỹ bảo hiểm bắt đầu trả tiền cho người dân nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Cơ quan y tế quốc gia Anh trả cho những người béo phì khoảng 612 đô la để họ giảm và giữ không tăng cân trở lại trong 2 năm. Cũng ở Anh, một số bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Bipolar disorder) hoặc tâm thần phân liệt (Schizophrenia) được trả khoảng 22 đôla nếu đi tiêm thuốc thần kinh hàng tháng. Năm 2009, công ty GE bắt đầu trả các nhân viên của mình 750 đôla để bỏ thuốc lá trong vòng ít nhất một năm. 80% công ty Mỹ hiện đang áp dụng khuyến khích tài chính cho những nhân viên chịu đi rèn luyện sức khỏe.

Và v,v… 

Trong xã hội mà mọi thứ đều có thể áp dụng cơ chế thị trường để giải quyết như trên thì chắc chắn là xã hội sẽ thụ động trước đồng tiền, bị tính ích kỷ bủa vây, mất đi cái kết cấu cộng đồng. Vậy nó là cái xã hội gì vậy?

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Các bạn trẻ sẽ học theo kiểu nào?

CÁC BẠN TRẺ SẼ HỌC THEO KIỂU NÀO?


Có một nghịch lý mà chúng ta thường hay mắc phải, đó là chúng ta muốn giỏi giang, chuyên nghiệp nhưng lại không muốn rèn luyện hay động não. Chúng ta đi học ở trường để lấy bằng, chúng ta đi học ở các trung tâm bên ngoài để cố lấy các thủ thuật sao cho dễ dàng nhanh chóng trở nên chuyên nghiệp. Lối học này biến chúng ta hoặc thành những kẻ ảo tưởng rằng chúng ta đã trở nên chuyên nghiệp, hoặc chúng ta chẳng cải thiện gì về kiến thức hay kỹ năng mà chỉ giết thời gian vào việc nghe giảng.

.

Sự khác biệt mấu chốt giữa người chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp không phải là người chuyên nghiệp có nhiều kỹ năng hơn mà là người chuyên nghiệp có nền tảng tốt hơn, và do đó có thể đi xa hơn trong việc trở thành một chuyên gia của lĩnh vực nào đó.

.

Có một thời, các lớp dạy kỹ năng mọc lên như nấm: dậy làm giàu, dậy giao tiếp, dậy phân tích bản thân, dậy thiền, dậy học tiếng Anh…v…v… Những lớp kỹ năng này không cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng hay gợi mở cho các bạn rằng việc biết nền tảng là điều cần thiết. Các lớp kỹ năng này đều hướng tới các thủ thuật được đúc rút từ kinh nghiệm của những người nổi tiếng. Ở các nước có hệ thống giáo dục đủ tốt để cung cấp nền tảng thì những lớp kỹ năng này là cần thiết. Thế nhưng ở nước ta, chúng ta dễ dàng bị rơi vào tình trạng mất nền tảng hay còn gọi là học mất gốc khi ở cấp phổ thông và cấp đại học, thì những lớp kỹ năng này chỉ khiến các bạn tiếp nhận thông tin theo lối “monkey see, monkey do” (thành ngữ chỉ thấy sao làm vậy)  mà thôi.

.

Khi bạn thiếu nền tảng, bạn sẽ mất khả năng tự học, mà sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào giảng viên. Tức là khi bạn học một kỹ năng và bạn cảm thấy áp dụng được trên thực tế, thế nhưng khi thực tế thay đổi, bạn sẽ không thể ứng biến được, và tiếp tục lại tham gia vào rất nhiều các khóa kỹ năng khác. Như vậy, cả cuộc đời của bạn sẽ đeo đuổi theo việc học, mà cái học này không thực chất, không ngấm sâu vào tâm trí của bạn. Cái học dạng này rất khác với cái học sâu sắc để khám phá thế giới và cuộc sống. Chúng ta rất dễ nhầm lẫn hai lối học vừa kể trên khi cho rằng “có học vẫn hơn” hay “học ấm vào thân”, “có học có hơn”.

Một kiểu học giúp chúng ta hiểu sâu biết rộng, còn lối học mà chúng ta vẫn chạy theo là lối học tinh ranh mang tính ứng phó với tình trạng nhất thời.

.

Xét riêng về mảng kỹ năng, kỹ năng cũng phân ra nhiều loại. Có loại kỹ năng được xây dựng từ cải thiện cách tư duy, khuyến khích tìm hiểu bản chất của vấn đề; cũng có loại kỹ năng là luyện các thủ thuật lặp đi lặp lại. Những kỹ năng giúp cải thiện tư duy giúp chúng ta nhanh chóng phát hiện vấn đề, dễ dàng tự tìm tòi, học hỏi. Còn những kỹ năng mang tính thủ thuật, dễ học, nhưng thứ học đó chỉ biết ta thành một cái máy trong một hệ thống lớn chứ không giúp ta làm chủ được tay nghề của mình.

Tự học con đường dẫn đến thành công

 TỰ HỌC CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG

Giáo dục truyền thống giúp bạn kiếm sống qua ngày, nhưng tự học sẽ giúp bạn kiếm cả một gia tài

Albert Einstein từng nói: “Trí khôn không phải sản phẩm của trường lớp mà phải mất cả đời tự nỗ lực mới có được”. Thật vậy, muốn chạm đến cánh cửa thành công, không có con đường nào khác ngoài tự học.


Elon Musk là vị tỷ phú từng có bằng khoa học từ các trường đại học hàng đầu trong nhóm Ivy League, nhưng ông vẫn khẳng định tất cả kiến thức trong bộ nhớ của mình đều đến từ những cuốn sách ông đã đọc. Hầu hết tất cả nhân vật truyền cảm hứng trên thế giới đều sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh rỗi của mình để ngồi xuống và nghiền ngẫm cuốn sách của riêng mình.

Đối với những ai theo đuổi con đường nghệ thuật, cách nghiên cứu tốt nhất là đọc sách, bất cứ thể loại gì. Cảm hứng có thể bắt nguồn từ thơ ca, tiểu thuyết, các tác phẩm viễn tưởng,… Những cuốn sách này còn giúp bạn phát triển kỹ năng viết, vận dụng ngôn ngữ, khả năng tư duy, là tài sản quan trọng cho bất kỳ ai đang trong quá trình phát triển bản thân.

Tất cả những con người đạt được thành công trong cuộc sống đều có một điểm chung: họ đã chủ động tự dạy mình điều mới, hoặc bổ sung cho vốn hiểu biết sẵn có của mình thông qua tự học.

Hiệu quả là vậy, nhưng đừng lầm tưởng rằng chúng ta không cần phải đến trường, chỉ việc ở nhà cắm mặt vào sách vở là có thể thành công. Hầu như tất cả các nhà sáng chế, doanh nhân, nghệ sĩ vang danh thế giới đều phải trải qua quá trình học tập trên ghế nhà trường để tích lũy cho mình vốn kiến thức nền tảng nhất định.

Jim Rohn, doanh nhân và nhà diễn thuyết truyền động lực nổi tiếng người Mỹ đã nói: "Cách giáo dục thông thường sẽ giúp bạn kiếm sống qua ngày, nhưng tự học sẽ giúp bạn kiếm cả một gia tài".